Quê hương những ngày Thu cách mạng

(Baonghean) - Trong mùa Thu tháng Tám 1945, chỉ trong vòng 9 ngày, Nghệ An đã tạo nên nhiều dấu ấn quan trọng, góp phần vào thắng lợi nhanh chóng của Tổng khởi nghĩa toàn quốc.

Căn cứ địa bí mật của Xứ ủy Trung Kỳ

Những năm 1930 - 1945, tại ngôi nhà 5 gian nằm dưới chân rú Nhón, làng Phúc Mỹ (nay là xóm 1, xã Hưng Châu, huyện Hưng Nguyên), Xứ ủy Trung Kỳ thường xuyên tổ chức hội họp bí mật, bàn bạc những nội dung quan trọng cho cao trào Xô viết Nghệ Tĩnh (1930 - 1931) và Cách mạng Tháng Tám 1945. Ngôi nhà ấy là của gia đình ông Hoàng Viện.

Sớm giác ngộ cách mạng, ông Hoàng Viện đã vinh dự đứng trong hàng ngũ của Đảng. Không phụ lòng tổ chức tin tưởng, suốt 15 năm, gia đình người đảng viên ấy đã trở thành nơi chốn đi về, liên lạc, nuôi giấu nhiều cán bộ chủ chốt trong phong trào cách mạng như đồng chí Nguyễn Duy Trinh, Trần Văn Quang, Chu Huy Mân, Lê Đức Anh...

Ngôi nhà của ông Hoàng Viện, cơ sở hoạt động của Xứ ủy Trung Kỳ. Ảnh tư liệu
Ngôi nhà của ông Hoàng Viện, cơ sở hoạt động của Xứ ủy Trung Kỳ. Ảnh tư liệu: CANA

Bà Vương Thị Em (SN 1921) - con dâu ông Hoàng Viện năm nay đã 98 tuổi. Bà Em là nhân chứng duy nhất còn lại của gia đình từng trực tiếp chứng kiến và có những hiểu biết nhất định về hoạt động của Xứ ủy Trung Kỳ tại Hưng Châu hơn 70 năm về trước. Ở tuổi “xưa nay hiếm” nhưng bà Em vẫn còn minh mẫn.

Bà kể, ngôi nhà 5 gian thì 3 gian nhà ngang là không gian bếp núc, ăn nghỉ của con cái, còn 2 gian nhà trên được dành cho việc tiếp khách, hội họp. Nhà trên chia làm 2 phòng, trong đó phòng trong thường là nơi nghỉ ngơi của các cán bộ, đảng viên Xứ ủy, ở đó có gác xép được ngụy trang như nơi để thóc, lúa… nhưng thực chất là địa điểm ẩn nấp mỗi khi có “biến”.
Phía sau nhà có cửa bí mật để ra rú Nhón; đặc biệt, từ khi nuôi giấu cán bộ cách mạng, ông Hoàng Viện đã đào hầm thông sâu vào rú, nhằm cất giữ tài liệu mật và là con đường tẩu thoát an toàn khi địch ập đến.

Các ấn phẩm báo chí tuyên truyền cách mạng được lưu giữ tại Di tích Nhà ông Hoàng Viện ở xã Hưng Châu, huyện Hưng Nguyên.
Các ấn phẩm báo chí tuyên truyền cách mạng được lưu giữ tại Di tích Nhà ông Hoàng Viện ở xã Hưng Châu, huyện Hưng Nguyên.

Một lòng kiên trung theo Đảng, ông Hoàng Viện đã tuyên truyền, vận động và giác ngộ người thân trong gia đình cùng chung sức cho sự nghiệp chung. Vợ và 4 người con ruột, cùng con dâu là bà Vương Thị Em trong những năm tháng sục sôi ấy đã không quản khó khăn, gian khổ, cùng chồng và cha làm mọi việc mà cách mạng cần.

“Phụ nữ thì tần tảo ruộng vườn, chăm lo bữa ăn để các đồng chí chuyên tâm hoạt động. Đàn ông trong nhà thì đều đảm nhiệm vai trò liên lạc, chuyển tin tức và thư từ, tài liệu bí mật theo yêu cầu của tổ chức. Cũng có lúc tình hình căng thẳng, địch kiểm soát gắt gao, tài liệu phải giao cho chị em chúng tôi giắt vào khăn quấn đầu để tránh bị phát hiện…” - bà Vương Thị Em nhớ lại.

