Việt Nam luôn sẵn sàng mọi biện pháp duy trì hòa bình ở Biển Đông

Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Lê Hải Bình cho biết Việt Nam có các biện pháp cần thiết để góp phần duy trì hòa bình, ổn định và an ninh ở Biển Đông sau phán quyết "đường lưỡi bò".

Ông Lê Hải Bình trả lời câu hỏi của các phóng viên trong cuộc họp báo chiều 14/7. Ảnh: Tùng Đinh.

Ông Lê Hải Bình trả lời câu hỏi của các phóng viên trong cuộc họp báo chiều 14/7. Ảnh: Tùng Đinh.

Việt Nam kêu gọi các bên kiềm chế, tôn trọng luật pháp quốc tế, đặc biệt là Công ước Liên Hợp Quốc về Luật Biển 1982 (UNCLOS) và Tuyên bố của các bên về ứng xử ở Biển Đông (DOC), người phát ngôn Bộ Ngoại giao Lê Hải Bình nói trong cuộc họp báo thường kỳ chiều nay về tình hình Biển Đông sau phán quyết của Tòa Trọng tài. 

Trước những dự đoán cho rằng Trung Quốc có thể gây căng thẳng ở Biển Đông sau phán quyết hôm 12/7 của Tòa Trọng tài, ông Bình khẳng định: "Đảng, Nhà nước, Chính phủ và nhân dân Việt Nam luôn sẵn sàng mọi biện pháp để góp phần vào việc duy trì hòa bình, ổn định, an ninh ở khu vực".

Người phát ngôn Bộ Ngoại giao cho biết thêm Việt Nam bảo lưu các quyền, lợi ích pháp lý ở Biển Đông, trong đó có chủ quyền với hai quần đảo Trường Sa, Hoàng Sa và các vùng biển được xác định theo UNCLOS. 

Người phát ngôn cho biết Việt Nam đang nghiên cứu phán quyết và đã đề nghị Tòa "đặc biệt quan tâm" đến các quyền và lợi ích pháp lý của Việt Nam ở Biển Đông. "Việt Nam sẽ xem xét các bước đi tiếp theo để bảo đảm các quyền và lợi ích quốc gia".

Đối với việc hãng Kyodo News của Nhật Bản đưa tin ASEAN sẽ không đưa ra tuyên bố chung sau phán quyết "đường lưỡi bò", ông Bình cho biết các thành viên trong ASEAN đều có trách nhiệm chung trong việc duy trì ổn định, an ninh hàng hải ở Biển Đông. 

"Lập trường nhất quán của ASEAN là giải quyết tranh chấp thông qua các biện pháp hòa bình, bao gồm các tiến trình ngoại giao, pháp lý". 

Tòa Trọng tài ở The Hague, Hà Lan, hôm 12/7 công bố phán quyết "đường lưỡi bò" mà Trung Quốc tự vạch ra để áp đặt chủ quyền trên Biển Đông là không có cơ sở pháp lý. 

Tòa cho rằng yêu sách của Trung Quốc đi ngược lại với UNCLOS, đồng thời không có thực thể nào ở quần đảo Trường Sa có thể mang lại vùng đặc quyền kinh tế (EEZ) cho nước này. Trung Quốc ngay lập tức bác bỏ phán quyết.

Trong khi đó, phán quyết của Tòa Trọng tài đã nhận được sự ủng hộ rộng rãi của các nước trên thế giới. 

Việt Nam cũng hoan nghênh Tòa Trọng tài ra phán quyết về yêu sách "đường lưỡi bò" của Trung Quốc ở Biển Đông, đồng thời khẳng định chủ quyền của mình đối với hai quần đảo Trường Sa và Hoàng Sa.

Theo VnExpress

TIN LIÊN QUAN

Tin mới