Đức đặt điều kiện để Nga quay trở lại G7

Trong khuôn khổ Hội nghị thượng đỉnh G-7 sẽ được tổ chức vào tháng 5/2016, vấn đề đưa Nga quay trở lại G-7 sẽ là một trong những chủ đề thảo luận chính.

Tổng thống Nga Putin và Ngoại trưởng Đức Frank-Walter Steinmeier (bên phải).
Tổng thống Nga Putin và Ngoại trưởng Đức Frank-Walter Steinmeier (bên phải).

Thông tin trên do Ngoại trưởng Đức Frank-Walter Steinmeier đưa ra. Theo đó, ngoài vấn đề đưa Nga quay trở lại G-7, Hội nghị thượng đỉnh G-7 cũng thảo luận vấn đề tăng cường các cuộc tiếp xúc giữa Moscow với NATO thông qua hình thức Hội đồng Nga - NATO.

Trả lời phỏng vấn của kênh truyền hình PDA, ông Frank-Walter Steinmeier cho biết việc đưa Nga quay trở lại G-7 chỉ có thể được thực hiện với một số điều kiện nhất định.

Cụ thể, Nga phải tăng cường các nỗ lực để giải quyết cuộc khủng hoảng Ukraine, cũng như đóng vai trò tích cực hơn trong việc thiết lập hòa bình ở Syria.

"Rõ ràng, không thể giải quyết được cuộc khủng hoảng quốc tế nghiêm trọng nào nếu như không có sự tham gia của Nga"- ông Frank-Walter Steinmeier đánh giá về vai trò của Nga.

Được thành lập năm 1975, G-7 bao gồm 7 quốc gia công nghiệp phát triển là Mỹ, Anh, Pháp, Đức, Italia, Canada và Nhật Bản. Tổ chức này được coi là câu lạc bộ không chính thức nhằm xác định các vấn đề liên quan đến việc thúc đẩy sự phát triển kinh tế của các quốc gia hàng đầu.

Nga nhận được quy chế thành viên trong "câu lạc bộ quý tộc" này trong giai đoạn ông Boris Eltsin nắm quyền Tổng thống Nga, đưa G-7 thành G-8. Trong giai đoạn quan hệ Nga - Mỹ khủng hoảng, Mỹ thường xuyên đưa ra ý tưởng loại Nga ra khỏi tổ chức này.

Cuộc khủng hoảng ở Ukraine và việc thay đổi quy chế đối với Crimea chính là các nhân tố để giúp Mỹ đạt được mục đích loại Nga khỏi G-8.

Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình và Tổng thống Nga Putin (bên phải).
Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình và Tổng thống Nga Putin (bên phải).

 G-20 tốt hơn G-8

Hiện vẫn chưa rõ liệu những phát biểu của Ngoại trưởng ĐứcFrank-Walter Steinmeier có phải là quan điểm của tất cả lãnh đạo G-7 hay không nhưng có thể dự đoán rằng quyết định đưa Nga quay trở lại G-8 sẽ nhận được sự ủng hộ của ít nhất 2 thành viên là Italia và Pháp. Hai quốc gia này liên tục đưa ra những đề xuất cải thiện quan hệ và tăng cường đối thoại với Nga.

"Sự đồng thuận (trong G7, về vấn đề đưa Nga quay trở lại G-8) hiện chưa có nhưng vẫn có các quốc gia khác ủng hộ quan điểm của Frank-Walter Steinmeier"- Phó Giáo sư Học viện quan hệ quốc tế Moscow Ivan Safranchuk nhận định.

Ngoài Italia và Pháp, Nhật Bản, quốc gia sẽ đứng ra tổ chức Hội nghị thượng đỉnh G-7, cũng là quốc gia ủng hộ việc cải thiện quan hệ với Nga. Theo kế hoạch đã đặt ra, Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe dự định sẽ đến thăm Moscow vào đầu tháng 5 sắp tới.

Đáng chú ý, việc quay trở lại G-8, theo Chủ tịch Đoàn Chủ tịch hội đồng chính sách đối ngoại và quốc phòng Nga (SVOP) Fedor Lukianov, không có ý nghĩa nhiều đối với Nga.

G-20 mới là tổ chức Nga cần củng cố vị thế. Trung Quốc, thành viên của G-20, cũng là một cường quốc không tham gia vào G-7, nhưng vẫn là quốc gia có các chỉ số kinh tế tốt nhất thế giới.

Trước đó, Điện Kremlin đã nhiều lần tuyên bố rằng trong G-20, khuôn khổ hợp tác mà các quốc gia có vị thế bình đẳng và ít phụ thuộc vào Mỹ, việc hành động và tiến hành các thỏa thuận diễn ra thuận lợi hơn nhiều so với G-7.

Trong giai đoạn Nga bị cô lập nặng nề nhất, Tổng thống Nga Putin vẫn tận dụng các cuộc gặp trong khuôn khổ G-20 để tiến hành các thỏa thuận với giới lãnh đạo phương Tây.

