Bầu cử Mỹ chờ đợi bất ngờ 'phút cuối'

(Baonghean) - Sự hấp dẫn xuất hiện trong chiến dịch bầu cử Tổng thống Mỹ vào thời điểm mọi việc tưởng như đã an bài với hai ứng viên Dân chủ và Cộng hòa. Các ứng cử viên đến từ những chính đảng nhỏ đang nổi lên và có thể mang lại những bất ngờ thú vị vào giai đoạn nước rút. 

Những hy vọng đến muộn

Như thường lệ, chiến dịch bầu cử Tổng thống Mỹ 2016 đang tràn ngập tin tức dồn dập xung quanh các cuộc khẩu chiến của những ứng viên Dân chủ và Cộng hòa kể từ giai đoạn bầu chọn sơ bộ. Kịch bản về một cuộc chạm trán cuối cùng giữa cựu Ngoại trưởng Hillary Clinton, ứng cử viên Dân chủ và tỷ phú Donald Trump, đại diện cho đảng Cộng hòa gần như đã vào khuôn. Thế nhưng, sự tập trung của công chúng có thể sẽ bị phân tán trong những tháng tới với một diễn biến mới. 
bầu cử Mỹ
1. Gary Johnson, ứng viên của đảng Tự do được kỳ vọng sẽ tạo khác biệt cho chiến dịch bầu cử Tổng thống Mỹ 2016. Ảnh: RT.
Đảng Tự do vừa quyết định đề cử cựu Thống đốc bang New Mexico Gary Johnson làm ứng cử viên đại diện ra tranh cử Tổng thống Mỹ. Ông Johnson, 63 tuổi, giành được quyền đề cử lần thứ 2 tại Đại hội Đảng diễn ra ở Orlandom, bang Florida hôm 29/5. Sau 2 vòng bỏ phiếu, ông Johnson đã vượt qua 5 đối thủ khác trong đảng Tự do để giành chiếc vé duy nhất của đảng này tranh cử tổng thống. Việc sánh vai với 2 ứng viên khổng lồ của đảng Dân chủ và Cộng hòa có lẽ là trận đánh lớn nằm ngoài mong đợi của chính trị gia này.
Phát biểu sau khi được đề cử, ông Johnson tuyên bố, sẽ nâng vị thế của đảng lên “một tầm cao chưa từng có”; ít nhất là cố gắng góp mặt tại các cuộc tranh luận tiếp theo của các ứng cử viên Tổng thống Mỹ, mang tiếng nói khác đến các cuộc thảo luận chính trị vốn do Dân chủ và Cộng hòa thống lĩnh. 
Kinh nghiệm chính trường đáng kể nhất của ứng viên Johnson được biết tới khi ông từng giữ chiếc ghế Thống đốc bang New Mexico trong 2 nhiệm kỳ từ năm 1995-2003 với tư cách là thành viên đảng Cộng hòa. Năm 2011, ông Johnson cũng từng tranh cử tổng thống Mỹ trong màu áo đảng này.
Sau đó, do những bất đồng nội bộ, doanh nhân xây dựng rời bỏ “Những chú voi” và tiếp tục sự nghiệp chính trị của mình với tư cách ứng cử viên của đảng Tự do. Tuy nhiên, lần thử sức thứ 2 đã không thành công khi ông chỉ có 1,2 triệu phiếu của cử tri Mỹ trong cuộc bỏ phiếu tháng 11/2012.
Ngoài ra, cũng cần phải nhắc tới ứng cử viên của đảng Xanh Jill Stein, người đang tích cực vận động để được đề cử làm đại diện chính thức của đảng này. Tuyên bố chính thức được bà Stein đưa ra là nếu được chọn làm đại diện cho đảng mình, bà sẽ là đối thủ với cựu Ngoại trưởng Hillary Clinton. 
Cơ hội nào cho những ứng viên nhỏ?
Sự xuất hiện của các đảng nhỏ với những đại diện chính thức của mình được hy vọng tạo nên màu sắc mới cho cuộc đua tranh chiếc ghế Tổng thống. Cử tri Mỹ, sau khi “no nê” với những lời công kích của ông Donald Trump hay tranh cãi về dùng email cá nhân vào việc công của bà Clinton giờ đang muốn tìm kiếm những gương mặt mới.
 Bà Jill Stein đang chờ đợi được đề cử trở thành đối thủ cạnh tranh với cựu Ngoại trưởng Hillary Clinto. Ảnh: insidegov.com.
Bà Jill Stein đang chờ đợi được đề cử trở thành đối thủ cạnh tranh với cựu Ngoại trưởng Hillary Clinto. Ảnh: insidegov.com.
