Trung Quốc lại thất bại!

(Baonghean) - Cũng như những năm trước, an ninh hàng hải đặc biệt an ninh tại khu vực biển Đông tiếp tục là nội dung nóng bao trùm Đối thoại Shangri-La lần thứ 15 vừa diễn ra tại Singapore.

Và cũng giống như mọi năm, một lần nữa, Trung Quốc lại trở thành tâm điểm của sự kiện với những hành động “chẳng giống ai”: phát tờ rơi xuyên tạc chủ quyền ở Biển Đông, “than” bị các nước nhỏ gây hấn hay thuyết phục chủ nhà Singapore điều chỉnh chương trình đối thoại….

Lối ứng xử và các phát ngôn ngụy biện này đã khiến Trung Quốc tiếp tục tự cô lập và hạ thấp uy tín của chính mình.

Phát biểu sáng 4/6 tại Đối thoại Shangri-la lần thứ 15 tại Singapore, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Ashton Carter cảnh báo Trung Quốc đang tự xây “vạn lý trường thành cô lập”. Ảnh: IISS.
Phát biểu sáng 4/6 tại Đối thoại Shangri-la lần thứ 15 tại Singapore, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Ashton Carter cảnh báo Trung Quốc đang tự xây “vạn lý trường thành cô lập”. Ảnh: IISS.

Bổn cũ soạn lại

Không phải ngẫu nhiên mà trong bài phát biểu trước hơn 600 đại biểu tại Đối thoại Shangri-la lần thứ 15 gồm các Bộ trưởng, Thứ trưởng Quốc phòng của hơn 20 quốc gia, chuyên gia quân sự, giới ngoại giao, học giả và báo chí vừa qua, Thủ tướng Thái Lan Prayuth Chan-o-cha đã đặt vấn đề tranh chấp ở Biển Đông vào vị trí số 1 trong 7 mối lo an ninh tại châu Á - Thái Bình Dương.

Đó là sự mất cân bằng về an ninh của khu vực nói riêng và thế giới nói chung. Trong đó một trong những nguyên nhân chính được chỉ ra, là do sự lấn tới ngang ngược của Trung Quốc trên biển Đông thời gian qua.

Không chỉ ngang ngược lấn tới trên thực địa như đơn phương áp đặt chủ quyền, thay đổi hiện trạng, bồi đắp các đảo nhân tạo hòng quân sự hóa biển Đông…; Trung Quốc còn mang cả những lý lẽ vô lý của mình để rao giảng và ngụy biện trên các diễn đàn khu vực và quốc tế. Shangri-La là một trong số đó.

Năm nay cũng vậy, dư luận và các đại biểu tham dự Shangri-La lần thứ 15 tại Singapore đã chứng kiến hàng loạt động thái “khác người” thậm chí bị giới phân tích cho là “nực cười” của Trung Quốc.

Như bên lề Đối thoại hôm 3/6, trong cuộc gặp Bộ trưởng Quốc phòng Singapore Ng Eng Hen, Đô đốc Tôn Kiến Quốc, Phó Tổng tham mưu trưởng Quân đội Trung Quốc đã bày tỏ hy vọng nước chủ nhà Singapore sẽ “điều chỉnh” chương trình của Shangri-La để không quá tập trung vào vấn đề Biển Đông.

Chưa dừng lại, phái đoàn Trung Quốc còn phát tờ rơi có nội dung xuyên tạc về chủ quyền trên Biển Đông. Theo đó, tờ rơi mà đoàn Trung Quốc phát ra gồm hai phiên bản tiếng Anh và tiếng Hoa, với hai nội dung hoàn toàn khác nhau. Trong khi tờ rơi tiếng Anh cung cấp thông tin về quá trình phát triển quân đội của Trung Quốc thì bản tiếng Hoa cung cấp thông tin hoàn toàn xuyên tạc sự thật cho rằng, toàn bộ biển Đông là của Trung Quốc.

Thứ trưởng Quốc phòng Việt Nam, Thượng tướng Nguyễn Chí Vịnh khẳng định, “nếu như ai đó muốn chứng minh chủ quyền của mình hay đưa ra lý lẽ thì họ sẽ lên diễn đàn một cách công khai minh bạch chứ không phải là phát tờ rơi gây tranh cãi”. Ảnh: IISS.
Thứ trưởng Quốc phòng Việt Nam, Thượng tướng Nguyễn Chí Vịnh khẳng định, “nếu như ai đó muốn chứng minh chủ quyền của mình hay đưa ra lý lẽ thì họ sẽ lên diễn đàn một cách công khai minh bạch chứ không phải là phát tờ rơi gây tranh cãi”. Ảnh: IISS.

Tại cuộc đối thoại lần này, phía Trung Quốc cũng không quên đưa ra những tuyên bố ngụy biện, như đổ lỗi cho Mỹ, Nhật Bản “cố tình chia rẽ quan hệ giữa Trung Quốc với các nước trong khu vực”; rồi cho rằng tình hình Biển Đông tương đối ổn định những năm qua và chỉ nóng lên khi Mỹ can dự sâu vào khu vực này.

Không chỉ ngoa ngôn đổ lỗi gây căng thẳng cho các nước khác, đoàn Trung Quốc cụ thể là ông Tôn Kiến Quốc còn ngang nhiên tuyên bố đầy thách thức rằng, “Trung Quốc không gây rắc rối nhưng Trung Quốc cũng không ngại rắc rối”!

