Obama thăm Đức: Vật đổi sao dời

(Baonghean) - Trong chuyến công du nước ngoài lần cuối trước khi từ giã chiếc ghế chủ nhân Nhà Trắng nắm giữ suốt 8 năm qua, Tổng thống Mỹ Barack Obama đã dừng chân tại Berlin, Đức. Đây chính là nơi vào năm 2008, Obama có bài diễn văn hết sức ấn tượng với toàn thế giới. Song giờ đây cũng địa điểm ấy, Tổng thống thứ 44 nước Mỹ lại phải đối diện với những hồ nghi không dứt về tương lai…

Đồng minh gặp gỡ

Lần này tới Đức, Obama đã lên kế hoạch dành phần lớn thời gian hội ý riêng với Thủ tướng Angela Merkel - nữ chính khách được xem là đồng minh thân thiết nhất của ông, người hiện đang trên cương vị nhà lãnh đạo quyền lực số 1 châu Âu trong bối cảnh lục địa già đang chuẩn bị cho nhiệm kỳ tổng thống của ông Donald Trump.

Ngay khi máy bay đáp xuống vào tối thứ Tư, ngày 16/11 Obama đã dành nhiều giờ đồng hồ dùng bữa tối với bà Merkel tại một khách sạn ở trung tâm Berlin. Sau đó, cả 2 tiếp tục trao đổi về nhiều vấn đề vào chiều ngày thứ Năm, trước khi cùng nhau giải đáp một số câu hỏi từ báo giới.

Tổng thống Mỹ Barack Obama và Thủ tướng Đức Angela Merkel. 	Ảnh: CNN
Tổng thống Mỹ Barack Obama và Thủ tướng Đức Angela Merkel. Ảnh: CNN

Về phần mình, bà Merkel bày tỏ thái độ lạc quan thận trọng khi nói về ông Trump. Phong thái đĩnh đạc, trong tầm kiểm soát của nữ lãnh đạo hầu như không để lộ chút lo lắng nào về vị chủ nhân tương lai của Nhà Trắng. Thay vào đó, bà không tiếc lời ngợi ca ông Obama đã hết sức tạo điều kiện cho quá trình chuyển giao quyền lực được diễn ra suôn sẻ, đồng thời khẳng định sẽ chào đón, tiếp cận Trump bằng “một thái độ cởi mở”. Nhìn lại những năm qua, có thể đánh giá rằng, trong khi những người đồng cấp châu Âu mải đối diện với “mớ bòng bong” thách thức chính trị trong nước, thì bà Merkel nổi bật hơn hẳn khi giữ vai trò then chốt trong các mối quan hệ xuyên Đại Tây Dương, luôn lên tiếng ủng hộ mạnh mẽ những ưu tiên của ông Obama cho vấn đề biến đổi khí hậu, trừng phạt Nga và cải cách kinh tế.

Obama và Merkel đã cùng nhau khôi phục các quan hệ vốn xấu đi sau những hé lộ rằng Cơ quan An ninh Quốc gia Mỹ từng bí mật theo dõi điện thoại di động của bà Merkel. Và giờ đây, điều mà Obama mong mỏi là Merkel sẽ tiếp tục những mối ưu tiên của ông trong một tương lai thiếu chắc chắn khi Trump đặt chân vào Phòng Bầu dục. Tuy vậy, nhà lãnh đạo Đức vẫn chưa cho biết liệu bà có ra tranh cử nhiệm kỳ thứ 4 vào năm tới hay không, dù các đồng minh chính trị của bà đã ngầm phát đi tín hiệu khẳng định. Cũng giống như nhiều nguyên thủ ở các nước Pháp, Anh, Mỹ và nhiều nơi khác, bà sẽ phải đối diện với những thách thức từ các chính trị gia phe cựu hữu đang tranh cử bằng một chương trình nghị sự chủ nghĩa dân tộc mang màu sắc dân túy.

Thời thế xoay vần?

