Bài ngoại - từ khóa đáng buồn của năm 2016

(Baonghean) - Cứ vào thời điểm cuối mỗi năm, trang từ điển trực tuyến Dictionary.com lại chọn ra một từ ngữ đủ sức gói gọn cả 12 tháng. Năm ngoái, từ được chọn là “nhận dạng” (identity), chỉ toàn bộ những thảo luận về giới tính, chủng tộc và tình dục xuất hiện trên mặt báo. Năm nay, lựa chọn của trang web là một từ kém lạc quan hơn, và mang nhiều hàm ý sau những sự kiện gần đây.

Lượng tìm kiếm tăng vọt

Từ khóa của năm 2016 theo Dictionary.com là “bài ngoại” (xenophobia), được chọn ra dựa trên dữ liệu về những từ được hàng vạn người dùng tò mò tìm kiếm tại bất cứ thời điểm nào và được đánh giá là từ ngữ phản ánh chủ đề lặp đi lặp lại trên các tin tức trong năm: nỗi sợ hãi sự khác biệt.

Thời điểm người dùng tìm kiếm từ bài ngoại nhiều nhất là sau sự kiện Brexit của Anh. 	Ảnh: Internet
Thời điểm người dùng tìm kiếm từ bài ngoại nhiều nhất là sau sự kiện Brexit của Anh. Ảnh: Internet

Trên trang từ điển, từ xenophobia được định nghĩa theo 2 cách, cả hai đều phản ánh những cảm xúc sợ hãi (và thường mang màu sắc của chủ nghĩa biệt lập) bao trùm trong suốt những sự kiện nóng trong năm như cuộc bỏ phiếu Brexit, bầu cử Mỹ, những màn tranh luận về cách ứng phó với người di cư từ Syria, những vụ nã súng của cảnh sát có liên quan đến vấn đề chủng tộc, và thậm chí là cả những cuộc cãi vã về việc người chuyển giới được dùng nhà vệ sinh công cộng nào! 

Theo Dictionary.com, bài ngoại là “nỗi sợ hãi hoặc căm ghét người ngoại quốc, người đến từ các nền văn hóa khác, hoặc người lạ” hoặc “nỗi sợ hoặc ghét bỏ những phong tục tập quán, trang phục,… của những người khác biệt về mặt văn hóa”. Trong tuyên bố của trang từ điển trực tuyến uy tín này, họ khẳng định: “Năm nay chứng kiến nỗi sợ hãi nổi lên giữa sự luận bàn về văn hóa”.

Lượng tìm kiếm từ khóa trên đạt đỉnh vào ngày 24/6, tức chỉ 1 ngày sau khi người dân xứ sở sương mù bỏ phiếu chọn “Đi” hay “Ở lại” Liên minh châu Âu. Vào ngày không chỉ nước Anh mà cả thế giới bị sốc trước kết quả trưng cầu là tấm vé ra đi, số người tìm kiếm “bài ngoại” tăng đến 938%.

Lần thứ 2 lượng tìm kiếm từ này tăng vọt là vài ngày sau khi Tổng thống Mỹ Barack Obama đề cập đến nó trong bài diễn văn hôm 29/6 liên quan đến giọng điệu “dân túy” của ứng viên Tổng thống đảng Cộng hòa khi ấy là Donald Trump. Obama đã cáo buộc Trump ủng hộ chủ nghĩa bản địa hay còn gọi là chứng bài ngoại: “Đó không phải là cách xử trí của chủ nghĩa dân túy. Đó là chủ nghĩa bản địa hoặc chứng bài ngoại hoặc tồi tệ hơn. Hoặc đó chỉ đơn giản là chủ nghĩa hoài nghi”.

Trong chiến dịch tranh cử Tổng thống thành công của mình, Trump đã kêu gọi cấm người Hồi giáo đặt chân vào Mỹ và xây dựng một bức tường biên giới nhằm trấn áp điều mà ông cho là nạn nhập cư bất hợp pháp từ Mexico. Tư tưởng bài ngoại thể hiện rõ trong phát biểu của Tổng thống đắc cử Mỹ: “Khi Mexico cho người qua biên giới, đó không phải là những người tốt nhất… Chúng mang theo thuốc phiện. Chúng mang theo tội ác. Chúng là những kẻ hiếp dâm”.

Mô tả ảnh. Xu hướng tìm kiếm từ “bài ngoại” của người dùng trên trang từ điển trực tuyến. Ảnh: Dictionary.com

1. Xu hướng tìm kiếm từ “bài ngoại” của người dùng trên trang từ điển trực tuyến. Ảnh: Dictionary.com

2. “Xenophobia” - “bài ngoại” là từ khóa của năm 2016 theo bình chọn của trang Dictionary.com. Ảnh: Getty.