Frank-Walter Steinmeier được coi là một trong những chính trị gia ủng hộ mạnh mẽ việc cải thiện quan hệ và đưa Nga xích lại gần phương Tây. Nỗ lực này được phía Nga đánh giá cao. Một trong những quan chức ngoại giao cấp cao của Nga trong trao đổi với tạp chí "Báo Nga" đã mô tả Ngoại trưởng Đức như là "một con người dễ chịu và một chính trị gia chân thành".

Theo nguồn tin từ giới ngoại giao EU cung cấp cho "Báo Nga", tình hình nội bộ EU hiện đang có những thay đổi nhanh chóng và điều này sẽ có những tác động không nhỏ đến quan điểm của EU trong thời gian tới.

Nga và NATO bắt đầu nối lại đối thoại

Mặc dù quan hệ Nga - phương Tây đang trong giai đoạn không thuận lợi nhưng "đối thoại công việc" giữa Nga và EU vẫn đang được triển khai. Dự kiến đến giữa tháng 5 tới, cuộc gặp giữa giới ngoại giao EU và Nga về việc thúc đẩy quan hệ sẽ được tổ chức. Thông tin này đã được một nguồn tin trong SVOP tiết lộ với báo giới Nga.

Do khủng hoảng trong quan hệ nên Nga không chỉ bị dừng quy chế thành viên G-8 mà còn mất đi khả năng tiến hành các cuộc đối thoại chính trị với NATO.

Các chuyên gia phân tích cho rằng việc nối lại các cuộc đối thoại với NATO có tính chất quan trọng hơn so với quy chế thành viên trong G-8 vì đối thoại này sẽ góp phần quan trọng vào việc giải quyết các vấn đề liên quan trực tiếp đến an ninh quốc tế.

Điều đáng mừng là hai bên, Nga và NATO, mới đây đã đi đến thỏa thuận về sự cần thiết phải tiến hành khôi phục các cuộc đối thoại đã bị ngắt quãng.

Cuộc gặp đầu tiên trong khuôn khổ Hội đồng Nga - NATO cấp bộ trưởng sẽ được tổ chức tại Brussels sau hai tuần nữa. Đại diện thường trực của Nga tại NATO Aleksandr Grushko đã thông báo điều này với báo giới Nga vào ngày thứ Bảy vừa qua.

Đây sẽ là cuộc gặp cấp bộ trưởng đầu tiên giữa Nga với NATO kể từ sau khi đối thoại cấp này bị ngừng lại kể từ năm 2014.

Theo giới ngoại giao, việc xác định các vấn đề cần trao đổi trong cuộc gặp này vẫn còn nhiều khó khăn. NATO muốn trao đổi chủ yếu là về tình hình khủng hoảng Ukraine, cũng như thảo luận về việc Nga thường thực hiện các chuyến bay gần với biên giới các nước thành viên NATO.

Giới lãnh đạo NATO đã không ít lần cáo buộc các máy bay quân sự Nga thường xuyên thực hiện các chuyến bay trinh sát ở gần biên giới với các nước thành viên NATO. Mặc dù hiện hành động này của Nga vẫn chưa làm nảy sinh vấn đề gì nhưng đã gây ra nhiều tranh cãi ngoại giao trong thời gian vừa qua.

Về phần mình, Nga lại muốn thảo luận những vấn đề được Nga coi là cấp bách hơn như cuộc chiến chống chủ nghĩa khủng bố và tình hình ở Afghanistan.

Chính quyền trung ương Afghanistan hiện đang không thể kiểm soát được phần lớn diện tích lãnh thổ của mình và điều này khiến Moscow rất quan ngại. Afghanistan có biên giới chung với Tadjikistan – đồng minh của Nga trong liên minh quân sự Tổ chức Hiệp ước An ninh tập thể (ODKB).

Nga quan ngại về tình hình Afghanistan vì giới ngoại giao Nga cho rằng tình hình ở Afghanistan đang trong giai đoạn "thảm họa".

Nga quan ngại về tình hình Afghanistan là do quốc gia Trung Á này không chỉ là địa điểm củng cố lực lượng của các tổ chức khủng bố mà còn là tuyến đường vận chuyển, buôn bán ma túy bất hợp pháp.

Moscow cần có sự đảm bảo rằng NATO, liên minh cho đến nay vẫn duy trì sự hiện diện quân sự tại Afghanistan, sẽ có trách nhiệm hơn trong việc đối phó với các mối đe dọa này.

Trước khi quan hệ bị đóng băng, Nga và NATO vẫn đánh giá cao sự hợp tác của hai bên ở Afghanistan, trong đó có hợp tác về quân sự. NATO đã sử dụng kinh phí của Mỹ để mua sắm các trực thăng của Nga. Nga cũng phối hợp với NATO trong việc đào tạo các chuyên gia địa phương để chống buôn bán ma túy.

Nội dung được thực hiện qua tham khảo nguồn tin từ tờ báo "Gazeta", một trong những tờ báo điện tử uy tín, có lượng truy cập lớn nhất tại Nga hiện nay.

Theo Pháp Luật

TIN LIÊN QUAN

Tin mới