Quan hệ Mỹ - Iran: Nóng - lạnh thất thường!

(Baonghean) - Ngay sau khi gửi thư yêu cầu Liên hợp quốc buộc Mỹ phải chịu trách nhiệm khi rút khỏi thỏa thuận hạt nhân nhằm đáp lại việc Washington yêu cầu Liên hợp quốc gia hạn cấm vận Tehran, chính quyền Iran lại bất ngờ đưa ra tuyên bố theo hướng hạ nhiệt tình hình. Theo đó, Iran sẵn sàng thực hiện một thỏa thuận trao đổi tù nhân với Mỹ mà không cần điều kiện tiên quyết nào.

Động thái hiếm hoi

Dư luận hẳn còn nhớ, chính quyền Tổng thống Donald Trump thời gian qua vẫn đang tiếp tục duy trì chiến lược gây sức ép tối đa lên chính quyền Iran, hay đe dọa có các động thái đáp trả Iran nếu bất kỳ tàu nào của Tehran “động binh”, quấy rối các tàu Hải quân Mỹ tại Vùng Vịnh. Mới nhất, Tổng thống Mỹ Donald Trump vừa phủ quyết dự luật được lưỡng viện Quốc hội nước này thông qua hồi tháng 3 và tháng 4, nhằm hạn chế khả năng Tổng thống phát động chiến tranh chống Iran.

Dự luật được thông qua sau khi Tổng thống Trump chỉ thị tiến hành cuộc không kích tại sân bay Iraq khiến tướng Qasem Soleimani của Iran thiệt mạng. Theo ông Trump, quyết định của ông dù không thông báo hay tham vấn Quốc hội nhưng vẫn là hợp pháp. Và rằng, theo cáo buộc của ông Trump, đây là dự luật do đảng Dân chủ đề xuất nhằm gây chia rẽ đảng Cộng hòa, nhằm giành lợi thế cho cuộc bầu cử Tổng thống vào cuối năm nay.

Mỹ và Iran vẫn “không ai chịu ai” trong các cuộc đua cân não. Ảnh: Getty
Mỹ và Iran vẫn “không ai chịu ai” trong các cuộc đua cân não. Ảnh: Getty

Bất chấp căng thẳng Mỹ - Iran liên tục gia tăng như vậy, dường như các cuộc đàm phán về việc trao đổi tù nhân giữa hai bên đang được diễn ra. Thỏa thuận bao gồm việc thả tự do cho Michael White - một cựu binh hải quân Mỹ bị Iran bắt giữ, để đổi lấy một bác sĩ người Mỹ gốc Iran bị Mỹ bắt giữ. Theo người phát ngôn chính quyền Iran, nước này đã chuẩn bị sẵn sàng cho một cuộc trao đổi tù binh mà không cần điều kiện tiên quyết. Hay hồi tuần trước, các quan chức Mỹ cũng cho biết đang đạt được tiến bộ trong nỗ lực bảo đảm việc thả nhân vật Michael White. Dù vậy cho đến nay, Mỹ vẫn chưa đưa ra câu trả lời về đề xuất đàm phán của phía Iran.

Nhìn lại hồi cuối năm ngoái, trong một động thái hiếm hoi, Mỹ và Iran đã tiến hành 1 cuộc trao đổi tù nhân, với 1 nghiên cứu sinh người Mỹ bị tình nghi là gián điệp và một nhà khoa học người Iran. Cuộc trao đổi đã được thực hiện dưới sự bảo trợ và trung gian của Thụy Sĩ.

Cũng cần nhắc lại, tù nhân là vấn đề đặc biệt nhạy cảm trong quan hệ Mỹ - Iran. Hơn 4 thập trước, ngày 4/11/1979, một nhóm sinh viên Iran đã xông vào Đại sứ quán Mỹ tại Tehran bắt giữ khoảng 60 nhà ngoại giao và công dân Mỹ làm con tin. Theo giới quan sát, sự kiện này đã trở thành một dấu mốc thù địch giữa hai bên, khiến mối quan hệ song phương rơi vào khủng hoảng nghiêm trọng. Đến nay, phía Iran đang nắm giữa ít nhất 4 công dân Mỹ, còn Mỹ được cho là đang giam giữ khoảng 20 người Iran.

Nhân vật Michael White ở Mashhad, Iran hồi tháng 3/2020. Hiện Mỹ và Iran được cho là đang tiến hành các cuộc đàm phán nhằm trao đổi cựu binh Michael White với một bác sĩ người Mỹ gốc Iran. Ảnh: AP
Nhân vật Michael White ở Mashhad, Iran hồi tháng 3/2020. Hiện Mỹ và Iran được cho là đang tiến hành các cuộc đàm phán nhằm trao đổi cựu binh Michael White với một bác sĩ người Mỹ gốc Iran. Ảnh: AP

Tác nhân Covid- 19?

