Mỹ tung đòn tới tấp sau khi Nga diễn tập hạt nhân

Ngay khi Nga bất ngờ huy động bộ 3 hạt nhân thực hiện cuộc tập trận bất ngờ, Mỹ đã có hàng loạt động thái tương tự.

Cách chơi của Mỹ

Hãng RIA Novosti dẫn tuyên bố của ông Brian Maguire, đại diện Bộ chỉ huy Chiến lược Mỹ (Stratcom) cho biết, bắt đầu từ ngày 30/10, lực lượng hạt nhân chiến lược Mỹ khai hỏa cuộc tập trận Global Thunder nhằm đánh giá khả năng phản ứng phản ứng toàn cầu và khả năng phòng thủ.

Trước khi bắt đầu cuộc tập trận hạt nhân, Mỹ đã thông báo cho Nga theo thỏa thuận song phương. Theo vị đại diện này, Global Thunder là cuộc tập trận thường niên nhằm mục đích kiểm tra năng lực của lực lượng không gian, hệ thống giám sát và tình báo, hệ thống tấn công toàn cầu và cả lực lượng phụ trách chiến tranh không gian ảo.

Ông Maguire cho biết thêm: "Cuộc tập trận huấn luyện cho Stratcom và các đơn vị trực thuộc khả năng phòng thủ, và nếu cần thiết là khả năng phản công trong tình huống nước Mỹ bị tấn công". Dù chỉ được coi là cuộc tập trận thường niên nhưng Global Thunder diễn ra ngay sau khi Nga kết thúc cuộc tập trận tương tự nhưng với quy mô lớn hơn.

Máy bay B-1B của Mỹ.
Máy bay B-1B của Mỹ.

Không những vậy, Global Thunder được khai hỏa ngay sau khi Không quân chiến lược Mỹ tuyên bố chuyển đổi mục đích sử dụng oanh tạc cơ B-1B Lancer trong bộ 3 hạt nhân chiến lược - những động thái thể hiện cách chơi của Mỹ trước Nga.

Tờ Lenta.ru dẫn nguồn từ Không quân Mỹ cho biết, tất cả các oanh tạc cơ siêu thanh B-1B Lancer nằm trong bộ 3 hạt nhân chiến lược của Mỹ sẽ được chuyển sang Bộ Tư lệnh lực lượng tấn công nhanh toàn cầu.

Quyết định này đồng nghĩa với việc toàn bộ máy bay B-1B Lancer sẽ được chuyển sang lực lượng không quân hợp nhất của Mỹ - lực lượng chuyên thực hiện các nhiệm vụ tấn công cấp chiến thuật-chiến dịch tại bất cứ nơi nào cần thiết.

Không quân Mỹ cho biết, có tất cả 63 máy bay ném bom B-1B và 7.000 nhân viên hỗ trợ sẽ được chuyển sang nằm dưới quyền chỉ huy của Bộ Tư lệnh lực lượng tấn công nhanh toàn cầu Mỹ trong vòng nửa năm.

Theo đại diện Không quân Mỹ, việc chuyển mục đích sử dụng máy bay B-1B sẽ cho phép tăng tính linh hoạt, phối hợp giữa hệ thống vũ khí tấn công thông thường và vũ khí hạt nhân của Mỹ dưới quyền bộ chỉ huy hợp nhất.

Việc Mỹ chuyển đổi mục đích sử dụng bộ 3 hạt nhân được Stratcom tuyên bố không nằm ngoài mục đích sẵn sàng đối phó với đòn tấn công hạt nhân của đối thủ tiềm tàng trong tương lai.

Tăng sức mạnh

Đô đốc Cecil Haney, Tư lệnh Bộ chỉ huy Chiến lược Mỹ (Stratcom) cho biết, Mỹ vừa quyết định nâng cấp bộ 3 hạt nhân chiến lược của mình bao gồm máy bay ném bom chiến lược, tàu ngầm hạt nhân và tên lửa đạn đạo liên lục địa.

