Quốc hội thảo luận Nghị quyết về tổ chức phiên tòa trực tuyến

(Baonghean.vn) - Tổ chức phiên tòa trực tuyến là nhu cầu, xu hướng tất yếu của hoạt động tư pháp; xét xử trực tuyến nói riêng, tố tụng trực tuyến nói chung phù hợp với chủ trương của Đảng, các nguyên tắc, tố tụng do pháp luật quy định và đáp ứng yêu cầu cấp bách.

Sáng 24/10, dưới sự điều hành của Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định, Quốc hội tiếp tục thảo luận trực tuyến về các báo cáo công tác của Chánh án Tòa án nhân dân tối cao, Viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân tối cao; công tác phòng, chống tội phạm và vi phạm pháp luật; công tác thi hành án; công tác phòng, chống tham nhũng năm 2021; dự thảo Nghị quyết về tổ chức phiên tòa trực tuyến.

Toàn cảnh Kỳ họp thứ 2, Quốc hội khóa XV tại Hội trường Diên Hồng, Nhà Quốc hội chiều 23/10. Ảnh: Quochoi.vn
Toàn cảnh Kỳ họp thứ 2, Quốc hội khóa XV tại Hội trường Diên Hồng, Nhà Quốc hội chiều 23/10. Ảnh: Quochoi.vn

Nghị quyết về tổ chức phiên tòa trực tuyến quy định những nội dung cơ bản gồm: Tòa án nhân dân tổ chức phiên tòa trực tuyến để xét xử sơ thẩm, xét xử phúc thẩm vụ án hình sự, dân sự và hành chính có tính chất, tình tiết đơn giản; tài liệu, chứng cứ trong hồ sơ vụ án rõ ràng.

Phiên tòa trực tuyến là phiên tòa được tổ chức tại Phòng xử án, có sử dụng các thiết bị điện tử, liên kết với nhau thông qua môi trường mạng, cho phép bị cáo, bị hại, đương sự, người tham gia tố tụng khác tham gia phiên tòa tại địa điểm khác do Tòa án quyết định, nhưng vẫn bảo đảm trực tiếp theo dõi đầy đủ hình ảnh, âm thanh và tham gia tất cả trình tự, thủ tục tố tụng của phiên tòa bằng lời nói, hành vi tố tụng trực diện, liên tục, công khai, có sự chứng kiến của các chủ thể vào cùng một thời điểm.

Nghị quyết giao Tòa án nhân dân tối cao chủ trì, phối hợp với Viện Kiểm sát nhân dân tối cao, Bộ Công an và cơ quan có liên quan quy định chi tiết và hướng dẫn việc tổ chức thực hiện phiên tòa trực tuyến.

Nếu được Quốc hội thông qua, Nghị quyết có hiệu lực thi hành kể từ ngày 1/1/2022.

Chánh án Tòa án nhân dân tối cao Nguyễn Hòa Bình trình bày Tờ trình dự thảo Nghị quyết về tổ chức phiên tòa trực tuyến vào chiều 23/10. Ảnh: Quochoi. vn
Chánh án Tòa án nhân dân tối cao Nguyễn Hòa Bình trình bày Tờ trình dự thảo Nghị quyết về tổ chức phiên tòa trực tuyến vào chiều 23/10. Ảnh: Quochoi. vn

Việc tổ chức phiên tòa trực tuyến là thực hiện chủ trương, định hướng của Đảng về chủ động tham gia cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư ưu tiên chuyển giao và ứng dụng mạnh mẽ công nghệ mới trong các ngành, lĩnh vực.

Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII đã xác định “…đẩy mạnh nghiên cứu, chuyển giao, ứng dụng tiến bộ khoa học và công nghệ, đổi mới sáng tạo, nhất là những thành tựu của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư, thực hiện chuyển đổi số quốc gia…” trong thời gian tới. Đây là cơ sở chính trị quan trọng để Tòa án nhân dân tối cao xây dựng Tòa án điện tử và tổ chức xét xử trực tuyến.

Bên cạnh đó, Việt Nam tham gia Hội đồng Chánh án các nước khu vực Châu Á-Thái Bình Dương, Hội đồng Chánh án khu vực ASEAN và đã cam kết đến năm 2025 phải hoàn thành việc xây dựng Tòa án điện tử. 

Hiện nay, đa số Tòa án các nước khu vực ASEAN đã thực hiện tổ chức xét xử trực tuyến. Việt Nam cũng phải từng bước thực hiện cam kết này để phục vụ tốt nhất nhu cầu của Nhân dân, đáp ứng yêu cầu hội nhập quốc tế.

Ngày nay, sự phát triển rất nhanh của công nghệ thông tin mang lại nhiều cơ hội nâng cao hiệu quả hoạt động đã và đang tạo điều kiện thuận lợi cho hoạt động tư pháp. Đây là xu thế toàn cầu.

Đại biểu Đoàn Nghệ An dự phiên họp tại điểm cầu Nghệ An. Ảnh: Thành Duy
Đại biểu Đoàn Nghệ An dự phiên họp tại điểm cầu Nghệ An. Ảnh: Thành Duy

Đặc biệt, thời gian qua, trước tình hình dịch bệnh Covid-19 có chiều hướng diễn biến phức tạp, một số tỉnh, thành phố phải áp dụng biện pháp cách ly toàn xã hội. Do đó, hoạt động xét xử của Tòa án cũng bị ảnh hưởng; nhiều vụ án đến hạn nhưng không thể đưa ra xét xử theo quy định; một số vụ án bị kéo dài thời hạn giải quyết do đương sự, bị can, bị cáo đang cư trú hoặc bị tạm giam ở vùng có dịch nên không thể trực tiếp tham gia phiên tòa.

Do đó, áp dụng xét xử trực tuyến sẽ góp phần đưa các vụ án ra xét xử theo đúng thời hạn luật định, kịp thời bảo vệ quyền con người, quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của tổ chức, cá nhân, ổn định trật tự, an toàn xã hội và bảo đảm công tác phòng, chống dịch bệnh…

Đại biểu Hoàng Thị Thu Hiền - Phó Chủ tịch Hội Liên hiệp phụ nữ tỉnh Nghệ An dự phiên họp tại điểm cầu Nghệ An. Ảnh: Thành Duy
Đại biểu Hoàng Thị Thu Hiền - Phó Chủ tịch Hội Liên hiệp phụ nữ tỉnh Nghệ An dự phiên họp tại điểm cầu Nghệ An. Ảnh: Thành Duy

Tại phiên thảo luận sáng nay, liên quan đến nội dung, các đại biểu tán thành cao về sự cần thiết tổ chức phiên tòa trực tuyến; tuy nhiên, đây là vấn đề còn mới, có ý kiến cho rằng cần có lộ trình và quá trình thực hiện có sự sửa đổi, bổ sung để đảm bảo phù hợp với cơ sở pháp lý và thực tiễn, từ đó nâng cao hiệu quả  thực hiện Nghị quyết; nguồn lực để đảm bảo thực hiện cũng được đặt ra. Đặc biệt, ý kiến đại biểu đề nghị sớm có các văn bản hướng dẫn thực hiện kịp thời nếu Nghị quyết được Quốc hội thông qua vì thời gian đến khi triển khai là vào đầu năm 2022.

Chánh án Tòa án nhân dân tối cao Nguyễn Hòa Bình cũng đã giải trình, làm rõ một số vấn đề đại biểu Quốc hội nêu. 

Tin mới