Cuộc đua hạt nhân đang "hồi sinh" ở Đông Bắc Á?

(Baonghean) - Tuyên bố của nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un rằng nước này sẵn sàng sử dụng vũ khí hạt nhân bất cứ lúc nào và luôn trong tư thế “tấn công phủ đầu” nếu bị kẻ thù đe dọa, đang khiến cuộc khủng hoảng hạt nhân trên Bán đảo Triều Tiên thêm căng thẳng. Những động thái này không những bị chỉ trích là “khiêu khích” mà còn có khả năng làm hồi sinh các cuộc chạy đua hạt nhân trong khu vực. 
Át chủ bài của Triều Tiên
Trong một động thái được cho là nhằm thách thức các biện pháp trừng phạt mới của Liên Hợp Quốc được công bố hôm 2/3, Triều Tiên đã ngay lập tức phóng đi một loạt tên lửa tầm ngắn. Ngay sau đó là mệnh lệnh của nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un về việc đưa toàn bộ kho vũ khí hạt nhân vào tình trạng sẵn sàng. 
1
Nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong Un kêu gọi sẵn sàng sử dụng vũ khí hạt nhân bất cứ lúc nào. Ảnh: Reuters.
Việc Bình Nhưỡng bất chấp lệnh trừng phạt khắc nghiệt nhất từ trước tới nay được cho là do ông Kim muốn khiến thế giới công nhận Triều Tiên là một cường quốc hạt nhân. 
Tuyên bố của lãnh đạo Triều Tiên dù là sự thật hay chỉ là lời đe dọa cũng gây nên những lo ngại về năng lực sản xuất vũ khí hạt nhân của Bình Nhưỡng. Điều đó có nghĩa sau hàng thập niên dưới ách cấm vận, Triều Tiên không những không bị suy sụp mà ngược lại năng lực sản xuất thiết bị quân sự vẫn phát triển.
Theo bản đánh giá mới nhất của Lầu Năm Góc công bố cách đây vài tuần: “Triều Tiên rất muốn phát triển tên lửa tầm xa, gắn đầu đạn hạt nhân có khả năng vượt Thái Bình Dương, đe dọa đến Mỹ”. Bản đánh giá cũng nêu công nghệ vũ khí hạt nhân và phát triển tên lửa đạn đạo của Triều Tiên đang ở mức độ đúng với mục tiêu mà nước này nhắm tới là tấn công vào đất Mỹ. 
Vậy tại sao dưới áp lực trừng phạt của quốc tế, Triều Tiên vẫn kiên quyết theo đuổi hạt nhân? Có lẽ, đối với Triều Tiên, thì vũ khí hạt nhân được xem như một con át chủ bài để bảo vệ mình. 
2
Binh sỹ quân đội Triều Tiên. Ảnh: Reuters.
Một lý lẽ khác mà các thế hệ lãnh đạo Triều Tiên đưa ra đó là Triều Tiên sẽ không giải giáp vũ khí hạt nhân khi các nước lớn khác như Mỹ không chịu giải giáp. 
Chạy đua hạt nhân để tự vệ
Đằng sau những lo ngại là hiệu ứng phòng thủ và tự vệ trước khả năng tấn công của Triều Tiên. Vậy tự vệ bằng cách nào? Đó là tạo nên những chiếc “ô hạt nhân” hoặc phát triển vũ khí hạt nhân tiên tiến hơn để răn đe Bình Nhưỡng. Đây mới chính là điều đáng lo ngại nhất trong bối cảnh khủng hoảng hạt nhân chưa thể tháo ngòi nổ.
