An toàn trong khủng hoảng và chiến tranh

(Baonghean) - Biện pháp an toàn là điều mà nhiều cá nhân hay quốc gia nào cũng muốn hướng đến khi đương đầu với chiến tranh, khủng hoảng. Tất nhiên, không hẳn lúc nào đó cũng là lựa chọn đúng đắn như trong câu chuyện Brexit - Anh - Nga hay như trong việc lựa chọn ra đi hay ở lại Syria.

Anh không kích hoạt Brexit trước 2017, khởi sắc với Nga.

Phát ngôn viên của Thủ tướng Anh Theresa May Ngày 15/8 cho biết, chính phủ Anh đang tìm mọi cách nhằm giành được thỏa thuận tốt nhất trong việc Brexit đồng thời thông báo việc này sẽ không xảy ra trước năm 2017. Bất chấp các nhà lãnh đạo EU thúc giục Anh đẩy nhanh tiến trình này, bà May vẫn đang tìm cách trì hoãn nhằm chuẩn bị điều kiện tốt nhất cho cuộc đàm phán sau này về mối quan hệ mới giữa 2 bên.

Thủ tướng Anh Theresa May sẽ không kích hoạt Brexit trước năm 2017. Ảnh: AP
Thủ tướng Anh Theresa May sẽ không kích hoạt Brexit trước năm 2017. Ảnh: AP

Một số nhà phân tích dự đoán, năm 2017 tới đây, Pháp và Đức sẽ cùng tổ chức các cuộc bầu cử quốc gia. Có lẽ bà May muốn chờ đợi sau khi 2 cuộc bầu cử này có kết quả mới kích hoạt điều 50 Hiệp ước Lisbon. Như vậy, quá trình xử lý thủ tục rời khối có thể sẽ được bắt đầu vào cuối năm 2017. Điều này có nghĩa là cộng với 2 năm giải quyết thủ tục theo như dự tính thì đến cuối năm 2019, Anh mới chính thức rời khỏi EU.

Không chỉ tuyên bố không kích hoạt Brexit trước năm 2017, mới đây, quan hệ giữa Anh và Nga bắt đầu có dấu hiệu ấm lên khi Anh đưa ra sáng kiến gặp nhau tại hội nghị G20. Theo người phát ngôn chính phủ Anh, trong cuộc điện đàm, lãnh đạo 2 bên đều nhất trí rằng các công dân của cả Anh và Nga đang phải đối mặt với mối đe dọa từ chủ nghĩa khủng bố.

Còn phía Kremlin cho hay, Tổng thống Vladimir Putin và Thủ tướng Theresa May đã đồng ý hợp tác với nhau trong lĩnh vực tình báo cũng như an ninh hàng không nhằm tránh các mối đe dọa trong tương lai từ những kẻ khủng bố quốc tế.

Được biết, quan hệ Nga - Anh bắt đầu xấu đi từ năm 2007, khi cựu điệp viên KGB Alexander Litvinenko đang tị nạn tại Anh, thiệt mạng. Vào thời điểm đó, chính phủ của cựu Thủ tướng Gordon Brown đã cắt đứt hợp tác với Nga về vấn đề chủ nghĩa khủng bố quốc tế. Chính phủ Anh áp đặt các biện pháp hạn chế thị thực và các biện pháp gắt gao khác với Nga. Đến năm 2008, lúc xảy ra cuộc xung đột giữa Nga và Gruzia, quan hệ giữa 2 nước lại ngày không “mặn mà” vì Anh cho rằng đó là một hành động gây hấn của Nga.

Đáng nói, chỉ cách đây chưa đầy 1 tháng, trong cuộc tranh luận về việc hiện đại hóa hệ thống vũ khí hạt nhân, bà Theresa May thậm chí còn cho rằng, Nga và Triều Tiên là mối đe dọa hiện hữu. Do đó, động thái sẵn sàng hợp tác với Nga của bà May vào thời điểm này khiến khá nhiều người ngạc nhiên.

Theo một số chuyên gia, một trong những lý do để quan hệ giữa Anh - Nga ấm lên chính vì sự kiện Brexit. Kể từ khi bà Theresa May nhậm chức Thủ tướng Anh ngày 13/7, bà đã thực hiện các chuyến công du tới Đức và Pháp nhằm bàn về vấn đề Brexit. Tuy nhiên, dường như cả Đức và Pháp đều quay lưng, gây áp lực buộc Anh phải “kích hoạt” điều khoản 50 của Hiệp ước Lisbon cũng như thương lượng các điều khoản về việc Anh rời khỏi Liên minh Châu Âu. Có lẽ, đây là biện pháp an toàn và có lợi nhất với Anh lúc này.