Đánh giá về mức độ thiện cảm của người Mỹ đối với hai ứng cử viên hiện nay qua những cuộc khảo sát gần đây cho thấy, số người tự nhận là “cực kỳ không ưa” ứng cử viên Clinton hiện cán mốc 37% trong khi tỷ lệ tương tự với ông Trump đã quá bán, cao kỷ lục trong lịch sử bầu cử Mỹ. 
Chiến lược và cương lĩnh tranh cử của các đảng nhỏ được cho là cũng giúp thu hút sự tập trung của cử tri Mỹ vào các ứng cử viên ít tên tuổi và không có nhiều sự hậu thuẫn. Ví dụ như đảng Tự do - một chính đảng đề cao chủ nghĩa tự do cá nhân. Mặc dù không được xác định rõ ràng là "cánh tả" hay "cánh hữu", nhưng nhiều thành viên của đảng cho rằng họ có tư tưởng cấp tiến hơn đảng Dân chủ về vấn đề xã hội, dù bảo thủ hơn đảng Cộng hòa về vấn đề tài chính.
Cách khai thác các vấn đề ở khía cạnh trung dung giúp tạo nên sự khác biệt cho những ứng cử viên nhỏ này. Quan điểm của ứng viên Gary Johnson cũng thể hiện sự ủng hộ tự do mạnh mẽ trong các lĩnh vực ngôn luận, nghĩa vụ quân sự, hôn nhân đồng tính, người trưởng thành có quyền dùng cần sa, đồng thời ủng hộ tự do mậu dịch, giảm thuế cá nhân.
Tuy nhiên, dù thể hiện được quan điểm như thế nào, hứa hẹn ra sao thì ứng viên từ các đảng nhỏ vẫn phải đối mặt với những rào cản không dễ vượt qua về số phiếu bầu và lượng ủng hộ tài chính. Để cạnh tranh với 2 cái bóng quá lớn của đảng Dân chủ và Cộng hòa, nhân vật thứ 3 cần giành được ít nhất 15% sự ủng hộ trong các cuộc thăm dò toàn quốc để góp mặt trong 3 cuộc tranh luận Tổng thống, trước khi cử tri Mỹ đi bỏ phiếu vào ngày 8/11 tới.
Thách thức không nhỏ nữa đối với các ứng cử viên thuộc bên thứ 3 là sự ủng hộ về tài chính. Để được công bố là ứng viên chính thức, họ còn phải quyên góp được ít nhất 5.000 USD cho chiến dịch tranh cử. Trong cuộc chạy đua vào Nhà Trắng vốn được biết tới là sự so kè về tiền bạc, ngân quỹ tranh cử cũng là một vấn đề lớn với bất cứ ai có mơ ước trở thành người đứng đầu nước Mỹ.
Nhân tố thay đổi cuộc chơi
Bất luận khả năng đi sâu và tạo ra thách thức với hai ứng viên của đảng Dân chủ và Cộng hòa tới mức nào, đại diện của các đảng nhỏ cũng có thể khiến cuộc cạnh tranh trong 6 tháng tới trở nên đáng quan tâm hơn. Bởi họ có thể khiến số phiếu bầu tại các bang quan trọng dễ bị phân tán hơn, qua đó tác động tới cục diện bầu cử nói chung. Đó là bởi kết quả bầu cử Tổng thống Mỹ không được định đoạt bởi số phiếu phổ thông toàn quốc, mà bởi số phiếu đại cử tri theo từng bang.
Sẽ có nhiều bất ngờ và thú vị đáng chờ đợi trong cuộc bầu cử Mỹ năm nay. Ảnh: Sydney Morning Herald.
Sẽ có nhiều bất ngờ và thú vị đáng chờ đợi trong cuộc bầu cử Mỹ năm nay. Ảnh: Sydney Morning Herald.
Những bang đông dân nhất đóng vai trò quan trọng trong việc quyết định kết quả bầu cử. Lịch sử từng chứng kiến ứng viên ít tên tuổi lại là người “cầm cân nảy mực” kết quả cuối cùng của cuộc chạy đua tốn kém nhất thế giới. Ví dụ như năm 1992, đại diện của đảng Dân chủ Bill Clinton vượt qua Tổng thống đương nhiệm lúc bấy giờ George Bush (cha) nhờ việc ứng cử viên tự do Ross Perot, giám đốc điều hành của 1 tập đoàn công nghệ, giành được 20% số phiếu trong chiến dịch bầu cử. Dù không thắng ở bất kỳ bang nào, nhưng số phiếu mà ông Perot nhận được đủ để giúp chồng của bà Clinton tạo được lợi thế cách biệt.
Thanh Sơn
TIN LIÊN QUAN

Tin mới