Trả lời trước truyền thông, Đô đốc Cecil Haney cho biết: "Khi mọi người nhìn bộ ba gồm các loại tên lửa đạn đạo của chúng ta, bản chất của tàu ngầm hạt nhân chiến lược của chúng ta và tính linh hoạt của máy bay ném bom chiến lược của chúng ta, mỗi thứ đều được cung cấp một đặc điểm độc đáo nào đó mà để có thể ngăn chặn mọi chiến lược quân sự trong Thế kỷ 21".

Theo ông Haney, hiện nay Lầu Năm Góc đã đưa ra một số chương trình hiện đại hóa hạt nhân để tập trung vào các dự án trong lúc kinh phí hạn hẹp. Nhưng ông nói thêm là việc nâng cấp bộ ba hạt nhân đã không thể trì hoãn, vì các tàu ngầm hạt nhân của Mỹ "đã quá lạc hậu".

Dù ông không tiết lộ khoản kinh phí dùng cho hiện đại hóa bộ 3 hạt nhân của mình trong thời gian tới, nhưng theo thông tin được hãng Reuters tiết lộ, khoản kinh dùng cho chương trình này không dưới 1.000 tỷ USD. Số liệu này được Reuters dẫn nguồn từ Trung tâm nghiên cứu Cấm phổ biến hạt nhân James Martin (CNS) có trụ sở tại California.

Mỹ hiện đang chi 3% tổng ngân sách quốc phòng để thay thế các vũ khí và đầu đạn hạt nhân sau năm 2020. Tỉ lệ 3% này tương đương với số tiền mà nước này chi tiêu cho các hệ thống vũ khí chiến lược trong cuộc chạy đua vũ khí với Liên Xô những năm 80 của thế kỷ trước, dưới thời Tổng thống Ronald Reagan.

Số liệu của CNS tương đối phù hợp với số liệu mà Văn phòng Ngân sách quốc hội Mỹ đưa ra hồi đầu năm 2015, với dự đoán Washington sẽ chi 355 tỉ USD trong một thập kỷ tới cho kho vũ khí hạt nhân.

Theo những số liệu mới nhất của Liên đoàn Khoa học gia hạt nhân (FAS), nước Mỹ hiện sở hữu 4.650 đầu đạn hạt nhân, trong đó 2.130 đầu đạn sẵn sàng hoạt động. Ngoài ra, Washington vẫn còn cất giữ 2.700 đầu đạn hạt nhân đã hết hạn mà chưa được dỡ bỏ.

Theo ước tính của FAS, hiện có khoảng "1.620 đầu đạn chiến lược đã được triển khai sẵn trên các tên lửa đạn đạo, trong đó 1.150 đầu đạn trên tên lửa đạn đạo phóng từ tàu ngầm (SLBMS) và 470 trên tên lửa đạn đạo liên lục địa (ICBM); gần 300 đầu đạn hạt nhân khác được đặt tại các căn cứ của máy bay ném bom tại Mỹ; và gần 200 đầu đạn phi chiến lược đã được triển khai tại châu Âu".

Báo cáo của CNS ước tính, trong những năm gần đây bộ 3 hạt nhân đã ngốn của nước Mỹ khoảng 8 tỉ USD mỗi năm. Chính quyền Mỹ đã quyết định hiện đại hóa cả ba lực lượng trong bộ ba hạt nhân này trong những thập niên tới.

Trong đó, Lầu Năm Góc có kế hoạch sẽ cấp ngân sách liên bang cho Cơ quan An ninh hạt nhân quốc gia để duy trì và xây dựng thêm các loại vũ khí hạt nhân hiện đại, bao gồm: 100-140 tỷ USD cho các loại máy bay ném bom chiến lược, 20-120 tỷ USD cho ICBM và 350 tỷ USD cho SLBM.

Theo Baodatviet

TIN LIÊN QUAN

Tin mới