Quan hệ Mỹ - Canada sẽ ‘ấm nóng’ dưới thời Joe Biden?

(Baonghean.vn) - Theo truyền thống ngoại giao từ trước đến nay, Canada luôn là quốc gia đầu tiên mà một Tổng thống mới nhậm chức của nước Mỹ đến thăm. Bất chấp quan hệ hai bên đang căng thẳng do quyết định của Tổng thống Joe Biden thu hồi giấy phép đường ống dẫn dầu Keystone XL do Canada hậu thuẫn, cuộc gặp song phương đầu tiên này dự kiến vẫn diễn ra nhưng theo hình thức trực tuyến. Liệu cuộc gặp này có thể “hâm nóng” mối quan hệ giữa hai nước láng giềng và đồng minh Mỹ - Canada dưới thời chính quyền mới tại Mỹ?

Khởi đầu tốt đẹp

Nhìn lại cuộc bầu cử Tổng thống tại Mỹ hồi tháng 11 năm ngoái, Thủ tướng Canada Justine Trudeau là nhà lãnh đạo thế giới đầu tiên đã gửi lời chúc mừng chiến thắng của ông Biden. Cho đến tháng 1 vừa qua, nhà lãnh đạo Canada có lẽ cũng rất tự hào khi nhận cuộc gọi đầu tiên từ tân Tổng thống Mỹ Joe Biden. Trong thông báo mới nhất, Nhà Trắng cho biết, hai nhà lãnh đạo sẽ có cuộc gặp song phương đầu tiên vào ngày mai - thứ 3 (23/2). Tuy nhiên, cuộc gặp sẽ được tổ chức theo hình thức trực tuyến để tránh các nguy cơ do dịch Covid-19. Phía Mỹ kỳ vọng, cuộc gặp không chỉ mang ý nghĩa hình thức ngoại giao mà còn nhằm tăng cường hợp tác về các mối quan tâm chung. Thư ký báo chí Nhà Trắng Jen Psaki nhấn mạnh, đây sẽ là “cơ hội để hai nhà lãnh đạo xem xét các nỗ lực chung trong các lĩnh vực hai bên cùng quan tâm, như ứng phó với Covid-19, biến đổi khí hậu và các mối quan hệ kinh tế ràng buộc...”.

Ông Joe Biden khi còn là Phó Tổng thống Mỹ bắt tay Thủ tướng Canada Justine Trudeau năm 2016. Ảnh: Reuters
Ông Joe Biden khi còn là Phó Tổng thống Mỹ bắt tay Thủ tướng Canada Justine Trudeau năm 2016. Ảnh: Reuters

Vì thế cũng không khó hiểu khi Thủ tướng Trudeau nhân dịp này đã ca ngợi mối quan hệ Mỹ - Canada là “một trong những tình bạn bền chặt và sâu sắc nhất”, và rằng, “mối quan hệ này được xây dựng dựa trên các giá trị chung...”. Cũng cần nhắc lại, sóng gió trong mối quan hệ Mỹ - Canada dưới thời cựu Tổng thống Donald Trump đã nổi lên ngay tại cuộc họp nhóm G7 diễn ra tại Canada hồi năm 2018. Bất chấp sự phản đối của đồng minh, ông Trump đã quyết định áp thuế lên thép và nhôm của Canada với lý do an ninh quốc gia đồng thời công kích Thủ tướng Trudeau là “thiếu trung thực và yếu đuối”. Bởi vậy, với nền tảng ngôn ngữ chung, lịch sử, địa lý có nhiều điểm tương đồng, đường biên giới quốc tế dài nhất thế giới, kim ngạch thương mại trung bình 700 tỷ USD mỗi năm và đặc biệt là một chính quyền mới, Thủ tướng Trudeau hy vọng sẽ có một chương mới trong quan hệ giữa hai bước, đảo ngược bầu không khí có phần “u ám” dưới thời ông Donald Trump.

Rắc rối Keystone XL

Ngay trước cuộc gọi chúc mừng cho ông Biden, hơn ai hết, Thủ tướng Trudeau và người Canada đều hiểu rằng, một nước láng giềng khổng lồ và giàu có phía Nam không thể lúc nào cũng giữ được mối quan hệ tốt đẹp. Trong phát biểu mới nhất cuối tuần trước, bản thân ông Trudeau cũng thừa nhận rằng, “không phải lúc nào cũng có sự liên kết và hợp tác hoàn hảo với đồng minh Mỹ, dù đó là Tổng thống nào đi nữa”. Tuyên bố này được hiểu là nhằm trấn an phần nào người dân Canada với quyết định của ông Biden với dự án Keystone XL mới đây. Cần nhắc lại, ngay trong ngày đầu tiên nhậm chức, Tổng thống Mỹ Biden đã thu hồi giấy phép đối với đường ống Keystone XL, dự kiến sẽ vận chuyển khoảng 830.000 thùng dầu thô mỗi ngày từ Alberta (Canada) đến Nebraska (Mỹ), như một phần của cam kết hạn chế tác động của biến đổi khí hậu. Thực tế, dự án này đã từng vấp phải phản đối từ thời chính quyền cựu Tổng thống Barack Obama, khi đó ông Biden là Phó Tổng thống. Chỉ đến thời ông Donald Trump, dự án này mới được hồi sinh.

