70 năm nhìn lại thảm họa bom nguyên tử

(Baonghean) - Ngày 6/8/1945, quả bom nguyên tử đầu tiên có tên “Little Boy” đã bị Mỹ ném xuống Hiroshima (Nhật Bản), tiếp đó ngày 9/8 quả bom nguyên tử thứ 2 mang tên “Fat Man” trút xuống Nagasaki, đó là những thảm họa hạt nhân đầu tiên và khủng khiếp trong lịch sử loài người. 70 năm đã đi qua, nhưng vẫn còn đó những điều bàn cãi, những bài học cần lưu tâm. Báo Nghệ An có cuộc trao đổi với PGS-TS, Thiếu tướng Lê Văn Cương, Nguyên Viện trưởng Viện Chiến lược và Khoa học Bộ Công an xung quanh vấn đề này.

Phóng viên: Dư luận Mỹ và phương Tây nhiều năm qua cho rằng vì ném 2 quả bom nguyên tử mà chấm dứt Chiến tranh thế giới thứ 2, xin ông cho biết quan điểm của ông về vấn đề này?
Thiếu tướng Lê Văn Cương: Đúng là từ sau khi Chiến tranh thế giới thứ 2 kết thúc đến nay, xung quanh việc 2 quả bom nguyên tử Mỹ ném xuống Nhật Bản vẫn còn nhiều ý kiến khác nhau. Tôi cho rằng lập luận vì 2 quả bom nguyên tử đó mà chấm dứt chiến tranh là không thuyết phục và không khoa học. 
Khung cảnh hoang tàn sau vụ Mỹ ném bom nguyên tử xuống  Nhật Bản. 	Ảnh: Internet
Khung cảnh hoang tàn sau vụ Mỹ ném bom nguyên tử xuống Nhật Bản. Ảnh: Internet
Chúng ta nên nhớ rằng vào tháng 7/1944, Mỹ và Anh đã mở cuộc phản công chiến lược ở mặt trận châu Á Thái Bình Dương. Cuối năm 1944 thì giải phóng New Ghi Ne, tháng 5/1945 thì giải phóng Philippines, Myanmar và hầu hết các đảo phía Đông Thái Bình dương bị chiếm đóng. Tháng 3/1945, quân Mỹ đã chiếm đảo Yoshima và Okinawa của Nhật Bản. Nghĩa là tháng 6/1945, dưới sức mạnh tấn công của liên quân Mỹ - Anh, các vùng đất Nhật chiếm đóng, các thuộc địa của Nhật đã được Mỹ và Anh giải phóng. Địa bàn chiến lược của quân đội Nhật hoàng bị thu hẹp cơ bản. Không chỉ Nhật mất vùng chiến lược, mà ngay cả lãnh thổ của mình cũng có phần mất. Tình thế của Nhật Bản vào tháng 6/1945 là hết sức nguy cấp.
Ở mặt trận phía Tây, ở châu Âu Đại Tây Dương, ngày 8/9/1945, Đức Quốc xã đầu hàng vô điều kiện quân đồng minh, thực chất là đầu hàng Hồng quân Liên Xô. Sau khi thanh toán phát xít Đức, Hồng Quân Liên Xô mở mặt trận ở Thái Bình Dương. Từ mùng 9-17/8/1945 Hồng quân đã đánh tan đạo quân Quan Đông tinh nhuệ nhất của Nhật với 750 nghìn quân. Đây là chiến dịch Mãn Châu Lý, chiến dịch đánh quỵ quân đội xương sống của Nhật. Vào đầu tháng 8, Hồng quân cùng lực lượng cách mạng giải phóng vùng Đông Bắc Trung Quốc, Triều Tiên, miền Nam đảo  Sakhalin... 
Sau đòn quyết định này, Nhật Bản không còn gì để chống đỡ nữa. Vì vậy nói nhờ 2 quả bom nguyên tử nên Nhật mới đầu hàng là không đúng sự thật. Nhất là sau khi Liên Xô đã thanh toán phát xít Đức, mở mặt trận ở châu Á Thái Bình Dương. Nhật Bản không còn lối thoát nữa. Đầu 8/1945 Nhật Bản trong trạng thái ngàn cân treo sợi tóc. 
Vì vậy, hoàn toàn không cần đến 2 quả bom nguyên tử, với 447 nghìn người chết và bị tàn phế suốt đời, trong đó gần 300 nghìn người chết. 
