EU và Nga có thoát khỏi ràng buộc mang tên "năng lượng"?

(Baonghean) - Trong khi mối quan hệ Nga và phương Tây tiếp tục căng thẳng liên quan tới cuộc khủng hoảng chính trị tại Ukraine, người ta tiếp tục mổ xẻ mọi góc cạnh của sự bất ổn, những yếu tố chi phối cục diện chính trị giữa các bên liên quan. Trong đó, năng lượng là yếu tố quan trọng bậc nhất tác động vào tương quan chính trị giữa châu Âu và Nga. Sự phụ thuộc lẫn nhau giữa Nga và châu Âu trong lĩnh vực năng lượng đang ở mức độ nào?  Nó sẽ ảnh hưởng ra sao đến cục diện chính trị tại khu vực hiện tại và tương lai? Đó là những câu hỏi đang được quan tâm hiện nay:

EU giảm sự phụ thuộc vào nguồn năng lượng từ Nga
Tại Hội nghị thượng đỉnh Mỹ - Âu mới đây, Chủ tịch Ủy ban châu Âu Jose Manuel Barroso cho rằng cuộc khủng hoảng Ukraine là “lời cảnh tỉnh” đối với Liên minh châu Âu rằng khối này cần giảm sự phụ thuộc vào nguồn năng lượng của Nga. Trước đó các nhà lãnh đạo Liên minh châu Âu (EU) cũng nhất trí sẽ thúc đẩy một kế hoạch toàn diện nhằm giảm sự phụ thuộc vào nguồn năng lượng từ Nga trong bối cảnh quan hệ giữa hai bên căng thẳng liên quan cuộc khủng hoảng ở Ukraine. Theo kế hoạch, Ủy ban châu Âu (EC) cần phải xem xét nghiên cứu các khía cạnh sau: thứ nhất là khả năng đa dạng hóa nguồn cung cấp năng lượng truyền thống cho các nước EU, trong đó tính đến triển vọng khai thác khí đá phiến sét tại Ba Lan và Anh. Thứ hai là mở rộng các nhà cung cấp năng lượng nước ngoài, có tính đến dự án "hành lang khí đốt phương Nam" có thể vận chuyển khối lượng lớn khí đốt từ khu vực Caspi tới châu Âu thông qua một mạng lưới các đường ống dẫn không đi qua Nga. Thứ ba, đánh giá tác động của việc thúc đẩy sử dụng các nguồn năng lượng thay thế ở châu Âu, và cuối cùng là nâng cao hiệu quả sử dụng năng lượng của nền kinh tế châu Âu. Kết quả nghiên cứu sẽ được trình lên Hội nghị thượng đỉnh EU vào tháng Sáu tới. 
Gazprom vẫn là đối tác chính cung cấp năng lượng cho châu Âu.
Gazprom vẫn là đối tác chính cung cấp năng lượng cho châu Âu.
Đây là lần thứ 2 trong vòng 10 năm, các nhà lãnh đạo châu Âu yêu cầu Ủy ban châu Âu soạn thảo kế hoạch giảm phụ thuộc năng lượng vào Nga. Lần đầu tiên là năm 2006, sau cuộc "khủng hoảng năng lượng" lần thứ nhất giữa Nga và Ukraine, bắt nguồn từ căng thẳng giữa hai nước liên quan sự kiện gọi là "cách mạng Cam" năm 2004. Tuy nhiên, theo số liệu của Eurostat, bất chấp khủng hoảng tài chính toàn cầu, trong giai đoạn từ 2006-2012, lượng khí đốt nhập khẩu của các nước EU đã tăng từ 336 triệu tấn lên 346 triệu tấn/năm. Trong khi đó, thị phần xuất khẩu khí đốt của Nga sang các nước EU lại liên tục tăng, trước hết liên quan tới việc nguồn cung từ khu vực Bắc Phi giảm khi nhiều nước ở khu vực này rơi vào bất ổn do sự kiện "mùa Xuân Arập".
