Giao tranh Armenia – Azerbaijan: Đốm lửa nhỏ, nguy cơ lớn

(Baonghean) - Thế giới lại chứng kiến thêm một “điểm nóng” nữa khi xung đột bùng phát tại khu vực biên giới giữa Armenia và Azerbaijan khiến hàng chục người thiệt mạng. Cuộc giao tranh chỉ như một “đốm lửa” so với các “chảo lửa” khác trên thế giới nhưng ẩn chứa nguy cơ bất ổn không hề nhỏ cho cả khu vực Trung Á, Trung Đông và khu vực Kavkaz.

Armenia and Azerbaijan. Ảnh: Internet.
Armenia và Azerbaijan. Ảnh: Internet.

Bùng phát sau hai thp niên

Bắt đầu từ đêm 1/4, các trận giao tranh mới giữa Amernia và Azerbaijan vẫn tiếp diễn trong ngày 2/4 và 3/4 dù trước đó nhiều nhà lãnh đạo trên thế giới như Tổng thống Nga Vladimir Putin, Tổng thư ký Liên hợp quốc Ban Ki-moon, Ngoại trưởng Đức Frank-Walter Steinmeier, đồng Chủ tịch Nhóm Minsk thuộc OSCE.. đã kêu gọi ngừng bắn ngay lập tức.

Phía Armenia khẳng định lực lượng Azerbaidjan đã mở cuộc tấn công ồ ạt ở biên giới Nagorny Karabakh, huy động xe tăng, đại pháo và phi cơ trực thăng. Nhưng phía Azerbaijan lại bác bỏ thông tin này và khẳng định chỉ đáp trả một cuộc tấn công từ phía Armenia.

Xung đột giữa Armenia - Azerbaijan không phải là vô cớ và bất ngờ. Hai nước vốn trong tình trạng mâu thuẫn, kèn cựa nhau suốt hơn 20 năm qua. Vùng biên giới Nagorno-Karabakh là nơi có đa số dân là người Armenia sinh sống, nhưng bị sáp nhập vào Azerbaijan từ thời Liên Xô cũ.

Trước khi Liên bang Xô viết chính thức sụp đổ không lâu, Nghị viện Nagorno-Karabakh đã tiến hành trưng cầu dân ý vào ngày 10/12/1991. Tuy bị cộng đồng người Azerbaijan tẩy chay nhưng với số lượng người Armenia áp đảo bỏ phiếu ủng hộ, vùng lãnh thổ này tuyên bố độc lập và tách khỏi Azerbaijan. Sau đó, lực lượng người Armenia, với sự yểm trợ của chính quyền Erevan, đã kiểm soát được vùng này, sau một cuộc chiến khiến 30.000 người thiệt mạng và hàng trăm nghìn người phải chạy lánh nạn, chủ yếu là người Azerbaijan.

Chiến tranh chấm dứt với lệnh ngừng bắn năm 1994, nhưng vẫn không giải quyết được triệt để vấn đề của vùng lãnh thổ này. Xung đột hiện nay được xem là “giọt nước làm tràn ly” trong mối quan hệ căng thẳng giữa hai quốc gia.

Giao tranh giữa Armenia and Azerbaijan dữ dội nhất kể từ năm 1994. Ảnh Reuters.
Giao tranh giữa Armenia and Azerbaijan dữ dội nhất kể từ năm 1994. Ảnh Reuters.

Có thế lc thba tác đng?

Điều đáng nghi ngại nhất hiện nay là liệu có bên thứ ba nào tác động vào mối quan hệ đang “căng như dây đàn” giữa Armenia và Azerbaijan?  Theo lời Phó Chủ tịch Duma Quốc gia (Hạ viện) Nga, ông Sergei Zheleznyak thì chắc chắn có "thế lực thứ ba" đứng đằng sau những diễn biến ở khu vực Nagorno-Karabakh.

Theo ông, “thế lực đó tiếp tục thổi ngọn lửa chiến tranh ở Trung Đông, Trung Á và khu vực Kavkaz. Thế lực ấy không hài lòng với sự thành công trong quá trình gìn giữ hòa bình và chống khủng bố của Nga và các đồng minh của chúng tôi ở Syria nên tìm cách làm nóng cuộc xung đột kéo dài đã lâu ở khu vực Nagorno-Karabakh”.

