Quan hệ kinh tế Việt Nam-Đức phát triển nhanh về mọi mặt

Sau lễ đón chính thức tại Phủ Thủ tướng Đức, chiều 15/10 (theo giờ Việt Nam), Thủ tướng Đức Angela Merkel và Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã tiến hành hội đàm.
Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng và Thủ tướng Cộng hòa Liên bang Đức Angela Merkel tại Lễ đón. Ảnh: TTXVN
Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng và Thủ tướng Cộng hòa Liên bang Đức Angela Merkel tại Lễ đón.
Ảnh: TTXVN
Thủ tướng Đức Angela Merkel hoan nghênh Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng sang thăm chính thức Đức trong bối cảnh quan hệ Đối tác chiến lược Việt Nam-Đức được thiết lập cách đây tròn ba năm đang phát triển tốt đẹp trên mọi lĩnh vực, khẳng định Đức coi trọng quan hệ với Việt Nam, quốc gia có nền kinh tế phát triển năng động và có vị thế ngày càng cao trên trường quốc tế, đặc biệt có vai trò quan trọng trong quá trình xây dựng Cộng đồng Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN).
Hai nhà lãnh đạo bày tỏ hài lòng về sự phát triển nhanh chóng và hiệu quả của quan hệ Đối tác chiến lược Việt Nam-Đức với việc triển khai thành công nhiều nội dung trong Kế hoạch hành động chiến lược; nhất trí tăng cường trao đổi đoàn các cấp, nhất là cấp cao nhằm tạo xung lực thúc đẩy mạnh mẽ hơn quan hệ hợp tác trên tất cả các lĩnh vực.
Hai bên khẳng định sẽ phối hợp chặt chẽ tổ chức các sự kiện có ý nghĩa, thiết thực kỷ niệm 40 năm thiết lập quan hệ ngoại giao Việt Nam-Đức vào năm 2015.
Hai thủ tướng đánh giá quan hệ kinh tế giữa Việt Nam và Đức có sự phát triển nhanh về mọi mặt.
Trong nhiều năm liền, Đức là đối tác thương mại lớn nhất của Việt Nam trong Liên minh châu Âu (EU). Kim ngạch thương mại hai chiều năm 2013 đạt 7,7 tỷ USD, tăng 18 % so với năm 2012.
Hiện Đức đang xếp thứ 22/101 quốc gia và vùng lãnh thổ đầu tư vào Việt Nam với 232 dự án còn hiệu lực và tổng vốn đăng ký đạt 1,25 tỷ USD.
Khoảng 250 doanh nghiệp, trong đó có nhiều tập đoàn kinh tế hàng đầu của Đức như Siemens, Bosch, Bilfinger... đang kinh doanh hiệu quả tại Việt Nam.
Thủ tướng Angela Merkel và Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng nhất trí thúc đẩy tiến độ các dự án hợp tác trọng điểm như Ngôi nhà Đức, xây dựng tuyến tàu điện ngầm số 2 tại Thành phố Hồ Chí Minh, tạo động lực thúc đẩy đầu tư của Đức vào Việt Nam.
Hai bên thống nhất tạo điều kiện để các doanh nghiệp và nhà đầu tư của mỗi nước hoạt động và kinh doanh thuận lợi tại thị trường của nhau nhằm khai thác và phát huy tiềm năng, thế mạnh của mỗi nước.
Phía Việt Nam hoan nghênh Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Kinh tế và Năng lượng Đức sang thăm Việt Nam và chủ trì Hội nghị Doanh nghiệp Đức khu vực châu Á-Thái Bình Dương lần thứ 14 tại Thành phố Hồ Chí Minh vào tháng 11 tới, đánh giá đây là một cơ hội thuận lợi để thúc đẩy hợp tác kinh tế giữa Đức với Việt Nam nói riêng và các nước trong khu vực nói chung.
Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cảm ơn Đức đã cung cấp ODA cho Việt Nam, góp phần quan trọng hỗ trợ Việt Nam thực hiện thành công các mục tiêu phát triển kinh tế-xã hội và hội nhập quốc tế.
Phía Đức đánh giá Việt Nam là một trong những đối tác sử dụng hiệu quả nguồn vốn do Chính phủ Đức tài trợ và khẳng định sẽ tiếp tục duy trì ODA cho Việt Nam trong thời gian tới, tập trung vào ba lĩnh vực ưu tiên là năng lượng, bảo vệ môi trường và dạy nghề.
Phía Đức khẳng định ủng hộ Việt Nam trong xây dựng và phát triển Trường Đại học Việt-Đức, dự án hải đăng của hai nước trong lĩnh vực giáo dục-đào tạo, thành một trường đại học tiêu biểu xuất sắc, có đẳng cấp trong khu vực.
Hai bên nhất trí đánh giá Chương trình hợp tác thí điểm đưa điều dưỡng viên Việt Nam sang làm việc dài hạn tại Đức đã thu được kết quả tốt và là cơ sở cho việc mở rộng chương trình trong thời gian tới, hướng tới những ngành nghề xã hội Đức đang có nhu cầu và lao động Việt Nam có thể đáp ứng như kỹ thuật điện, nước...
Thủ tướng Đức Angela Merkel đánh giá cộng đồng trên 125.000 người Việt tại Đức hội nhập thành công vào xã hội Đức và cam kết Chính phủ Đức sẽ tiếp tục tạo điều kiện thuận lợi để cộng đồng người Việt Nam sinh sống và làm ăn ổn định, đóng góp tích cực cho quá trình phát triển và sự thịnh vượng của nước Đức.
