Quế Phong nỗ lực cho mục tiêu thoát khỏi huyện nghèo

(Baonghean) - Nỗ lực vươn lên từ một huyện nghèo, huyện biên giới đặc biệt khó khăn của tỉnh, những năm gần đây, kinh tế - xã hội của huyện Quế Phong có nhiều bước chuyển tích cực. Trong đó, huyện đã triển khai nhiều đề án, chương trình hỗ trợ sản xuất, phát triển kinh tế thành công, giúp hàng nghìn hộ đồng bào có việc làm, cải thiện thu nhập, nâng cao chất lượng cuộc sống.

Đến thăm mô hình trồng rau sạch tại bản Đỏn Chám, xã Mường Nọc, dừng chân tại một vườn hộ trồng rau màu, được bà Vi Thị Thanh (chủ hộ) cho biết: Bắt đầu từ vụ đông năm 2015, thực hiện chủ trương của huyện Quế Phong, gia đình bà ra sức cải tạo, biến thửa ruộng 2.000 m2 thành khu vườn lớn chuyên trồng các loại rau, củ, quả sạch. Năm đầu tiên thử nghiệm, cho thấy các loại cây trồng phù hợp điều kiện thổ nhưỡng, khí hậu nên phát triển tốt, không bị sâu bệnh gây hại, đã đem lại cho gia đình khoản thu nhập gần 20 triệu đồng...

Thu hoạch rau ở bản Đỏn Chám, xã Mường Nọc.
Thu hoạch rau ở bản Đỏn Chám, xã Mường Nọc. Ảnh: Thu Hương.

Đỏn Chám là bản người Thái. Trước đây, vùng đất trồng rau từng trồng lúa nhưng thu hoạch kém nên sau để hoang. Sau khi nghiên cứu kỹ lưỡng về điều kiện khí hậu, thổ nhưỡng, theo chỉ đạo chung của huyện, bản lồng ghép các nguồn kinh phí chương trình, dự án trong đó lấy nguồn nông thôn mới là chủ lực phát huy trồng cây rau để xóa đói, giảm nghèo. Lúc này, toàn bản Đỏn Chám có 32 hộ đăng ký vào HTX sản xuất, kinh doanh dịch vụ nông nghiệp huyện để được tham gia mô hình trồng rau sạch.

Bước đầu, huyện Quế Phong đầu tư giống, kỹ thuật, xây dựng hệ thống bể nước 20m3, vòi dẫn nước tưới, hệ thống 1.000 m dây điện và hàng rào bảo vệ các vườn rau để đảm bảo trên diện tích hơn 32.000m2, tạo điều kiện cho các hộ dân bản Đỏn Chám trồng rau sạch, gồm các loại như su hào, bắp cải, rau cải, đậu xanh, dưa chuột... Kết quả, sau vụ thu hoạch đầu tiên, mô hình mới được đánh giá phát triển tốt, hiệu quả kinh tế cao gấp 3 lần trồng lúa. Hiện tại, huyện đã đứng ra tiêu thụ sản phẩm rau sạch cho bà con qua gian hàng trưng bày, giới thiệu sản phẩm tiêu biểu của huyện, cung cấp nhu cầu cho các nhà hàng, trường học bán trú hay khách hàng trong, ngoài huyện...

Ở xã Châu Kim có mô hình chăn nuôi gà an toàn sinh học cũng được xem là một mô hình điểm để đồng bào các dân tộc thiểu số huyện Quế Phong học tập và làm theo; với 5 hộ tham gia, quy mô 1.000 con, sau 4 tháng nuôi, trọng lượng gà lúc xuất chuồng bình quân đạt 2kg/con (cách nuôi cũ đạt 1,5 -1,7 kg/con); tỷ lệ nuôi sống đạt 93%, cao hơn cách nuôi truyền thống (chỉ đạt 20 - 25%).

Mô hình chăn nuôi mới giúp nông dân thu nhập vượt trội so với nuôi truyền thống (đạt 33,7 triệu đồng/1.000 con, trong khi nuôi đại trà chỉ đạt 6,95 triệu đồng/1.000 con). Tại xã Tiền Phong có mô hình chăn nuôi lợn thịt an toàn sinh học với 5 hộ tham gia nuôi 50 con, sử dụng giống lợn lai (Móng Cái lai Yorshire, Landace). Sau 4 tháng nuôi, trọng lượng lợn lúc xuất chuồng đạt 88 kg/con (phương pháp cũ đạt 70 - 75 kg/con); tỷ lệ nuôi sống đạt 100%...

Hiệu quả nổi bật của những mô hình chăn nuôi ngoài nâng cao thu nhập cho người dân, cung cấp sản phẩm an toàn cho người tiêu dùng, thay đổi nhận thức cho người dân theo hướng đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm, không gây ô nhiễm môi trường... còn tạo điều kiện cho nông dân được giao lưu, học hỏi, chia sẻ kinh nghiệm để cùng nhau làm giàu. Sau khi kết thúc mô hình, các hộ có thể mở rộng quy mô, phát triển chăn nuôi theo hướng thịt và sinh sản...

Thu hoạch mía ở xã Quế Sơn.
Thu hoạch mía ở xã Quế Sơn. Ảnh: Thu Hương.

Đặc biệt, tận dụng tiềm năng sẵn có, hiện nay, hai loại cây là chè hoa vàng ở xã Đồng Văn và cây bon bo ở các xã Nậm Nhoóng, Châu Thôn được đánh giá triển vọng cao, giúp người dân thoát nghèo bền vững; với giá 3 - 4 triệu đồng/kg hoa chè vàng khô hoặc gần 500.000 đồng/kg hoa tươi; 20.000 - 30.000 đồng/kg hạt bon bo khô.

