Dấu ấn người lính biên phòng trên những nẻo biên cương

(Baonghean) - Giữa thăm thẳm mù khơi hay mịt mùng rừng sâu, núi thẳm, những người lính biên phòng như những ngọn đèn tỏa sáng, thắp lên bản lĩnh, niềm tin, quyết tâm vững tay súng kiên trung, bảo vệ toàn vẹn chủ quyền biên cương, lãnh hải quê hương.

Gặp Thượng úy Nguyễn Xuân Hợp - Đồn Biên phòng Cửa khẩu quốc tế Nậm Cắn (Kỳ Sơn), lần nào cũng thấy anh tất bật, vội vã. “Lính biên phòng là thế mà!” - Thượng úy Nguyễn Xuân Hợp trần tình. Trải qua nhiều cương vị, địa bàn công tác khác nhau, năm 2012, anh chuyển về Đồn Biên phòng Cửa khẩu quốc tế Nậm Cắn và đảm nhiệm Phó Đội trưởng Đội Phòng chống tội phạm ma túy. Nhận nhiệm vụ mới trên địa bàn đặc thù, không thể kể xiết bao khó khăn, hiểm nguy với những tuần lễ đằng đẵng dầm mình trong mưa rừng phục kích tội phạm ma túy, bao tháng ngày cải trang, trà trộn vào dòng người xuất, nhập cảnh để tìm kiếm manh mối, bằng chứng…
Thượng úy Nguyễn Xuân Hợp cho biết: “Nhiều năm về trước, Nậm Cắn và Tà Cạ là 2 địa bàn nóng của huyện Kỳ Sơn về tội phạm ma túy và các vấn đề di, dịch cư trái phép trên 22,5 km đường biên với nước bạn Lào có địa hình ngăn sông, cách núi. Trước thực tế đó, cán bộ, chiến sỹ Đồn Biên phòng Cửa khẩu quốc tế Nậm Cắn luôn linh hoạt, sáng tạo với phương châm xây dựng thế trận lòng dân, dựa vào sức mạnh và tình yêu thương của nhân dân. Cùng với đó là tăng cường mối quan hệ gắn bó giữa lực lượng biên phòng Việt Nam – Lào, giúp cho công tác bảo vệ biên cương được thuận lợi”. Trung tuần tháng 11/2014, Đồn Biên phòng Cửa khẩu quốc tế Nậm Cắn và Đồn Công an Cửa khẩu quốc tế Nậm Cắn - Xiêng Khoảng (CHDCND Lào) đã tổ chức lễ kết nghĩa… 
Cán bộ, chiến sỹ Đồn Biên phòng Cửa khẩu quốc tế Nậm Cắn (Kỳ Sơn)  chào cờ tại Mốc chủ quyền 405 của Tổ quốc.
Cán bộ, chiến sỹ Đồn Biên phòng Cửa khẩu quốc tế Nậm Cắn (Kỳ Sơn) chào cờ tại Mốc chủ quyền 405 của Tổ quốc.
Dấu ấn của người lính biên phòng trên những nẻo biên cương còn thể hiện ở sự tận tụy, năng động, sáng tạo trong các hoạt động chung tay xây dựng NTM, giúp nhân dân địa phương phát triển kinh tế. Chúng tôi tìm đến Đồn Biên phòng Hạnh Dịch (Quế Phong) – điểm sáng vùng biên với nhiều chương trình “3 cùng” với nhân dân hiệu quả, thiết thực. Bên cạnh vận động bà con chấp hành đúng các chủ trương, chính sách pháp luật của Đảng và Nhà nước, đội xung kích vận động quần chúng của đồn còn hoạt động hiệu quả và tích cực trong việc cùng dân phát triển kinh tế - xã hội. Trung tá Lê Văn Hải - Chính trị viên Đồn Biên phòng Hạnh Dịch chia sẻ, hiện nay, nhiều hộ dân trong xã đã thực hiện mô hình nuôi lợn đen, trồng cây mây… bước đầu cho thu nhập khả quan. Đội xung kích vận động quần chúng còn làm tốt việc tuyên truyền nhân dân xóa bỏ cây thuốc phiện và di cư trái phép. 
Thầy giáo quân hàm xanh của lớp xóa mù chữ ở xã Tam Hợp (Tương Dương).
Thầy giáo quân hàm xanh của lớp xóa mù chữ ở xã Tam Hợp (Tương Dương).
Người lính biên phòng không chỉ làm sáng lên niềm tin về sự bình yên vững bền của dải biên cương xanh, mà còn trở thành điểm tựa, ngọn hải đăng cho bao chuyến lênh đênh khơi xa của ngư dân tỉnh nhà. Có trách nhiệm quản lý 26 km đường biển của 11 xã, phường thuộc địa phận huyện Nghi Lộc và Thị xã Cửa Lò, có 2 cảng biển là Cửa Lò và Bến Thủy, 2 cảng chuyên dụng xăng dầu và một lượng lớn phương tiện đánh bắt hải sản nên trọng trách trên vai những người lính mang quân hàm xanh ở Đồn Biên phòng Cửa khẩu Cảng Cửa Lò – Bến Thủy là rất lớn.
Vượt qua muôn vàn khó khăn, nêu cao tinh thần “Đồn là nhà, biển cả là quê hương”, lãnh hải của Tổ quốc đã luôn được các anh theo dõi, giữ gìn bằng tất cả sự gan dạ, mưu trí, quyết tâm. Trong những năm qua, cán bộ, chiến sỹ đã chủ động nắm bắt, theo dõi tình hình trên biển; đồng thời, làm tốt công tác vận động, tuyên truyền ngư dân tham gia đấu tranh, bảo vệ chủ quyền biển, đảo; vận động nhân dân tham gia tổ tự quản tàu, thuyền để tạo điều kiện giúp đỡ nhau trên biển khi có các tình huống xấu xảy ra; xây dựng các mô hình nuôi cá lồng, tạo sinh kế bền vững cho nhân dân… 
Với đường biên giới quốc gia trên đất liền dài 419,5 km, tiếp giáp với 3 tỉnh của nước CHDCND Lào, chiều dài biên giới trên địa phận Nghệ An chiếm gần 1/4 chiều dài biên giới Việt - Lào; được xác định bởi 116 mốc quốc giới và 44 cọc dấu. Đặc biệt, có 1 cửa khẩu quốc tế (Nậm Cắn, Kỳ Sơn); 1 cửa khẩu chính (Thanh Thủy, Thanh Chương); 3 cửa khẩu phụ; 3 lối mở biên giới; 12 điểm qua lại biên giới cho phép dân cư 2 khu vực biên giới qua lại thăm thân, trao đổi hàng hoá. Những đặc điểm ấy đặt lên vai những người lính biên phòng nhiều trọng trách nặng nề, gian khó mà chỉ có thể vượt qua bằng chính tinh thần xung kích, trách nhiệm trước nhân dân và tình yêu Tổ quốc. Tình yêu ấy như những ngọn đèn tỏa rạng, vọng sáng vào vách núi, biển khơi, vào trái tim mỗi con người…
Phương Chi

Tin mới