Lịch sử phải được xác nhận một cách chân thực, không nên bóp méo.
Phóng viên: Theo Thiếu tướng tại sao Mỹ không ném xuống Đức Quốc xã mà ném vào Nhật Bản?
Thiếu tướng Lê Văn Cương: Ở đây có 2 vấn đề: Thứ nhất là mặt trận châu Âu Đại Tây Dương lực lượng chủ lực là Hồng quân Liên Xô, và Hồng quân Liên Xô đã tiêu diệt tận gốc chủ nghĩa phát xít rồi, không còn chỗ cho Mỹ phô trương sức mạnh nữa. Mỹ cũng tham gia cùng quân đồng minh nhưng Hồng quân Liên Xô có những trận thắng chủ yếu và có tính quyết định hoàn toàn. Vì vậy chỉ còn Nhật Bản là nơi Mỹ có thể “tung hoành”. Thứ 2 là chính giới tinh hoa Mỹ cũng biết rằng không cần 2 quả bom nguyên tử thì Nhật cũng đầu hàng. Nhưng họ vẫn sử dụng, ở đây nhằm mục đích chính trị là chủ yếu, chứ không phải mục đích quân sự. Có nghĩa là Mỹ muốn chứng tỏ vào thời điểm đó, và từ đó về sau, Mỹ là chúa tể của thế giới, tất cả các quốc gia đều phải dưới sự sắp xếp của Mỹ. Sau khi Đức – Ý – Nhật thất bại thì không còn thế lực nào đối đầu với Mỹ nữa. 
Phóng viên: Thưa ông, người ta nói rằng chính nhờ 2 quả bom nguyên tử Mỹ ném xuống Nhật Bản đã thúc đẩy Liên xô nghiên cứu bom nguyên tử, có đúng vậy không?
Thiếu tướng Lê Văn Cương: Ngay cả nhận xét này cũng không đúng nốt. Vì Liên Xô đã tổ chức nghiên cứu năng lượng nguyên tử từ năm 1942. Vào năm 1941, Stalin giao cho Bêria - Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Chủ tịch HĐBT, Bộ trưởng Bộ Nội vụ, Anh hùng Liên Xô, làm nhiệm vụ thu thập tình báo từ nước ngoài gửi về, theo dõi thông tin Đức, Anh, Pháp đang bí mật nghiên cứu sản xuất bom nguyên tử. Từ năm 1941, Bêria đã biết điều đó, nhưng chưa đủ tin cậy nên chưa báo cáo Stalin. Ngày 6/10/1942, Bêria có báo cáo đầu tiên gửi Stalin và đề nghị thành lập một cơ quan khoa học đặc biệt thuộc Ủy ban quốc phòng với sự tham gia của nhiều nhà khoa học nghiên cứu năng lượng hạt nhân. Ngày 28/9/1942, đề án hạt nhân đi vào hoạt động, cùng ngày Ủy ban Quốc phòng Liên Xô ra quyết định 2352CC về tổ chức nghiên cứu Urani. Từ 28/9/1942 đến 5/1944, Phó Chủ tịch Ủy ban quốc phòng Môlôxốp phụ trách cơ quan nghiên cứu chương trình cơ mật nghiên cứu bom nguyên tử. Từ 21/6/1944, Bêria được giao phụ trách đề án hạt nhân, tập hợp các nhà khoa học hạt nhân, tạo mọi điều kiện thu thập thông tin. Năm 1945 Mỹ thử thành công bom nguyên tử. 20/8/1945, Ủy ban quốc phòng Liên Xô ra quyết định thành lập ủy ban đặc biệt do Bêria lãnh đạo, chỉ đạo mọi nghiên cứu về sử dụng năng lượng hạt nhân. Hơn 4 năm sau, ngày 28/5/1949, Liên Xô thử thành công quả bom nguyên tử đầu tiên tại bãi thử thứ 2 phía Tây Cadacstan. 
Như vậy, Liên Xô đã tổ chức nghiên cứu vũ khí hạt nhân từ 28/9/1942. Chính Bêria là “cha đẻ” của vũ khí hạt nhân nguyên tử của Liên Xô. Đây là chương trình bí mật mà không phải quan chức Liên Xô nào cũng biết. Sau khi Stalin mất, ngày 5/3/1953, ba tháng sau, Bêria bị Khrusop và đồng bọn xử bằng một vụ án tồi tệ nhất, đen tối nhất trong lịch sử của Đảng Cộng sản Liên Xô.
