Fidel Ramos: Từ 'Ngoại giao karaoke' tới sứ mệnh 'phá băng'

(Baonghean) - Sứ mệnh khởi động lại quan hệ với nước láng giềng Trung Quốc sau phán quyết về vụ kiện Biển Đông đã được cựu Tổng thống Philippines Fidel Ramos hoàn thành ở Hong Kong. Kinh nghiệm và cách tiếp cận trong vấn đề biên giới lãnh thổ của ông Ramos là cơ sở để xúc tiến những cuộc đối thoại giữa 2 nước sau những căng thẳng vừa qua.

Chuyến “đi câu" thành công

Nhận sứ mệnh hàn gắn quan hệ với nước láng giềng Trung Quốc sau chiến thắng pháp lý tại Tòa Trọng tài về vụ kiện Biển Đông là một việc khó. Vậy nên người được Tổng thống Rodrigo Duterte lựa chọn sẽ phải có gì đó đặc biệt. Và không ai có thể nghi ngờ vào sự phù hợp của cựu Tổng thống Fidel Ramos nếu nhìn vào kết quả 2 ngày làm việc tại Hong Kong. 

Fidel Ramos trong vai trò đặc phái viên của Tổng thống Philippines phát biểu với báo chí tại Hong Kong. Ảnh: Reuters.
Fidel Ramos trong vai trò đặc phái viên của Tổng thống Philippines phát biểu với báo chí tại Hong Kong. Ảnh: Reuters.

Sứ mệnh của 1 đặc phái viên được chính ông Ramos ví như “đi câu” bởi quan điểm của 2 bên rất xa nhau, trong khi tâm thế của 2 nước sau phán quyết của tòa Trọng tài cũng rất khác nhau. Với vị thế của người chiến thắng, đại diện của Philippines sẽ vẫn phải đưa ra những lời đề nghị phù hợp với nước láng giềng. Vậy nhưng chuyến đi câu đã kết thúc thành công, như lời ông Ramos, với việc câu được một “con cá lớn”. 

2 ngày ở Hong Kong, cựu Tổng thống Ramos có cuộc làm việc với cựu Thứ trưởng Ngoại giao Trung Quốc Phó Oánh, người từng là đại sứ Trung Quốc tại Philippines và gặp gỡ Viện trưởng Viện Nghiên cứu Biển Đông của Trung Quốc Ngô Sĩ Tồn.

Bầu không khí trong các cuộc gặp được mô tả là thân tình như giữa “những người bạn cũ” để thúc đẩy tìm kiếm 1 giải pháp hòa bình “với tinh thần tứ hải giai huynh đệ”. 7 chủ đề có thể hợp tác giữa các bên đã được nêu ra từ bảo vệ biển cho đến hợp tác chống buôn lậu.

Cả ông Ramos lẫn cựu Bộ trưởng Bộ Nội vụ Rafael Alunan đi cùng luôn nhấn mạnh họ chỉ là những đặc phái viên không chính thức, còn các cuộc đàm phán sau này sẽ do những nhân vật đương nhiệm đảm trách.

Điểm chốt trong cuộc thảo luận vừa qua là việc Philippines và Trung Quốc bàn về việc thiết lập cơ chế ngoại giao “2 kênh” cho phép vừa thúc đẩy hợp tác trong một số lĩnh vực, vừa giải quyết riêng rẽ “các vấn đề gây tranh cãi” như tranh chấp Biển Đông. 

Đơn phương kết hợp đa phương

Không lãnh đạo nào của Philippines có khả năng đối phó với khủng hoảng như cựu Tổng thống Fidel Ramos. Và không nhiều người sẵn sàng làm việc với Trung Quốc như ông. Ông điều hành đất nước từ năm 1992, vào thời điểm kinh tế đất nước đi xuống sau “triều đại” của Tổng thống Ferdinand Marcos.

Chế độ độc tài cùng những tham vọng lớn khiến đất nước Philippines sa lầy trong tham nhũng và chậm phát triển. Bối cảnh khu vực cũng đặt ra thách thức khi các cường quốc thế giới mắc kẹt trong vấn đề của riêng mình, trong khi Trung Quốc đã bắt đầu bước vào chu kỳ thịnh vượng. Va chạm với tham vọng chủ quyền của nước láng giềng cũng vì thế mà xuất hiện. 

“Ngoại giao karaoke” được Fidel Ramos sử dụng trong 1 cuộc tiếp đón Chủ tịch Trung Quốc Giang Trạch Dân. Ảnh: Huffington Post.
“Ngoại giao karaoke” được Fidel Ramos sử dụng trong 1 cuộc tiếp đón Chủ tịch Trung Quốc Giang Trạch Dân. Ảnh: Huffington Post.

Tháng 2/1995, lúc mà ít ai ngờ nhất, Philippines phát hiện ra cờ và các hoạt động xây dựng của Trung Quốc trên bãi Vành Khăn. Đó là đòn choáng váng về mặt chiến lược với Manila và người Trung Quốc có vẻ đã chờ đợi một phản ứng vội vã, thiếu cân nhắc của chính quyền Ramos.

