Mỹ - Triều Tiên: Bên bờ cuộc chiến

(Baonghean) - Trong lúc tình thế “nước sôi lửa bỏng” ở Syria chưa hề nguội bớt, chính quyền Mỹ lại gây chú ý khi quyết định triển khai một nhóm tàu chiến tới vùng biển gần bán đảo Triều Tiên. Liệu Mỹ có tiến hành các hành động đơn phương như đã cảnh báo với Triều Tiên hay không?

Lầu Năm Góc triển khai hàng không mẫu hạm Carl Vinson tới vùng biển gần bán đảo Triều Tiên. Ảnh: Reuters
Lầu Năm Góc triển khai hàng không mẫu hạm Carl Vinson tới vùng biển gần bán đảo Triều Tiên. Ảnh: Reuters

Ẩn chứa nhiều thông điệp

Chỉ vài giờ sau khi quân đội Mỹ nã gần 60 tên lửa hành trình vào một căn cứ không quân của Syria, Nhà Trắng nhanh chóng nói rằng, cuộc tấn công này là một tín hiệu mạnh mẽ không chỉ dành cho Syria mà còn dành cho cả thế giới. Và chỉ sau đó vài ngày, Lầu Năm Góc quyết định triển khai một nhóm hàng không mẫu hạm tới vùng biển gần bán đảo Triều Tiên. Đây rõ ràng là một hành động chứa nhiều ẩn ý trong bối cảnh nhạy cảm hiện nay.  

Giới chức quân sự Mỹ nói “đây là cuộc phô trương sức mạnh”. Nhưng thực tế, tính toán của chính quyền Mỹ không chỉ dừng lại ở đó, nhất là khi Tổng thống Donald Trump từng đe dọa sẽ đơn phương giải quyết vấn đề hạt nhân Triều Tiên, còn Bộ trưởng Ngoại giao Rex Tillerson trong chuyến công du nước ngoài đầu tiên đến khu vực này đã tuyên bố Mỹ không loại trừ khả năng tấn công quân sự Triều Tiên.

Giới phân tích cho rằng, trước mắt, việc Mỹ tái bố trí hàng không mẫu hạm tới vùng biển gần bán đảo Triều Tiên là nhằm chuẩn bị đối phó khả năng Triều Tiên tiếp tục có các vụ thử tên lửa trong tháng 4 này, nhân Kỷ niệm 105 Ngày sinh cố Chủ tịch Kim Il-sung.

Nhưng xa hơn, Mỹ muốn chuyển một thông điệp rằng, họ sẵn sàng “hành động” bất ngờ và dứt khoát không kém gì vụ nã tên lửa vào Syria vừa qua. Giáo sư Kim Yong Hyun của Đại học Dongguk (Hàn Quốc) nhấn mạnh rằng: “Thông điệp mà Mỹ gửi đến Bình Nhưỡng là hiện họ đang có một nhà lãnh đạo mới, không ngần ngại rút súng và tấn công”.

Tất nhiên, hành động mang tính răn đe Triều Tiên đó cũng có thể được hiểu là cách “ép” Trung Quốc phải kiềm chế đồng minh Triều Tiên của mình.  Ngoài ra, sự hiện diện của tàu chiến Mỹ tại khu vực cũng là cách để Mỹ trấn an các đồng minh là Nhật Bản và Hàn Quốc rằng, Washington sẵn sàng bảo vệ họ.

Các chuyên gia lo ngại chỉ một hiểu lầm cũng có thể biến thành xung đột trên bán đảo Triều Tiên. Ảnh: Getty
Các chuyên gia lo ngại chỉ một hiểu lầm cũng có thể biến thành xung đột trên bán đảo Triều Tiên. Ảnh: Getty

Nguy cơ xung đột?