Không chỉ ở bài phát biểu chính, bên lề Đối thoại Shangri-La hôm 4/6, Giám đốc Văn phòng Đối ngoại Bộ Quốc phòng Trung Quốc còn lớn tiếng cho rằng, Tòa Trọng tài Thường trực Quốc tế (PCA) không có thẩm quyền giải quyết vụ kiện của Philippines về Biển Đông.

Với những hành động vừa nêu, rõ ràng trong khi hàng trăm đại diện của Đối thoại Shangri-La đang cùng tập trung bàn thảo những biện pháp để duy trì và đảm bảo tự do, an ninh và an toàn của khu vực; thì Trung Quốc lại chăm chăm thực hiện những động thái phục vụ lợi ích của riêng mình. Đáng nói là lợi ích này lại đi ngược với lợi ích của các quốc gia khác; trái với tinh thần của một diễn đàn an ninh cởi mở và công bằng như Shangri-La cũng như phương châm hòa bình, ổn định của cả cộng đồng quốc tế.

Thái độ của cộng đồng quốc tế

Chính bởi các hành động của Trung Quốc đi ngược lại tinh thần chung của cộng đồng quốc tế, nhiều học giả và đại diện các nước tại Đối thoại Shangri-La 15 diễn ra ở Singapore đã cùng lên tiếng phản đối nước này.

Phát biểu tại cuộc đối thoại, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Ashton Carter đã lặp lại chỉ trích của Mỹ về việc Trung Quốc gây lo ngại cho các nước láng giềng vì những hành động bồi đắp đảo nhân tạo ở Biển Đông đồng thời khẳng định rằng, Trung Quốc đang tự cô lập mình với hành động này. Từ ngữ mà ông Carter dùng cho Bắc Kinh đặc biệt ấn tượng, đó là “vạn lý trường thành của sự cô lập”.

Bên cạnh đó, ông Carter tái khẳng định nước này không đứng về bên nào trong tranh chấp ở Biển Đông, nhưng ủng hộ duy trì tự do hàng hải trong khu vực và giải quyết tranh chấp bằng biện pháp hòa bình, phù hợp với luật pháp quốc tế. Ông cũng kêu gọi thành lập một “mạng lưới an ninh có nguyên tắc” khắp Châu Á.

Bên cạnh Mỹ, Bộ trưởng Quốc phòng các nước như Ấn Độ, Malaysia hay Anh cũng đã bày tỏ sự lo ngại về tranh chấp Biển Đông và kêu gọi đàm phán về một giải pháp hòa bình tại Đối thoại  Shangri-La.

Đô đốc Tôn Kiến Quốc, Phó Tổng tham mưu trưởng Quân đội Trung Quốc ngang nhiên tuyên bố đầy thách thức: “Trung Quốc không gây rắc rối nhưng Trung Quốc cũng không ngại rắc rối” tại Đối thoại Shangri-la 15 Ảnh: AFP.
Đô đốc Tôn Kiến Quốc, Phó Tổng tham mưu trưởng Quân đội Trung Quốc ngang nhiên tuyên bố đầy thách thức: “Trung Quốc không gây rắc rối nhưng Trung Quốc cũng không ngại rắc rối” tại Đối thoại Shangri-la 15 Ảnh: AFP.

Về phía giới học giả, Giáo sư Carl Thayer, chuyên gia về Việt Nam và Biển Đông của Học viện Quốc phòng Australia đưa ra nhận định rằng, Trung Quốc vốn không muốn quốc tế hóa vấn đề Biển Đông, nhưng chính hành động của họ đã quốc tế hóa vấn đề, khi lôi kéo các nước thực sự không liên quan lên tiếng về vấn đề này”.

Theo giới quan sát, mặc dù đoàn đại biểu Trung Quốc tham dự đối thoại lần này đã được chuẩn bị kỹ lưỡng hơn, đã cải thiện với những cử chỉ ngoại giao nhã nhặn hơn; thế nhưng những chi tiết nhỏ này không thể nào khỏa lấp những hành động nực cười và các phát ngôn ngụy biện của nước này vừa qua.

Nói như Thượng tướng Nguyễn Chí Vịnh về hành động phát tờ rơi của Trung Quốc, ông cho rằng, “nếu như ai đó muốn chứng minh chủ quyền của mình hay đưa ra lý lẽ của mình thì họ sẽ lên diễn đàn một cách công khai minh bạch trước cộng đồng thế giới, chứ không phải là phát các tờ rơi - nhất là các tờ rơi gây tranh cãi”.

Như thế rõ ràng, một lần nữa, Trung Quốc lại trở thành kẻ thất bại tại diễn đàn an ninh thường niên Shangri-La. Thế nhưng cũng phải đối diện sự thật rằng, việc Trung Quốc thất bại và tự hạ thấp uy tín không đồng nghĩa với việc nước này dừng những hành động ngang ngược, trái luật pháp quốc tế trên Biển Đông. Nhất là trong bối cảnh tới đây, Tòa Trọng tài Thường trực Quốc tế (PCA) sẽ ra phán quyết đối với vụ kiện của Philippines về Biển Đông.

Bởi thế lúc này, một tiếng nói thống nhất của cộng đồng quốc tế; đặc biệt là thái độ đồng lòng và quyết liệt của các nước ASEAN sẽ là những nhân tố quyết định có thể hạn chế sự lấn tới của Trung Quốc. Tiếp đó, dù Trung Quốc có bất chấp luật pháp quốc tế, phản đối phán quyết của Tòa án thì hơn lúc nào hết, nước này đã tự xây nên một “vạn lý trường thành cô lập” cho chính mình.

Phương Hoa

TIN LIÊN QUAN

Tin mới