Quan hệ Liên minh châu Âu - Trung Quốc có nguy cơ 'đứt gánh'

(Baonghean.vn) - Các cuộc đàm phán về hiệp ước đầu tư đầy kỳ vọng giữa Trung Quốc và Liên minh châu Âu (EU) đang dần đi đến hồi kết mà có thể không có “trái ngọt”, bởi quan điểm của hai bên hoàn toàn khác biệt.

THÁCH THỨC SỰ KIÊN NHẪN

Hiệp ước đầu tư EU-Trung Quốc đã kéo dài 7 năm và hơn 30 vòng đàm phán. Sự trắc trở bắt đầu ngay từ bất đồng về tên gọi. Đối với Bắc Kinh, hiệp ước đầu tư được gọi là Hiệp ước đầu tư song phương Trung Quốc-EU, còn với Brussels, đó là Thỏa thuận toàn diện về đầu tư giữa EU và Trung Quốc.

Tại những vòng đám phán trước, EU đã nêu rõ quan điểm rằng EU là thị trường mở cửa nhất thế giới, do đó rất đề cao sự công bằng. Điều này có nghĩa, EU mong muốn có một sân chơi bình đẳng giữa các nhà đầu tư châu Âu và công ty Trung Quốc trong việc tiếp cận thị trường, cấp phép hoạt động, thiết lập tiêu chuẩn chung.

Thỏa thuận hợp tác đầu tư giữa EU và Trung Quốc đã trải qua 30 vòng đàm phán. Ảnh: Liên minh châu Âu
Thỏa thuận hợp tác đầu tư giữa EU và Trung Quốc đã trải qua 30 vòng đàm phán. Ảnh: Liên minh châu Âu

Về phía mình, Trung Quốc đang đối mặt với những bất ổn lớn, nhất là trong bối cảnh mối quan hệ với Washington đang ở mức tồi tệ nhất trong lịch sử. Thực tế, Trung Quốc còn lo ngại trong tương lai bị cô lập khỏi hệ thống thương mại toàn cầu được xây dựng trên cơ sở các hiệp ước song phương và khu vực, mà nước này không phải là thành viên. Hơn lúc nào hết, Bắc Kinh nóng lòng kết thúc thỏa thuận với EU trong năm nay, và hy vọng rằng thỏa thuận này sẽ trở thành động lực kép cho nền kinh tế thế giới.  

Thế nhưng, vào thời điểm Brussels tin rằng Bắc Kinh đang tiến gần hơn đến tiêu chuẩn đề ra, thì những căng thẳng song phương bắt đầu sục sôi. Trong cuộc họp vào cuối tháng 6, Chủ tịch Tập Cận Bình đã phê duyệt kế hoạch hoạt động 3 năm nhằm cải cách doanh nghiệp nhà nước. Động thái này phát đi thông điệp mạnh mẽ về việc nâng cao vai trò của các công ty nhà nước, bởi đây chính là trụ cột chính để khôi phục kinh tế đất nước sau đại dịch. Kế hoạch này sẽ tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với các công ty nhà nước, và cải thiện năng lực cạnh tranh kinh tế, kiểm soát nền kinh tế, chống lại rủi ro.

Chính sách đó của Trung Quốc dường như đã thách thức sự kiên nhẫn của EU. Để mở cửa thị trường và thu hút đầu tư, Trung Quốc đã cắt giảm dần mọi rào cản, song vẫn chưa đạt được tiến bộ đáng kể trong việc cải cách các công ty nhà nước theo mô hình kinh tế thị trường như EU mong đợi.

Chủ tịch Hội đồng châu Âu Charles Michel và Chủ tịch Ủy ban châu Âu Ursula von der Leyen tại cuộc họp báo ở Brussels, Bỉ, sau hội nghị thượng đỉnh trực tuyến với Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình hôm 22/6. Ảnh: Reuters
Chủ tịch Hội đồng châu Âu Charles Michel và Chủ tịch Ủy ban châu Âu Ursula von der Leyen tại cuộc họp báo ở Brussels, Bỉ, sau Hội nghị thượng đỉnh trực tuyến với Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình hôm 22/6. Ảnh: Reuters

“Những kỳ vọng của thỏa thuận đang dần biến mất. EU đang trở nên mệt mỏi trước hàng loạt lời cam kết của Trung Quốc về việc cố gắng đưa nước này trở thành pháo đài của thương mại tự do và mở cửa. Song chúng tôi không thấy bất kỳ nỗ lực cải cách lớn nào”.

Joerg Wuttke - Chủ tịch phòng thương mại EU tại Trung Quốc

Đối với châu Âu, tăng tính minh bạch trong ưu đãi đối với doanh nghiệp thuộc nhà nước là điều tối quan trọng. Bussels sẽ không đặt bút ký bất kỳ thỏa thuận nào, trừ khi những yêu cầu tiên quyết này được đáp ứng. Dường như các điều kiện chưa chín muồi để tiến tới đạt thỏa thuận lâu dài giữa Trung Quốc và EU. Nhất là EU khó có thể chấp nhận các cam kết mơ hồ, hoặc một thỏa thuận hời hợt.

CÚ HÍCH CUỐI CÙNG

Vòng đàm phán thứ 31 về thỏa thuận đầu tư toàn diện giữa Trung Quốc và EU sẽ chính thức diễn ra trong tuần này, song giới chuyên gia nhận định, tiến trình ở giai đoạn cuối cùng sẽ khó có thể như mong đợi.

