Anh - EU: Nỗ lực tránh 'cuộc ly hôn đau đớn'

(Baonghean) - Bất chấp kết quả cuộc bầu cử quốc hội không thuận lợi đối với đảng Bảo thủ, bất chấp những rắc rối nội bộ sau vụ hỏa hoạn tại chung cư cao tầng ở London, Thủ tướng Anh Theresa May vẫn quyết định khởi động cuộc đàm phán với Liên minh châu Âu về việc đưa nước Anh ra khỏi khối (Brexit) vào hôm qua như dự kiến ban đầu.

Dù cả Anh và EU đều cố gắng tránh một cuộc “ly hôn đau đớn” cho cả hai, song chưa ai chắc chắn được kịch bản nào sẽ xảy ra ở cuối chặng đường gần 2 năm đầy khó khăn này.

Ông David Davis (trái) và Michel Barnier sẽ đối đầu không khoan nhượng trên bàn đàm phán. 	(Getty)
Ông David Davis (trái) và Michel Barnier sẽ đối đầu không khoan nhượng trên bàn đàm phán. (Getty)

Cuộc giằng co không khoan nhượng

Dẫn đầu đoàn đàm phán của Anh là Bộ trưởng Brexit David Davis, còn ở phía EU là ông Michel Barnier, cựu Ngoại trưởng Pháp. Ông David Davis và ông Michel Barnier sẽ phải thảo luận hàng loạt vấn đề trong một cuộc đàm phán thuộc hàng phức tạp nhất trong lịch sử hình thành và phát triển của Liên minh châu Âu, như tư cách pháp lý của công dân Anh tại EU và ngược lại, khả năng tiếp cận của Anh với thị trường chung châu Âu, thỏa thuận tự do đi lại… Theo dự kiến, thỏa thuận sẽ xác định ngày Anh chính thức rời khỏi EU là 00h00 ngày 30/3/2019, tức là 2 năm sau ngày Thủ tướng Anh Theresa May gửi thư thông báo cho EU về việc kích hoạt Brexit (trừ trường hợp hai bên thống nhất kéo dài quá trình đàm phán). Trước thềm cuộc đàm phán, ông Michel Barnier cho biết thỏa thuận giữa hai bên – nếu có sẽ phải đạt được vào khoảng tháng 10/2018, sau đó mỗi bên sẽ có bốn đến năm tháng để phê chuẩn trước khi Anh chính thức rời khỏi EU. 

Cả ông David Davis và ông Michel Barnier đều mang trên mình trọng trách rất lớn nhằm đảm bảo quyền lợi tốt nhất cho bên mình. Trong một tuyên bố, ông Davis cho biết ông mong muốn đạt được một thỏa thuận “chưa từng có trong lịch sử”, giúp hai bên phát triển mạnh mẽ, phồn thịnh, có thể tôn vinh những giá trị chung của EU, đồng thời bày tỏ quyết tâm bảo vệ sự an toàn của công dân Anh.

Trong khi đó, ông Michel Barnier nhắc đến một thỏa thuận “thân thiện và vững vàng” và không đặt nặng kịch bản Brexit “cứng” hay “mềm”. Nhưng đằng sau những lời phát biểu đầy thiện chí trước báo giới, ai cũng hiểu cả Anh và EU sẽ không khoan nhượng trên bàn đàm phán nhằm đạt được những ưu tiên đã được xác định từ trước. Phía Anh muốn duy trì quyền tiếp cận với thị trường chung châu Âu, đạt một thỏa thuận hải quan mới và hạn chế người nhập cư từ EU. Ngược lại, EU muốn tập trung vào bảo vệ quyền lợi cho ba triệu công dân EU đang ở Anh, thu hồi số tiền mà Anh phải thực hiện theo nghĩa vụ tài chính đã cam kết là khoảng 65 tỷ USD và hạn chế những tác động về kinh tế có khả năng gây ra “hiệu ứng domino” ảnh hưởng đến toàn bộ 27 nước thành viên còn lại. 