Phóng viên: Thưa Thiếu tướng, lịch sử không thể giả định, nhưng nếu Liên Xô không sản xuất bom nguyên tử vào năm 1949, thì lịch sử sẽ như thế nào?
Thiếu tướng Lê Văn Cương: Đúng là với lịch sử thì không có giả định, nhưng trong nghiên cứu khuynh hướng phát triển các mối quan hệ quốc tế, thì phải đưa ra các mô hình giả thiết để phân tích.
Nếu Liên Xô không làm chủ được công nghệ nghiên cứu và sản xuất bom nguyên tử thì tình hình thế giới có thể đã phát triển theo một xu hướng khác. Nếu Mỹ độc quyền kéo dài vài thập niên, thì Mỹ sẽ thực hiện vai trò sen đầm quốc tế. Hệ thống XHCN, các phong trào giải phóng dân tộc chống chủ nghĩa thực dân cũ và mới gặp nhiều khó khăn. Hệ thống XHCN gặp nhiều thách thức, thậm chí có nguy cơ không tồn tại.
Xét về ý nghĩa lịch sử của thế giới thì việc Liên Xô thử thành công vũ khí hạt nhân góp phần tạo ra khuynh hướng phát triển tích cực hơn, cân bằng hơn, có khả năng ngăn chặn bàn tay hiếu chiến. Đó là đóng góp quan trọng vào sự phát triển của Liên Xô cho nhân loại trong thế kỷ 20. 
Phóng viên: Sau 70 năm, nhìn lại sự kiện bị thảm do bom nguyên tử gây ra, theo Thiếu tướng chúng ta có thể rút ra điều gì?
Thiếu tướng Lê Văn Cương: 70 năm là thời gian quá đủ cho suy ngẫm và đưa ra những bài học. Theo tôi, có thể rút ra 2 điều: Một là khoa học thúc đẩy văn minh nhân loại, mỗi bước tiến của khoa học đều tạo ra điều kiện cho loài người  nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của mình. Nhưng mỗi thành tựu khoa học nếu sử dụng không đúng đắn cũng gây thảm họa cho nhân loại. Thảm họa ném 2 quả bom nguyên tử trong tháng 8/1945 là những ví dụ khủng khiếp. Mọi con người trên hành tinh này, nhất là giới tinh hoa của 217 quốc gia và vùng lãnh thổ phải tỉnh táo, phải sử dụng thành tựu khoa học vào mục đích thúc đẩy tiến bộ văn minh nhân loại. Bản chất khoa học là nhân văn, tiến bộ, nhưng rơi vào tay những kẻ có dã tâm sử dụng vào mục đích xấu xa thì có thể gây ra thảm họa. 
Điều thứ 2, tôi cho rằng loài người hiện đang ở trong một trạng thái mất an ninh nhất, ở cả 2 tầng cấp. Ở tầng chiến thuật, tầng khu vực,  tầng quốc gia, thì hàng nghìn năm nay chưa bao giờ xung đột tôn giáo, dân tộc, từ Trung Đông, Nam Á, Bắc Phi, hoạt động khủng bố, xung đột sắc tộc, ly khai lại diễn ra phức tạp như hiện nay. Ở góc độ toàn cầu, số lượng bom hạt nhân của 5 cường quốc là Mỹ, Nga, Trung Quốc, Anh, Pháp sở hữu (ngoài ra người ta còn cho rằng cả Ixrael, Ấn Độ, Triều Tiên, Iran, Pakistan  có thể cũng sở hữu bom nguyên tử) có khả năng 50 lần hủy diệt 8 tỷ người trên hành tinh. Loài người nắm trong tay mình lượng vũ khí hạt nhân mà chỉ cần 1/50 cũng đủ biến quả đất thành một hành tinh bao phủ bụi phóng xạ và sự sống tàn lụi. 
Vì vậy, điều cần nhất là giới tinh hoa của các quốc gia và vùng lãnh thổ phải có trách nhiệm hợp tác thông qua các định chế hợp tác quốc tế, các định chế đa phương và song phương. Các quốc gia phải sử dụng hệ thống luật pháp quốc tế, thông lệ quốc tế để đảm bảo cho hành tinh này sống trong hòa bình, hợp tác, ổn định và phát triển.
Phóng viên: Xin cảm ơn Thiếu tướng!
Chí Linh Sơn (Thực hiện)

Tin mới