EU có tầm quan trọng chiến lược đối với Trung Quốc, nhưng Bắc Kinh vẫn chưa tạo được niềm tin vững chãi và chứng minh cụ thể sự quan trọng này đối với Brussels. Chưa một thành viên nào của Bộ Chính trị Trung Quốc tham gia vào tiến trình đàm phán, ngay cả Phó Thủ tướng Lưu Hạc - người trực tiếp giám sát quá trình này. Điều này khác hẳn với cuộc đàm phán thương mại Mỹ-Trung, khi ông Lưu Hạc dẫn đầu nhóm đàm phán Trung Quốc và tham gia ký kết thỏa thuận thương mại giai đoạn 1 với Tổng thống Mỹ Donald Trump tại Nhà Trắng.

Ôtô xuất khẩu được xếp tại cảng ở Liên Vân Cảng, tỉnh Giang Tô, miền đông Trung Quốc.
Ô tô xuất khẩu được xếp tại cảng ở Liên Vân Cảng, tỉnh Giang Tô, miền Đông Trung Quốc. Ảnh: THX/TTXVN

“Khi không có sự tham gia của một thành viên Bộ Chính trị trong các cuộc đàm phán thì Trung Quốc sẽ khó đưa ra quyết định quan trọng”.

Trần Long - Chuyên gia Cơ quan nghiên cứu độc lập

Trên thực tế, EU vẫn rất cần nguồn đầu tư hùng hậu từ Trung Quốc, nhất là khi các công ty châu Âu khao khát tiếp cận thị trường nền kinh tế lớn thứ hai thế giới. Thế nhưng, việc đàm phán ký kết thỏa thuận hợp tác đang đẩy EU vào thế khó, trong bối cảnh khắp lục địa đang đề cao cảnh giác. Trung Quốc thường xuyên bị coi là đối thủ toàn diện và nguồn gốc của thông tin sai lệch đối với châu Âu. EU cũng đưa ra lập trường cứng rắn đối với một loạt vấn đề gây tranh cãi liên quan tới Huawei, Hong Kong, Tân Cương hay Covid-19.

Hơn thế, động lực chính trị duy nhất của Brussels đang dần lung lay, khi Thủ tướng Đức Angela Merkel - “người mai mối” cho EU và Trung Quốc, đồng minh vững vàng nhất của Trung Quốc ở phương Tây, sắp rời nhiệm sở vào mùa hè năm sau. Quan hệ ổn định giữa EU và trung Quốc cũng được cho là đang dần đi tới hồi kết, đặc biệt việc đảm bảo thỏa thuận đầu tư song phương từ lâu được duy trì đàm phán nhờ sự thúc đẩy của Thủ tướng Đức.

Thủ tướng Angela Merkel được xem là người mai mối, thúc đẩy tiến trình EU ký kết thỏa thuận hợp tác với Trung Quốc. Ảnh: Reuters
Thủ tướng Đức Angela Merkel được xem là người mai mối, thúc đẩy tiến trình EU ký kết thỏa thuận hợp tác với Trung Quốc. Ảnh: Reuters

Năm nay được cho là thời hạn để EU hoàn thành thỏa thuận đầu tư với Bắc Kinh, nhằm mở cửa thị trường Trung Quốc cho các công ty châu Âu. Do đó, việc xem xét kỹ lưỡng trong vài tuần tới sẽ là cú hích cuối cùng để cố gắng làm thay đổi Trung Quốc, cũng như tái cân bằng quan hệ kinh tế song phương.

Tuy nhiên, Bắc Kinh vẫn khó chấp nhận một số điều kiện quan trọng của thỏa thuận như bãi bỏ chế độ ưu đãi của Trung Quốc dành cho các doanh nghiệp nhà nước của họ. Điều này khiến thỏa thuận có nguy cơ không thể đạt được nhanh chóng.

Trung Quốc cũng trở nên thận trọng. Mục đích chính của thỏa thuận đầu tư song phương là tạo điều kiện để hai bên có thể thâm nhập sâu vào thị trường của nhau. Nhưng theo nhà nghiên cứu cao cấp Ye Bin của Viện Nghiên cứu châu Âu, Học viện khoa học xã hội Trung Quốc cho rằng, nếu hiện thực hóa, trên thực tế thỏa thuận có thể biến thành lợi ích một chiều, nghĩa là nó sẽ chỉ có lợi cho các doanh nghiệp châu Âu.

Hội nghị Thượng đỉnh EU - Trung Quốc
Thỏa thuận hợp tác đầu tư EU và Trung Quốc được kỳ vọng là đặt dấu mốc cho sự hợp tác năng động giữa 2 trong số 3 nền kinh tế lớn nhất thế giới. Trong ảnh: Hội nghị Thượng đỉnh EU - Trung Quốc lần thứ 21 diễn ra tại Brussels (Bỉ) năm 2019.

Châu Âu đã mở cửa cho các nhà đầu tư Trung Quốc trong nhiều năm qua, ngay cả khi Trung Quốc vẫn chưa có sự phát triển tương đồng. Với sự chênh lệnh như vậy, nếu không có sự nhượng bộ lẫn nhau, dễ dàng để hiểu lý do tại sao việc ký kết thỏa thuận hợp tác sẽ khó có nhiều bước tiến triển. Và mối quan hệ song phương có thể đứt gánh giữa đường.

Tin mới