Tầm quan trọng của năng lượng trong quan hệ Nga - Âu
Năm 1991, 49 nước cùng với EU ký phê chuẩn Hiến chương Năng lượng. Nga cũng đã ký văn bản này, song chưa phê chuẩn. Hiến chương Năng lượng là bộ quy tắc về việc hợp tác giữa các hệ thống năng lượng của Đông Âu với Tây Âu, trong đó có đề cập cả vấn đề đầu tư nước ngoài lẫn giải quyết những tranh chấp trong lĩnh vực năng lượng. Từ sau năm 1999, mối quan hệ giữa Nga và EU nảy sinh nhiều bất đồng liên quan đến lĩnh vực năng lượng. Điển hình là việc Nga sử dụng năng lượng như một vũ khí  và tạo thế mặc cả trong quan hệ với EU. Thậm chí hai bên đã có những cuộc đối đầu căng thẳng trong vấn đề này.  Việc  Nga  ngừng  cung  cấp  khí  ga  cho  Ukraine  (1/2006)  và  dầu  cho  Belarut (1/2007) đã ảnh hưởng đến toàn bộ hệ thống ống dẫn khí và dẫn dầu ở châu Âu. Đồng thời qua hai cuộc khủng hoảng này, EU đã nhận ra họ phụ thuộc năng lượng vào Nga nhiều như thế nào. Thậm chí báo chí phương Tây còn mô tả rằng nước Nga đủ sức sưởi ấm và làm tan băng giá cả châu Âu.  EU  sau  nhiều  lần  bị  biến  thành  nạn  nhân  trong  cuộc  chiến  năng lượng giữa Nga và các nước láng giềng đã nhận thấy mối đe dọa từ tình trạng  phụ  thuộc  vào  nguồn  cung  cấp  từ  Nga.  Chính  vì  vậy,  họ  gây  sức  ép buộc Nga nhanh chóng phê chuẩn “Hiến chương Năng lượng” để thể chế hóa việc Nga bảo đảm cung cấp Năng lượng cho các nước EU. Tuy nhiên Nga vẫn không phê chuẩn nội dung của Hiến chương năng lượng của EU bởi theo họ, nó không phản ánh một cách công bằng về nghĩa vụ và quyền lợi giữa một bên là EU – thị trường tiêu thụ, và bên kia là Nga – nước sản xuất, cung cấp khí đốt và dầu mỏ. Ngày 6/8/2009, Thủ tướng Nga Putin đã ký sắc lệnh chính thức bác bỏ việc Nga tham gia Hiệp ước Hiến chương Năng lượng của EU, điều này càng làm cho những mâu thuẫn, căng thẳng giữa hai bên trở nên trầm trọng. Ngoài ra, bất đồng trong vấn đề năng lượng còn là một  trong những nguyên  nhân  chính khiến  EU  luôn  cản  trở  con  đường gia nhập Tổ chức thương mại Thế giới (WTO) của Nga, từ đó trở thành vật cản trong quá trình phát triển quan hệ Nga – EU. Tuy tồn tại nhiều mâu thuẫn song trong nhiều năm qua, Nga – EU vẫn phụ thuộc nhau trong mối quan hệ tương hỗ chặt chẽ. EU cần năng lượng từ Nga và Nga thu về ngoại tệ từ việc bán khí đốt và dầu mỏ. Ước tính, nguồn thu từ xuất khẩu dầu và khí đốt chiếm tới 70% tổng giá trị xuất khẩu hàng năm của Nga. 
EU và Nga có thoát khỏi sự ràng buộc “năng lượng”?
