Phê chuẩn TPP tại Quốc hội Mỹ và vấn đề liên quan

(Baonghean) - Hiệp định đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) mở ra cánh cửa tiềm năng cho thương mại khu vực. Tuy nhiên, để hiệp định chính thức có hiệu lực cần sự phê chuẩn từ hệ thống lập pháp của các thành viên. Tiến trình này đang được thực hiện và mối quan tâm lớn nhất vẫn thuộc về quyết định của Quốc hội Mỹ - quốc gia đầu tàu của cam kết.

Một nhà máy giày tại Việt Nam. Ảnh: New York Times.
Một nhà máy giày tại Việt Nam. Ảnh: New York Times.

Dù chưa được phê chuẩn tại cơ quan lập pháp Mỹ, hoàn tất đàm phán TPP được xem là mốc thành công lớn cho nhiệm kỳ của Tổng thống Obama với chính sách đối ngoại xoay trục sang châu Á - Thái Bình Dương. TPP tạo ra thị trường chung rộng lớn với 12 nước gồm Mỹ, Nhật Bản, Malaysia, Việt Nam, Singapore, Bruney, Australia, New Zealand, Canada, Mexico, Chile và Peru. Mặc dù đem lại nhiều lợi ích kinh tế cho các nước tham gia trong đó có Mỹ, những vấn đề từ TPP khiến nhiều nghị sỹ nước này lo ngại, trong đó có cả 2 ứng cử viên tổng thống hiện nay.

TPP và lợi ích

TPP được xem là hiệp định thương mại khu vực lớn nhất trong lịch sử giữa Mỹ và 11 nước Thái Bình Dương, với thị trường rộng lớn gần 800 triệu dân, tổng GDP gần 28 nghìn tỷ USD và chiếm 1/3 sản lượng thương mại thế giới. Không phải là nước khởi xướng nhưng nền kinh tế hành đầu thế giới có thể coi là đầu tàu của hiệp định này.

TPP làm sâu sắc thêm quan hệ kinh tế, thương mại giữa các quốc gia thông qua cắt giảm thuế hay xây dựng mối quan hệ chặt chẽ hơn về các chính sách và quy định kinh tế.  Hiệp định được kỳ vọng tăng sản lượng xuất khẩu toàn khối lên 305 tỷ USD đến năm 2025, đặc biệt trong các lĩnh vực máy móc, điện tử, nhựa, hay nông sản. Hiệp định sẽ bãi bỏ 80% khoản thuế đối với hàng hóa xuất khẩu vào Mỹ và 18.000 khoản thuế đối với hàng xuất khẩu từ nước này.

Về phần mình, Việt Nam được dự đoán sẽ hưởng lợi nhiều nhất từ TPP với dự đoán giúp GDP tăng thêm 11% tương đương 36 tỷ USD trong 10 năm tới. Chẳng hạn, việc loại bỏ thuế quan vào thị trường Mỹ và Nhật Bản sẽ giúp ngành dệt may Việt Nam tăng trưởng tới 50%, hay những mặt hàng thủy sản cũng có thêm sức cạnh tranh. Hiệp định cũng có thể thổi bùng làn sóng đầu tư vào Việt Nam bởi ưu thế chi phí sản xuất thấp nhờ vào lao động giá rẻ.

Phe phản đối TPP tại Mỹ cho rằng hiệp định không đem lại lợi ích cho người lao động nước này. Ảnh: BBC.
Phe phản đối TPP tại Mỹ cho rằng hiệp định không đem lại lợi ích cho người lao động nước này. Ảnh: BBC.

Tiếng nói từ các nghị sỹ Mỹ

Phê chuẩn TPP đang có dấu hiệu bị chững lại trong giai đoạn nước Mỹ sắp tổ chức bầu cử, và đây là vấn đề mà 2 đảng Cộng hòa và Dân chủ có thể dùng để thu hút cử tri. Những ý kiến đồng thuận với TPP trong Quốc hội Mỹ cho rằng hiệp định này mở ra cánh cửa cơ hội cho các quốc gia và giải quyết các vấn đề thương mại điện tử, dịch vụ tài chính,…. Ngoài ra, bằng việc áp đặt những tiêu chuẩn nghiêm ngặt về điều kiện lao động, môi trường, quyền sở hữu trí tuệ, TPP được kỳ vọng tạo ra sân chơi công bằng và tiêu chuẩn.

Mặt khác, hiệp định cũng là cơ hội mới khi các hiệp định thương mại trước đây dần kém hiệu quả do có quá nhiều quốc gia với sự khác biệt lớn về thể chế kinh tế cùng tham gia. Hơn nữa, điểm đáng chú ý của hiệp định này là không bao gồm Trung Quốc, có thể được hiểu là cách Mỹ giành ảnh hưởng ở châu Á - Thái Bình Dương, đối trọng với Trung Quốc.

Bên cạnh đó, dường như các vấn đề phát sinh từ TPP đang là thách thức không nhỏ. TPP có thể làm tăng thu nhập và xuất khẩu của Mỹ, tuy nhiên lại không đem lại lợi ích về vấn đề việc làm. Ứng cử viên tổng thống của đảng Cộng hòa Donald Trump và nghị sỹ của đảng Dân chủ Bernie Sanders đều tuyên bố không ủng hộ hiệp định vì nó có thể dẫn tới tình trạng mất việc làm và mức lương thấp cho dân chúng Mỹ.

Ngay cả với bà Hillary Clinton, khi đương chức Ngoại trưởng từng ca ngợi TPP là “tiêu chuẩn vàng” trong các hiệp định thương mại thì nay lại thể hiện quan điểm trái chiều cho rằng những tiêu chuẩn của TPP không tăng thêm việc làm hay nâng cao tiền lương cho người Mỹ.

Chờ đợi gì ở tương lai?

Để TPP có hiệu lực, cơ quan lập pháp của các quốc gia thành viên sẽ phải phê chuẩn hiệp định trước tháng 2/2018 và phải có ít nhất 6 quốc gia chiếm 85% tổng sản lượng kinh tế thông qua. Điều này đồng nghĩa những nước lớn như Mỹ và Nhật Bản cần sớm hoàn thành tiến trình. Việc Quốc hội Mỹ phê chuẩn TPP hay không chưa ngã ngũ, tuy nhiên, những người ủng hộ hiệp định tại Mỹ mong rằng TPP sẽ được thông qua ngay sau cuộc bầu cử tổng thống và trước khi ông Obama chính thức mãn nhiệm.

Mặt khác, trong trường hợp Mỹ không phê chuẩn hiệp định thì các thành viên còn lại sẽ tiếp tục đàm phán và tạo ra phân biệt đối xử trong thương mại với nước này. Thương mại quốc tế sẽ trở nên phân cách hơn, hàng hóa sẽ có tiêu chuẩn thấp hơn và không đáp ứng yêu cầu của Mỹ. Hơn nữa, theo phát ngôn của đại diện thương mại Mỹ Michael Froman, không thông qua TPP giống như việc trao cho Trung Quốc “chìa khóa” chiếm vị thế của Mỹ trong khu vực. Đây là mối lo ngại không chỉ cho Mỹ mà còn cho các nước trong khu vực phụ thuộc lớn vào giao thương với Trung Quốc.

Tóm lại, việc quyết định phê chuẩn TPP của Quốc hội Mỹ không chỉ ảnh hưởng đến những vấn đề nội bộ của nước này mà còn làm thay đổi cục diện kinh tế thương mại khu vực cũng như thế giới.

Phan Hoàng Vũ

(Theo CNN, NYT)

TIN LIÊN QUAN

Tin mới