Nguy cơ chiến tranh?

(Baonghean) - Giữa lúc căng thẳng vùng Vịnh đang leo thang khi hàng loạt nước Arab cắt đứt quan hệ ngoại giao với Qatar, thì Thổ Nhĩ Kỳ và Iran lại liên tục có những động thái viện trợ và điều binh sang giúp sức. Đâu là động lực khiến hai nước này quyết tâm ủng hộ Qatar thoát khỏi thế cô lập; liệu một cuộc chiến có xảy ra như nhiều người dự đoán?

Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan (trái) và Quốc vương Tamim bin Hamad Al Thani của Qatar duyệt đội danh dự trong một buổi lễ tại Doha, Qatar, ngày 2/12/2015. (Nguồn: AP)
Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan (trái) và Quốc vương Tamim bin Hamad Al Thani của Qatar duyệt đội danh dự trong một buổi lễ tại Doha, Qatar, ngày 2/12/2015. (Nguồn: AP)

Không bỏ rơi đồng minh

Trong bối cảnh các quốc gia Arab đều đang quay lưng với Qatar, vừa qua, Quốc hội Thổ Nhĩ Kỳ đã phê chuẩn 2 thỏa thuận: Một là cho phép binh lính nước này triển khai quân tại Qatar và hai là thông qua hiệp ước về hợp tác huấn luyện quân sự giữa hai nước. Thực tế, 2 thỏa thuận này đã được soạn thảo trước khi nổ ra căng thẳng giữa Qatar và các nước láng giềng. Theo đó, 5.000 quân Thổ Nhĩ Kỳ sẽ được triển khai đến Qatar với lý do thực hiện nhiệm vụ đảm bảo an ninh cho toàn bộ khu vực. Nhưng việc Quốc hội Thổ Nhĩ Kỳ thông qua các thỏa thuận này trong lúc “nước sôi lửa bỏng” được cho là nhằm gửi đi thông điệp “khẳng định quan hệ thân thiết” với đồng minh Qatar. 

Thổ Nhĩ Kỳ vốn coi mối quan hệ quốc phòng với Qatar là một trụ cột không thể thiếu, là nền tảng cho vị thế chiến lược của Thổ Nhĩ Kỳ tại khu vực Trung Đông. Thổ Nhĩ Kỳ hiện có một căn cứ cũng như đang duy trì một lượng binh lính ở Qatar. Đây là điều khoản trong hợp đồng được hai nước ký kết hồi năm 2014, theo đó, khoảng 200 binh lính Thổ Nhĩ Kỳ đang hiện diện thường trực tại Qatar.

Bởi vậy, việc hiện diện thêm binh sĩ tại Qatar trong thời điểm vô cùng nhạy cảm là một động thái thiện chí nhằm trấn an đồng minh thân thiết tại Trung Đông của Thổ Nhĩ Kỳ. Giới chuyên gia nhận định, nó cũng thể hiện rằng, bất chấp các biến động của khu vực, Thổ Nhĩ Kỳ vẫn không thay đổi chiến lược và tầm nhìn dài hạn của mình.

Nhìn lại thời gian qua, Thổ Nhĩ Kỳ và Qatar luôn đứng cùng một phía trong các diễn biến và xung đột trong khu vực. Cả hai bên đều hỗ trợ cho cuộc cách mạng Ai Cập và lên án cuộc đảo chính quân sự đã đưa lãnh đạo hiện nay của Ai Cập là ông El-Sisi lên cầm quyền. Hai bên cũng từ chối liệt tổ chức Anh em Hồi giáo và Hamas vào danh sách tổ chức khủng bố và cùng hỗ trợ các phần tử nổi dậy ở Syria nhằm lật đổ Chính phủ Tổng thống Bashar al-Assad. Chưa hết, sau vụ đảo chính bất thành hồi tháng 7 năm ngoái, Qatar cũng đã dành sự ủng hộ mạnh mẽ cho Chính phủ Ankara. Đặc biệt, cả Thổ Nhĩ Kỳ và Qatar đều đang theo đuổi chiến lược tương tự trong mối quan hệ với Iran.

