Quốc hội thảo luận ở tổ về Luật Quảng cáo và Luật Giáo dục đại học

(Baonghean) - Tiếp tục kỳ họp thứ 2 Quốc hội khóa 13, sáng nay 4/11, Quốc hội làm việc tại tổ thảo luận về Dự án luật Quảng cáo và Dự án luật giáo dục đại học. Đoàn đại biểu quốc hội tỉnh Nghệ An tiếp tục thảo luận tại tổ cùng với đoàn đại biểu quốc hội tỉnh Vĩnh Phúc và Đắk Lắk.
 
Đồng chí Phan Đình Trạc - Ủy viên trung ương Đảng – Bí thư Tỉnh ủy,  Trưởng đoàn đại biểu quốc hội tỉnh Nghệ An được bầu làm tổ trưởng điều hành buổi thảo luận.

Đồng chí Phan Đình Trạc - Trưởng đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Nghệ An

chủ trì thảo luận.

Phát biểu thảo luận, hầu hết các đại biểu nhất trí cao với Tờ trình và Báo cáo thẩm tra của Chủ nhiệm Ủy ban văn hóa, giáo dục, thanh niên, thiếu niên và nhi đồng của Quốc hội về dự án Luật Quảng cáo. Các đại biểu nhấn mạnh: sau 10 năm thực hiện Pháp lệnh Quảng cáo và các văn bản hướng dẫn thi hành, đến nay đã có những hạn chế, không còn đáp ứng yêu cầu phát triển của hoạt động quảng cáo. Vì vậy, khi Luật quảng cáo ra đời sẽ tiếp tục thể chế hóa chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước.
 
Tuy nhiên, các đại biểu cho rằng về quyền và nghĩa vụ của tổ chức, cá nhân tham gia hoạt động quảng cáo, luật cần quy đinh rõ hơn về trách nhiệm của người kinh doanh dịch vụ quảng cáo, người phát hành quảng cáo đối với sản phẩm quảng cáo và trình tự, thủ tục khiếu nại, bởi vì trên các phương tiện thông tin đại chúng hiện nay có một số quảng cáo sai sự thật, gây ảnh hưởng tiêu cực. Nên bổ sung trong luật về quyền khiếu nại của quảng cáo không đúng, gây ảnh hưởng cho người quảng cáo.
 
Về quảng cáo ngoài trời, đại biểu Phạm Văn Tấn (Nghệ An) đề nghị bổ sung một số nội dung, trong đó có quy định chung về quảng cáo tại các khu vực công cộng, các trục đường chính, đường quốc lộ cần phải được quy định chặt chẽ để làm căn cứ quy hoạch cho các địa phương, tránh tình trạng manh mún. Trong công tác quản lí nhà nước về quảng cáo cũng nên giao cho một bộ quản lý, Bộ Văn hóa thể thao và du lịch hoặc Bộ Thông tin truyền thông.  
 
Một số đại biểu tỉnh Vĩnh Phúc, Đắk Lắk đề nghị trong Luật cần quy định những điều cấm: quấy nhiễu, ép buộc người tiếp nhận quảng cáo, cấm quảng cáo rác trên điện thoại. Quy định rõ về thẩm quyền mức độ hành vi vi phạm xử phạt cũng như quy định rõ các kênh chính trị, đặc biệt là trong chương trình thời sự trên ti vi không được quảng cáo.
 
Thảo luận về Dự án Luật Giáo dục đại học, các đại biểu cho rằng cần tiếp tục nghiên cứu bổ sung, hoàn chỉnh Dự án Luật theo hướng quy định cụ thể, chi tiết hơn nữa để đáp ứng yêu cầu của một luật chuyên ngành và giải quyết sớm những vấn đề cơ bản, cấp bách của giáo dục đại học hiện nay. Bên cạnh đó, không ngừng nâng cao chất lượng giáo dục giảng dạy tại các trường đại học.
 
Về quyền tự chủ, chịu trách nhiệm của cơ sở giáo dục đại học ,đại biểu Nguyễn Sỹ Hội (Nghệ An) và các đại biểu khác đề nghị cần phải trao quyền tự chủ trong vấn đề này cho cơ sở giáo dục đại học, theo đó trên cơ sở các điều kiện mở ngành, chuyên ngành đào tạo do Bộ Giáo dục đào tạo quy định, các cơ sở giao dục đại học được tự chủ, tự chịu trách nhiệm trong việc mở ngành, chuyên ngành đào tạo trong danh mục đào tạo của nhà nước và chỉ báo cáo về Bộ Giáo dục và đào tạo để quản lý. Bên cạnh đó, tăng cường biện pháp kiểm tra, giám sát và có chế tài mạnh đối với những vi phạm trong việc mở ngành, chuyên ngành đào tạo./.

Thương Thương

Tin mới