Khúc vĩ thanh của vị vua trị vì lâu nhất thế giới

(Baonghean) - "Vị trí của tôi trên thế giới này là giữa những thần dân của mình, người dân Thái Lan" là sứ mệnh cuộc đời mà Nhà vua Bhumibol Adulyadej từng khẳng định. Đối với người Thái, vị vua muôn vàn kính yêu dẫu đã nhắm mắt xuôi tay nhưng hình ảnh của ông sẽ còn sống mãi trong trái tim của họ.

Nhà vua Thái Lan đã qua đời hôm 13/10 sau 70 năm trị vì. Ảnh: Reuters.
Nhà vua Thái Lan đã qua đời hôm 13/10 sau 70 năm trị vì. Ảnh: Reuters.

Khép lại một kỷ nguyên

13/10/2016 - ngày mà hàng chục triệu dân chúng xứ sở Chùa Vàng đối diện với thời khắc mà họ sợ hãi nhất, khi Hoàng gia chính thức thông báo vua Bhumibol Adulyadej đã trút hơi thở cuối cùng.

Phần lớn người dân Thái Lan hiện nay đều được sinh ra dưới triều đại của vua Bhumibol, trưởng thành và chứng kiến ông không ngừng cống hiến thời gian, công sức và tiền của để giúp đỡ những số phận hẩm hiu trên khắp đất nước. Họ cảm thấy biết ơn khi mỗi lần quốc gia gặp khó, người đứng đầu hoàng gia luôn hiện diện, động viên, đoàn kết người dân vượt trở ngại.

Trong những giai đoạn biến động đột ngột hay thậm chí là rối ren, Nhà vua trở thành biểu tượng cho sự ổn định và kế thừa. Giữa bối cảnh đạo đức suy đồi và chia rẽ xã hội bởi lòng tham và nền chính trị bị ảnh hưởng bởi tiền bạc, ông trở thành hình mẫu của lòng trung thực và tinh thần đoàn kết.

Đáp lại sự cống hiến suốt cả đời người của ông, người Thái dành cho đấng tối cao của họ tình yêu và lòng kính trọng nhiều đến nỗi khó bề tưởng tượng một đất nước Thái Lan vắng bóng vua Bhumibol.

Giờ đây, không những họ phải nỗ lực vượt qua nỗi đau mất mát, mà còn phải đối diện với hiện thực mới - khi một kỷ nguyên quan trọng của Thái Lan khép lại, nhường chỗ cho một chương khác bắt đầu.

Vua Bhumibol trong lễ đăng cơ. Ảnh: Internet.
Vua Bhumibol trong lễ đăng cơ. Ảnh: Internet.

Khi Hoàng tử Bhumibol được chỉ định trở thành vua, Thái Lan vẫn còn là một quốc gia đang say ngủ, dưới trướng một chính phủ không mấy thiện cảm với chế độ quân chủ.

Thiếu vắng sự hỗ trợ từ phía chính phủ ngay từ đầu, lại vấp phải những cơn bão tố chính trị và mối đe dọa từ phong trào nổi dậy trong thời Chiến tranh Lạnh, song ông vẫn trung trinh với trách nhiệm đã tự mình đặt ra trong thế giới hiện đại - giúp đỡ những người yếu thế, giữ vững phẩm hạnh kể cả khi một bộ phận dân chúng và các giá trị truyền thống không trụ vững trước sức mạnh của đồng tiền.

Trong cuộc cách mạng làm thay đổi cách cai trị truyền thống, vua Thái Lan từng dành phần lớn thời gian trong năm ở khu vực nông thôn, thường xuyên đặt chân đến tất cả các vùng miền của đất nước để gặp gỡ người dân, đích thân hỏi han, chuyện trò để nắm bắt ước nguyện, nhu cầu của họ, từ đó hỗ trợ họ thay đổi cuộc đời.

Thời điểm Thái Lan ăn mừng sinh nhật thứ 72 của nhà vua cũng là lúc cộng đồng quốc tế công nhận ông không những là vị quân chủ tại vị lâu nhất thế giới, mà còn là ông vua hăng say làm việc và được lòng dân nhất. Năm 2006, người Thái hân hoan mừng 60 năm vua Bhumibol ngự trên vương vị, và cả thế giới sửng sốt xen lẫn ngưỡng mộ trước tình yêu chân thành và lòng kính trọng vô bờ bến của họ dành cho nhà vua.

Không ít người tự hỏi đâu là nguồn cảm hứng của nhà vua Thái Lan? Ngọn nguồn tình yêu và sức mạnh vô biên của ông là đâu? Động lực nào thôi thúc ông tuyên bố sẽ trị vì bằng sự chính trực vì hạnh phúc và lợi ích của dân chúng?

Thực ra, trong một lá thư gửi bằng hữu thuở trẻ, ông viết: “Khi còn học ở châu Âu, tôi chưa nhận thức rõ đất nước của mình như thế nào và khiến mình bận lòng ra sao. Cho tới khi tôi học cách yêu thương dân chúng thông qua những mối liên hệ với họ, tôi dần cảm nhận được tình cảm trân quý từ họ. Qua công việc ở đây, tôi hiểu ra rằng vị trí của tôi trên thế giới này là giữa những thần dân của mình, người dân Thái Lan”.

