Aleppo bao giờ qua cơn bĩ cực?

(Baonghean) - Sẽ không thể nào đạt được cách giải quyết dứt điểm cho cuộc nội chiến tại Syria nếu không giữ được lệnh ngừng bắn mong manh tại miền đất hứng chịu bao oanh tạc Aleppo.

Quang cảnh đổ nát sau một trận không kích tại Aleppo, Syria. Ảnh: Reuters.
Quang cảnh đổ nát sau một trận không kích tại Aleppo, Syria. Ảnh: Reuters.

Aleppo từng là thành phố lớn thứ 2 Syria, với 2 triệu dân và ngành công nghiệp không khói phát triển năng động nhờ những điểm đến hấp dẫn như thành cổ có từ thời thế kỷ 13, nhà thờ Hồi giáo Umayyad, khu chợ đậm nét truyền thống,...

Sau gần 5 năm nội chiến tại Syria, thành phố này giờ đây ôm trên mình chằng chịt vết thương, thậm chí trở thành biểu tượng đẫm máu của một đất nước đang đà suy tàn. Cũng dễ hiểu thôi khi Aleppo trở thành vùng chiến tuyến, hứng hết loạt bom này tới đợt pháo khác, và vùng đất xinh đẹp một thời trở thành miền đất “chết” với những đống đổ nát, hoang tàn.

Giờ đây, ước tính chỉ còn 300.000 dân còn trụ lại, vật lộn sống sót qua ngày trong điều kiện thiếu thốn nhu yếu phẩm. Thế nhưng, điều đau lòng là cơn ác mộng của những mảnh đời vô tội vẫn chưa chấm dứt. Những tuần qua, chiến sự lại bùng phát, khiến 2 cơ sở y tế hiếm hoi còn trụ lại cũng bị phá hủy. Người già, trẻ em, những kẻ ốm đau, bệnh tật lại càng không biết cậy nhờ vào đâu.

“Điểm sáng” le lói những ngày qua là lệnh ngừng bắn bắt đầu từ sáng 4/5, song chẳng tày gang bởi chỉ kéo dài 48 giờ đồng hồ, và theo như người ta quan sát thì cũng không được tuân thủ triệt để.

Nhà thờ Hồi giáo Umayyad trước và sau khi bị tàn phá trong cuộc xung đột Syria. Ảnh: Internet.
Nhà thờ Hồi giáo Umayyad trước và sau khi bị tàn phá trong cuộc xung đột Syria. Ảnh: Internet.

Bối cảnh hiện nay đặt Syria dưới lệnh ngừng bắn tạm thời kéo dài 2 tháng do Nga-Mỹ đàm phán, nhưng bất cứ lúc nào cũng ở bên bờ vực sụp đổ. Còn với Aleppo, thành phố này đang là chiến trường nảy lửa giữa cuộc chiến mòn mỏi chưa thấy hồi kết, và có ý kiến cho rằng số phận của đất nước Syria thậm chí có thể định đoạt tại điểm mấu chốt Aleppo. Bởi lẽ Aleppo là “trụ sở chính” của các nhóm bài Assad có khả năng tham gia thỏa thuận do Liên hợp quốc đứng ra dàn xếp.

Thêm vào đó, đây là thành phố có vị trí chiến lược quan trọng, gần biên giới Thổ Nhĩ Kỳ, là huyết mạch của những chuyến xe tiếp tế, những dòng người di cư. Nếu Aleppo thất thủ, mọi hy vọng về một cuộc đàm phán hòa bình thực thụ cũng tan thành mây khói. Và những nỗ lực ngoại giao tại Geneva hay bất cứ nơi nào khác cũng sẽ trở nên xa rời hiện thực hơn bao giờ hết.

Chính quyền của Tổng thống Assad hiện được các đồng minh Nga và Iran hậu thuẫn, có nhiều nỗ lực hòng chiếm lại Aleppo từ khi một số khu vực của thành phố này rơi vào tay các lực lượng nổi loạn vào mùa Hè 2012.

Những khu vực này trở thành cứ điểm của làn sóng bài Assad, nhiều nhóm dân cư đang thành lập các chính quyền địa phương kiểu mới trong lòng xã hội chịu tàn phá bởi chiến tranh. Dù quả thực các nhóm thánh chiến đã bắt đầu gia tăng ảnh hưởng khi cuộc nội chiến vẫn còn tiếp diễn, song phải thừa nhận thực tế rằng Aleppo cũng là nơi chứng kiến nhiều chiến thắng quan trọng của các lực lượng nổi loạn chống Assad trước nhóm Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng – đẩy tổ chức khủng bố khét tiếng ra khỏi những vùng đất then chốt từ đầu năm 2014.

