Quan hệ liên Triều trước cơn sóng mới

(Baonghean.vn) - Về mặt lý thuyết, đây là khoảng thời gian để hai miền Triều Tiên “tay trong tay” kỷ niệm ngày đặc biệt 15/6 - mốc thời gian đánh dấu kỷ niệm 20 năm kể từ hội nghị thượng đỉnh liên Triều đầu tiên năm 2000. Tuy nhiên, những động thái mới của Bình Nhưỡng lại đang khắc sâu căng thẳng, vào đúng thời điểm Tổng thống Moon Jae-in rất kỳ vọng để hâm nóng mối quan hệ. Nhưng tại sao Triều Tiên lại muốn gia tăng “khủng hoảng” với Hàn Quốc?

Nỗ lực “tan băng” thất bại

“Đây là một dấu hiệu của sự thù địch với người dân chúng tôi. Chúng tôi đã đi đến kết luận rằng không cần thiết ngồi mặt đối mặt với giới chức Hàn Quốc, và không có vấn đề gì cần phải thảo luận với họ” - đây là trích đoạn tuyên bố trên hãng truyền thông nhà nước Triều Tiên KCNA. Tất cả các đường dây liên lạc xuyên biên giới đã bị Triều Tiên cắt hoàn toàn từ trưa 9/6, bao gồm chấm dứt đường dây liên lạc tại Văn phòng liên lạc liên Triều cùng các đường dây nóng giữa quân đội và văn phòng tổng thống hai nước. Đây sẽ là bước đi đầu tiên trong quyết tâm đóng cửa hoàn toàn mọi phương tiện liên lạc với Hàn Quốc và loại bỏ những thứ không cần thiết. Và dường như, những nỗ lực làm tan bang căng thẳng giữa 2 miền Triều Tiên trong 2 năm qua đã thất bại hoàn toàn.

Sau những nỗ lực làm nóng vào năm 2018, quan hệ ngoại giao liên Triều đã có những dấu hiệu hạ nhiệt kể từ năm 2019. Ảnh: Reuters
Sau những nỗ lực làm nóng vào năm 2018, quan hệ ngoại giao liên Triều đã có những dấu hiệu hạ nhiệt kể từ năm 2019. Ảnh: Reuters

Quyết định này được đưa ra bởi Kim Yo-yong - em gái và là thận cận đáng tin cậy nhất của nhà lãnh đạo Kim Jong-un, và Kim Yong Chol - cựu giám đốc tình báo quân sự. Đối với Triều Tiên, hành động thù địch rải tờ rơi của Hàn Quốc là điều không thể chấp nhận được và “buộc phải trả giá đắt”. Động thái trên của cả Hàn Quốc và Triều Tiên cho thấy, mối quan hệ liên Triều đang đối mặt với sóng gió mới và Triều Tiên đang gia tăng áp lực buộc chính quyền Hàn Quốc phải đảm bảo tuân thủ cam kết đã hứa. Trước đó vài ngày, Triều Tiên đã chỉ trích và đe dọa đóng cửa Văn phòng Liên lạc liên Triều và ngụ ý sẽ có các biện pháp cứng rắn khác nếu Hàn Quốc không có hành động ngăn chặn những kẻ đào tẩu rải truyền đơn chống phá Triều Tiên ở khu vực biên giới hai nước.

Việc phát tờ rơi từ lâu đã gây nên căng thẳng liên Triều. Thế nhưng, thay vì có phản ứng ngay lập tức trước những cảnh báo của Triều Tiên, chính phủ Hàn Quốc chỉ dừng lại ở những tuyên bố sẽ thúc đẩy các lệnh cấm phát tờ rơi bất hợp pháp. Lẽ dĩ nhiên, với Triều Tiên, phản ứng đó của Hàn Quốc là thiếu sự chân thành, “vô trách nhiệm”, và mang “tín hiệu thù địch”.

