Người nhập cư: Sức ép chế ngự niềm kiêu hãnh Thụy Điển

(Baonghean) - Hiện nay, vẫn có nhiều người Thụy Điển bảo lưu thái độ nghi ngờ. Có những cư dân Rinkeby cho rằng, chính quyền chưa có đủ động thái để giải quyết các vấn đề phát sinh từ lượng người nhập cư lớn. 

Thoạt nhìn, Rinkeby cũng như bao địa danh khác của đất nước Thụy Điển: vì những dãy nhà cao vừa phải với màu sơn nền nã, khu quảng trường thoáng đãng, những hàng cây chạy dọc các con phố…

Và để ý kỹ hơn, người ta sẽ thấy những biển hiệu chữ Arập treo trên cửa sổ, nghe thấy những cuộc trò chuyện bằng tiếng Kurd và bắt gặp nhiều khuôn mặt mang gốc gác Somalia. Tuy vậy, Rinkeby vẫn là nơi chứa đựng nhiều bất cập.

Bạo động nổ ra ở ngoại ô Stockholm vào đầu tuần. Ảnh: CNN.
Bạo động nổ ra ở ngoại ô Stockholm vào đầu tuần. Ảnh: CNN.

Sau khi Donald Trump hôm 20/2 nói rằng, có điều gì đó không ổn đang diễn ra ở Thụy Điển - nơi từ lâu vốn được biết đến với chính sách chào đón rất nhiều người di cư và tị nạn, bình luận của Tổng thống Mỹ vấp phải nhiều ý kiến trái chiều, thậm chí có cả sự nhạo báng.

Thế nhưng, khi bạo động nổ ra ở Rinkeby chỉ ít ngày sau đó, cách trung tâm Stockholm chẳng bao xa, một người dân địa phương - vốn có cha mẹ là người Hy Lạp di cư đến Thụy Điển, đã phải thốt lên: “Mọi thứ Trump nói đều đúng”, đồng thời nhận xét hoạt động nhập cư vào Thụy Điển hiện nay đã vượt ngoài tầm kiểm soát, khi người đến nhiều, không gian lại có hạn, chưa kể người di cư cứ “vô tư” làm bất cứ điều gì họ muốn. Dù vậy, số đông vẫn hoàn toàn tin tưởng chính sách nhập cư của Thụy Điển là niềm tự hào của họ. 

Những người mới đến

Điều mà Trump chắc chắn đã đúng về chủ đề Thụy Điển và người di cư là tuyên bố của ông tại một sự kiện ở Florida cuối tuần trước, rằng nước này đã tiếp nhận số lượng lớn người di cư. Theo thống kê, Thụy Điển thậm chí còn sở hữu tỷ lệ người di cư bình quân đầu người cao hơn bất cứ quốc gia châu Âu nào.

Giữa đỉnh điểm khủng hoảng nhập cư châu Âu năm 2015, hơn 160.000 người đã đến Thụy Điển xin tị nạn - con số đột biến đối với đất nước chưa đầy 10 triệu dân. Chuyên gia chống khủng bố Magnus Ranstorp tại Đại học Quốc phòng Thụy Điển khẳng định: “Nếu muốn tương đương thì Mỹ sẽ phải tiếp nhận 6-7 triệu người di cư”.

Với ngần ấy người mới đến, có lẽ cũng không có gì ngạc nhiên khi phát sinh nhiều vấn đề rối rắm. Hòa nhập, và cả thiếu hòa nhập đã trở thành mối quan ngại thực sự, đặc biệt là ở những thành phố lớn như Stockholm, Malmo và Gothenburg. Trở về Gothenburg sau 10 năm xa cách, công dân Josefin Larsson, vốn mang trong mình 2 dòng máu Thụy Điển và Bolivia, nhận xét về khoảng cách giữa quá khứ - hiện tại.

20 năm trước, khi gia đình mẹ cô chuyển tới đây, họ rất dễ hòa nhập với cộng đồng. Chính phủ dành thời gian giúp họ học tiếng, tìm việc, tìm hiểu văn hóa. Có cả những chương trình được triển khai để họ cảm nhận rằng mình được chào đón ở vùng đất mới.

“Giờ đây, mọi thứ đã khác, ở các thành phố, gần như không còn người Thụy Điển nữa. Thay vào đó là những người đến từ các quốc gia khác nhau, có rất nhiều người hành khất trên phố, còn Chính phủ đâu thể chăm lo cho tất cả”, Larsson nói.

Hòng nỗ lực thúc đẩy các mối liên hệ giữa người Thụy Điển và người nhập cư, các nhóm và tổ chức cộng đồng ở một số thị trấn và thành phố của Thụy Điển đang dành nhiều quan tâm đến các vấn đề này.

Kompis Sverige là một dịch vụ như vậy, giới thiệu “người Thụy Điển mới” với các cư dân lâu năm, nhằm tạo dựng tình bạn và ngăn chặn nạn bài xích.

