Quan hệ Nga - NATO 'xuống dốc' sau Hội nghị thượng đỉnh NATO

(Baonghean.vn) - Hội nghị Thượng đỉnh Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) vừa kết thúc hôm 9/7 tại Warsaw, Ba Lan. Dù bàn thảo nhiều vấn đề từ mức đóng góp của các thành viên, chống Tổ chức Nhà nước Hồi giáo tự xưng (IS), đến tác động của Brexit…, song nội dung thu hút sự quan tâm lớn nhất là hàng loạt quyết định nhằm tăng cường khả năng phòng thủ, kiềm chế và răn đe tại sườn phía Đông của khối. Dù NATO không thừa nhận, song mọi người điều nhận thấy những động thái này là nhằm đối phó với Nga, tác động tiêu cực tới mối quan hệ vốn chẳng mấy tốt đẹp giữa Nga với khối quân sự này.

NATO “vừa đấm vừa xoa”

Hội nghị thượng đỉnh tại Warsaw, Ba Lan lần này được đánh giá là hội nghị quan trọng nhất của NATO kể từ sau Chiến tranh Lạnh bởi những quyết định thay đổi căn bản chính sách an ninh của khối.

Theo đó, NATO sẽ áp dụng chính sách mở rộng để thích ứng với cái mà khối gọi là “đe dọa và thách an ninh từ nhiều phía” thông qua việc tăng cường quân sự lớn nhất tại Đông Âu.

NATO thông qua nhiều quyết định quan trọng tại Hội nghị thượng đỉnh tại Warsaw, Ba Lan (Reuters)
NATO thông qua nhiều quyết định quan trọng tại Hội nghị thượng đỉnh tại Warsaw, Ba Lan Ảnh: Reuters

Sau hội nghị này, NATO sẽ chính thức triển khai 4 tiểu đoàn đa quốc gia tại Ban Lan, Lithuania, Latvia và Estonia với số lượng mối đơn vị từ 800-1.200 binh sĩ.

Theo Tổng Thư ký NATO Jens Stoltenberg, sự hiện diện này sẽ được duy trì chừng nào còn cần thiết và không bị giới hạn về thời gian. Cùng với điều quân tới sườn phía Đông giáp Nga, Hội nghị thượng đỉnh NATO còn chính thức công bố đưa vào trực chiến hệ thống phòng thủ tên lửa ở châu Âu và triển khai lữ đoàn hỗn hợp Bulgaria và Romania tại Romania để tăng cường lực lượng ở khu vực Biển Đen.

Giờ đây, lực lượng phản ứng nhanh của NATO đã lớn hơn gấp 3 lần, với lữ đoàn mũi nhọn ở vị trí trung tâm và có khả năng huy động chỉ trong vài ngày. Có lẽ, NATO đã quá “thấm thía” khi khối này không thể đưa ra những phản ứng thích hợp trong cuộc xung đột Nga - Gruzia hồi năm 2008 và gần đây hơn là Nga - Ukraine năm 2014, dẫn tới việc sáp nhập bán đảo Crimea vào lãnh thổ Nga. Bởi vậy, những quyết sách tại hội nghị lần này đã thể hiện sự thay đổi về chính sách của NATo trong quan hệ với Nga, đó là từ “cố gắng không chọc giận” sang “kiềm chế và ngăn chặn”.

Các tàu ngầm hạt nhân Nga ở căn cứ vùng Murmansk. Ảnh: Getty
Các tàu ngầm hạt nhân Nga ở căn cứ vùng Murmansk. Ảnh: Getty

Các nhà phân tích cho rằng các bước đi mạnh mẽ của NATO  có ý nghĩa cả về quân sự và chính trị, đó là thể hiện sự thống nhất, đoàn kết và tinh thần sẵn sàng của khối để bảo vệ các nước thành viên, nhất là những thành viên ở tuyến đầu, đối mặt trực tiếp với những “mối đe dọa”.

Và một trong những “mối đe dọa” lớn nhất trong mắt NATO chắc chắn là Nga - dù NATO luôn phủ nhận. Không phải tự nhiên mà Tổng thư ký NATO Stoltenberg phải đưa ra lời hứa sẽ “giải thích” với Nga về các hành động của khối trong cuộc họp Hội đồng Nga - NATO vào ngày 13/7 tới.