Giáo sư Lim Eul-chul, Giám đốc Trung tâm ICNK tại Đại học Kyungnam nhận định: Hàn Quốc đã hành động quá chậm để ngăn chặn việc rải truyền đơn. Đối với Triều Tiên, việc phát hành tờ rơi chống Bình Nhưỡng là một dấu hiệu cho thấy Hàn Quốc coi Triều Tiên là kẻ thù, và theo đó, Bình Nhưỡng tuyên bố sẽ coi Seoul là kẻ thù để đáp trả. Điều này cũng đồng nghĩa, trong trường hợp xấu nhất, Hàn Quốc sẽ không tránh khỏi các cuộc đụng độ vũ trang với Triều Tiên.

Triều Tiên cho rằng, Hàn Quốc không ngăn chặn những kẻ đào tẩu rải truyền đơn tại khu vực biên giới hai nước. Ảnh: EPA
Triều Tiên cho rằng, Hàn Quốc không ngăn chặn những kẻ đào tẩu rải truyền đơn tại khu vực biên giới hai nước. Ảnh: EPA

Nguồn cơn bộc phát

Sự việc phát tờ rơi thực tế đã vi phạm Tuyên bố chung liên Triều tháng 9/2018 nhằm ngăn chặn mọi hành vi thù địch. Tuy nhiên, những vết rạn nứt trong quan hệ hai miền Triều Tiên đã xuất hiện sớm hơn trước đó, đặc biệt kể từ khi Hội nghị thượng đỉnh Mỹ-Triều tại Hà Nội hồi tháng 2/2019 thất bại, các cuộc đàm phán về phi hạt nhân hóa giữa Triều Tiên và Mỹ rơi vào bế tắc. Một số chuyên gia cho rằng, Triều Tiên có thể đang cố tình tạo ra căng thẳng để tăng cường đoàn kết nội bộ, hoặc đưa ra sự khiêu khích đáng kể hơn khi đối mặt với các lệnh trừng phạt dai dẳng từ Mỹ.

Bình Nhưỡng liên tục thể hiện thái độ lạnh nhạt với Seoul như: bắt đầu chiến dịch thử nghiệm tên lửa tầm ngắn, từ chối các đề xuất viện trợ gạo của Hàn Quốc, dỡ bỏ cơ sở hạ tầng của Hàn Quốc tại Khu du lịch núi Kumgang, chỉ trích các cuộc tập trận của Hàn Quốc…Với cách tiếp cận đó trong suốt hơn một năm qua, việc Bình Nhưỡng chỉ trích gay gắt Hàn Quốc trong các chiến dịch rải truyền đơn dọc khu vực biên giới có thể chỉ là một phần của chiến lược nhắm vào Seoul của Triều Tiên. Nói cách khác, việc rải truyền đơn là chất xúc tác và biện minh cho chiến dịch chống Hàn Quốc được mài giũa từ lâu, đang và sẽ công khai trong những tuần tiếp theo.

Bằng cách gia tăng áp lực lên chính quyền Hàn Quốc, Bình Nhưỡng hy vọng có thể tối đa hóa cơ hội đẩy Washington ra khỏi sự ưu tiên của Seoul, từ đó đáp ứng những lợi ích của Bình Nhưỡng. Ngoài ra, để giải thích lý do tại sao Triều Tiên theo đuổi chính sách căng thẳng cao độ với Hàn Quốc tại thời điểm này, không loại trừ nguyên nhân “sự tức giận” mới lần này đang chuyển hướng chú ý của dư luận về khó khăn kinh tế đang gia tăng ở Triều Tiên, nguy cơ dịch Covid-19 có thể lây lan khắp đất nước, hay những tin đồn về sức khỏe của Nhà lãnh đạo Kim Jong-un.

