Trung Quốc sẽ hành xử ra sao trên Biển Đông?

(Baonghean) - Biển Đông là điểm nóng cộng đồng quốc tế hết sức quan tâm. Các chính khách, học giả khu vực châu Á - Thái Bình Dương nói riêng, thế giới nói chung đang nghiên cứu và đưa ra nhiều dự báo về diễn biến an ninh trên Biển Đông từ nay đến đầu năm 2017.

Tổng thống Barack Obama và Chủ tịch Tập Cận Bình trong cuộc gặp trước hội nghị thượng đỉnh G20 ở Hàng Châu. Ảnh: Reuters.
Tổng thống Barack Obama và Chủ tịch Tập Cận Bình trong cuộc gặp trước hội nghị thượng đỉnh G20 ở Hàng Châu. Ảnh: Reuters.

Bắc Kinh đang cố kiềm chế?

Tranh chấp trên Biển Đông có một số điểm khác biệt so với các tranh chấp biển, đảo khác. Thứ nhất, tranh chấp xảy ra giữa các bên chênh lệch quá lớn: Trung Quốc mạnh, các bên còn lại (Việt Nam, Philippines, Malaysia, Brunei) nhỏ yếu lại ít đoàn kết.

Thứ hai, Biển Đông là tuyến đường hàng hải quốc tế nhộn nhịp bậc nhất: khoảng 33% hàng hóa, dịch vụ; hơn 40% dầu, khí hóa lỏng thương mại quốc tế qua Biển Đông (gấp 15 lần qua kênh đào Panama). Tại Biển Đông có lợi ích của hầu hết các cường quốc.

Thứ ba, Biển Đông là độc đạo của Trung Quốc ra Thái Bình Dương và vòng xuống Ấn Độ Dương, là “cứ điểm chiến lược” đầu tiên, nơi diễn ra đối đầu siêu cường Mỹ - Trung để định hình cục diện thế giới vào nửa đầu thế kỷ XXI. Bởi vậy, tranh chấp trên Biển Đông phức tạp, gay gắt, lâu dài và khó giải quyết nhất so với tất cả các tranh chấp biển, đảo trên thế giới.

Có thể nói rằng, Biển Đông bình yên hay dậy sóng đều xuất phát từ hành xử của Trung Quốc. Do đó, muốn dự báo diễn biến tranh chấp trên Biển Đông hay tình hình an ninh khu vực nhất thiết phải dự báo các hoạt động của Trung Quốc trên Biển Đông.

Thông thường, các hoạt động vi phạm luật pháp quốc tế của Trung Quốc trên Biển Đông được tính toán cẩn thận nhằm giữ phản ứng của cộng đồng quốc tế ở mức thấp nhất. Khi cần thiết, họ chủ động tạo “sự cố” để lôi kéo sự chú ý, trong khi có hoạt động vi phạm luật pháp quốc tế hết sức nghiêm trọng ở chỗ khác nhằm phục vụ lợi ích chiến lược lâu dài.

Điển hình là tháng 5/2014, Trung Quốc đưa giàn khoan HD - 981 vào vùng đặc quyền kinh tế (EEZ) của Việt Nam mà không được phép của Nhà nước Việt Nam. Suốt gần 3 tháng dư luận quốc tế dồn sự quan tâm vào giàn khoan, còn Trung Quốc thì âm thầm bồi đắp các đảo nhân tạo và xây dựng các căn cứ quân sự ở Trường Sa.

Ngày 12/7 vừa qua, Tòa Trọng tài Thường trực tại La Hay, Hà Lan đưa ra phán quyết về vụ Philippines kiện Trung Quốc, bác bỏ yêu sách phi lý của Trung Quốc về “đường 9 đoạn” nói chung, yêu sách phi lý ở Trường Sa nói riêng. Phán quyết của Tòa là thắng lợi của tính thượng tôn pháp luật trong thế giới hiện đại, là thất bại nặng nề nhất của Trung Quốc về mặt pháp lý và ngoại giao trong nhiều năm.

Trung Quốc rất giận dữ, phản đối gay gắt nhưng không có những hành động gây hấn trên Biển Đông như nhiều học giả đã dự báo. Họ phải cố kìm nén cơn giận cho đến khi kết thúc Hội nghị thượng đỉnh G20 ở Hàng Châu vào ngày 5/9. Nếu “ra đòn” trên Biển Đông trước thì G20 ở Hàng Châu sẽ trở thành một diễn đàn tẻ nhạt, thậm chí sẽ có nhiều ý kiến phê phán làm mất mặt Bắc Kinh.

Đường băng Trung Quốc xây trái phép trên đá Chữ Thập thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam. Ảnh: Reuters.
Đường băng Trung Quốc xây trái phép trên đá Chữ Thập thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam. Ảnh: Reuters.

Tương lai khó lường

Từ ngày 6/9 đến ngày 8/11, nhiều khả năng Trung Quốc sẽ có những hành động bất chấp luật pháp quốc tế trên Biển Đông. Tại sao? Một là, từ nay đến 8/11,  chính quyền Obama tập trung cho giai đoạn nước rút cuộc bầu cử tổng thống 2016 của nước Mỹ vốn phức tạp và ẩn chứa nhiều bất trắc. Vì thế, Washington sẽ có phần “xao nhãng” với Biển Đông. Hơn nữa, ở Mỹ có hơn 4 triệu cử tri là người Hoa, nhiều tỷ phú gốc Hoa có ảnh hưởng không nhỏ với giới hoạch định chính sách. Để không làm mất lòng nhóm người này, chính quyền Obama sẽ khó làm căng với Trung Quốc ở Biển Đông.