Nhiều chính khách và chuyên gia phương Tây khẳng định châu Âu đã bắt đầu ít phụ thuộc vào dầu mỏ và khí đốt của Nga hơn và có thể đứng vững được một thời gian tương đối dài nếu bị cắt nguồn năng lượng từ Nga. Nhưng thực tế không phải như vậy. Các nhà phân tích có lý do để khẳng định rằng trong tương lai gần, EU khó lòng cưỡng lại sức hấp dẫn của khí đốt Nga bởi nhiều lý do. Thứ nhất, khả năng tự cung cấp khí đốt của EU hiện tại chỉ đảm bảo 1/3 lượng tiêu dùng của cả khối, và nguồn cung này sẽ giảm khoảng 20% vào năm 2020 và 30% vào năm 2030. Hơn thế nữa, châu Âu trong tương lai còn phụ thuộc nhiều hơn vào khí đốt nước ngoài bởi vì trữ lượng khí đốt của châu Âu đang cạn dần. Sản lượng khí đốt Biển Bắc của Anh đã bắt đầu sụt giảm và dự đoán tình trạng sụt giảm tương tự xảy ra đối với Hà Lan, cũng như với các nguồn cung khác cho EU như Algeria hay Libya. Ngay cả việc nhập khí đốt hóa lỏng (chẳng hạn như từ Mỹ) cũng không thể thay thế được khí đốt tự nhiên của Nga. Mới đây, Tổng thống Obama đã hứa hẹn sẽ bảo đảm nhu cầu khí đốt cho châu Âu để lục địa này không phải phụ thuộc vào Nga. Nhưng “nước xa không cứu được lửa gần”. Vấn đề ở đây là giá cả. Các chuyên gia cho rằng, do khoảng cách địa lý, khí đốt hóa lỏng nhập từ Mỹ sẽ đắt gần gấp đôi so với khí đốt tự nhiên nhập từ Nga, vì thế các nước châu Âu chắc chắn sẽ không vì lý do chính trị mà phải bỏ thêm khoản tiền lớn giữa thời buổi khủng hoảng kinh tế hiện nay. Vì thế, dù rất muốn đa dạng hóa nguồn cung năng lượng nhằm giảm sự lệ thuộc vào Nga nhưng các nước châu Âu khó lòng thực hiện được  kế hoạch này trong ngắn hạn. Nói một cách chung nhất, bất kỳ nỗ lực nào vào lúc này để giảm bớt sự phụ thuộc của châu Âu vào nguồn năng lượng của Nga cũng sẽ tiêu tốn thời gian và công sức. 
Đối với Nga, dù trong quá khứ, Nga đã từng cắt nguồn cung sang Ukraine và Liên minh châu Âu (EU) vào năm 2009, sau khi không đạt được thỏa thuận về giá và thuế với Kiev, khiến cho khu vực Balkans rơi vào tình trạng thiếu hụt năng lượng và gây ra các vấn đề kinh tế cho các quốc gia trong khu vực như Hungary và Slovakia. Hiện nay gần một nửa lượng khí đốt của Nga sang EU đi qua Ukraine và Gazprom đã đe dọa sẽ lặp lại khủng hoảng năng lượng 2009 nếu Ukraine không trả hết nợ - vốn là một lý do Nga dùng để gây sức ép cho Ukraine và EU. Tuy nhiên, lịch sử sẽ khó có thể lặp lại vì tình hình hiện nay khác khá nhiều so với 2009. Trước hết là lợi ích về kinh tế. Nền kinh tế Nga vốn phụ thuộc rất lớn vào nguồn thu từ xuất khẩu dầu và khí đốt - chiếm tới 70% tổng giá trị xuất khẩu hàng năm. Vì vậy, hậu quả của việc ngừng cung cấp dầu, khí sẽ gây ra thiệt hại rất lớn cho Nga nhiều hơn bất cứ ai. Chính phủ Nga đã dự đoán rằng tổng giá trị xuất khẩu sẽ giảm 2% trong năm nay, và việc ngừng cung cấp khí đốt sẽ khiến tình hình tệ hơn nữa. 
Thêm nữa, Thủ tướng Nga đương nhiệm, ông Dmitry Medvedev, từng tuyên bố: "Mục tiêu của Nga không chỉ là cung cấp cho 25% nhu cầu tiêu thụ khí đốt toàn cầu mà Nga phải trở thành nhà cung cấp khí đốt lớn nhất thế giới". Lời tuyên bố đó cho thấy Nga không những cần mở rộng thị trường xuất khẩu khí đốt mà còn phải duy trì các thị trường truyền thống. Điều đó có nghĩa Nga không chỉ dừng lại ở việc ký kết nhiều hợp đồng cung cấp dầu lửa cho các nước EU mà sẽ còn còn phát triển các hệ thống dẫn dầu dọc ngang châu Âu.
Tất cả những điều này cho thấy, năng lượng vẫn sẽ là yếu tố duy trì tương quan chính trị giữa châu Âu và Liên bang Nga. Như thế, dù cho diễn tiến tại Ukraine chuyển biến theo hướng nào, khí đốt của Nga – cũng như những lợi ích mà nó mang lại cho các trung tâm tài chính của châu Âu – sẽ vẫn là chất kết dính cho cả hai thực thể này.
Thanh Huyền

Tin mới