Tình cảnh hiện nay của Aleppo bắt nguồn từ động thái can thiệp quân sự của Nga tại Syria từ tháng 9 năm ngoái, nhanh chóng làm thay đổi cán cân lực lượng, củng cố cơ sở quyền lực của ông Assad, làm suy yếu phe đối lập và giữ Moskva ở vị thế trung tâm trong cuộc khủng hoảng này.

Trên phông nền đó, Liên hợp quốc đã nảy ra một đường hướng mới về mặt ngoại giao, song nỗ lực trên lại khá thất thường, hay nói đúng hơn phụ thuộc phần nhiều vào những chiến thuật của Nga. Ngày 27/2 vừa qua, thỏa thuận “chấm dứt chiến sự” được đưa ra nhằm đặt nền tảng cho các cuộc hòa đàm, nhưng thay vào đó, nhiều người cho rằng nó lại tạo điều kiện để ông Assad và những người ủng hộ chuẩn bị cho các đợt tấn công mới vào thành trì Aleppo.

Nói cách khác, khi thế giới đổ dồn sự chú ý vào những khúc mắc trong các cuộc bàn thảo tại Geneva hay tuyên bố rút quân của Moskva hồi tháng 3, dường như phe phái của ông Assad lại được tiếp thêm sức mạnh, mơ về một ngày tái chiếm những khu vực lãnh thổ đã để mất.

Aleppo là thành phố lớn thứ 2 Syria, nằm ở vị trí chiến lược. Ảnh: Internet.
Aleppo là thành phố lớn thứ 2 Syria, nằm ở vị trí chiến lược. Ảnh: Internet.

Tờ Guardian nhận định chính quyền Syria chỉ đang sử dụng chiêu “vờ đàm phán” để câu giờ, và bác bỏ những nguyên tắc căn bản về quá trình chuyển tiếp chính trị mà Nghị quyết của Liên hợp quốc kêu gọi thực hiện từ tháng 12 năm ngoái.

Tính đến nay, cuộc chiến Syria đã cướp đi sinh mạng hơn 400.000 người, và vẫn chưa có dấu hiệu hạ màn xung đột. Nước Mỹ hiện đang có mối bận tâm lớn hơn nhiều là cuộc đua vào chiếc ghế tổng thống. Nhà lãnh đạo xứ cờ hoa cũng không che giấu ưu tiên của ông là chống IS, chứ không phải thay đổi chế độ tại Damascus.

Chẳng ai dám khẳng định liệu tân tổng thống Mỹ có thay đổi được cục diện tại điểm nóng này không, nhưng chắc chắn chính quyền đương nhiệm tại Washington vẫn ưu ái việc duy trì các cuộc đàm phán hơn, một phần cũng bởi không có các phương án khác để lựa chọn.

Xét cho cùng, lệnh ngừng bắn ngày 27/2 đã mang lại sự xoa dịu nhất định cho nhiều khu vực của Syria, ít cuộc không kích diễn ra hơn, nhiều hơn những chuyến hàng cứu trợ. Điều đó hết sức quan trọng, song để đảm bảo thỏa thuận trên có thể tiến tới giải quyết dứt điểm tận gốc cuộc xung đột thì còn cả một chặng đường dài. Người ta phải thẳng thắn đối diện với những vấn đề rắc rối, và quốc tế phải gây thêm sức ép buộc các bên liên quan phải có nỗ lực thay đổi thực trạng hiện nay.

Tóm lại, lệnh ngừng bắn có trụ vững hay không phụ thuộc vào cách các bên hành xử tại Aleppo. Một tiến trình ngoại giao “mắt nhắm mắt mở” với những rủi ro bạo lực đang tiếp diễn, xao nhãng những diễn biến thay đổi nhanh chóng trên thực địa rốt cuộc sẽ chẳng mang lại ích lợi gì.

Có chăng đó cũng chỉ là một ảo tưởng viển vông về những dấu hiệu tiến triển, trong khi cơn bĩ cực của dân thường Syria vẫn sẽ tiếp tục dai dẳng, như những gì chúng ta đã và đang chứng kiến tại Aleppo.

Thu Giang

TIN LIÊN QUAN

Tin mới