Binh sỹ Thổ Nhĩ Kỳ sẽ được tăng cường triển khai tại Qatar. (Nguồn: Getty)
Binh sỹ Thổ Nhĩ Kỳ sẽ được tăng cường triển khai tại Qatar. (Nguồn: Getty)

Bộ ba hợp lực

Nếu như Qatar từ chối chính sách hiếu chiến nhằm vào Iran như các quốc gia vùng Vịnh láng giềng thì Thổ Nhĩ Kỳ lại có mối quan hệ thương mại chặt chẽ với Tehran. Do đó, Iran cũng tình nguyện đứng về Qatar. Mới đây, Iran đã điều 5 máy bay chở lương thực, thực phẩm tới Qatar sau khi nước này bị các nước vùng Vịnh cắt mọi giao thương đường biển và hàng không. Trước đó, Thổ Nhĩ Kỳ cũng đồng ý viện trợ sữa, sữa chua và gia cầm cho Doha, đề phòng thiếu thốn lương thực trong vài tuần tới. 

Ngoài việc hỗ trợ hàng hóa, Iran còn mở cửa không phận cho khoảng 100 chuyến bay của Qatar mỗi ngày. Không chỉ vậy, truyền thông Saudi Arabia mới đây cũng dẫn các nguồn tin từ Ai Cập tiết lộ, Lực lượng Vệ binh Cách mạng Hồi giáo Iran được cho là đã đến Qatar dưới vỏ bọc là tham gia huấn luyện. Trong khi đó, hải quân Iran còn thông báo sẽ triển khai 2 chiến hạm đến Oman, quốc gia có đường biên giới chung với 3 trong nhóm các nước đang có quan hệ căng thăng với Qatar là Saudi Arabia, UAE và Yemen.

Về phía Qatar, dường như vững tin vào sự yểm trợ từ phía 2 đồng minh Thổ Nhĩ Kỳ và Iran, nước này đã đặt lực lượng trong tình trạng báo động cao nhất để đối phó với một cuộc tấn công quân sự có thể xảy ra. Bộ Quốc phòng Qatar cũng đã gửi một lá thư tới các Chính phủ Saudi Arabia, UAE và Bahrain, trong đó nêu rõ, nước này sẽ bắn vào bất cứ tàu hải quân nào từ các nước khác xâm nhập vào vùng biển của họ.

Sẽ có chiến tranh?

Các diễn biến này đang khiến người ta hình dung ra một cuộc xung đột có thể xảy ra trong ngày một, ngày hai. Mặc dù vậy, theo giới quan sát, Thổ Nhĩ Kỳ dù quyết định đưa quân vào Qatar nhưng không hề muốn kịch bản xấu nhất là chiến tranh nổ ra, đồng thời muốn cuộc khủng hoảng được giải quyết thông qua đối thoại.

Có thể thấy, Thổ Nhĩ Kỳ tuyệt nhiên không nhắc tới việc “kéo bè cánh” hay chống lại Saudi Arabia. Ai cũng hiểu, Thổ Nhĩ Kỳ thực tế muốn có quan hệ tốt với cả hai người bạn trong khu vực là Saudi Arabia và Qatar. Giới phân tích cũng chỉ ra rằng, Thổ Nhĩ Kỳ chắc chắn sẽ chỉ mắc sai lầm lớn khi can thiệp vào các cuộc xung đột giữa các quốc gia Arab. 

Cũng bởi, cán cân giữa bộ ba Thổ Nhĩ Kỳ - Iran - Qatar khó có thể “so găng” với các quốc gia Arab đứng đầu là Saudi Arabia. Trong khi đó, Thổ Nhĩ Kỳ rõ ràng không dại gì quay lưng với khối Arab khi đang muốn tăng cường vị thế tại khu vực Trung Đông.

Tiếp nữa, một khi diễn biến bị đẩy đi quá xa, chảo lửa Trung Đông vốn đã đầy mâu thuẫn nay càng thêm phức tạp. Khi đó, bất kỳ quốc gia nào có tiềm lực và vị thế mạnh đến đâu cũng khó có thể nắm quyền kiểm soát. Tất nhiên, vai trò của Mỹ không thể không nhắc tới, bên cạnh nỗ lực hòa giải của cộng đồng quốc tế. Do vậy, có lẽ cả Thổ Nhĩ Kỳ và Saudi Arabia đều hiểu rằng, kiềm chế và đối thoại mới là giải pháp duy nhất lúc này!

Phương Hoa

TIN LIÊN QUAN

Tin mới