Đặc biệt, đầu năm 2015, UBND huyện Quế Phong đã phối hợp Trung tâm Tư vấn lâm nghiệp Nghệ An khởi động Dự án “Xây dựng mô hình bảo tồn, phát triển và sử dụng bền vững loài cây bon bo dựa vào cộng đồng, góp phần bảo tồn đa dạng sinh học”. Hiện tại, mô hình được triển khai trên diện tích 54 ha, trong đó có 14 ha trồng mới, 40 ha bảo vệ khoanh nuôi và trồng bổ sung cây bon bo dưới tán rừng tự nhiên. Theo tính toán, với những diện tích khoanh nuôi, bảo vệ tập trung, mỗi năm cho thu nhập từ 30 - 60 triệu đồng/ha.

Theo thống kê, hiện nay huyện Quế Phong có đến 843 loại cây dược liệu (trong tổng số 962 loại cây dược liệu có mặt ở Nghệ An). Mục tiêu bảo tồn, phát triển cây dược liệu trở thành mũi nhọn phát triển kinh tế đã được đưa vào Nghị quyết Đại hội Đảng bộ huyện khóa XXI, nhiệm kỳ 2015 - 2020. Và mới đây nhất, đề án bảo tồn, phát triển cây dược liệu có giá trị kinh tế cao đã được xây dựng. Theo đó, quy hoạch trồng các loại cây dược liệu được phân thành 3 vùng dựa trên đặc điểm thổ nhưỡng: Vùng trung tâm (Mường Nọc, Châu Kim, Quế Sơn, Tiền Phong) tập trung phát triển cây sa nhân; vùng Tây Nam (Quang Phong, Cắm Muộn, Châu Thôn, Nậm Nhoóng, Nậm Giải và Tri Lễ) chú trọng nhân rộng cây bon bo, nhân trần; vùng Tây Bắc (Thông Thụ, Đồng Văn và Hạnh Dịch) tập trung phát triển cây chè hoa vàng, cây đẳng sâm. Huyện sẽ phối hợp đồng bộ với các trung tâm kỹ thuật nông, lâm nghiệp để nghiên cứu, lai tạo giống cây con lấy từ cây mẹ để đảm bảo khả năng thích nghi tốt với điều kiện tự nhiên, khí hậu địa phương. 

Ở Quế Phong hiện còn rất nhiều mô hình, chương trình, đề án kinh tế khác, góp phần giúp đồng bào nâng cao thu nhập, cải thiện cuộc sống, nỗ lực hoàn thành các chỉ tiêu giảm nghèo. Kết quả năm 2016, về trồng trọt, trên diện tích 4.407 ha gieo trồng lúa nước cả năm, nông dân toàn huyện đã thu sản lượng 22.342 tấn (năng suất 50,7 tạ/ha); lúa rẫy đạt 719 tấn/360 ha; cây rau đạt 1.144 tấn/209 ha; cây mía đạt 4.720 tấn/70 ha...

Về chăn nuôi, tổng đàn trâu, bò đạt 33.794 con, lợn 29.503 con; dê 3.479 con, gia cầm 316.830 con, diện tích nuôi trồng thủy sản 232 ha, nuôi cá lồng 97 ô lồng... Về phát triển lâm nghiệp, công tác khoanh nuôi, bảo vệ, chăm sóc và trồng rừng được tổ chức triển khai thực hiện tốt; diện tích rừng tập trung trồng mới đạt 1.100ha; diện tích rừng trồng phân tán đạt 35ha; khoanh nuôi 14.300ha rừng tái sinh và giao khoán bảo vệ rừng 98.558ha... Toàn huyện có 21 hợp tác xã dịch vụ nông nghiệp tổng hợp; 351 trang trại, gia trại. Kinh tế tiếp tục phát triển, tốc độ tăng trưởng trên địa bàn ước đạt 7%; thu ngân sách trên địa bàn tăng 19,91% so với kế hoạch; thu nhập bình quân đầu người ước đạt 20,28 triệu đồng; tỷ lệ hộ nghèo giảm 4,43% (theo chuẩn nghèo đa chiều)...

“Phát huy những thành quả đã đạt được, bước sang năm 2017, huyện Quế Phong đề ra phương hướng, nhiệm vụ gồm tập trung tháo gỡ khó khăn, tạo thuận lợi cho sản xuất, kinh doanh phát triển, phấn đấu tốc tộ tăng trưởng cao hơn năm cũ, trên cơ sở đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu nền kinh tế; đảm bảo các mục tiêu an sinh xã hội, cải thiện đời sống nhân dân, tiếp tục giảm tỷ lệ hộ nghèo 4 - 5% so với năm 2016; tiếp tục thực hiện mục tiêu kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế - xã hội; tăng tính hiệu quả và bền vững ở các lĩnh vực, đặc biệt trong lĩnh vực sản xuất nhằm đảm bảo vững chắc cho việc nâng cao chất lượng đời sống của nhân dân; nâng thu nhập bình quân cho người dân lên 21,3 triệu đồng/năm...”, đồng chí Lê Văn Giáp - Phó Bí thư Huyện ủy, Chủ tịch UBND huyện Quế Phong cho biết.n

Thu Hương

TIN LIÊN QUAN

Tin mới