Cú sốc trước thềm Anh chọn 'Đi' hay 'Ở'

(Baonghean) - Vụ xả súng khiến một nữ nghị sỹ Anh thiệt mạng là cú sốc lớn đối với chính giới xứ sở sương mù, khiến chiến dịch đang ngày một nóng lên trước thềm cuộc trưng cầu ý dân diễn ra vào tuần tới về tư cách thành viên Liên minh châu Âu (EU) của Vương quốc này đột ngột phải dừng lại.

Cơn chấn động không ngờ

Nữ nghị sỹ xấu số Jo Cox năm nay chỉ mới 41 tuổi. Bà là một trong những tiếng nói đầu tiên ủng hộ chiến dịch kêu gọi nước Anh tiếp tục ở lại EU.

Jo Cox thiệt mạng sau khi bị một kẻ lạ mặt bắn và đâm nhiều nhát ngay tại khu vực cử tri của bà là thị trấn Birstall, gần Leeds ở phía Bắc nước Anh, vào giờ cơm trưa phía ngoài một thư viện địa phương, nơi trước đó bà đã gặp gỡ nhiều người dân.

Nữ nghị sỹ Anh Jo Cox. Ảnh: Internet.
Nữ nghị sỹ Anh Jo Cox. Ảnh: Internet.

Giới chính khách thực sự sửng sốt và choáng váng, rất nhiều người đã lên án mạnh mẽ hành vi sát hại dã man nữ chính trị gia này. Cả 2 phe “Ở” và “Đi” đều ngay lập tức ngừng chiến dịch vận động của mình.

Thủ tướng David Cameron sau đó cũng hủy kế hoạch xuất hiện tại cuộc tập trung lực lượng của phe ủng hộ Anh ở lại EU theo kế hoạch diễn ra tại Gibraltar.

Người đứng đầu chính phủ xứ sương mù khẳng định: “Việc ngừng hoạt động của chiến dịch vận động trong cuộc trưng cầu ý dân sắp tới là đúng, và suy nghĩ của mọi người hiện đều hướng về gia đình nữ nghị sỹ Jo Cox cùng các cử tri của bà trong thời điểm tồi tệ này”.

Nữ nghị sỹ Anh Jo Cox. Ảnh: Internet.
Nữ nghị sỹ Anh Jo Cox là người có tiếng nói bênh vực các nạn nhân của cuộc nội chiến Syria. Ảnh: Internet.

Bà Cox từng là người phụ trách chính sách tại quỹ từ thiện quốc tế Oxfam. Bà được bầu vào Quốc hội với tư cách Nghị sỹ đảng Lao động đại diện khu vực cử tri Batley và Spen hồi năm ngoái và là tiếng nói bênh vực các nạn nhân của cuộc nội chiến Syria.

Chồng của bà - ông Brendan Cox cùng 2 con nhỏ cũng đã tham gia vào một đoàn thuyền nhỏ trên sông Thames ủng hộ Anh ở lại liên minh 28 nước thành viên chỉ 1 ngày trước khi vợ ông gặp nạn.

Ông Cox đã kêu gọi mọi người “chiến đấu chống lại sự thù hận đã cướp đi sinh mạng của bà”. Nhắc về người vợ yêu dấu, ông cho biết bà luôn đấu tranh vì một thế giới tốt đẹp hơn với nguồn năng lượng sống tràn trề mỗi ngày, khiến ai cũng phải thán phục.

Cảnh sát đã nhanh chóng xác định nghi phạm trong vụ việc là Thomas Mair - một người đàn ông 52 tuổi cư trú trong khu vực. Lực lượng chức năng đã tiến hành lục soát tư gia của kẻ tấn công để phục vụ công tác điều tra.

Cho đến nay, người ta vẫn đang nỗ lực xác định động cơ của vụ việc man rợ. Theo thông tin hàng xóm nghi phạm cung cấp, y là kẻ sống trầm lặng, tỏ ra thân thiện với mọi người xung quanh nhưng lại có vẻ rất cô độc.

Một tình tiết đáng chú ý khác được truyền thông địa phương đăng tải là các nhân chứng khẳng định thủ phạm đã hét to “Nước Anh là trên hết” (Britain First).

Tuy nhiên, thông tin này còn khá mơ hồ, khi có người lại quả quyết câu nói của thủ phạm là “đặt nước Anh lên trên hết” (put Britain first). Sở dĩ cần lưu ý chi tiết này bởi Britain First là tên gọi của chính đảng theo hướng cực hữu ủng hộ kịch bản Anh rời EU (Brexit), và không loại trừ khả năng kẻ tấn công có liên quan tới đảng này. Tuy nhiên, phản hồi trước các thông tin trên, đảng Britain First khẳng định tất cả “thuần túy là tin đồn”, đồng thời khẳng định vụ việc là một “tội ác hèn hạ” và họ “không có mối liên hệ nào với nó”.

