Thổ Nhĩ Kỳ xin lỗi Nga vụ Su-24: Lựa chọn 'lối đi' ít rủi ro hơn?

(Baonghean) - Lời xin lỗi mà Thổ Nhĩ Kỳ vừa gửi tới Nga về vụ bắn hạ máy bay Su-24 ở Syria có thể khiến dư luận bất ngờ. Nhưng xét trong điều kiện của 2 bên vào thời điểm này, hòa giải là điều hợp lý. Ai cũng mong chờ hạ nhiệt tình hình để tính toán vì những lợi ích trước mắt.

Thổ Nhĩ Kỳ có lẽ hy vọng một lời xin lỗi sẽ giúp khởi động việc hàn gắn quan hệ với Nga. Ảnh: Telegraph.
Thổ Nhĩ Kỳ có lẽ hy vọng một lời xin lỗi sẽ giúp khởi động việc hàn gắn quan hệ với Nga. Ảnh: Telegraph.

Xuống nước

Cuối cùng thì sau nhiều tháng chờ đợi, điều mà Tổng thống Nga Vladimir Putin mong muốn đã tới. Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan vừa gửi 1 bức thư xin lỗi tới ông.

Đây có thể coi là dấu hiệu cụ thể nhất mà nhà lãnh đạo Thổ Nhĩ Kỳ thực hiện nhằm hạ nhiệt căng thẳng giữa 2 nước liên quan tới vụ chiếc F-16 của không quân Thổ Nhĩ Kỳ bắn hạ máy bay chiến đấu Su-24 của Nga tại khu vực biên giới với Syria hồi năm ngoái.

Theo người phát ngôn Điện Kremlin Dmitry Peskov, lời xin lỗi này được gửi trong 1 thông điệp bày tỏ lời chia buồn tới gia đình phi công Nga tử nạn trong vụ máy bay bị bắn hạ.

Các thông tin cho biết, Tổng thống Erdogan khẳng định muốn làm "mọi thứ có thể để khôi phục quan hệ hữu nghị truyền thống giữa Thổ Nhĩ Kỳ và Nga", đồng thời nêu rõ Ankara không bao giờ cố tình bắn hạ máy bay Nga. 

Lời xin lỗi gửi tới người Nga thì cũng có nghĩa các lãnh đạo Thổ Nhĩ Kỳ đã có thể thừa nhận sai lầm và giờ thì không phải ngại ngùng mà thổ lộ quan điểm nữa.

Hoạt động chống Thổ Nhĩ Kỳ ở Maxcơva
Hoạt động chống Thổ Nhĩ Kỳ ở Matxcơva.

Bộ trưởng Quốc phòng Thổ Nhĩ Kỳ Fikri Isik ngay sau đó còn cho biết quan hệ giữa nước này với Nga có khả năng sẽ thay đổi lớn trong thời gian tới.

"Chúng tôi đang chuẩn bị có những biến chuyển rất quan trọng trong mối quan hệ với Nga", kênh truyền hình NTV của Thổ Nhĩ Kỳ dẫn lời ông Iskil.

Những phản hồi đầu tiên từ Moskva cho thấy 1 bức thông điệp từ lãnh đạo cấp cao Thổ Nhĩ Kỳ đáp ứng được sự trông đợi, nhưng chưa đủ để khép lại sự cố nghiêm trọng giữa 2 nước.

Lãnh đạo Ủy ban Quốc phòng và An ninh thuộc Hội đồng Liên bang Nga Viktor Ozerov coi lời xin lỗi này như bước đi đầu tiên trên con đường bình thường hóa quan hệ, nhưng “để cà chua Thổ Nhĩ Kỳ quay trở lại Nga và khách du lịch Nga đến các khu nghỉ dưỡng của Thổ Nhĩ Kỳ thì điều này còn chưa đủ".

Phía Nga đòi hỏi việc phục hồi mối quan hệ đầy đủ đi cùng các bước tiếp theo của Ankara, không chỉ là việc điều tra thủ phạm và bồi thường thiệt hại, mà còn gồm cả việc “lập lại trật tự” trên biên giới Iraq - Thổ Nhĩ Kỳ.