Hai là, Chính quyền Obama đang phải đối phó với nhiều vấn đề nóng như cuộc chiến chống IS ở Syria và Iraq; đối phó với Nga ở cả châu Âu và Trung Đông; chương trình hạt nhân và tên lửa đạn đạo của Triều Tiên. Những vấn đề này nóng hơn, sát sườn với lợi ích của Mỹ hơn vấn đề Biển Đông. Do đó, trong thời gian này, Chính quyền Obama sẽ “nhẹ tay” đối với vấn đề Biển Đông.

Ba là, về phía Trung Quốc, họ có 3 sự lựa chọn: Làm căng với Nhật Bản tại Senkaku/Điếu Ngư; làm căng với Philippines sau phán quyết của PCA và làm căng tại Biển Đông, chủ yếu với Việt Nam.

Đối với Nhật Bản, lúc này chưa phải lúc Trung Quốc hành xử thô bạo tại Senkaku/Điếu Ngư vì sẽ đụng chạm trực tiếp đến Mỹ - điều Trung Quốc luôn tránh. Hơn nữa làm như vậy “vấn đề Trung Quốc” sẽ khuấy động cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ theo hướng bất lợi cho Bắc Kinh. Trung Quốc đang dùng kinh tế để lôi kéo Philippines, từng bước vô hiệu hóa phán quyết của Tòa Trọng tài nên cũng ít khả năng làm căng với Philippines lúc này.

Dù tạm thời yên ắng với Nhật Bản và Philippines, không thể loại trừ khả năng Trung Quốc sẽ có những hành động xâm phạm chủ quyền và lợi ích của Việt Nam trên Biển Đông. Dẫu vậy, có thể nhận định “biên độ” gây hấn của Trung Quốc trên Biển Đông cũng chỉ nằm trong một giới hạn nhất định, chưa đến lúc họ “vung tay quá trán”.

Sau ngày 8/11 đến trước ngày 20/1/2017 có lẽ là “thời gian thuận lợi” để Trung Quốc âm mưu tiến hành các hành động quân sự hóa Biển Đông. Khi đó, Chính quyền Obama mải tập trung bàn giao cho người kế nhiệm. Có nhiều dự báo về hoạt động của Trung Quốc trên Biển Đông. Khả năng thứ nhất, Bắc Kinh sẽ cố hoàn chỉnh cơ sở hạ tầng ở 2 sân bay Chữ Thập và Gạc Ma, đem máy bay chiến đấu, máy bay ném bom chiến lược tầm xa ra trực chiến.

Ngoài ra, không thể bác kịch bản Trung Quốc sẽ hoàn chỉnh nhà để máy bay trên Đá Vành Khăn và đưa thêm nhiều hệ thống phóng tên lửa đất đối không đến các đảo nhân tạo Trung Quốc bồi đắp ở Trường Sa.

Chưa hết, triển khai các tên lửa chống hạm tầm xa tầm bắn khoảng 400 km và tên lửa đạn đạo chống hạm tầm bắn khoảng 1.450 km tại các đảo ở Hoàng Sa và Trường Sa, lắp thêm các hệ thống radar tiếp cận chính xác ở một số đảo ở Trường Sa, đưa tàu chiến, có thể cả tàu ngầm ra thường trực ở Trường Sa,… là những hành vi “trong tầm cân nhắc” của Bắc Kinh. Với những động thái liều lĩnh có thể xảy ra, Trung Quốc đang muốn hiện thực hóa tham vọng, đến ngày 20/1/2017 hay chậm nhất cuối quý 1 năm tới sẽ cơ bản hoàn tất việc quân sự hóa Biển Đông, đặt “sự đã rồi” và làm “vốn liếng” để đối thoại với tổng thống mới của Mỹ.

Lãnh đạo cấp cao quân đội Trung Quốc cũng đã nhiều lần tuyên bố sẽ thiết lập vùng nhận dạng phòng không (ADIZ) vào thời gian thích hợp. Việc này đe dọa nghiêm trọng đến an ninh hàng không, an ninh hàng hải qua Biển Đông và động đến lợi ích sống còn của nhiều quốc gia trong và ngoài khu vực, kể cả Mỹ, Nhật Bản, các nước ASEAN, Australia, EU... Do đó, Trung Quốc cần phải cân nhắc và tiên lượng hậu quả. Có thể dự báo từ nay đến hết quý 1 năm 2017, ít có khả năng Trung Quốc thiết lập ADIZ trên Biển Đông.

Như vậy, với đà này, cho đến nửa đầu năm 2017, tình hình an ninh trên Biển Đông sẽ diễn biến ngày càng phức tạp, nhiều bất ngờ, nhưng chưa có “bão tố” dữ dội. Các chủ thể trong đó có Việt Nam cần theo dõi chặt chẽ và kịp thời có ứng phó thích hợp, hiệu quả để bảo vệ chủ quyền và lợi ích hợp pháp trên Biển Đông.

PGS. TS., Thiếu tướng Lê Văn Cương

Nguyên Viện trưởng Viện Chiến lược và Khoa học, Bộ Công an

TIN LIÊN QUAN

Tin mới