Clip gây sốc và việc đi hay ở

Omran Daqneesh, 5 tuổi, ngồi thất thần trên ghế dù đầu đang bị thương chảy máu và áo dính đầy bụi bẩn. Ảnh: AMC
Omran Daqneesh, 5 tuổi, ngồi thất thần trên ghế dù đầu đang bị thương chảy máu và áo dính đầy bụi bẩn. Ảnh: AMC

Ngày 17/8, thế giới một lần nữa lặng người trước clip do Trung tâm Truyền thông Aleppo quay cảnh một em bé toàn thân phủ kín bụi đất, ngồi thất thần trên ghế dù đầu em đang bị chảy máu. Đứa trẻ ấy là Omran Daqneesh, 5 tuổi và đang sống cùng với gia đình tại Aleppo, thành phố phía Bắc Syria.

Cả ngôi nhà của gia đình Daqneesh đã sập xuống sau một trận không kích. Daqneesh may mắn khi là một trong những nạn nhân sống sót đầu tiên được đội cứu hộ đưa ra khỏi đống đổ nát. Lúc được đưa lên xe cứu thương, em chỉ yên lặng và không hề khóc dù chỉ là một tiếng nhỏ. Hình ảnh ấy của Daqneesh đã lan truyền rộng rãi trên các phương tiện truyền thông và làm thế giới dậy sóng khi phản ánh phần nào hiện thực khốc liệt của cuộc chiến đang diễn ra tại Syria.

Theo Mustafa Al Sarouq, người ghi lại những khoảnh khắc gây xúc động, ám ảnh về Omran Daqneesh, trên thực tế, đây là hình ảnh diễn ra mỗi ngày ở Aleppo. Nơi đây từng được mệnh danh là thành phố lớn nhất Syria mà nay đang bị chia thành những khu vực do chính phủ và các lực lượng nổi dậy kiểm soát. Những vụ không kích, người chết, đổ nát… vốn là những hình ảnh quá đỗi quen thuộc tại thành phố này.

Một bé gái Syria khóc thét sợ hãi khi một cảnh sát Thổ Nhĩ Kỳ kiểm tra hành lý của gia đình em khi họ vượt qua biên giới giữa Syria và Thổ Nhĩ Kỳ
Một bé gái Syria khóc thét sợ hãi khi một cảnh sát Thổ Nhĩ Kỳ kiểm tra hành lý của gia đình em khi họ vượt qua biên giới giữa Syria và Thổ Nhĩ Kỳ. Ảnh: AFP

Để thoát khỏi chiến sự ở Syria, nhiều người đã chọn cách rời bỏ đất nước để đi tìm vùng an toàn mới tại châu Âu. Thế nhưng liệu đó có là vùng an toàn, có là “miền đất hứa” khi họ có thể bỏ mạng bất kỳ lúc nào trên hành trình vượt biên bằng đường biển hay vượt qua biên giới đường bộ. Kể cả khi đặt chân lên được đất liền thì tương lai đang chờ đón những người di cư là không được người dân bản địa chào đón, không có việc làm, bảo hiểm và có thể bị trục xuất bất kỳ lúc nào.

Chắc hẳn, vẫn có nhiều người chưa hết xót xa khi nhớ đến hình ảnh cậu bé người Syria Alan Kurdi, 2 tuổi, chết đuối và trôi dạt vào bờ biển Thổ Nhĩ Kỳ khi cùng cha mẹ vượt biển sang châu Âu. Đó vẫn là hồi chuông cảnh tỉnh với nhiều người.

Thế nhưng, đối với những người lựa chọn ở lại, vùng an toàn là một khái niệm gần như khá xa xỉ. Theo tổ chức Giám sát Nhân quyền Syria, hiện vẫn còn khoảng 1,5 đến 2 triệu người bám trụ lại thành phố này và từ ngày 15/3 đến 18/8 đã có hơn 18.000 thường dân thiệt mạng trong đó có 4.500 nạn nhân là trẻ em dưới 18 tuổi. Dù vào ngày 18/8, Nga tuyên bố sẽ ủng hộ lệnh ngừng bắn kéo dài 48 giờ tại thành phố Aleppo đồng thời nhận được sự hoan nghênh từ phía đặc phái viên Liên Hợp quốc tại Syria. Nhưng chắc cũng không nên vui mừng quá sớm, nhất là khi các cuộc đối thoại do Liên Hợp quốc tổ chức tại Geneva bàn về hòa bình cho Syria vẫn đang lâm vào bế tắc./.

Chu Thanh

(Theo Le Monde)

TIN LIÊN QUAN

Tin mới