Đáng lý ra chuyến đi lần này của ông Obama là để khép lại nhiệm kỳ, chào từ biệt những đồng minh quan trọng như bà Merkel và có thể ít nhiều tái bảo đảm về những kỳ vọng của các nhà lãnh đạo nước lớn dưới thời Donald Trump. Thế nhưng, ông vẫn không thể kìm nén bản thân khỏi đưa ra những cảnh báo về một biến chuyển sắp sửa xảy đến với trật tự toàn cầu, cái mà ông cho rằng nếu không ngăn chặn sẽ dẫn tới “một thế giới khốn khổ, khắc nghiệt và rối rắm hơn”. Điều này vô hình trung lại mâu thuẫn với thái độ có phần lạc quan mà ông Obama đã nỗ lực thể hiện khi tuyên bố sẽ cố gắng chuyển giao quyền lực một cách suôn sẻ nhất cho người kế nhiệm. 

Ông Obama có chuyến công du cuối tới châu Âu trước khi khép lại 8 năm cầm quyền ở Nhà Trắng.Ảnh: CNN
Ông Obama có chuyến công du cuối tới châu Âu trước khi khép lại 8 năm cầm quyền ở Nhà Trắng. Ảnh: CNN

Thậm chí, ông còn rung lên hồi chuông báo động mạnh mẽ về làn sóng chính trị mang đường hướng chủ nghĩa dân tộc đang lan nhanh trong lòng nước Mỹ và cả châu Âu. Obama không hy vọng rằng tân Tổng thống Mỹ sẽ giữ nguyên đường hướng của mình để ứng phó trong quan hệ với Nga, nhất là các vấn đề liên quan đến khủng hoảng Ukraine và xung đột Syria, dẫu rằng trong cuộc gặp nhanh sau ngày bầu cử ông vẫn khuyên tỷ phú Trump tiết chế giọng điệu hơn so với trong chiến dịch tranh cử.

Giới phân tích nhận định, dường như Obama đến Đức lần này trong bầu không khí chính trị khác biệt rất lớn so với khi ông đến đây với tư cách ứng cử viên Tổng thống Mỹ năm 2008. Tháng 7 năm đó, Obama mới 46 tuổi, mái đầu cũng ít ngả màu hoa râm hơn. Khoảng 200.000 khán giả đã tụ tập để cùng lắng nghe màn diễn thuyết của một thượng nghị sỹ trẻ của nước Mỹ giữa đất Berlin.

Khi ấy, người châu Âu đang ngày một cảnh giác với Mỹ dưới nhiệm kỳ của cựu Tổng thống Bush. Họ đánh giá Obama là nhân vật nho nhã, hào phóng, tự do, đủ để đối trọng trước một chính quyền Cộng hòa ngày một lên giọng chế giễu châu Âu trong cuộc tranh luận về Chiến tranh Iraq. Bài diễn văn vào năm 2008 của Obama từng ca ngợi xã hội cởi mở và đa màu sắc: “Những bức tường giữa các chủng tộc và bộ tộc, giữa người bản xứ với người nhập cư, người theo đạo Thiên chúa với tín đồ đạo Hồi và người Do thái không thể tồn tại. Đó là những bức tường mà chúng ta phải phá bỏ”.

Còn hiện tại, khi Trump phác thảo kế hoạch dựng một bức tường dài dọc biên giới Mỹ - Mexico, những lời lẽ đanh thép của ông Obama dường như chỉ còn là dĩ vãng. Dù vẫn giữ niềm tin với những giá trị của xã hội tự do, cởi mở, ông vẫn buộc phải thức thời nhìn nhận tốc độ và phạm vi thay đổi đang diễn ra trong lòng nước Mỹ và xa hơn nữa. Nên chăng, đó chính là nguyên do mà trong chuyến công du cuối trên cương vị người đứng đầu xứ sở cờ hoa, Obama phải cố xoay xở để xoa dịu những mối lo về sự biến chuyển đang ngày một hiện rõ ở Washington.

Phú Bình

(Theo CNN, NBC)

Tin mới