“Đi” hay “Ở” và vấn đề an ninh

Lần lại quãng thời gian trước đó, có thể nhận thấy bà Cox từng là đối tượng của nhiều mối đe dọa an ninh khi giữ ghế nghị sỹ, tuy nhiên hiện chưa có dấu hiệu nào cho thấy chúng có liên quan đến vụ tấn công hôm 16/6.

Vụ án mạng xảy ra trong bối cảnh nước Anh đang phân vân giữa câu hỏi về mối quan hệ tương lai với EU, với 2 luồng ý kiến trái ngược trước cuộc trưng cầu ý dân ngày 23/6 tới.

Trước thông tin thăm dò ý kiến cho thấy chiến dịch vận động bỏ phiếu “Đi” đang chiếm ưu thế những ngày gần đây, ông Cameron đã lên kế hoạch “ứng phó” bằng việc trở thành Thủ tướng đầu tiên trong 4 thập niên qua tới Gibraltar vào chiều 16/6 để khơi dậy lòng yêu nước và ủng hộ Anh ở lại EU.

Thế nhưng, vụ việc nữ nghị sỹ Jo Cox đã khiến ông phải hoãn kế hoạch này. Bày tỏ niềm tiếc thương trước nữ chính khách đoản mệnh, ông nói: “Bà là một ngôi sao trong mắt các cử tri, cũng là ngôi sao trong Nghị viện và Hạ viện”.

Người dân tưởng niệm nữ Nghị sĩ.
Người dân Anh tiếc thương cho nữ nghị sỹ Jo Cox. Ảnh: Internet

Trong khi đó, Thủ tướng Tây Ban Nha Mariano Rajoy lại đưa ra bình luận cho rằng vụ tấn công tại Anh phần nào có điểm liên quan tới các hành vi khủng bố gần đây tại Mỹ, Pháp và Bỉ, và tuyên bố: “Các quốc gia tự do, các quốc gia phương Tây, các quốc gia bảo vệ quyền của con người và các quyền tự do nên hợp tác chặt chẽ hơn, chủ động hơn và cùng ngăn chặn những hành vi tương tự”.

Từ phía phe Brexit, lãnh đạo chiến dịch ủng hộ Anh rời EU là cựu Thị trưởng London Boris Johnson đã hủy chuyến hành trình bằng xe buýt để vận động cử tri bỏ phiếu cho kịch bản “Đi” ngay sau khi nghe tin về vụ mưu hại bà Cox. Ông cũng kịch liệt lên án hành vi trên là “vô cùng khủng khiếp”.

Gordon Brown, cựu Thủ tướng thuộc đảng Lao động và từng có thời gian cộng tác chặt chẽ với nghị sỹ Cox cũng cho rằng cái chết của bà là “cú sốc kinh hoàng đối với nền dân chủ”. Có lẽ đúng vậy, bởi người phụ nữ này đã đặt chân tới không ít nơi nguy hiểm chờ chực trên thế giới, ấy thế mà bà lại ngã xuống ngay trên chính thị trấn quê hương - nơi vốn nên là chốn an toàn nhất với mỗi người.

Người dân tưởng nhớ nữ nghị sỹ Jo Cox tại Quảng trường Quốc hội, thủ đô London, Anh. Ảnh: Reuters.
Người dân tưởng nhớ nữ nghị sỹ Jo Cox tại Quảng trường Quốc hội, thủ đô London, Anh. Ảnh: Reuters.

Cái chết của bà Cox cũng dấy lên nỗi lo lắng của nhiều nghị sỹ về sự an toàn của bản thân trong khi nỗ lực hoàn thành công việc của mình.

Giờ đây, dường như ai cũng cảm thấy mình có khả năng trở thành đối tượng trong các vụ tấn công khác khi tiếp cận với dân chúng. Điều này không phải thiếu cơ sở, bởi bà Cox không phải trường hợp đầu tiên mà là nghị sỹ thứ 3 của Anh bị tấn công dã man trong vài năm trở lại đây.

Trước đó, năm 2010, cựu Bộ trưởng Stephen Timms bị trọng thương khi hứng 2 nhát dao từ một phần tử Hồi giáo cực đoan. Xa hơn, năm 2000, nghị sỹ đảng Dân chủ Tự do Nigel Jones bị thương nặng, còn trợ lý của ông này bị sát hại dưới lưỡi kiếm của kẻ tấn công.

Những vụ việc này đều xảy ra khi họ đang tiếp xúc với cử tri, khi mà họ dễ bị công việc xâm chiếm tâm trí, không đề phòng mối nguy rình rập từ những kẻ xấu trà trộn trong đám đông. Nhưng có lẽ sau vụ việc lần này, nước Anh mới thật sự giật mình và bàn đến những biện pháp phòng ngừa, đảm bảo an ninh để tránh tái diễn chuyện tương tự trong tương lai.

Thu Giang

(Theo FT)

TIN LIÊN QUAN

Tin mới