Hai bên cũng trao đổi về các vấn đề khu vực và quốc tế cùng quan tâm; nhất trí tăng cường hợp tác, ủng hộ lẫn nhau trên các diễn đàn đa phương và tổ chức quốc tế, nhất là tại Liên hợp quốc, Diễn đàn hợp tác Á-Âu (ASEM), ASEAN-EU.
Đức khẳng định tiếp tục ủng hộ Việt Nam tăng cường quan hệ hợp tác toàn diện với EU, thúc đẩy việc EU sớm kết thúc đàm phán, ký kết Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam-EU và công nhận Việt Nam có quy chế kinh tế thị trường cùng thời điểm hoàn tất đàm phán, hoan nghênh Tuyên bố chung giữa Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng và Chủ tịch Ủy ban châu Âu Manuel Barroso về định hướng kết thúc đàm phán Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam-EU.
Trên cương vị Điều phối viên quan hệ ASEAN-EU nhiệm kỳ 2012-2015, Việt Nam cam kết sẵn sàng làm cầu nối để Đức tăng cường quan hệ với ASEAN.
Về vấn đề Biển Đông, Thủ tướng Đức Angela Merkel khẳng định Đức ủng hộ lập trường của Việt Nam giải quyết tranh chấp bằng các biện pháp hòa bình, trên cơ sở luật pháp quốc tế, Công ước của Liên hợp quốc về Luật biển (UNCLOS) năm 1982, Tuyên bố về cách ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC) và coi đây là phương thức hiệu quả để giải quyết các khác biệt.
Chiều cùng ngày, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã hội kiến với Chủ tịch Quốc hội Đức Norbert Lammert.
Chủ tịch Quốc hội Norbert Lammert đánh giá cao quan hệ tốt đẹp giữa hai nước trên mọi lĩnh vực, trong đó có hợp tác qua kênh Quốc hội, vui mừng thông báo sẽ sang thăm Việt Nam và tham dự Đại hội đồng Liên minh Nghị viện thế giới (IPU) lần thứ 132 do Việt Nam đăng cai tổ chức vào tháng 3/2015.
Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cảm ơn Quốc hội và nhân dân Đức đã dành cho Việt Nam sự ủng hộ và giúp đỡ quý báu trong những năm tháng đấu tranh giành độc lập trước đây cũng như trong công cuộc xây dựng-phát triển đất nước ngày nay.
Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng bày tỏ mong muốn hai nước, hai Quốc hội tăng cường quan hệ hữu nghị và hợp tác trên cơ sở quan hệ Đối tác chiến lược đã được thiết lập và Quốc hội Đức tích cực hỗ trợ Việt Nam tăng cường quan hệ hợp tác toàn diện với EU.
Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng cũng đã tới thăm, nói chuyện thân mật với cán bộ, nhân viên Đại sứ quán và đại diện cộng đồng người Việt Nam tại Đức.
Nhấn mạnh Đức là một trong những đối tác quan trọng hàng đầu của Việt Nam ở châu Âu và trên thế giới, việc tăng cường quan hệ hợp tác hiệu quả với Đức sẽ mang lại lợi ích thiết thực cho sự phát triển chung của cả hai nước, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng đánh giá cao việc Đại sứ quán đã chủ động đề xuất, tham mưu cho Chính phủ các biện pháp thúc đẩy quan hệ hợp tác hiệu quả với Đức trên nhiều lĩnh vực trong thời gian qua; đồng thời đã hỗ trợ hoạt động của các hội người Việt Nam tại Đức và làm tốt công tác bảo hộ công dân.
Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng mong muốn Đại sứ quán cũng như các cơ quan đại diện Việt Nam tại Đức tiếp tục phát huy tinh thần đoàn kết, phấn đấu nỗ lực, đóng góp tích cực vào thúc đẩy quan hệ hợp tác giữa hai nước trên các lĩnh vực, nhất là thúc đẩy hợp tác kinh tế, thương mại, đầu tư, văn hóa, giáo dục, khoa học-kỹ thuật...
Cùng với đó là tiếp tục thực hiện tốt công tác tuyên truyền, phổ biến chủ trương, đường lối, chính sách của Đảng và Nhà nước tới đồng bào ở Đức cũng như tiếp tục làm tốt công tác bảo hộ công dân, hỗ trợ đồng bào trong học tập, làm ăn, sinh sống.
Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cũng mong muốn bà con người Việt tại Đức tiếp tục phát huy truyền thống đoàn kết, đùm bọc, tương trợ, giúp đỡ lẫn nhau trong cuộc sống; chấp hành tốt luật pháp của nước sở tại; duy trì và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc; có những hành động thiết thực hướng về quê hương, đất nước; thực hiện tốt vai trò cầu nối hữu nghị thúc đẩy quan hệ hợp tác tốt đẹp giữa Việt Nam và Đức trên các lĩnh vực.

Theo Vietnam+

Tin mới