Trong khi đó, người phát ngôn của Tổng thống nước Cộng hòa không được công nhận Nagorno-Karabakh cũng tuyên bố, khả năng lớn nhất là chính quyền Erdogan đã dính líu vào việc làm xung đột bùng phát gay gắt tại khu vực này.

Chưa rõ thực hư thế nào nhưng Thổ Nhĩ Kỳ dường như cũng muốn “nhúng tay” vào bất ổn hiện nay ở Trung Á. Ngay sau khi bùng phát xung đột rạng sáng 2/4, Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Tayyip Erdogan đã có cuộc điện đàm với người đồng cấp Azerbaijan Ilham Aliyev để “chia sẻ mất mát” với thân nhân những binh sĩ Azerbaijan bị thiệt mạng và khẳng định “sẽ luôn luôn sát cánh với người dân Azerbaijan”. Sự ủng hộ của Thổ Nhĩ Kỳ với Azerbaijan rõ ràng là một sự thách thức với Nga khi mà lâu nay, Nga vẫn hậu thuẫn cho Armenia.

Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan khẳng định ủng hộ Azerbaijan trong cuộc xung đột với Armenia. Ảnh: AP.
Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan khẳng định ủng hộ Azerbaijan trong cuộc xung đột với Armenia. Ảnh: AP.

Nguy cơ ln cho khu vc

Thời điểm hiện tại, quan hệ Nga - Thổ Nhĩ Kỳ đã rơi xuống vực. Chính vì thế, nếu những giao tranh ở Nagorno-Karabakh thực sự có bên thứ ba dính líu, nguy cơ một cuộc chiến quy mô lớn là điều khó tránh khỏi.

Trước mắt, căng thẳng đang được đẩy lên một bậc khi Azerbaijan tuyên bố sẽ giải quyết bằng quân sự. Với Azerbaijan, quyết tâm giành lại Nagorno-Karabakh đã âm ỉ trong hơn một thập kỷ qua, đặc biệt khi nước này tăng mạnh chi tiêu quốc phòng nhờ nguồn thu cực lớn từ xuất khẩu dầu mỏ và khí đốt. Tốc độ tăng ngân sách quốc phòng của Azerbaijan nhanh đến chóng mặt, từ mức 175 triệu USD khi Tổng thống Ilham Aliyev lên nắm quyền vào năm 2004 lên mức 3,1 tỷ USD vào năm 2011.

Nếu thực sự Nagorno-Karabakh phải giải quyết bằng biện pháp quân sự, “đốm lửa” nhỏ sẽ dễ dàng bùng lên thành “đám cháy” lớn. Các nước lớn khác sẽ vào cuộc khiến khu vực này rơi vào những biến cố khó lường. Và nguy hiểm hơn cả là nguy cơ biến nơi đây thành mảnh đất màu mỡ cho những nhóm cực đoan khủng bố mà tiêu biểu là Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng.

Thực tế, Azerbaijan và Armenia không cách bao xa “đại bản doanh” của IS. Vì thế, nếu bất ổn ở đây tạo điều kiện cho khủng bố hoành hành, Trung Á, bắc Kavkaz rồi lãnh thổ Nga sẽ thành địa bàn có IS ẩn náu. Khi đó tình hình sẽ trở nên tồi tệ hơn rất nhiều.

Trở lại câu chuyện giữa Azerbaijan và Armenia, giới phân tích từ lâu đã nêu ra một phương án mà hai bên có thể chấp nhận “đánh đổi” để đạt được hòa bình. Theo đó, Armenia sẽ được nhận Karabakh và một dải hành lang nối với khu vực này, trong khi Azerbaijan sẽ được trả lại vùng thảo nguyên bao quanh. Tuy vậy, sự đánh đổi sẽ không dễ dàng nếu như nó không đơn thuần là câu chuyện lãnh thổ mà ẩn chứa trong đó những toan tính của các thế lực đứng đằng sau.

Thanh Huyền

TIN LIÊN QUAN

Tin mới