Trong khi hàng loạt lãnh đạo các nước thành viên NATO như Pháp, Đức, Luxembourg cũng lên tiếng khẳng định NATO không đe dọa bất kỳ quốc gia nào, và NATO tiếp tục mong muốn có mối quan hệ tốt đẹp với Nga.

“Gấu Nga” không dễ bị “dụ”

Dù NATO tìm cách trấn an, nhưng Nga vẫn luôn giữ lập trường kiên định khi cho rằng những hành động kết nạp thêm thành viên cũng như tăng cường hoạt động ở khu vực phía Đông của NATO là “hành vi khiêu khích”. Lường trước những bước đi của NATO tại hội nghị thượng đỉnh lần này, Nga đã từng tuyên bố rõ ràng sẽ “đáp trả bất cứ hành động triển khai quân và phương tiện nào của NATO tại khu vực Baltic”.

Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Nga Maria Zakharova cũng từng nhấn mạnh “sẽ không có chuyện Nga bỏ qua những hành động của NATO”. Trong khi đó, Ngoại trưởng Nga Sergey Lavrov cho rằng Nga sẽ tiến hành các biện pháp mang tính kỹ thuật và quân sự để “bảo vệ toàn vẹn lãnh thổ”.

Cùng với những tuyên bố cứng rắn, Nga đã chứng tỏ mình không phải một đối thủ “dễ chơi”, chỉ có thể đưa ra những tuyên bố “suông”. Chỉ vài ngày trước khi Hội nghị thượng đỉnh NATO khai mạc, Nga tuyên bố sẽ triển khai hai trạm radar tầm xa Podsolnukh tại Baltic và Crimea để “phát hiện bất cứ tàu chiến nào vượt qua eo biển Bosphorus”.

Mô hình các hệ thống tác chiến điện tử hiện đại của Nga. Ảnh: Réseau international
Mô hình các hệ thống tác chiến điện tử hiện đại của Nga. Ảnh: Réseau international

Với khả năng giám sát tàu chiến và máy bay chiến đấu ở khoảng cách lên tới 450km, hệ thống radar này sẽ giúp Nga theo dõi sát sao mọi động thái của NATO. Ngoài ra, Nga cũng thông báo đang hoàn tất xây dựng 3 bến tàu ngầm cuối cùng ở cảng Novorossiysk trên Biển Đen cách phía Nam thủ đô Moscow khoảng 1.500km. Căn cứ mới của Hạm đội Biển Đen sẽ có 6 tàu ngầm lớp Varshavyanka có khả năng bắn phá mục tiêu ở khoảng cách 2.500km…

Tất nhiên, kịch bản xung đột giữa Nga và NATO là rất khó xảy ra. Tuy nhiên, trong bối cảnh quan hệ giữa Nga và NATO đang không mấy tốt đẹp như hiện nay, nếu không có những bước đi thích hợp một cuộc chạy đua vũ trang mới, một cuộc Chiến tranh Lạnh kiểu mới tổn hại cho cả hai bên là hoàn toàn có thể, gây ảnh hưởng xấu đến hòa bình, ổn định, an ninh của cả Nga và các nước châu Âu. Hiện cả hai bên đều tuyên bố để ngỏ các cuộc đối thoại song phương để dàn xếp bất đồng, hạ nhiệt căng thẳng.

Cơ hội gần nhất sẽ là cuộc họp Hội đồng Nga - NATO vào ngày 13/7 tới. Rõ ràng, Nga hiểu rằng một cuộc chạy đua vũ trang là không hề có lợi cho Nga khi Nga ở thế “lấy ít địch nhiều”. Ở phía NATO, khối này cũng không muốn loại bỏ vai trò quan trọng của Nga trong việc giải quyết nhiều vấn đề nóng của khu vực và thế giới, trong đó có các cuộc đàm phán kết thúc chiến sự kéo dài tại miền đông Ukraine hay chấm dứt nội chiến ở Syria.

Tuy nhiên, theo các nhà phân tích, những tính toán này cũng chỉ đủ để Nga và NATO chặn đà “xuống dốc”, chứ ít có khả năng cải thiện mối quan hệ song phương trong bối cảnh hiện này. Bởi vậy, nhiều khả năng cuộc gặp sắp tới vào ngày 13/7 sẽ vẫn là “cuộc đối thoại giữa những người điếc”!

Thúy Ngọc

TIN LIÊN QUAN

Tin mới