Quan chức có nên “chạy đua” làm giáo sư?

Câu chuyện về giáo sư, phó giáo sư tiếp tục nóng lên khi người ta phát hiện trong số giáo sư, phó giáo sư được công nhận đạt chuẩn năm 2017 có không ít vị là quan chức.
Một tân PGS nhận giấy chứng nhận chức danh tại một buổi lễ - Ảnh: Nguyễn Khánh
Một tân PGS nhận giấy chứng nhận chức danh tại một buổi lễ. Ảnh: Nguyễn Khánh
Vấn đề đặt ra là: quan chức có nên "chạy đua" làm giáo sư, phó giáo sư (GS, PGS)? Câu trả lời của các chuyên gia khi chia sẻ với Tuổi Trẻ là "không".
Quan chức có nên “chạy đua” làm giáo sư? ảnh 2

Mỗi vị trí công tác đều có đặc thù riêng. Trong điều kiện hiện nay, để làm tròn nhiệm vụ, trách nhiệm công chức là điều không dễ dàng.

Đối với nhiều lĩnh vực - nhất là giáo dục và y tế - hiện nay còn quá nhiều vấn đề xã hội và người dân kỳ vọng, quan tâm, lại hay bị phê phán, chê trách…

Tôi nghĩ mọi công chức của hai ngành này nên tập trung làm tốt công việc cho dân khỏi kêu đã là quý lắm rồi. Không nên vì danh hão để việc chính thì bê trễ, việc phụ chỉ "tráng men", mà còn vi phạm Luật công chức do "tham nhũng" thời gian làm những việc cấp trên không giao.

Việc rà soát hồ sơ GS, PGS vừa qua, mà đặc biệt chọn cán bộ quản lý là một trong những đối tượng phải "quan tâm" kỹ, chắc hẳn là bài học kinh nghiệm cho nhiều người.

Là quan chức hành chính thì rất không nên lao vào làm GS, PGS. Bởi lẽ GS phải là người lãnh đạo về khoa học, đi vào hướng nghiên cứu mới, đào tạo nhân tài cho quốc gia...

Vì vậy, trong những quy định sửa đổi sắp tới cần chỉ rõ hơn chức năng, nhiệm vụ, trách nhiệm của GS, PGS. Cũng nên quy định cho quan chức hành chính không làm GS, PGS để tập trung làm tròn nhiệm vụ của một công chức.

Quan chức có nên “chạy đua” làm giáo sư? ảnh 3

Tôi đi công tác, nghiên cứu học tập kinh nghiệm một số nước thì thấy phần lớn chức danh GS chỉ dành cho những người làm ở các cơ sở đào tạo, gần như không có chuyện cán bộ làm công tác quản lý nhà nước lại được phong GS.

Nhưng ở Việt Nam, chức danh GS, PGS có cả ở những người làm việc hành chính, không liên quan gì đến giảng dạy và nghiên cứu. Điều này không đúng với xu thế chung của thế giới là GS phải gắn với cơ sở đào tạo, cơ sở nghiên cứu và thực sự có đóng góp cho công tác giảng dạy, nghiên cứu.

Ở nhiều nước, chức danh GS, PGS là do cơ sở đào tạo quyết định, vì họ hiểu rõ chất lượng ứng viên ra sao. Đằng này ở ta, việc xét duyệt công nhận chức danh GS, PGS lại chủ yếu do hội đồng ngành, liên ngành, hội đồng nhà nước quyết định, hiểu về ứng viên không nhiều, thậm chí không ai biết ai thì rất khó tôn vinh chính xác.

Cũng phải nói thêm, ở các nước, GS không phải là chức danh vĩnh viễn. Người đã thôi không còn làm công tác giảng dạy, nghiên cứu thì có thể không còn được tôn là GS. Còn ở ta, chức danh GS đương nhiên gắn suốt đời người đã được công nhận.

Theo tôi, đã đến lúc phải thay đổi, nhất là các quy định liên quan để quan chức không chạy theo chức danh này nữa.

Quan chức có nên “chạy đua” làm giáo sư? ảnh 4

Nếu những cán bộ quản lý nhà nước lại tập trung cho chuyên môn nghiên cứu thì thời gian đâu để làm công tác quản lý? Còn nếu say sưa với nghiên cứu thì sẽ chỉ trở thành một nhà quản lý tồi.

Ví dụ có vị bộ trưởng thời còn làm viện trưởng một viện nghiên cứu có thể có nhiều công trình khoa học thật, nhưng khi đã đảm nhiệm vị trí bộ trưởng thì thời gian đâu mà nghiên cứu khoa học?

Nhìn vào bảng kê khai nhiều thành tích nghiên cứu, rồi hướng dẫn bao nhiêu nghiên cứu sinh, giảng dạy bao nhiêu nơi thì rất có thể đó chỉ là hình thức. Hoặc nếu có đam mê thật, đóng góp thật thì chỉ là nhà quản lý tồi, vì lấy đâu ra thời gian và tâm huyết cho ngần ấy việc?

Vậy chức danh GS có ý nghĩa gì với người làm quản lý? Chỉ ở Việt Nam mới có tình trạng này, chứ ở các nước thì quan chức làm GS để làm gì? GS thì phải có đóng góp, cống hiến cho trường đại học cụ thể.

Đã đến lúc chấm dứt kiểu GS không đóng góp gì cho nhà trường, cho khoa học, mà chỉ là cái danh để đem lại lợi lộc cho người được công nhận.

Tin mới