Hiện Mỹ và Hàn Quốc được coi là 2 nước bất an nhất trước mối nguy hiểm từ hạt nhân Triều Tiên. Về mặt kỹ thuật, Triều Tiên và Hàn Quốc vẫn đang trong tình trạng chiến tranh suốt hơn 60 năm qua. Xung đột giữa hai bên có thể xảy ra bất cứ lúc nào. Trong khi đó, Triều Tiên coi Mỹ là “kẻ thù không đội trời chung”. Còn Mỹ lại buộc phải có “trách nhiệm” đảm bảo an ninh cho các đồng minh ở khu vực.   
Quan chức quốc phòng Mỹ - Hàn Quốc thảo luận về Hệ thống phòng thủ tên lửa tầm cao giai đoạn cuối (THAAD) hôm 4/3. Ảnh: Yonhap.
Quan chức quốc phòng Mỹ - Hàn Quốc thảo luận về Hệ thống phòng thủ tên lửa tầm cao giai đoạn cuối (THAAD) hôm 4/3. Ảnh: Yonhap.
Chính vì thế, những hành động “già néo đứt dây” từ Bình Nhưỡng sẽ dẫn đến khả năng làm hồi sinh các vòng đàm phán về việc triển khai vũ khí hạt nhân chiến lược của Mỹ trên lãnh thổ, lãnh hải Hàn Quốc. Những thứ vũ khí kiểu này đã được rút khỏi bán đảo Triều Tiên từ đầu những năm 1990, đến nay, Washington và Seoul vẫn còn do dự trước kế hoạch tái triển khai.
Tuy nhiên, một số chuyên gia quân sự cho rằng Mỹ và Hàn Quốc vẫn nên xem nó như một lựa chọn. Trước mắt, nhằm thể hiện sự ủng hộ với Hàn Quốc, Mỹ đã bắt đầu triển khai các thiết bị quân sự chiến lược tại quốc gia đồng minh ở Đông Bắc Á này. Ngoài ra, trong một động thái mới nhất, Hàn Quốc và Mỹ chính thức khởi động đàm phán về Hệ thống phòng thủ tên lửa tầm cao giai đoạn cuối (THAAD). 
Tuy vậy, tất cả những điều đó chưa đủ làm yên lòng người dân Hàn Quốc trước mối nguy từ vũ khí hạt nhân của người láng giềng manh động. Giới chuyên gia không loại trừ khả năng Seoul cũng muốn theo đuổi vũ khí hạt nhân để tự bảo vệ mình.
Điều này có cơ sở khi trước đây, sau mỗi vụ thử hạt nhân của Bình Nhưỡng, xuất hiện một luồng dư luận kêu gọi Hàn Quốc phát triển hạt nhân để răn đe Triều Tiên. Tuy nhiên, những ý kiến như thế nhanh chóng được xoa dịu.
Lần này lại khác, ý kiến đã được nâng thành vấn đề để thảo luận nghiêm túc và được các thành viên cấp cao của đảng cầm quyền ủng hộ. Một cuộc thăm dò của Viện Asan gần đây cho thấy gần 54% người dân Hàn Quốc ủng hộ Seoul phát triển hạt nhân.
Thậm chí sau khi Triều Tiên thử bom nhiệt hạch hồi tháng 1 và đến ngày 7/2 tiếp tục phóng tên lửa mang vệ tinh, Yonhap dẫn lời nghị sỹ Won Yoo-cheol thuộc đảng cầm quyền Saenuri kêu gọi Seoul tự phát triển vũ khí hạt nhân hoặc cho phép Mỹ tái triển khai loại vũ khí này trên lãnh thổ để ứng phó Triều Tiên.
Xu hướng này rõ ràng là một dấu hiệu của sự bất ổn trong khu vực Đông Bắc Á. Bối cảnh này đang chờ đợi đối thoại cởi mở và chân thành, một cuộc đàm phán quốc tế nhằm “hạ hỏa” bán đảo Triều Tiên. Chỉ như vậy mới có thể ngăn chặn nguy cơ xung đột hay một cuộc chạy đua vũ trang trong khu vực này./.
Thanh Huyền
TIN LIÊN QUAN

Tin mới