Nhiều ý kiến cho rằng, đại dịch Covid- 19 đang là yếu tố trung gian vô tình thúc đẩy quá trình đối thoại về trao đổi tù nhân giữa Mỹ và Iran. Nhân vật Michael White được cho là đã bị nhiễm Covid-19 khi đang bị giam giữ trong tù. Người này sau đó đã được thả tạm thời khỏi nhà giam nhưng vẫn bị giữ lại tại Đại sứ quán Thụy Sĩ tại Iran.

Trong khi đó, Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Mỹ Morgan Ortagus cho biết, đối với chính quyền Tổng thống Donald Trump, việc đưa các công dân Mỹ bị bắt trở về nhà là ưu tiên hàng đầu. Và rằng, chính quyền ông Trump luôn để tâm tới việc đảm bảo sức khỏe, an toàn cho các công dân Mỹ bị Iran bắt giữ trái phép. Chưa hết, nhà tù đang được cho là những “ổ dịch” tiềm ẩn của dịch Covid-19 đối với cả Mỹ và Iran. Bởi vậy, dù chưa trả lời nhưng giới quan sát cho rằng, Mỹ chẳng có lý do gì để không “gật đầu” với cuộc trao đổi “chẳng tốn một xu” này!

Xét từ phía Iran, dù Covid-19 được đưa ra là lý do để trao đổi tù nhân với Mỹ, thế nhưng rõ ràng, người ta cũng thấy một sự “xuống thang” đáng kể từ phía Tehran khi không đòi bất cứ điều kiện tiên quyết nào cho “phi vụ trao đổi” này. Iran hiểu rằng, Tổng thống Trump dù có thể không tấn công quân sự nhưng vẫn giữ chiến lược “gây sức ép tối đa” - vừa cô lập, vừa bóp nghẹt nền kinh tế Iran, ít nhất là cho đến hết kỳ bầu cử Tổng thống Mỹ vào cuối năm. Đơn giản, bởi chỉ có cứng rắn với Iran, ông Trump mới có thể làm hài lòng các quan điểm cứng rắn trong nội bộ muốn trừng phạt mạnh mẽ Tehran hơn nữa.

Trong khi đó, chính quyền Iran có lẽ chưa bao giờ đối diện nhiều khó khăn thách thức như thời điểm hiện nay. Nền kinh tế lao dốc và kiệt quệ do các lệnh trừng phạt của Mỹ, cú sốc giá dầu toàn cầu giảm... Xã hội Iran ngày càng bất ổn và dậy sóng, xuất hiện nhiều làn sóng phản đối chính quyền Tổng thống Hassan Rouhani… Đề xuất một cuộc trao đổi “có lợi” cho Mỹ chẳng phải là một “nước cờ lùi” mà Iran muốn Mỹ nhân đó mà nới lỏng phần nào các lệnh trừng phạt với nước này!

Các nhân viên y tế tiến hành khử trùng đường phố ở Tehran, Iran hồi cuối tháng 3/2020. Nhân vật Michael White được cho là đã nhiễm Covid-19 khi bị giam giữ tại nhà tù ở Tehran - nơi có những điều kiện tồi tệ nhất, có thể bùng phát dịch Covid-19 bất cứ lúc nào. Ảnh: New York Times
Các nhân viên y tế tiến hành khử trùng đường phố ở Tehran, Iran hồi cuối tháng 3/2020. Nhân vật Michael White được cho là đã nhiễm Covid-19 khi bị giam giữ tại nhà tù ở Tehran - nơi có những điều kiện tồi tệ nhất, có thể bùng phát dịch Covid-19 bất cứ lúc nào. Ảnh: New York Times

Tất nhiên, là kẻ đang “nắm đằng chuôi” nhưng Tổng thống Donald Trump có lẽ không thể vội vàng vui mừng gật đầu đồng ý. Và rằng, một thỏa thuận hiếm hoi trao đổi tù nhân với Iran nếu đạt được cũng không đồng nghĩa triển vọng sáng sủa hơn cho quan hệ hai bên.

Cho đến nay, Tổng thống Trump vẫn đang bằng nhiều cách gia tăng sức ép để chính quyền Iran phải chấp nhận đàm phán về một thỏa thuận hạt nhân mới giữa hai bên, sau khi Mỹ rút khỏi thỏa thuận lịch sử năm 2015. Thế nhưng, Tổng thống Iran Hassan Rouhani vẫn bác bỏ các cuộc đàm phán với Mỹ cho đến khi được dỡ bỏ các lệnh trừng phạt. Liệu dịch bệnh có làm “mềm hóa” các tính toán của các bên hay không, có lẽ sẽ phải đợi đến khi đại dịch Covid-19 thực sự đi qua. Bởi cho đến nay, Mỹ vẫn là tâm dịch hàng đầu thế giới, và Iran cũng là một trong những ổ dịch nguy hiểm nhất tại Trung Đông!

Tin mới