Bà Vương Thị Em con dâu ông Hoàng Viện

Những năm tháng ấy, ngôi nhà của ông Hoàng Viện đón rất nhiều cán bộ chủ chốt của Xứ ủy Trung kỳ về hoạt động. Cuối năm 1940, đồng chí Mười Cúc (tức nguyên Tổng Bí thư Nguyễn Văn Linh) đã trực tiếp về lãnh đạo phong trào.

Tài liệu lịch sử ghi chép lại: Lĩnh hội chỉ thị của Trung ương “Nhật - Pháp bắn nhau và nhiệm vụ của chúng ta”, khắp nơi dấy lên khí thế chuẩn bị tổng khởi nghĩa toàn quốc.

Ngày 8/8/1945, Việt Minh liên tỉnh Nghệ - Tĩnh tổ chức hội nghị tại xóm Rú, làng Phúc Mỹ bầu Ban Chấp hành Chính phủ Việt Minh liên tỉnh và thông qua các nhiệm vụ để giành chính quyền. Khi hội nghị bế mạc thì có tin Nhật Bản đang chuẩn bị đầu hàng đồng minh, và lệnh khởi nghĩa được ban bố khắp các địa phương trong tỉnh.

Thời gian này, Xứ ủy Trung kỳ họp tại nhà ông Hoàng Viện, phân công nhiệm vụ. Từ xã Thanh Thủy (nay là xã Nam Thanh, huyện Nam Đàn) ngày 16/8, đến Quỳnh Lưu ngày 18/8, Hưng Nguyên ngày 19/8, Vinh ngày 21/8, tổng khởi nghĩa giành hết thắng lợi này đến thắng lợi khác. 74 năm đã trôi qua, nhưng trong tâm trí bà Vương Thị Em, hồi ức về những ngày tháng “như triều dâng thác đổ” ấy vẫn còn vẹn nguyên.

Gia đình ông Hoàng Viện ở xã Hưng Châu, huyện Hưng Nguyên được Thủ tướng Chính phủ Phạm Văn Đồng tặng bằng “Có công với nước”. Ảnh: Thành Duy
Gia đình ông Hoàng Viện ở xã Hưng Châu, huyện Hưng Nguyên được Thủ tướng Chính phủ Phạm Văn Đồng tặng bằng “Có công với nước”. Ảnh: Thành Duy

“Bấy giờ tôi làm trong hội phụ nữ, hô hào vận động chị em trong vùng hòa vào đoàn người biểu tình, đồng thanh hô vang khẩu ngữ đả đảo Nhật - Pháp, phá bỏ xiềng xích thực dân phong kiến… 2 bên đường, người dân các xóm, làng đã đứng chờ sẵn, đoàn người đi đến đâu lại thêm đông đến đó, khí thế không gì cản nổi”. Với khí thế ấy, Hưng Nguyên cùng với Nam Đàn, Quỳnh Lưu trở thành 1 trong 3 địa phương giành chính quyền sớm nhất ở Nghệ An.

Bà Vương Thị Em

Đại đoàn kết trong tổng khởi nghĩa

Từ các huyện đồng bằng, miền biển, phong trào Cách mạng Tháng Tám tại Nghệ An đã lan tỏa đến các huyện miền núi, vùng sâu, vùng xa.

Để có được sự lan tỏa này, chuẩn bị cho tổng khởi nghĩa, các cán bộ, đảng viên, nhân sĩ yêu nước của Xứ ủy Trung kỳ đã thường xuyên ngược ngàn, ẩn dưới vỏ bọc người buôn gỗ, buôn bán nông sản miền núi về xuôi… để làm công tác tuyên truyền, vận động, gây dựng cơ sở cách mạng.

Khi điều kiện đã chín muồi, đến thời khắc tổng khởi nghĩa, bà con đồng bào các dân tộc trong toàn tỉnh đã nhất tề đứng dậy, đoàn kết một lòng, viết nên trang sử hào hùng cho mùa Thu đẹp nhất của quê hương.