Tổng thống Mỹ Joe Biden khiến dư luận Canada tức giận khi thu hồi giấy phép đường ống dẫn dầu Keystone XL do Canada hậu thuẫn ngay trong ngày đầu làm việc. Ảnh: AP/CBC
Tổng thống Mỹ Joe Biden khiến dư luận Canada tức giận khi thu hồi giấy phép đường ống dẫn dầu Keystone XL do Canada hậu thuẫn ngay trong ngày đầu làm việc. Ảnh: AP/CBC

Dù ông Trudeau dự định sẽ trao đổi với nhà lãnh đạo Mỹ về tác động của quyết định này đối với việc làm của người lao động Canada, nhưng rắc rối này ngay lập tức vấp phải các quan điểm chỉ trích từ dư luận Canada, đặc biệt là giới chức các địa phương phụ thuộc chủ yếu vào sản xuất dầu. Như Thủ hiến tỉnh Alberta Jason Kenney mới đây đã bày tỏ sự tức giận và cho đây là quyết định thiếu tôn trọng bạn bè và đồng minh của chính quyền Mỹ. Nhân vật này thậm chí kêu gọi Thủ tướng Trudeau áp đặt các biện pháp trừng phạt kinh tế và thương mại chống lại Washington, nếu các nỗ lực ngoại giao nhằm tái lập dự án Keystone XL không thành công. Các diễn biến này đang tạo ra thách thức chính trị đối với Thủ tướng Trudeau, khi đang phải cố gắng cân bằng các chính sách về khí hậu với sản xuất và xuất khẩu dầu mỏ.

Mâu thuẫn lợi ích

Một chính sách khác của Tổng thống Mỹ Joe Biden cũng đang khiến cho dư luận Canada bức xúc, mặc dù từ trước đến nay, người Canada có xu hướng cảm thấy thoải mái hơn với các Tổng thống Mỹ của đảng Dân chủ cùng các chính sách có phần tự do hơn. Chưa kịp ăn mừng khi chính sách “Nước Mỹ trên hết” của cựu Tổng thống Donald Trump kết thúc, dư luận Canada lại vô cùng thất vọng với tuyên bố “Buy American” - (Mua hàng Mỹ) của chính quyền Biden nhằm đảm bảo tương lai cho công nhân Mỹ. Rõ ràng, quyết định này đang đe dọa các doanh nghiệp Canada vốn đang tham gia nhiều vào các chuỗi cung ứng xuyên biên giới liên kết nền kinh tế hai bên. Hay ngay cả với việc bắt giữ Giám đốc tài chính Huawei Mạnh Vãn Chu hồi năm 2018 theo yêu cầu của Mỹ, dư luận Canada cũng không mấy đồng tình. Bởi vụ bắt giữ đã khiến Trung Quốc tức giận đồng thời bắt giữ 2 công dân Canada.

Liệu quan hệ Mỹ - Canada có khởi sắc dưới thời Tổng thống Joe Biden. Ảnh: Canada Press
Liệu quan hệ Mỹ - Canada có khởi sắc dưới thời Tổng thống Joe Biden. Ảnh: Canada Press

Trước làn sóng phản đối trong nước về loạt vấn đề trong quan hệ với Mỹ, Thủ tướng Trudeau có lẽ đang phải đau đầu khi vừa phải xoa dịu dư luận, vừa phản ứng một cách chừng mực để giữ bầu không khí hợp tác với chính quyền mới của Washington. Mới nhất, một số nguồn tin cho biết, hai nhà lãnh đạo đã đồng ý để đàm phán và thảo luận thêm về chính sách “Buy Amercian” để lợi ích của giới doanh nhân Canada sẽ được xem xét và không bị ảnh hưởng quá mức. Hay như việc Mỹ có thể sẵn sàng chia sẻ các nguồn vaccine Covid-19 trong bối cảnh Canada có ít khả năng tiếp cận hơn.

Trong một động thái đáng chú ý khác, ông Trudeau cho biết sẽ không căng thẳng với ông Biden mà chỉ lưu ý rằng, người Canada và chính quyền mới ở Mỹ có “sự hòa hợp hơn về nhiều giá trị so với giai đoạn trước”. Cũng có thể hiểu, Thủ tướng Trudeau đang chờ đợi một sự cởi mở hơn từ phía chính quyền Biden đi kèm với các thỏa thuận tích cực hơn để giảm thiểu thiệt hại. Thế nhưng, liệu dư luận Canada có hài lòng với sự “nhún nhường” này hay không, sẽ là thách thức lớn đối với Thủ tướng Trudeau? Quan trọng hơn, chính quyền Tổng thống Joe Biden dù muốn vạch rõ ranh giới và sự khác biệt về chính sách đối ngoại so với người tiền nhiệm, nhưng việc đồng hành và hợp tác với đồng minh đến mức độ nào, có lẽ vẫn còn phụ thuộc vào lợi ích mà nước Mỹ có được! Và vì thế, có lẽ cuộc gặp song phương đầu tiên giữa hai nhà lãnh đạo Mỹ - Canada cũng mới chỉ là bước thăm dò của cả hai bên mà thôi!

Tin mới