Nhưng ông đã cho thấy sự chuyên nghiệp của mình. Không đối đầu hay rút lui có điều kiện, nhà lãnh đạo Philippines lúc đó đáp trả bằng chiến lược 4 điểm để thách thức tham vọng của Trung Quốc, nói rõ lập trường của Manila cũng như điều chỉnh quỹ đạo tranh chấp theo ý mình. 

Giải pháp quân sự từng được tính tới trong chiến lược của Ramos, nhưng không yếu tố nào ủng hộ ông làm việc này. Kinh tế đang suy nhược còn đồng minh Mỹ thì từ chối đứng về phía bất cứ bên nào có tuyên bố chủ quyền. Vậy nên phương án này bị loại bỏ.

Nhưng quan trọng nhất là ông cũng không muốn đánh mất mối quan hệ song phương với Trung Quốc bằng hành động liều lĩnh. Ramos nhận thấy những cơ hội lớn khi làm việc với 1 nền kinh tế đang bùng nổ. Điều đó có nghĩa Trung Quốc sẽ vừa là đối tác trong tương lai, nhưng cũng sẽ là 1 láng giềng khó chịu.

Ở thế này, thay vì chọn 1 trong 2 cách tiếp cận hoặc song phương hoặc đa phương để giải quyết vấn đề, Tổng thống Ramos đã tìm cách kết hợp cả 2 trong chiến lược của mình. Trước hết, ông ngay lập tức kích hoạt cuộc đối thoại cấp cao Philippines - Trung Quốc để hạ nhiệt tình hình.

Tổng thống Fidel Ramos được ví như Lý Quang Diệu của Philippines. Ảnh: Alchetron.
Tổng thống Fidel Ramos được ví như Lý Quang Diệu của Philippines. Ảnh: Alchetron.

Mục tiêu trước mắt là ngăn chặn nguy cơ xung đột, nhưng quan trọng hơn là đánh động, ngăn cản Trung Quốc mở rộng hơn nữa sự hiện diện trong vùng biển mà Philippines cũng tuyên bố chủ quyền. Các cuộc tiếp xúc song phương cũng liên tiếp được xúc tiến sau đó. Chủ tịch Trung Quốc Giang Trạch Dân đã nhiều lần tới Manila để bàn thảo vấn đề lãnh thổ và giữ gìn quan hệ song phương.

Nhiều hình thức đối thoại mới được các nhà lãnh đạo Trung Quốc - Philippines tiến hành giữa lúc căng thẳng lên cao. Chủ tịch Giang Trạch Dân từng nhảy “Cha-Cha” và hát karaoke bài "Love Me Tender" của Elvis Presley trong chuyến thăm Philippines.

Dù vậy thì màn “tấn công quyến rũ” từ nhà lãnh đạo Trung Quốc cũng không khiến Tổng thống Ramos bị choáng ngợp. Nó chỉ càng thúc đẩy ông tin tưởng hơn kế hoạch ràng buộc Trung Quốc vào nghĩa vụ với cộng đồng khu vực.

Cần phải nhắc tới việc thúc đẩy các nỗ lực ngoại giao tại Đông Nam Á, mang tới kết quả là Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) ký kết với Trung Quốc Tuyên bố về cách ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC) năm 2002. Nếu không có những nỗ lực ngoại giao của Fidel Ramos, khó có khả năng Philippines được “hưởng lợi” sau này dưới thời của Tổng thống Gloria Arroyo.

Chuẩn bị cho bất trắc

Trong giai đoạn phát triển thịnh vượng nhất, Philippines từng sống dưới “chiếc ô” an ninh của Mỹ. Nhưng quá khứ huy hoàng đó đã chấm dứt với việc di dời các căn cứ quân sự khỏi lãnh thổ nước này. Khoảng trống an ninh này cũng sớm được Tổng thống Ramos tính tới. Thay thế cho sự hiện diện quân sự thường trực của Mỹ, Philippines đã tăng cường giao lưu quốc phòng với Mỹ.

Đó là việc tiến hành đàm phán và phê chuẩn Hiệp định Thăm viếng Quốc phòng (VFA). Hiệp định vừa tạo điều kiện cho quân đội Mỹ có mặt tại Đông Nam Á, vừa hỗ trợ tốt hơn cho Các lực lượng vũ trang Philippines. Người ta tính ra rằng trước khi căng thẳng giữa Philippines và Trung Quốc bùng phát tại bãi cạn Hoàng Nham (Scarborough Reef) năm 2012, 2 nước từng có gần 2 thập kỷ (1995 - 2012) mở rộng trong quan hệ song phương và đóng băng xung đột lãnh thổ ở Biển Đông. Thành quả đó là do cựu Tổng thống Fidel Ramos thiết kế.

Cái duyên và cái tầm của Fidel Ramos trong quan hệ với đối tác lớn Trung Quốc là điều mà Tổng thống đương nhiệm Rodrigo Duterte đang cần. Và có vẻ ông đã hoàn thành 1 trọng trách quốc gia quan trọng ở tuổi 88./.

Thanh Sơn

TIN LIÊN QUAN

Tin mới