Quản lý nợ thuế ngày càng rõ ràng và minh bạch

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
Trao đổi với phóng viên về thực trạng nợ thuế, cũng như công tác quản lý nợ thuế hiện nay, bà Nguyễn Thị Cúc - Chủ tịch Hội Tư vấn thuế Việt Nam, nguyên Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Thuế cho rằng, công tác quản lý nợ thuế của ngành Thuế hiện nay ngày càng rõ ràng và minh bạch. 

PV: Công tác quản lý nợ và cưỡng chế nợ thuế thời gian qua đã được ngành Thuế thực hiện rất quyết liệt. Dưới góc nhìn chuyên gia, bà đánh giá như thế nào về công tác quản lý nợ của ngành Thuế hiện nay?

Bà Nguyễn Thị Cúc: Công tác thu nợ là nhiệm vụ rất quan trọng của cơ quan Thuế. Để đảm bảo thu đúng, thu đủ, thu kịp thời vào ngân sách nhà nước, đồng thời đảm bảo công bằng giữa doanh nghiệp (DN) tuân thủ tốt chính sách pháp luật thuế và DN chây ỳ nợ thuế, thời gian qua ngành Thuế đã tăng cường công tác quản lý nợ và cưỡng chế nợ thuế. Trong đó đặt ra mục tiêu tổng số tiền nợ thuế không vượt quá 5% tổng thu ngân sách.

Bà Nguyễn Thị Cúc, Chủ tịch Hội tư vấn thuế Việt Nam. Ảnh: Internet

Bà Nguyễn Thị Cúc, Chủ tịch Hội tư vấn thuế Việt Nam. Ảnh: Internet

Hiện nay số nợ thuế phát sinh trên tổng thu ngân sách có xu hướng tăng lên. Như giải thích của Tổng cục Thuế, nguyên nhân là do ảnh hưởng của dịch Covid-19 khiến DN gặp khó khăn. Ngoài ra, một số người nộp thuế thuộc đối tượng gia hạn, nhưng chưa nộp giấy đề nghị gia hạn, theo Nghị định 34/2022/NĐ-CP. Chính vì vậy, tổng số tiền nợ thuế hiện nay đã cao hơn mục tiêu đề ra là 5% tổng thu ngân sách nhà nước.

Phải nói rằng, hiện nay ngành Thuế đã có rất nhiều biện pháp thu hồi nợ thuế. Một trong các biện pháp là phân tích số nợ thực tế. Khi phân tích thì mới biết các khoản nợ nào có khả năng thu hồi được, khoản nào đang tranh chấp, khiếu nại, các khoản nợ nào không có khả năng thu hồi, các khoản nào là tiền chậm nộp, chậm phạt…

9 tháng năm 2022, cơ quan thuế đã thực hiện xử lý khoanh nợ, xóa nợ tiền thuế... ước đạt 2.405 tỷ đồng. Ảnh: Internet

9 tháng năm 2022, cơ quan thuế đã thực hiện xử lý khoanh nợ, xóa nợ tiền thuế... ước đạt 2.405 tỷ đồng. Ảnh: Internet

Thông qua phân loại các khoản nợ cụ thể, cơ quan thuế đã có các biện pháp xử lý đối với từng khoản nợ. Ví như, khoản nợ đang có tranh chấp thì sẽ có biện pháp thông báo, gặp gỡ đối tượng nộp thuế để hai bên sẽ cùng xem xét lại các khoản nợ để phân tích trong tổng số nợ đang khiếu nại, phần đúng thực tế là bao nhiêu, phần còn sai sót chỉnh sửa số liệu bao nhiêu để hai bên thống nhất.

Còn đối với những khoản nợ được phép khoanh nợ, xóa nợ theo Nghị quyết 94/2019/QH14 của Quốc hội, thì năm 2022, Tổng cục Thuế đã chỉ đạo các địa phương hướng dẫn xử lý nợ; triển khai đến các cục thuế để xử lý thu hồi nợ đọng…; đồng thời triển khai các đợt tập huấn, hướng dẫn trực tiếp kết hợp trực tuyến về quản lý nợ, khoanh xóa nợ. Tôi cho rằng, ngành Thuế đã rất nỗ lực để kéo giảm nợ thuế như mục tiêu đã đề ra.

