Quản lý lỏng lẻo dẫn đến "lách luật" sinh con thứ 3

(Baonghean.vn) - Đã xuất hiện tư tưởng “cho sinh con thứ 3 trở lên” dẫn đến buông lỏng lãnh đạo, chỉ đạo. Hiện tượng “lách luật” để sinh con thứ 3 trở lên như ly hôn giả, làm bệnh án giả, nhận con nuôi vẫn còn xảy ra.
Sáng 11/6, dưới sự chủ trì của đồng chí Lê Minh Thông - Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy – Phó Chủ tịch UBND tỉnh, UBND tỉnh đã họp và cho ý kiến về dự thảo Chỉ thị của BTV Tỉnh ủy về tăng cường, lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện công tác dân số và phát triển trên địa bàn tỉnh Nghệ An.
 Đồng chí PCT UBND tỉnh cho ý kiến về việc sáp nhập các trung tâm dân số. Ảnh: Mỹ Hà
Đồng chí Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lê Minh Thông phát biểu ý kiến về việc sáp nhập các trung tâm dân số. Ảnh: Mỹ Hà

Chỉ thị số 09/CT/TU của BTV Tỉnh ủy về tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Nghị quyết số 20 – NQ/TU ngày 26/6/2009 về tiếp tục đẩy mạnh công tác DS – KHHGĐ trong tình hình mới được thực hiện từ năm 2012, đem đến nhiều hiệu quả thiết thực.

Mặc dù vậy, trong thời điểm hiện tại, việc ban hành Chỉ thị mới là điều cần thiết bởi Nghệ An chưa đạt được mức sinh thay thế, quy mô dân số lớn, đứng thứ 4 cả nước. Trong quá trình thực hiện, đã xuất hiện tư tưởng “cho sinh con thứ 3 trở lên” dẫn đến buông lỏng lãnh đạo, chỉ đạo. Hiện tượng “lách luật” để sinh con thứ 3 trở lên như ly hôn giả, làm bệnh án giả, nhận con nuôi vẫn còn xảy ra.

Liên quan vấn đề này, tại cuộc họp nhiều ý kiến đã được góp ý, xoay quanh việc sửa đổi các nội dung liên quan đến việc xử lý vi phạm đối với cán bộ, Đảng viên, các tổ chức cơ sở Đảng có cán bộ vi phạm chính sách dân số.

CTV dân số xã Hạnh Dịch (Quế Phong) trên đường đi tuyên truyền ở cơ sở. Ảnh: Mỹ Hà
Cộng tác viên dân số xã Hạnh Dịch (Quế Phong) trên đường đi tuyên truyền ở cơ sở. Ảnh: Mỹ Hà

Cho ý kiến về vấn đề này, đồng chí Lê Minh Thông khẳng định: Việc đưa ra các chế tài để xử lý vi phạm chính sách dân số là điều cần thiết và phải thực hiện nghiêm túc. Tuy nhiên, trong quá trình sửa đổi phải đúng với các văn bản quy định của pháp luật. Bên cạnh đó, các chế tài xử lý phải sát với thực tiễn, tập trung vào những vùng sinh con thứ 3 trở lên còn cao. Quá trình thực hiện phải phân công nhiệm vụ rõ ràng và quán triệt đến từng cơ sở và phát huy đến tính gương mẫu của từng cán bộ, đảng viên.

Đồng chí Dương Đình Chỉnh - quyền Giám đốc Sở Y tế cho ý kiến tại cuộc họp. Ảnh: Mỹ Hà.
Đồng chí Dương Đình Chỉnh - quyền Giám đốc Sở Y tế phát biểu tại cuộc họp. Ảnh: Mỹ Hà.

Cũng trong buổi sáng, các đại biểu cũng đã cho ý kiến về Đề án sáp nhập Trung tâm Dân số - KHHGĐ vào TTYT tại các huyện, thị xã, thành phố trên địa bàn tỉnh Nghệ An.

Theo dự thảo đề án, sau khi sáp nhập sẽ chuyển 139 biên chế thuộc Trung tâm DS – KHHGĐ huyện (hiện có) vào trung tâm y tế huyện quản lý; xem xét việc điều chuyển 7 – 14 viên chức hành chính và kế toán sang Bệnh viện đa khoa huyện trên địa bàn; chuyển 473 viên chức Dân số - KHHGĐ xã, phường, thị trấn vào Trạm Y tế xã, phường, thị trấn quản lý; giảm 6.739 cộng tác viên DS – KHHGĐ thôn, bản, do chức năng nhiệm vụ trùng lặp với Nhân viên y tế thôn, bản.

Cho ý kiến về nội dung này, đồng chí Phó chủ tịch UBND tỉnh khẳng định: Việc sáp nhập các Trung tâm Dân số - KHHGĐ vào các Trung tâm Y tế tại các huyện, thành phố, thị xã là việc cần phải thực hiện. Tuy vậy, hiện nay do chưa có hướng dẫn cụ thể từ Bộ, nên Sở Y tế cần phải lấy ý kiến từ các sở ban, ngành liên quan trước khi triển khai thực hiện. Trong quá trình xây dựng đề án phải bám sát thực tiễn của từng địa phương, việc sắp xếp bộ máy phải tùy tình hình thực tiễn, không được cứng nhắc theo đúng năng lực của mỗi cá nhân.

Việc sáp nhập phải hiệu quả trên cơ sở giảm đầu mối,  tinh giản biên chế, tiết kiệm ngân sách. Đồng chí cũng yêu cầu trong quá trình sáp nhập, không được làm xáo trộn đội ngũ viên chức, cộng tác viên dân số để không ảnh hưởng đến tư tưởng, tâm lý, tình cảm và ảnh hưởng đến hoạt động của công tác dân số tỉnh nhà.

Tin mới