Mỹ theo đuổi chiến lược Obama + để đối phó với Triều Tiên

(Baonghean.vn) - Giới chuyên gia Mỹ ngày 25/4 nhận định trong bối cảnh căng thẳng gia tăng trên bán đảo Triều Tiên, Tổng thống Mỹ Donald Trump đang theo đuổi chính sách có phần giống với người tiền nhiệm Barack Obama, nhưng ở mức cứng rắn và trực diện hơn. 

Những ngày gần đây, chính quyền Tổng thống Trump đã một lần nữa chỉ thị nhóm tàu sân bay tác chiến tới khu vực gần bán đảo Triều Tiên, trong nỗ lực phát đi tín hiệu cho CHDCND Triều Tiên và các đồng minh của Mỹ trong khu vực, sau vụ phóng thử tên lửa gần đây của Triều Tiên và những phát ngôn gây căng thẳng giữa Washington và Bình Nhưỡng.

Nhà lãnh đạo Triều Tiên thị sát cuộc tập trận bắn đạn thật nhân kỷ niệm 85 năm ngày thành lập Quân đội Nhân dân Triều Tiên (25/4). Ảnh: AFP
Nhà lãnh đạo Triều Tiên thị sát cuộc tập trận bắn đạn thật nhân kỷ niệm 85 năm ngày thành lập Quân đội Nhân dân Triều Tiên (25/4). Ảnh: AFP

Ông Michael Auslin, Giám đốc nghiên cứu Nhật Bản và học giả tại Viện Doanh nghiệp Mỹ nhận định: “Ngay bây giờ chính quyền Tổng thống Trump dường như theo đuổi một chiến lược Obama+, có nghĩa là cùng một cách tiếp cận tái đảm bảo với các đồng minh, duy trì hiện diện quân sự trong khu vực nhưng gia tăng các phát ngôn và các mối đe dọa trực diện.”

Cũng theo ông Auslin, tác giả cuốn sách mới có tên “Sự kết thúc của thế kỷ châu Á”, việc Washington điều nhóm tàu sân bay tác chiến tới khu vực là bước đi đầu tiên để chuẩn bị đối phó với bất kỳ hành động nào của Triều Tiên. Đó không chỉ là một vụ thử hạt nhân có thể xảy ra mà nó còn là các vụ phóng thử tên lửa trong tương lai, hoặc hành động khiêu khích khác chống lại Hàn Quốc hoặc Nhật Bản.

Ông Auslin cho biết thêm: “Đó là dấu hiệu cam kết tới các đồng minh của chúng tôi, và cũng giúp Tổng thống Trump có sự linh hoạt để xem xét một đòn đáp trả trực diện, nếu ông ấy xác định đó là việc cần thiết.

Tuy nhiên theo chuyên gia Auslin, vẫn tồn tại rủi ro rằng ông Trump sẽ vạch ra đường giới hạn đỏ của riêng mình đối với Bình Nhưỡng, và nếu ông không hành động theo cách nào đó thì uy tín chính phủ sẽ bị tổn hại.

Theo ông Austin, hiện không có lựa chọn nào tốt để đối phó với vấn đề Triều Tiên, nhưng dường như việc sẵn sàng sử dụng sức ép quân sự và cam kết đưa một nhóm tàu sân bay tác chiến tới khu vực để đối phó với Bình Nhưỡng là một nỗ lực cho thấy tính chất nghiêm trọng và khả năng hành động nếu cần thiết của Mỹ.

Trong khi đó, một chuyên gia khác là Troy Stangarone, Giám đốc cấp cao tại Viện kinh tế Hàn Quốc cho rằng động thái đưa tàu sân bay tác chiến tới gần khu vực bán đảo Triều Tiên là nhằm tái đảm bảo với đồng minh Hàn Quốc và gửi đi thông điệp tới Bình Nhưỡng rằng có những giới hạn mà Washington xem đó là sự khiêu khích.

Cuộc tập trận bắn đạn thật của Triều Tiên năm 2009. Ảnh: AP
Cuộc tập trận bắn đạn thật của Triều Tiên năm 2009. Ảnh: AP

Cũng theo ông Stangarone, trong khi các lựa chọn quân sự được cân nhắc mà chưa có mối đe dọa nào thực sự hiện hữu, thì ông Trump có ít lựa chọn hơn so với người tiền nhiệm Obama. Tổng thống Trump sẽ theo đuổi chính sách gia tăng áp lực lên Bình Nhưỡng thông qua các lệnh trừng phạt và cô lập ngoại giao.

Chuyên gia này cũng cảnh báo trong khi căng thẳng gia tăng trên bán đảo Triều Tiên, thì mọi sự tính toán nhầm lẫn của các bên đều sẽ gây ra rủi ro làm bùng phát một cuộc xung đột vũ trang trong khu vực./. 

Lan Hạ

(Theo Xinhua)

TIN LIÊN QUAN

Tin mới