Hay như tổ chức Invitationsdepartementet có mục tiêu kết nối những người trôi chảy tiếng Thụy Điển và những người mới nhập cư mong muốn cải thiện kỹ năng ngôn ngữ, cùng nhau ăn chung bữa cơm tự nấu, xích lại gần nhau, dùng tấm lòng nồng hậu để đẩy lùi nạn bài ngoại, tẩy chay.

Người nhập cư mới đến xuống tàu gần Malmo, Thụy Điển trong giai đoạn cao điểm của cuộc khủng hoảng di cư châu Âu năm 2015. Ảnh: CNN
Người nhập cư mới đến xuống tàu gần Malmo, Thụy Điển trong giai đoạn cao điểm của cuộc khủng hoảng di cư châu Âu năm 2015. Ảnh: CNN.

Hòa nhập hay hoài nghi?

Hiện nay, vẫn có nhiều người Thụy Điển bảo lưu thái độ nghi ngờ. Có những cư dân Rinkeby cho rằng, chính quyền chưa có đủ động thái để giải quyết các vấn đề phát sinh từ lượng người nhập cư lớn. Thậm chí, người ta hoài nghi, thay vì hành động, chính quyền đang bỏ mặc, và hệ quả là mọi chuyện sẽ ngày càng ngoài tầm kiểm soát.

Larsson cũng chia sẻ, dù mọi người nghĩ rằng Thụy Điển là một nơi an toàn, nhưng bạo lực băng nhóm và các mối đe dọa an ninh khiến cô không còn cảm thấy yên tâm mỗi lần xuống phố. Lo lắng ấy không phải thiếu căn cứ, nếu điểm lại những vụ tấn công do nghi phạm là người di cư gây ra. Chẳng hạn, hồi tháng 1/2016, một phụ nữ 22 tuổi đã bị sát hại tại trung tâm tị nạn mà cô làm việc, gây sức ép buộc Chính phủ phải hạn chế số lượng người nhập cư.

Nhưng từ phía cảnh sát, họ không thừa nhận có mối liên hệ nào giữa người nhập cư với tình hình tội phạm ở những khu vực thu nhập thấp như Rinkeby. Varg Gyllander, làm việc tại Sở Cảnh sát Stockholm: “Tôi không phủ nhận có tồn tại những vấn đề về hội nhập. Điều không đúng là đánh đồng nhập cư, tội phạm và khủng bố, bởi chúng không có mối liên hệ chặt chẽ, hiện thực phức tạp hơn nhiều”.

Tình nguyện viên phát thực phẩm và nước uống cho người di cư đến ga Malmo hồi tháng 9/2015. Ảnh: CNN.
Tình nguyện viên phát thực phẩm và nước uống cho người di cư đến ga Malmo hồi tháng 9/2015. Ảnh: CNN.

Phe cực hữu trỗi dậy

Không ít chuyên gia hành pháp của Thụy Điển đánh giá rằng, nước này đang phải vật lộn với các phần tử cực đoan bài xích người nhập cư. Chuyên gia Ranstorp nhận định: “Một trong những vấn đề hệ trọng nhất của chúng tôi là chủ nghĩa cực đoan hữu khuynh. Từng có các nhóm cực hữu chôn vật liệu nổ ngay cạnh các trung tâm tị nạn”.

Từ quan chức đến lãnh đạo đất nước Thụy Điển đều công khai chỉ trích Tổng thống Mỹ vì tuyên bố rằng nước này “đang vấp phải những vấn đề họ chưa bao giờ nghĩ sẽ xảy ra”. Thậm chí, Thủ tướng Thụy Điển Stevan Löfven cũng lên tiếng đả kích, tuyên bố rằng ai cũng phải có trách nhiệm nêu thông tin chính xác và thẩm tra bất cứ thông tin nào mà họ có ý định phát tán.

Ấy nhưng, trong một số nhóm chính trị ở đây vẫn tỏ thái độ hưởng ứng các bình luận của ông Trump. Nhiều thành viên phe cực hữu cảm kích khi Tổng thống Trump dám “thẳng thắn chỉ ra vấn đề”. Với họ, Thụy Điển đang gặp khó, hay tệ hơn là đang đối diện cuộc khủng hoảng với những rắc rối trầm trọng liên quan đến luật lệ và trật tự. Phe này cho rằng, nếu không kiểm soát chặt biên giới, nếu xử sự thiếu trách nhiệm với vấn đề nhập cư, hiển nhiên sẽ không tránh khỏi hệ lụy.

Và như vậy, câu nói “hớ” của ông Trump không hẳn là vô nghĩa, và có lẽ tới đây quốc gia luôn kiêu hãnh về chính sách nhập cư thông thoáng nhất lục địa già sẽ phải suy tính để đưa ra giải pháp hợp lý nhất hòng xoa dịu những dấu hiệu căng thẳng đang leo thang.

Thu Giang

(Theo CNN)

TIN LIÊN QUAN

Tin mới