Quan hệ Mỹ - Israel: Khi đồng minh quay lưng

(Baonghean) - Lần đầu tiên kể từ năm 1979, Mỹ đã bỏ phiếu trắng, mở đường cho Hội đồng bảo an Liên Hợp quốc (LHQ) thông qua nghị quyết phản đối các khu định cư trái phép của Israel ở những vùng lãnh thổ chiếm đóng tại Palestine. 

Quay lưng vào phút chót

Điều này đồng nghĩa với việc Mỹ đồng tình với các quốc gia thành viên Hội đồng bảo an trong việc lên án Israel và đặt nước này trước các lệnh trừng phạt quốc tế. Đại sứ Mỹ tại LHQ Samantha Power giải thích, việc Mỹ bỏ phiếu trắng là do những lo ngại việc mở rộng các khu định cư ở biên giới của người Israel đe dọa tới giải pháp hai nhà nước hướng tới mục tiêu hòa bình tại khu vực.

Thực tế, đây cũng là thông điệp mà Tổng thống Obama muốn gửi đến Thủ tướng Israel Netanyahu, dù sẽ rời nhiệm sở vào đầu năm tới nhưng ông đã kịp tạo điều kiện để cộng đồng quốc tế có cơ sở đối phó với các khu định cư trái phép của Israel. Đây chẳng qua là “giọt nước tràn ly” khi đồng minh Israel không còn hoàn toàn nằm trong vòng tay Mỹ như xưa.

Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu (phải) và Tổng thống Mỹ đắc cử Donald Trump gặp gỡ tại tháp Trump ở New York ngày 25/9/2016. (Nguồn: Times Of Israel)
Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu (phải) và Tổng thống Mỹ đắc cử Donald Trump gặp gỡ tại tháp Trump ở New York ngày 25/9/2016. (Nguồn: Times Of Israel)

Dưới thời Tổng thống Obama xảy ra rất nhiều xung đột và mâu thuẫn giữa hai đồng minh thân cận một thời. Đặc biệt, sau thỏa thuận hạt nhân lịch sử với Iran đạt được năm ngoái, quan hệ Mỹ - Israel bắt đầu lao dốc. Một Barack Obama muốn để lại nhiều dấu ấn với hồ sơ hạt nhân Iran và hòa bình Trung Đông, chắc chắn đã khiến nhà lãnh đạo Israel vô cùng bực bội. Đáp lại, tổng cộng trong vòng hơn 10 năm qua, khoảng 15.000 ngôi nhà đã được xây dựng ở Bờ Tây dưới thời Thủ tướng Benjamin Netanyahu. Hồi tháng trước, Israel đã nối lại kế hoạch xây dựng 500 ngôi nhà định cư ở al-Quds thuộc Jerusalem. Với diễn biến này thì việc bỏ phiếu trắng của Mỹ vừa qua theo giới phân tích cũng là việc “buộc phải làm”.

Israel mong mỏi đón Trump

Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu ngay lập tức ra tuyên bố sẽ “vượt qua” được nghị quyết này, đồng thời, sẽ xem xét và đánh giá lại quan hệ với LHQ. Theo giới quan sát, Thủ tướng Netanyahu bực bội nhưng lại không mấy thất vọng về cái kết buồn với chính quyền Tổng thống Obama. Bởi Israel đang rất tự tin vào sự nồng ấm trong mối quan hệ với nhà lãnh đạo mới của Mỹ là ông Trump. Tổng thống đắc cử của Mỹ đã kêu gọi Chính phủ Mỹ bỏ phiếu phủ quyết, thậm chí gọi điện gây sức ép với Tổng thống Ai Cập - quốc gia soạn thảo nghị quyết. Khi nghị quyết được thông qua, ông Trump không ngần ngại bày tỏ thái độ cũng trên Twitter: “Tại LHQ, mọi chuyện sẽ khác sau ngày 20/1”, đây là thời điểm ông chính thức nhậm chức.

Quan hệ Mỹ - Israel đã gặp nhiều trắc trở dưới thời Tổng thống Barack Obama. (Nguồn: Jerusalem Post)
Quan hệ Mỹ - Israel đã gặp nhiều trắc trở dưới thời Tổng thống Barack Obama. (Nguồn: Jerusalem Post)

Ông Trump cũng đã chỉ định ông David Freidman, nhân vật cố vấn trong chiến dịch tranh cử của ông Trump có quan điểm ủng hộ việc mở rộng các khu định cư Do Thái tại Bờ Tây làm Đại sứ Mỹ tại Israel. Tiếp đó, ông Trump còn từng hứa chuyển Đại sứ quán Mỹ ở Israel tới Jerusalem, bất chấp giới chuyên gia cho rằng, nếu điều này xảy ra sẽ chỉ “phá hủy tiến trình hòa bình Trung Đông” khi Mỹ và hầu hết các nước thành viên LHQ đều không công nhận Jerusalem là thủ đô của Israel. Khác với chính quyền Tổng thống Obama, ông Trump thời gian qua còn thể hiện là người có quan điểm cứng rắn với Iran. Điều này rất “hợp ý” với Israel.

Tổng thống đắc cử Donald Trump còn có mối quan hệ rất tốt đẹp với người Do Thái. Năm 1983, tổ chức Người Do Thái tại Mỹ đã trao giải thưởng thành tựu cho ông Trump vì những đóng góp cho việc xây dựng, nâng cao quan hệ giữa Mỹ và Israel; đồng thời cũng có quan hệ bạn bè khá thân thiết với ông Netanyahu.

Xung quanh ông Trump cũng xuất hiện nhiều nhân vật là người Do Thái, điển hình như con rể Jared Kushner hay con gái Ivanka cũng đã chuyển đạo khi lấy chồng. Hàng loạt luật sư, cố vấn, tỷ phú, nhà vận động tranh cử thân thiết bên cạnh ông Trump cũng là người Do Thái. 

Tuy nhiên, trên một bàn cờ Trung Đông địa chiến lược vô cùng phức tạp, Mỹ cần Israel nhưng cũng không thể ngay lập tức quay lưng với Iran hay cộng đồng khu vực và thế giới. Ngoài Israel, Mỹ cũng còn nhiều lợi ích chiến lược khác tại đây và đạt được bước tiến trong hòa bình Trung Đông là một trong số đó.

Trong tuyên bố mới nhất, ông Trump dù nhận định tiến trình hòa bình Trung Đông sẽ khó khăn, nhưng Mỹ sẽ tiếp tục bằng mọi cách để thúc đẩy tiến trình bế tắc này. Do vậy, tương lai quan hệ Mỹ - Israel sẽ nồng ấm dưới thời Tổng thống Donald Trump là điều có thể dự đoán, nhưng nồng ấm đến đâu và tương lai hồ sơ Israel - Palestine như thế nào, vẫn là câu hỏi cần có thời gian.

Khang Duy

TIN LIÊN QUAN

Tin mới