Trong bối cảnh, chính sách của Tổng thống Trump với các hồ sơ “nóng” quốc tế còn khó đoán định, việc Mỹ đưa ra nhiều lời cảnh báo cứng rắn, cộng với việc đưa tàu chiến đến gần Triều Tiên làm dấy lên mối lo ngại về một cuộc xung đột đang đến rất gần. Mặc dù cả Mỹ và Triều Tiên đều sẽ tìm cách tránh các hành động đơn phương, nhưng một khi căng thẳng dâng cao trong khu vực thì một bên hoàn toàn có thể vội vã hành động do hiểu nhầm ý đồ của bên còn lại. 

Có thể thấy, hiện cả Mỹ và Triều Tiên đều tỏ ra “cứng rắn” để bảo lưu quan điểm của mình. Bình Nhưỡng mới đây tuyên bố rằng, cuộc tấn công nhằm vào Syria càng củng cố lập trường của họ rằng, vũ khí hạt nhân là nhân tố then chốt để đảm bảo sự tồn tại của họ.

Truyền hình Nhà nước Triều Tiên dẫn lời người phát ngôn Bộ ngoại giao nước này nói: “Những gì vừa diễn ra cho thấy chúng ta phải chống lại vũ lực bằng vũ lực và điều này 1 triệu lần cho thấy quyết định củng cố khả năng răn đe bằng vũ khí hạt nhân của chúng ta là lựa chọn đúng đắn”. Quan chức này cũng nhấn mạnh các cuộc không kích của Mỹ nhằm vào Syria là “hành động xâm lược không thể tha thứ”. Những tuyên bố này cho thấy, việc ông Trump quyết định tấn công Syria khó có thể tác động mạnh tới Triều Tiên. 

Trong khi đó, Mỹ không ngừng cảnh báo và thị uy Triều Tiên, mà việc đưa tàu chiến đến khu vực được cho là bước mở màn cho những kế hoạch tiếp theo.  Cố vấn An ninh Quốc gia Mỹ H.R. McMaster ngày 9/4 cho biết, Tổng thống Trump sẽ sớm xem xét các biện pháp để loại bỏ những mối đe doạ từ tên lửa Triều Tiên, bao gồm các trừng phạt kinh tế và cả hành động quân sự.

Hội đồng An ninh quốc gia Mỹ cũng vừa trình lên Tổng thống  Trump hàng loạt giải pháp nhằm ngăn chặn chương trình hạt nhân Triều Tiên. Trong đó có kế hoạch triển khai vũ khí hạt nhân tới Hàn Quốc. Nếu kế hoạch hạt nhân được lựa chọn, đây là lần đầu tiên Mỹ đưa vũ khí hạt nhân ra nước ngoài kể từ sau Chiến tranh Lạnh, và chắc chắn không chỉ gây căng thẳng trên bán đảo Triều Tiên. Rõ ràng, khi những “cái đầu nóng” không hạ nhiệt, khó ai đảm bảo rằng xung đột không xảy ra nếu một bên bị kích động.  

Tuy vậy, trường hợp của Triều Tiên không giống Syria. Syria đã bị “chia năm xẻ bảy” và không có khả năng phản công. Song Triều Tiên thì hoàn toàn khác, một cuộc tấn công vào nước này có thể gây ra những hậu quả thảm họa. Mỹ không chỉ có nhiều lợi ích ở khu vực cần bảo vệ mà còn có trách nhiệm to lớn đảm bảo an toàn cho các đồng minh.

Nhật Bản và Hàn Quốc đặc biệt lo ngại về nguy cơ hạt nhân từ Bình Nhưỡng, nhưng hai nước này cũng lo ngại không kém rằng một cuộc tấn công của Mỹ nhằm vào Triều Tiên có thể khiến Bình Nhưỡng nổi giận và phóng tên lửa về phía Tokyo và Seoul. Chính vì thế, kịch bản một cuộc chiến giữa Mỹ và Triều Tiên là điều khó xảy ra. Nhưng chính sách của chính quyền Tổng thống Trump với Triều Tiên có thể sẽ quyết liệt hơn trước.

Thanh Huyền

TIN LIÊN QUAN

Tin mới