Sẽ rất khó khăn để định hình quan hệ Anh – EU sau ngày 30/3/2019. (Press Association)
Sẽ rất khó khăn để định hình quan hệ Anh – EU sau ngày 30/3/2019. (Press Association)

“Cứng” hay “mềm”? - 50/50

Trước đây, Thủ tướng Anh Theresa May từng lên kế hoạch Brexit “cứng”, nghĩa là Anh rời khỏi EU mà không đạt thỏa thuận theo quan điểm “thà không đạt thỏa thuận còn hơn thỏa thuận tồi”. Tuy nhiên, việc đảng Bảo thủ của bà May thất thế trong cuộc tổng tuyển cử vừa qua đã khiến mọi chuyện diễn tiến theo chiều hướng khác. Với vị thế yếu hơn sau cuộc bầu cử, bà Theresa May phải chịu sức ép rất lớn về việc điều chỉnh kế hoạch Brexit theo hướng mềm mỏng hơn. Để thành lập được chính phủ, đảng Bảo thủ đang tiến hành đàm phán liên minh với đảng Liên minh Dân chủ (DUP) – đảng vẫn muốn Anh duy trì hiệp định thương mại tự do với EU cũng như những quy chế nhằm tạo thuận lợi cho việc di chuyển người, hàng hóa và dịch vụ.

Hơn nữa, những số liệu thống kê cho thấy nền kinh tế Anh đang có dấu hiệu tăng trưởng không khả quan với mức dự báo là 1,6% cho năm 2017 và 1% cho năm 2018. Chi tiêu tiêu dùng ở Anh trong tháng 5/2017 cũng đã giảm 0,8% so với cùng kỳ năm 2016 và đây là lần đầu tiên con số này giảm kể từ tháng 9/2013. Những con số này đặt bà Theresa May vào thế buộc phải lắng nghe những ý kiến từ giới doanh nghiệp rằng các nhà đàm phán Anh cần phải đặt nền kinh tế và lợi ích của người dân làm trọng tâm trong đàm phán. Trong khi đó, việc không có thỏa thuận hoặc một thỏa thuận tồi sẽ gây bất lợi tới hàng loạt những lĩnh vực như việc làm, đầu tư và tăng trưởng. Ngay trong đêm cuối cùng trước khi ông David Davis bước vào bàn đàm phán, Bộ trưởng Tài chính Anh Philip Hammond một lần nữa nhắc lại Chính phủ Anh mong muốn Anh và EU có thể đạt được một thỏa thuận hai bên cùng có lợi. 

Những diễn biến trong nội bộ nước Anh cũng khiến châu Âu đặt niềm hy vọng lớn hơn vào một kịch bản Brexit “mềm” để giữ Anh trong thị trường chung của khối. Tuy nhiên, Ngoại trưởng Đức Sigmar Gabriel cũng cảnh báo London không thể tự lựa chọn các điều kiện của mình. Theo đó, muốn ở lại thị trường chung châu Âu, Anh phải chấp nhận sự tự do đi lại của người lao động của các nước EU. Quan điểm của phía EU rất rõ ràng là “giữ người Anh càng gần EU càng tốt, nhưng không phải với cái giá là sự chia rẽ 27 nước còn lại". 

Không thể phủ nhận cuộc đàm phán phía trước sẽ cực kỳ khó khăn cho cả Anh và EU, và tỷ lệ dự đoán kết cục của quá trình đàm phán vẫn đang ngang ngửa là 50% cho Brexit “cứng” và 50% cho Brexit “mềm”. Dù vậy, những người theo trường phái lạc quan cho rằng những nước thành viên cốt cán của Liên minh châu Âu – trong đó có cả Anh trước kia – lâu nay vẫn nổi tiếng là những bậc thương thuyết kỳ tài để có thể “sống chung” với nhau suốt nhiều thập kỷ. Bởi vậy, đây là lúc họ sử dụng đến năng lực đàm phán nổi tiếng này, chấp nhận những nhượng bộ nhất định để tiến tới một thỏa thuận cuối cùng, để “cuộc ly hôn” Anh và EU diễn ra trong trật tự và không làm tổn thương quá mức cho bất cứ bên nào. 

Thúy Ngọc

TIN LIÊN QUAN

Tin mới