Toàn cảnh cuộc chiến tranh chia cắt Bán đảo Triều Tiên

Chiến tranh Triều Tiên châm ngòi vào ngày 25/6/1950 và kéo dài đến năm 1953 khi Cộng hòa Dân chủ Nhân dân Triều Tiên (Bắc Triều Tiên hay Triều Tiên) tấn công Đại Hàn Dân quốc (Nam Triều Tiên hay Hàn Quốc).

Bé gái Triều Tiên cõng em đi qua một chiếc xe tăng M-26 tại Haengju, Hàn Quốc, ngày 9/6/1951.
Bé gái Triều Tiên cõng em đi qua một chiếc xe tăng M-26 tại Haengju, Hàn Quốc, ngày 9/6/1951.

Từ một cuộc chiến giữa hai lực lượng đối nghịch trên Bán đảo Triều Tiên, quy mô cuộc chiến đã trở nên lớn hơn khi lực lượng của Liên Hợp Quốc do Mỹ lãnh đạo và sau đó là Chí nguyện quân của Trung Quốc can thiệp.

 Lực lượng hỗ trợ chính cho Triều Tiên là Trung Quốc với sự tiếp ứng hạn chế của Liên Xô trong hình thức các cố vấn quân sự, phi công quân sự và vũ khí. Hàn Quốc được lực lượng Liên Hợp Quốc, chủ yếu là quân đội Mỹ, hỗ trợ.

Trước cuộc xung đột, Triều Tiên và Hàn Quốc tồn tại như hai chính phủ lâm thời đang tranh giành ảnh hưởng kiểm soát toàn bộ Bán đảo Triều Tiên.

Sau 3 năm, chiến cuộc kết thúc khi hai miền đạt thỏa hiệp ngừng bắn vào ngày 27/7/1953. Do không có hiệp định hòa bình nên về kỹ thuật, nên hai nước vẫn đang trong tình trạng chiến tranh và có thể phát động tấn công bất ngờ mà không cần tuyên chiến.

Bối cảnh

Cuộc chiến Triều Tiên khởi nguồn từ lịch sử phức tạp trên bán đảo và rộng hơn nữa là trong khu vực. Trung Quốc, Nhật và Liên Xô đều muốn có ảnh hưởng ở nơi này.

Sau cuộc chiến 1904-1905, Nhật Bản giành thế áp đảo và chính thức đô hộ bán đảo Triều Tiên từ năm 1910 cho đến khi Thế chiến II kết thúc. Trước khi Nhật Bản đầu hàng vô điều kiện năm 1945, Liên Xô đưa quân vào bán đảo Triều Tiên. Sau đó, Liên Xô và Mỹ đồng ý chia bán đảo này thành hai phần, với đường phân cách là vĩ tuyến 38. Liên Xô tiếp quản miền bắc còn Mỹ quản lý miền nam.

Moscow ủng hộ chính phủ của của Chủ tịch Kim Nhật Thành ở miền bắc. Ở miền nam ông Syungman Rhee đắc cử tổng thống. Quân đội Mỹ và Liên Xô rút khỏi bán đảo Triều Tiên trước năm 1949.

Quân đội Triều Tiên được Liên Xô huấn luyện và trang bị rất tốt. Họ có 135.000 binh sĩ, xe tăng và pháo. Ngược lại, lực lượng Hàn Quốc chỉ có 98.000. Chính quyền cả hai miền đều muốn thống nhất bán đảo.

Theo các tài liệu từ Mỹ, rạng sáng ngày 25/6/1950, quân đội Triều Tiên tràn sang bên kia vĩ tuyến 38. Mỹ vội vàng huy động binh sĩ của họ ở các căn cứ tại Nhật Bản. Tuy nhiên, lực lượng Mỹ và Hàn Quốc gặp khó khăn trong các cuộc giao tranh ban đầu với quân Triều Tiên, liên tục rút lui. Cuối cùng, họ lui về cố thủ ở thành phố cảng Busan, phía đông nam bán đảo, trong khi Mỹ kêu gọi Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc giúp đỡ.

Thi thể một lính xe tăng của Triều Tiên nằm trên mặt đất (phía dưới bên trái) trong cuộc tấn công quân Hàn Quốc tại Indong, Bắc Waegwan, ngày 13/8/1950.
Thi thể một lính xe tăng của Triều Tiên nằm trên mặt đất (phía dưới bên trái) trong cuộc tấn công quân Hàn Quốc tại Indong, Bắc Waegwan, ngày 13/8/1950.

Được trang bị tốt với 135.438 binh sĩ và 242 xe tăng bao gồm 150 xe tăng T-34 của Liên Xô chế tạo, quân đội Triều Tiên bắt đầu cuộc chiến với khoảng 180 máy bay, gồm có 40 máy bay tiêm kích Yak và 70 máy bay ném bom tấn công. Tuy vậy, lực lượng hải quân vẫn còn khá thô sơ.

Trong khi đó, quân đội Hàn Quốc chỉ có 64.697 binh sĩ với 100.000 khẩu súng, 50 triệu viên đạn dùng cho vũ khí nhẹ, 2.000 ống phóng tên lửa, hơn 40.000 xe cộ cùng rất nhiều đại bác và súng cối.

Tuy nhiên, quân Hàn Quốc không có xe tăng và rất thiếu xe bọc thép và pháo binh. Quân đội Hàn Quốc cũng không có máy bay tiêm kích, hay bất cứ pháo chống tăng nào.