Cũng theo phát hiện của Dictionary.com, từ khóa “bài ngoại” là lựa chọn phù hợp sau những cảm xúc phản đối làn sóng nhập cư nhắm đến người tị nạn Syria đã và đang diễn ra suốt thời gian gần đây. Lý giải sâu xa hơn cho lựa chọn của mình, trong thông cáo báo chí, Giám đốc điều hành Dictionary.com Liz McMillan cho biết: “Bài ngoại và các từ khác gắn với tin tức thế giới và giọng điệu chính trị đã phản ánh mối quan tâm của toàn thế giới đối với sự gia tăng đáng buồn nỗi sợ hãi sự khác biệt trong năm 2016, đưa nó trở thành lựa chọn hiển nhiên cho vị trí Từ khóa của năm. Dù chúng tôi không bao giờ có thể biết được những lý do chính xác dẫn tới việc “bài ngoại” trở thành xu hướng tìm kiếm trong năm trên trang của mình, song điều này phản ánh mong muốn của người dùng là hiểu rõ hơn sự luận bàn đáng kể quanh những sự kiện trên toàn cầu”.

“Lối suy nghĩ cần đẩy lùi”

Nhìn lại những năm gần đây, chẳng hạn năm 2015,  Dictionary.com đã trao “ngôi vương” cho từ khóa “nhận dạng”, lý giải bằng sự tập trung quan tâm ngày càng tăng đối với các chủ đề cá nhân về nhận dạng chủng tộc và giới tính, cũng như xu hướng tình dục trong dân chúng nói chung trong năm này.

Trước đó nữa, năm 2014, trang từ điển trực tuyến hơn 20 năm tuổi chọn từ “exposure” (tiếp xúc, phơi nhiễm) - ám chỉ sự lây lan của dịch bệnh Ebola tại Tây Phi và động thái của tổ chức Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng tại Trung Đông và trên mạng internet - những vấn đề chi phối các tin tức nóng nhất năm.

Và như vậy, có thể thấy rằng lựa chọn của năm nay dường như có điều gì đó khác biệt rất nhiều so với trước. Không thể hiện chiều hướng tăng tiến trong đối thoại xã hội hay chiều rộng và tác động của tin tức, bài ngoại - sự chưng cất một cảm xúc trên toàn thế giới - dường như là hiện thân cho điều gì đó sâu xa hơn và đáng băn khoăn, trăn trở hơn nhiều.

Robert Reich - giáo sư chính sách công tại Đại học California, Berkeley, đồng thời là cựu Bộ trưởng Lao động Mỹ dưới thời Tổng thống Bill Clinton đã phân tích về lựa chọn của Dictionary.com, cho rằng trang từ điển “chọn “bài ngoại” làm từ khóa của năm là chính xác” và “bài ngoại có thể xem là một phản ứng trước sự gia tăng toàn cầu hóa”.

Nói về hiện tượng gần đây khi nhiều người quy chụp những nhóm đa dạng sắc tộc là nguyên do dẫn đến một số thách thức kinh tế và xã hội hiện hữu, ông cho rằng những kẻ “giơ đầu chịu báng” như vậy không phải là điều mới mẻ trong lịch sử thế giới, song lại tiềm ẩn những mối nguy khó lường.

Theo Reich, bài ngoại gây chia rẽ, mời gọi sự quấy nhiễu và bắt nạt. Hoặc tệ hơn, nó biến mọi người từ chỗ khoan dung và đồng cảm trở nên bất kính và thù địch. Vì thế, nó chính là một trong những mối đe dọa lớn nhất mà loài người đang đối diện, “bài ngoại” vốn dĩ chẳng phải từ ngữ đáng hoan nghênh, mà chính là một lối suy nghĩ cần đẩy lùi, một thái độ cần bài trừ khỏi xã hội.

Trên các trang mạng xã hội, không ít người dùng đã tỏ thái độ chán nản khi biết được đây là cụm từ gói gọn đặc điểm tin tức trong năm qua, song đa số đều nhất trí rằng đây là một lựa chọn không thể chính xác hơn. Dù vậy, đâu đó người ta vẫn, hy vọng vào sự khởi sắc mới, để trong năm tới, tình yêu sẽ thế chân nỗi sợ hãi mà con người dành cho nhau, để từ khóa của năm 2017 có thể là khái niệm nào đó tích cực, lạc quan hơn, không phải là xu hướng đáng buồn phủ sóng trong năm 2016.

Thu Giang

TIN LIÊN QUAN

Tin mới