Trong không gian tĩnh lặng của Bảo tàng Nghệ An có những hiện vật đặc biệt. Những cây kiếm, ngọn giáo, lưỡi mác… mà nhìn vào đó, dễ nhận ra là vũ khí đặc trưng của bà con đồng bào các dân tộc vùng cao sử dụng trong cuộc khởi nghĩa 74 năm về trước. 

Chị Hoàng Thị Minh - Trưởng phòng Kiểm kê, Bảo tàng Nghệ An giới thiệu các hiện vật trong thời kỳ Cách mạng Tháng Tám. Ảnh: Thành Duy
Chị Hoàng Thị Minh - Trưởng phòng Kiểm kê, Bảo tàng Nghệ An giới thiệu các hiện vật trong thời kỳ Cách mạng Tháng Tám. Ảnh: Thành Duy

Chị Hoàng Thị Minh - Trưởng phòng Kiểm kê, bảo quản Bảo tàng Nghệ An lần giở sổ ghi chép về hiện vật, đọc những dòng chữ nắn nót: Cây kiếm đơn giản, chắc chắn, lưỡi dài đều, mũi hơi nhọn, thẳng, không có rãnh thoát máu, lá chắn hình bầu dục trơn, trang trí hình răng cưa… là vũ khí dùng trong thời kỳ giành chính quyền năm 1945 của gia đình bà Vi Thị Khai - đồng bào dân tộc Thái, xã Tam Quang, huyện Tương Dương.

Một trang khác còn ghi: Kiếm lưỡi cong vót, cán gỗ có khía dọc, 2 bên gọt 12 khía… là vũ khí trang bị cho đội xích vệ xã Đức Sơn (Anh Sơn) giành chính quyền năm 1945. Kiếm của ông Nguyễn Phạm Cát là đội viên, giao lại cho bảo tàng lưu giữ… Những hiện vật tưởng như vô tri, nhưng lại là minh chứng chân xác nhất về một thời “Toàn quốc đồng bào hãy đứng dậy đem sức ta mà tự giải phóng cho ta”!

Những ngày tháng Tám năm 1945 sôi sục ở thủ đô Hà Nội. Ảnh tư liệu
Những ngày tháng Tám năm 1945 sôi sục ở thủ đô Hà Nội. Ảnh tư liệu

Sau khi đọc Tuyên ngôn Độc lập khai sinh nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, giữa bao bộn bề công việc, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã có “Thư gửi các đồng chí tỉnh nhà” vào ngày 17/9/1945. Trong thư, Người nêu lên “ý nghĩa rất to tát”, nguyên nhân thắng lợi của “cuộc dân tộc cách mạng thành công này”, và sự nghiệp kiến thiết đất nước sau cách mạng, đồng thời chỉ ra “những khuyết điểm to nhất” ở các địa phương “phải lập tức sửa đổi ngay”. Đây là những lời căn dặn hết sức quý báu, là niềm động viên, khích lệ, động lực mạnh mẽ cho tỉnh nhà vượt qua những gian lao, thử thách sau khởi nghĩa và những bài học này cho đến hôm nay vẫn còn nguyên giá trị. 

Một góc thành phố Vinh bên bờ sông Lam. Ảnh tư liệu: Sách Nguyễn
Một góc thành phố Vinh bên bờ sông Lam. Ảnh tư liệu: Sách Nguyễn

Những tháng ngày nhất tề đứng dậy ấy của đồng bào các dân tộc trên quê hương Nghệ An đã trở thành dấu son không thể phai mờ. Sau khởi nghĩa ở Vinh thành công, từ ngày 22 - 26/8/1945, khí thế quần chúng dâng như nước vỡ bờ, các huyện Tương Dương, Quỳ Châu… cũng lần lượt giành chính quyền về tay nhân dân.

Như vậy, chỉ trong vòng 9 ngày (từ ngày 18 đến 26/8/1945), cuộc tổng khởi nghĩa giành chính quyền ở Nghệ An đã hoàn toàn thắng lợi, góp phần không nhỏ làm nên thắng lợi chung của cả nước.

Thắng lợi ấy không chỉ đi vào sử vàng dân tộc, mà còn là sự kiện đáng ghi nhớ với nhiều nhà nghiên cứu lịch sử thế giới, như nhà sử học Furuta Mooto (Nhật Bản) từng thốt lên: Một cuộc cách mạng kỳ diệu và từ đó dần đi đến bao thắng lợi to lớn khác!

Tin mới