 

Do đó, Triều Tiên giành được thành công chớp nhoáng và bất ngờ. Các lực lượng Bắc Triều Tiên chiếm được Seoul trưa ngày 28/6, chỉ 3 ngày sau khi phát động tấn công.

Đến tháng 8/1950, phần lớn lãnh thổ Hàn Quốc đã bị Triều Tiên chiếm đóng. Tuy nhiên niềm hy vọng thống nhất đất nước của Triều Tiên tan thành mây khói khi Mỹ tham chiến chống đỡ cho Hàn Quốc.

Mỹ và Trung Quốc tham chiến

Tháng 7/1950, tướng Douglas MacArthur, tư lệnh mặt trận Thái Bình Dương được giao nhiệm vụ chỉ huy cuộc can thiệp quân sự của Mỹ vào Triều Tiên.

Vị tướng lừng danh trong Thế chiến II mở đầu cuộc phản công bằng chiến dịch đổ bộ lên Incheon, cắt đứt đường hậu cần và liên lạc của Triều Tiên, khiến họ bị mắc kẹt giữa Inchon và Busan. Đến ngày 25/9/1950, lực lượng liên quân đã giành lại Seoul, gây thiệt hại nặng cho quân đội Triều Tiên và đẩy lực lượng này về bên kia vĩ tuyến 38.

Bốn tàu đổ bộ của Mỹ đưa quân lính và thiết bị lên bãi biển Incheon ngày 15/9/1950.
Bốn tàu đổ bộ của Mỹ đưa quân lính và thiết bị lên bãi biển Incheon ngày 15/9/1950.

Ngày 27/9/1950, Tướng MacArthur nhận được chỉ thị nhắc nhở hạn chế các hoạt động quân sự vượt qua vĩ tuyến 38, các hoạt động quân sự qua bên kia vĩ tuyến chỉ được phép khi không có dấu hiệu về sự can thiệp của Trung Quốc hoặc Liên Xô.

 

Tướng Douglas MacArthur (mặc áo khoác da) thị sát mặt trận Inchon mới được mở ra ở Tây Hàn Quốc vào ngày 19/9/1950. Đi cùng là Thiếu Tướng Edward M. Almond (bên trái), Tư lệnh Quân đoàn số 10 và Phó Đô đốc Arthur D. Struble, Tư lệnh Hạm đội số 5. Ảnh: AP.

Tuy nhiên Tướng MacArthur đã phớt lờ cảnh báo của Washington, tiếp tục tấn công quân Triều Tiên tới tận sông Áp Lục, giáp biên giới Trung Quốc.

Tháng 10/1950, Trung Quốc điều 180.000 Chí nguyện quân vượt qua sông Áp Lục tiến vào Triều Tiên, Liên Xô cho phép không quân hỗ trợ trên không cho Trung Quốc. Sự vào cuộc của quân đội Trung Quốc kéo theo nguy cơ về Thế chiến III.

Mỹ quyết định rút quân, Tổng thống Mỹ Harry Truman tuyên bố Liên Hợp Quốc sẵn sàng ký hiệp ước đình chiến. Tuy nhiên, tướng MacArthur không muốn nhượng bộ. Ông công khai quan điểm mở rộng chiến tranh với Trung Quốc và qua mặt tổng thống, đệ trình ý kiến lên quốc hội. Truman sa thải tướng MacArthur vì bất tuân vào tháng 4/1951. 

Thi thể của khoảng 400 dân thường nằm trong và xung quanh hào trong sân nhà tù Taejon, tháng 9/1950.
Thi thể của khoảng 400 dân thường nằm trong và xung quanh hào trong sân nhà tù Taejon, tháng 9/1950.

Ngày 27/7/1953, Triều Tiên cùng Chí nguyện quân Trung Quốc và Bộ Tư lệnh Liên Hợp Quốc ký hiệp định đình chiến, Hàn Quốc từ chối ký. Hiệp định đình chiến tạo ra khu phi quân sự (DMZ) với bán kính 2.200 m về mỗi bên tính từ điểm trung tâm. Khu DMZ được tuần tra nghiêm ngặt bởi quân đội hai bên từ đó đến nay.

Khối vỏ đạn pháo và cối khổng lồ của lính Mỹ và Hàn Quốc bắn về đối phương trong 4 ngày được thu gom tại đồn Harry, ngày 18/6/1953.
Khối vỏ đạn pháo và cối khổng lồ của lính Mỹ và Hàn Quốc bắn về đối phương trong 4 ngày được thu gom tại đồn Harry, ngày 18/6/1953.

Thương vong

Dù cuộc chiến chỉ kéo dài 3 năm nhưng thương vong vô cùng lớn, khoảng 5 triệu người thiệt mạng trong cuộc chiến.

Bàn tay bị trói của một người Triều Tiên bị hành quyết ở Yangji hiện ra dưới tuyết, ngày 27/1/1951.
Bàn tay bị trói của một người Triều Tiên bị hành quyết ở Yangji hiện ra dưới tuyết, ngày 27/1/1951.

Theo Bộ Quốc phòng Mỹ, gần 40.000 lính Mỹ tử trận. Theo Bách khoa toàn thư Britannica, Hàn Quốc mất khoảng 217.000 quân trong khi 1 triệu thường dân thiệt mạng.

Triều Tiên có 406.000 binh sĩ tử trận, 600.000 thường dân thiệt mạng. Trong khi đó, quân đội Trung Quốc mất khoảng 600.000 binh sĩ.

Theo TPO

TIN LIÊN QUAN

Tin mới