Chấp nhận rủi ro

Nếu như việc duy trì quan điểm cứng rắn trong vụ rơi máy bay Su-24 suốt hơn 6 tháng qua đã củng cố chính sách đối ngoại của Tổng thống Erdogan thì sự “xuống thang” hòa giải và chấp nhận sai lầm có thể sẽ là 1 cái bẫy với ông trong tương lai.

Đó là vì động thái này sẽ bị những người theo xu hướng chủ nghĩa dân tộc ở Thổ Nhĩ Kỳ khai thác, coi đây là sự hèn nhát, trong khi nhà lãnh đạo Erdogan lại đang rất cần sự ủng hộ của họ để thay đổi hệ thống chính trị từ thể chế Cộng hoà đại nghị viện sang Cộng hòa Tổng thống.

Tổng thống Tayip Erdogan đang đau đầu với những thách thức trong và ngoài nước. Ảnh:Atlantic.
Tổng thống Tayip Erdogan đang đau đầu với những thách thức trong và ngoài nước. Ảnh:Atlantic.

"Erdogan cũng như đảng cầm quyền (Đảng Công lý và Phát triển - AKP) không thể nào chấp nhận rủi ro này và phải trả bằng cái giá chính trị như vậy. Sẽ không có lời xin lỗi nào cho đến khi thay đổi chế độ" - Viện sĩ Thổ Nhĩ Kỳ Ahmet Kasim Khan nói.

Nhưng nếu không chấp nhận rủi ro nội bộ này thì nhà lãnh đạo Thổ Nhĩ Kỳ cũng không còn nhiều “đất” để tính toán nữa. Bối cảnh trong nước và quan hệ với bên ngoài cũng đang xấu đi nhanh chóng, tác động tới uy tín của chính quyền.

Chỉ tính riêng đòn trừng phạt kinh tế của Nga, Thổ Nhĩ Kỳ cũng đã dính một cú đòn trời giáng. Bởi Nga là bạn hàng lớn thứ 2 của nước này với được mục tiêu kim ngạch giao dịch thương mại song phương lên 100 tỷ USD mỗi năm.

Khối lượng giao dịch thương mại của Thổ Nhĩ Kỳ với Nga lớn hơn nhiều so với với Mỹ - đối tượng mà ông Erdogan hướng tới khi chơi lá bài Su-24.

Bởi thế mà sự đình trệ của các dự án hợp tác kinh tế lớn với Nga như “Dòng chảy Thổ Nhĩ Kỳ” hay nhà máy điện hạt nhân Akkuyu sau vụ rơi máy bay càng tích thêm những thiệt hại nặng nề cho nền kinh tế.

Thái độ của Mỹ cũng là một lý do khiến Thổ Nhĩ Kỳ phải tính lại “bài” của mình. Hy vọng tràn trề vào lúc nổ ra cuộc khủng hoảng hồi cuối năm ngoái ngày càng xa vắng dần, thay thế vào đó là sự nhạt nhẽo của các nhà lãnh đạo Mỹ.

2.	Sự nổi lên của cộng đồng người Kurd tại Syria khiến Thổ Nhĩ Kỳ phải cải thiện quan hệ với Nga, nhằm ngăn chặn nguy cơ ly khai. Ảnh: al Jazeera.
2. Sự nổi lên của cộng đồng người Kurd tại Syria khiến Thổ Nhĩ Kỳ phải cải thiện quan hệ với Nga, nhằm ngăn chặn nguy cơ ly khai. Ảnh: al Jazeera.

Washington không chỉ hời hợt ở chiến trường Syria mà còn gia tăng hậu thuẫn cho "Đơn vị bảo vệ nhân dân” của người Kurd Syria (YPG) - tổ chức bị Ankara xem là những kẻ khủng bố cùng với Đảng công nhân người Kurd (PKK) ở trong nước.

Rõ ràng, một tính toán sai lầm đã gây ra thiệt đơn thiệt kép cả trên phương diện kinh tế, lợi ích cho tới sự sụp đổ về hình tượng và uy tín cho chính quyền của Tổng thống Erdogan.

“Xuống nước” với Nga, coi như là một nước cờ lùi, nhưng dù sao nó cũng có thể mang lại ít rủi ro hơn trước khi phe đối lập có thể gây khó dễ cho chính quyền hiện tại.

Thanh Sơn

TIN LIÊN QUAN

Tin mới