Trong tuyên bố mới nhất của Triều Tiên, bà Kim Yo-jong, em gái của Nhà lãnh đạo Kim Jong-un đóng vai trò quan trọng. Ảnh: AP
Trong tuyên bố mới nhất của Triều Tiên, bà Kim Yo-jong, em gái của Nhà lãnh đạo Kim Jong-un đóng vai trò quan trọng. Ảnh: AP

Hơn nữa, nếu quan hệ liên Triều không được cải thiện trong những tuần và tháng tới, thì sẽ trở thành cái cớ để quân đội Triều Tiên tiến hành phóng thử nghiệm tên lửa và tập trận quân sự. Ngoài ra, còn tăng thêm động lực phát triển tên lửa táo bạo của Triều Tiên, nhằm hiện thực hóa lời tuyên bố hồi tháng 12 của ông Kim Jong-un, rằng thế giới sẽ chứng kiến vũ khí chiến lược mới của Triều Tiên trong tương lai gần.

Cuối cùng, không nên bỏ qua vai trò của Kim Yo-jong - em gái của Nhà lãnh đạo Kim Jong-un trong mối quan hệ ngày càng căng thẳng giữa hai miền. Đây là tuyên bố thứ 3 mà bà Kim ban hành trong năm nay. Những tuyên bố cứng rắn gần đây của Kim Yo-jong với Hàn Quốc trái ngược hoàn toàn với hình ảnh thân thiện khi bà tới thăm Hàn Quốc nhân sự kiện Thế vận hội mùa Đông 2018.

Chuyên gia Leif-Ericf Easley từ Đại học Ewha (Hàn Quốc) cho rằng, ông Kim Jong-un dường như đang nỗ lực trong việc nâng cao vị thế chính trị cho em gái qua những phát ngôn cứng rắn, đặt bà lên nhóm quan chức hàng đầu, vào có thể đưa ra quyết định chủ chốt. Giới quan sát phỏng đoán, bà Kim Yo-yong rất có thể đã trở thành “nhân vật quyền lực số 2” tại Triều Tiên.

Tương lai trắc trở

Mặc dù hai miền Triều Tiên đã không liên lạc với nhau tại Văn phòng Liên lạc Kaesong kể từ đầu tháng 1/2019 do đại dịch Covid-19, thế nhưng hôm 8/6, Bình Nhưỡng cũng đã không còn trả lời tất cả các cuộc gọi từ Seoul thông qua đường dây nóng. Tuy nhiên, chính quyền Tổng thống Moon Jae-in sẽ sớm có những bước đi mới, nhằm xoa dịu căng thẳng giữa Hàn-Triều.

Sịnh viên xuống Bình Nhưỡng xuống đường biểu tình phản đối việc rải truyền đơn. Ảnh: Reuters
Sịnh viên Bình Nhưỡng xuống đường biểu tình phản đối việc rải truyền đơn. Ảnh: Reuters

Bất chấp Bình Nhưỡng thay đổi quan điểm, Nhà Xanh vẫn tiếp tục duy trì sự điềm tĩnh khi đối mặt, xoay chuyển tình hình hiệu quả bất cứ khi nào cần thiết. Nhiều tháng qua, chính quyền Tổng thống Moon luôn thể hiện để Kim Jong-un thấy rõ sự nghiêm túc trong mối quan hệ như: Đề xuất Liên hợp quốc dỡ bỏ các lệnh trừng phạt với Triều Tiên, nỗ lực mạnh mẽ của Seoul nhằm dập tắt những tin đồn về tình trạng sức khỏe của Nhà lãnh đạo Kim Jong-un trong những ngày cuối tháng 4 vừa qua…

Tuy nhiên, với sự chỉ trích nặng nề, rõ ràng sự tức giận của Triều Tiên với Seoul khó có thể nguôi ngoai trong “một sớm một chiều. Kim In-tae, nhà phân tích của Viện Chiến lược An ninh quốc gia Hàn Quốc dự đoán: “Sự đổ vỡ trong quan hệ liên Triều sẽ không nhanh chóng tan đi như mong đợi. Điều này khiến ngoại giao song phương trở nên khó khăn hơn. Căng thẳng giữa hai bên tiếp tục kéo dài”.

Tin mới