PV: Theo bà, các giải pháp của ngành Thuế đang thực hiện có đảm bảo tính khoa học và rõ ràng, rành mạch?

Bà Nguyễn Thị Cúc: Để kéo giảm nợ thuế, Tổng cục Thuế tiếp tục yêu cầu các cục thuế phân tích số nợ thuế thực tế. Các khoản nợ được phân chia theo từng khoản thu, sắc thuế, như các khoản thu về đất, thuế thu nhập doanh nghiệp, thuế giá trị gia tăng, thuế thu nhập cá nhân… Đồng thời, nợ đọng thuế cũng được phân chia theo khu vực kinh tế: DN nhà nước, DN có vốn đầu tư nước ngoài, DN thuộc các thành phần kinh tế khác, hộ cá nhân kinh doanh để có biện pháp, phương thức xử lý phù hợp với từng sắc thuế, từng loại hình DN, doanh nhân… Có thể thấy rằng, các biện pháp xử lý công nợ của ngành Thuế ngày càng minh bạch và tốt hơn rất nhiều.

Công khai tiền nợ thuế lên phương tiện thông tin đại chúng

Theo bà Nguyễn Thị Cúc, hiện nay theo quy trình đối soát công nợ trên cơ sở quy định của Luật Quản lý thuế, công tác quản lý thu nợ sát và chặt chẽ hơn; cơ quan thuế có rà soát, đối chiếu nợ đọng với từng doanh nghiệp, đây là bước quản lý nợ thuế sát sao hơn và sát với từng loại thuế nợ đọng, cũng như từng doanh nghiệp nợ thuế trên địa bàn do cơ quan thuế tỉnh, thành phố quản lý. Bên cạnh tôn vinh tổ chức cá nhân thực hiện tốt nghĩa vụ nộp thuế thì xử lý nghiêm minh các trường hợp vi phạm pháp luật, trong đó có quy định đối với người nộp thuế cố tình chây ỳ, nợ thuế thì cơ quan thuế được phép công khai tiền nợ thuế lên phương tiện thông tin đại chúng.

PV: Để tổng số nợ thuế đến thời điểm 31/12/2022 không vượt quá 5% tổng thu ngân sách năm 2022, ngành Thuế cần triển khai những giải pháp gì, thưa bà?

Bà Nguyễn Thị Cúc: Theo quan điểm của cá nhân tôi, thứ nhất, cần phải tách nợ không có khả năng thu hồi và nợ đang xử lý theo Nghị quyết 94. Thứ hai là tiền phạt chậm nộp phải tách ra một phần, bởi tại thời điểm người nộp thuế chưa thuộc đối tượng phải xóa nợ, nhưng khi tình hình Covid-19 khó khăn, thậm chí DN không hoạt động nữa, thì khoản nợ đó phải khoanh nợ để xử lý thì những khoản đó cũng tách ra để xem xét, đề xuất khoanh nợ, còn những khoản nợ phát sinh thực tế tính từ ngày 1/1/2022 đến thời điểm này cũng được chia tách thành nợ khó thu do DN khó khăn vì đại dịch Covid-19, nợ có khả năng thu hồi.

Bên cạnh đối tượng được khoanh nợ, xóa nợ, còn có đối tượng được chậm nộp tiền thuê đất, tiền thuế theo thời gian cụ thể phát sinh. Tính đến thời điểm này, khả năng của DN nộp thuế được bao nhiêu, những khoản nào, thuế gì không thu được...

Một số khoản nợ thuế khác là thuế cấp quyền khai thác khoáng sản, tài nguyên… cũng bị treo. Nhiều dự án đã xác định thông báo thu tiền cấp quyền khai thác, ghi số nợ NSNN phải thu, nhưng dự án đó đắp chiếu, không khai thác được, do đó số nợ thuế cấp quyền đó vẫn ghi phải thu, song thực tế là không phát sinh. Trong các trường hợp này phải tách bạch cụ thể và về thực chất là không phát sinh nợ NSNN. Từ đó ngành Thuế đưa ra khả năng thu hồi nợ, làm cho bức tranh về nợ thuế sẽ cụ thể hơn, lành mạnh hơn trong công tác thu nợ và quản lý nợ thuế.

PV: Xin cảm ơn bà!

Tin mới