Quế Phong: 13 năm không thực hiện cấp giấy chứng nhận đất lâm nghiệp

(Baonghean.vn) - 13 năm không thực hiện cấp chứng nhận đất lâm nghiệp theo NĐ 164 là một trong những tồn tại cần sớm được giải quyết ở Quế Phong cùng một số vấn đề liên quan khác.

Đoàn giám sát của Quốc hội nói chuyện với người dân xã Hạnh Dịch về sự ảnh hưởng của dự án trồng cao su trên địa bàn. Ảnh: Mỹ Nga
Đoàn giám sát của Quốc hội trao đổi với người dân xã Hạnh Dịch về ảnh hưởng của dự án trồng cao su trên địa bàn. Ảnh: Mỹ Nga

Sáng 7/8, Đoàn ĐBQH tỉnh Nghệ An thực hiện giám sát việc giải quyết kiến nghị của cử tri trước và sau kỳ họp tại UBND huyện Quế Phong.

Ông Trần Văn Mão – Phó Trưởng Đoàn ĐBQH Nghệ An chủ trì cuộc giám sát. Tham dự có các đại biểu Quốc hội khoá XIV: Nguyễn Thị Thảo, Mong Văn Tình; lãnh đạo huyện Quế Phong, đại diện các sở, ban, ngành liên quan.

Trước và sau kỳ họp thứ 1 và thứ 2 Quốc hội, huyện Quế Phong nhận được rất nhiều ý kiến, kiến nghị của cử tri về các vấn đề liên quan đến lĩnh vực tác động trực tiếp đến quyền và lợi ích của người dân liên quan đến vấn đề giao đất cho người dân sản xuất.

Đó là: xem xét quy hoạch trồng cao su trên địa bàn chưa hợp lý, trồng đầu nguồn ảnh hưởng đến nguồn nước sinh hoạt; đẩy nhanh tiến độ giao đất Lâm trường cho người dân; xem xét lại việc giao đất cho Công ty Thanh Thành Đạt bỏ hoang nhiều năm; xây dựng công trình thuỷ lợi Sao Va đảm bảo nguồn nước tưới tiêu; hoàn thành dự án di dời dân ra khỏi vùng lũ quét và sạt lở đất ở bản Chiếng...

Qua giám sát của Đoàn ĐBQH tỉnh, liên quan đến đề nghị của cử tri về rà soát, đẩy nhanh tiến độ cấp sổ đỏ cho người dân, bà Trương Thị Tuyết Mai - Phó Chủ tịch UBND huyện cho biết, tính đến 31/7/2017, đã cấp được 22.353 giấy chứng nhận.

Về kết quả cấp giấy chứng nhận đất đạt thấp, chưa đáp ứng nhu cầu của người dân, số lượng hồ sơ xin cấp giấy chứng nhận còn tồn đọng, hiện nay còn hơn 2000 hồ sơ chưa giải quyết, theo giải trình của lãnh đạo huyện Quế Phong, là do nhiều hộ dân làm hồ sơ, thủ tục không đầy đủ, nguồn sử dụng đất không rõ ràng. Hơn nữa, vẫn còn tình trạng tranh chấp quyền sử đụng đất, chồng lấn đất quy hoạch rừng phòng hộ... . Còn việc cấp giấy quyền sở hữu đất lâm nghiệp theo Nghị định số 163, thì 13 năm nay, không thực hiện được, do thiếu kinh phí tiến hành đo đạc.

Mưa lũ gây sạt lở tại Quế Phong. Ảnh tư liệu
Mưa lũ gây sạt lở tại Quế Phong. Ảnh tư liệu

Về việc xem xét quy hoạch trồng cây cao su trên địa bàn, thực tế việc trồng cao su chưa hợp lý, lấn sâu vào đất trồng rừng của người dân, UNBD huyện cho biết, đã tổ chức nhiều buổi làm việc để xử lý kiến nghị và đã đề nghị Sở Kế hoạch và Đầu tư, Sở NN&PTNT, Sở Tài nguyên và môi trường chỉ đao Công ty phát triển Cao su Nghệ An phối hợp địa phương rà soát, bóc tách, cắm mốc hoàn chỉnh hồ sơ để được giao đất, cho thuê đất theo quy định, nghiêm túc thực hiện các kiến nghị của địa phương.

Tuy nhiên, hiện nay Công ty chưa phối hợp với UBND huyện để thực hiện. Giải trình về nguyên nhân này, đại diện phòng Tài nguyên và môi trường của huyện cho biết, công ty tiếp nhận đất của Tổng đội TNXP 7 và được UNBD tỉnh cho phép triển khai trồng rừng, trong khi UBND huyện vẫn chưa có quyết định giao đất, dẫn đến sự chồng chéo.

"Về vấn đề "nóng" đề nghị xem xét lại việc giao đất cho Công ty Thanh Thành Đạt bỏ hoang nhiều năm chưa triển khai, UBND huyện đã kiểm tra, rà soát, phối hợp cùng các Sở, ngành liên quan phối hợp rà soát, bóc tách. Sở Tài nguyên và Môi trường đã đưa dự án này vào danh sách thanh tra trong năm 2017. Đại diện HĐND huyện cũng nêu rõ quan điểm, cần nghiêm túc kiểm tra, nếu công ty này không hoạt động thì sớm thu hồi giao nhân dân sản xuất.

Liên quan đến kiến nghị của cử tri về việc tiếp tục đầu tư xây dựng hoàn thành dự án di dời dân ra khỏi vùng lũ quét và sạt lở đất ở bản Chiềng, xã Quang Phong, UBND huyện cho biết, sau khi có quyết định đầu tư của UBND tỉnh, UBND huyện đã thành lập Ban QLDA di dân khẩn cấp ra khỏi vùng lũ quét và sạt lở đất để tổ chức thực hiện dự án theo kế hoạch được giao, đảm bảo chất lượng, tiết kiệm, hiệu quả. Đồng thời, tổ chức tuyên truyền, vận động người dân đã lấn chiếm dự án phải tự GPMB, cũng như việc đôn đốc nhà thầu thi công các hạng mục công trình đảm bảo chất lượng tiến độ.

Đoàn giám sát làm việc với UBND huyện Quế Phong. Ảnh: Mỹ Nga
Đoàn giám sát làm việc với UBND huyện Quế Phong. Ảnh: Mỹ Nga


Song hiện nay công tác GPMB phân lô đang gặp nhiều khó khăn, vướng mắc. Nguyên nhân ở chỗ, hiện nay tại vùng quy hoạch dự án, một số dân tự ý xây nhà và các công trình phụ trên vùng đất đã được quy hoạch dự án, tình trạng mua bán đất diễn ra tự do có sự buông lỏng trong quản lý của chính quyền xã. 

Đoàn giám sát đã yêu cầu địa phương cần làm rõ, đưa ra lộ trình, phương hướng và biện pháp giải quyết cụ thể, không để tình trạng tồn đọng những vấn đề cử tri và người dân còn bức xúc.

Cụ thể, đề nghị huyện Quế Phong cần quan tâm đến vấn đề cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất; giao đất lâm trường; làm rõ nguyên nhân mà công ty Cao su Nghệ An không hợp tác trong việc quy hoạch trồng cao su trên địa bàn... Xử lý quyết liệt hơn, chủ động phối hợp chặt chẽ với các sở, ngành liên quan để sớm rà soát lại các dự án đang triển khai trên địa bàn để có hướng chỉ đạo thực hiện đạt hiệu quả cao nhất.

Mỹ Nga

TIN LIÊN QUAN

Tin mới