Bên cạnh quan hệ gắn bó sâu sắc còn là ý thức trách nhiệm mạnh mẽ của nhà vua với nhân dân. Trong hồi ký, vua Bhumibol nhớ lại sau thời điểm đăng cơ, ông trở lại Thụy Sĩ tiếp tục sự học. Trên đường ra sân bay, vua nghe thấy tiếng một người đàn ông gào khóc: “Xin đừng rời bỏ người dân”. Ông viết: “Tôi muốn hét lại rằng: Nếu nhân dân không rời bỏ tôi, làm sao tôi có thể rời bỏ họ”.

20 năm sau, người đàn ông trên gặp lại nhà vua và nói rằng chính gương mặt buồn bã của vua đã khiến ông này bật khóc. Vua Thái Lan khi ấy đáp: “Đó là điều nhắc nhở tôi về trách nhiệm của bản thân, và khiến tôi quay trở về”.

Người dân Thái Lan đau buồn trước mất mát to lớn. Ảnh: Reuters.
Người dân Thái Lan đau buồn trước mất mát to lớn. Ảnh: Reuters.

Di sản khổng lồ

Nhắc đến Nhà vua Bhumibol Adulyadej là nhớ đến một danh sách dài những thành tựu, minh chứng cho sự tận tụy với nhân dân suốt cuộc đời của ông. Người cha vĩ đại của đất nước Chùa Vàng yên nghỉ, nhưng di sản thực sự ông để lại cho đất nước là gì?

Nhớ lại lúc hệ thống y tế Thái Lan vẫn còn dưới chuẩn, các sáng kiến của ông đã giải quyết nhiều căn bệnh truyền nhiễm và cứu nhiều bệnh nhân thoát khỏi sự kỳ thị của xã hội. Nhiều tổ chức thiện nguyện của nhà vua đã hỗ trợ nạn nhân của các thảm họa thiên nhiên, trẻ mồ côi và người bệnh gặp khó khăn.

Học bổng của nhà vua cũng cung cấp nguồn lực cần thiết để phát triển đất nước. Lòng đam mê của ông dành cho khoa học đã đem lại cho nước nhà nhiều công nghệ tiết kiệm chi phí để ứng phó với các vấn đề hạn hán, lũ quét, ô nhiễm nước, xói mòn đất và thiếu năng lượng. Hàng nghìn dự án phát triển nông thôn trên khắp lãnh thổ Thái Lan đã giúp bảo vệ môi trường và cải thiện chất lượng cuộc sống cho người nghèo ở nông thôn.

Là người theo trường phái phục hưng, vua Bhumibol cũng sẽ lưu danh muôn thuở trong lòng người dân Thái với hàng trăm ca khúc và nhiều cuốn sách cho thấy sự thông thái của ông trong cả lĩnh vực nghệ thuật lẫn triết học.

Thêm vào đó, những nỗ lực của nhà vua nhằm khôi phục các lễ nghi hoàng gia cổ và truyền thống văn hóa cũng thúc đẩy lòng tin của đất nước trong thời kỳ lắm biến động. Đó cũng là điều đưa ông trở thành cầu nối giữa quá khứ và hiện tại, truyền thống và hiện đại, tính biểu tượng và thực tế của đất nước Thái Lan.

 

Tuy vậy, chính triết lý cuộc sống và lao động của nhà vua mới là chiếc cầu giúp người dân Thái Lan bình an cập bến tương lai.

Lúc thế giới chấn động trước các xung đột sắc tộc, nguồn tài nguyên thiên nhiên cạn kiệt nhanh chóng và khí hậu diễn biến bất thường, nguyên tắc của hoàng gia đối với các dự án phát triển của nhà vua là dựa trên tình yêu thương không phân biệt, quan tâm ý kiến của người dân và tôn trọng văn hóa cũng như đặc trưng địa hình của địa phương.

Khi Thái Lan đối diện với những cơn sóng toàn cầu hóa trong khía cạnh kinh tế, nhà vua nhấn mạnh nền kinh tế đủ và tầm quan trọng của sự tiết kiệm và biết hài lòng, để đất nước này không bị kéo căng quá mức về nguồn lực con người và tài nguyên thiên nhiên…

Nhiều nhà lãnh đạo thế giới chia buồn với Thái Lan, nhắc lại những ấn tượng tốt đẹp về Nhà vua của họ. Ảnh:Internet.
Nhiều nhà lãnh đạo thế giới chia buồn với Thái Lan, nhắc lại những ấn tượng tốt đẹp về Nhà vua của họ. Ảnh:Internet.

Quả thực, ông đã giữ vững lời hứa hẹn của mình, trị vì đất nước bằng sự chính trực, vì hạnh phúc và lợi ích của người dân. Ông đã dành cả cuộc đời làm minh chứng cho mọi người rằng có thể vượt qua bất cứ trận bão tố nào miễn là không đánh mất những giá trị căn bản.

Bởi vậy, không có gì đáng ngạc nhiên khi biết rằng, với người dân Thái Lan, dẫu vua Bhumibol đã sang thế giới bên kia, nhưng những chỉ bảo của ông mãi là kim chỉ nam giúp họ vượt sóng gió và cập bến bờ an yên. Kể cả khi không còn hiện hữu, nhà vua vẫn là ngọn hải đăng trong lòng dân chúng nước này, và đó mới chính là di sản hoàng gia quan trọng nhất đối với họ.  

Phú Bình

TIN LIÊN QUAN

Tin mới