Bất ngờ của phóng viên Mỹ trong cuộc phỏng vấn với Trump

Phóng viên Peter Baker của New York Times nhận xét ông Trump có "bản năng hoàn hảo" để nói ra những điều gây kinh ngạc.

bat-ngo-cua-phong-vien-my-trong-cuoc-phong-van-voi-trump

Tổng thống Mỹ Donald Trump tại Phòng Bầu dục, Nhà Trắng. Ảnh: Reuters.

Khi phóng viên New York Times Peter Baker vừa rời Cánh Tây, Nhà Trắng, khu vực thỉnh thoảng được canh gác bởi một lính thủy đánh bộ mặc đồng phục và là nơi các tổng thống Mỹ dùng làm địa điểm đón tiếp những lãnh đạo thế giới, biên tập viên tại tòa soạn đã lập tức gửi cho ông tin nhắn với câu hỏi quen thuộc: "Có tin tức gì mới không?".

Baker cùng hai đồng nghiệp Maggie Haberman và Michael Schmidt tuần trước hoàn thành một cuộc phỏng vấn với Tổng thống Mỹ Donald Trump và theo ông, vấn đề không nằm ở câu hỏi có bài nào hay không mà là có thể viết được bao nhiêu bài.

Trong vòng 50 phút, Tổng thống Trump đã thể hiện sự thất vọng đối với bộ trưởng tư pháp của mình khi nói cảm thấy hối hận vì bổ nhiệm ông Jeff Sessions. Trump đồng thời cáo buộc cựu giám đốc Cục Điều tra Liên bang Mỹ (FBI) cố tình tung ra những thông tin bất lợi cho ông, ngụ ý rằng có thể sa thải các cố vấn đặc biệt giám sát cuộc điều tra Nga can thiệp bầu cử Mỹ năm 2016 nếu họ quá sa đà vào vấn đề tài chính của ông và tiết lộ ông từng bàn thảo về những biện pháp trừng phạt Moscow với người đồng cấp Nga.

"Ông Trump giống như một cỗ máy truyền thông đích thực. Mỗi lần ông ấy mở miệng, tin tức nóng lại xuất hiện. Ông ấy biến truyền thông Nhà Trắng thành một ngành công nghiệp phát triển", Baker bình luận. "Với các tổng thống khác, chúng tôi đôi khi phải cố moi ra những thông tin mới mỗi lần phỏng vấn. Với ông Trump, chúng tôi bị choáng ngợp".

Baker cho biết ông đã phỏng vấn 7 tổng thống Mỹ nhưng với ông Trump, "trải nghiệm khác biệt hoàn toàn trong hầu hết mọi khía cạnh".

Khác biệt

Theo cây bút từ New York Times, cựu tổng thống Mỹ Bill Clinton khá lan man, ông trao đổi hàng loạt đề tài khác nhau, thường dẫn những câu bình luận, giai thoại hoặc mẩu thông tin khiến ông cảm thấy thú vị nhưng chưa chắc đã liên quan tới dòng tin tức thời điểm đó. Ông nói chuyện đầy hăng hái và có nhiều suy tưởng trong đầu. Các cuộc phỏng vấn với cựu tổng thống Clinton luôn hấp dẫn nhưng không nhất thiết phải liên quan đến tin tức cập nhật và việc đóng khung ông vào một câu hỏi rõ ràng "là một thách thức".

Trong khi đó, cựu tổng thống George W. Bush súc tích hơn và khá tập trung vào chủ đề thảo luận, Baker nhận xét. Ông vô cùng chú trọng tới việc truyền tải thông điệp thông qua từng phát ngôn. Ông chỉ chấp nhận phỏng vấn khi có điều muốn chia sẻ hay thông báo. Khó khăn nằm ở việc làm thế nào để đưa ra một câu hỏi có thể khiến ông bất ngờ và xa rời khỏi văn bản chuẩn bị từ trước.

Cựu tổng thống Barack Obama hứng thú với các cuộc phỏng vấn, Barker cho hay. Ông thích đưa ra các câu trả lời có tính chuyên môn cao, nói rất đủ ý, mạch lạc và logic. Tuy nhiên, nhược điểm là những câu trả lời của ông thường dài và các phóng viên thì có quá nhiều câu hỏi, thời gian lại không cho phép.

Tuy nhiên, Barker khẳng định 3 tổng thống kể trên không thể so sánh với Tổng thống Trump về khả năng kích động. Quá quen thuộc với thế giới truyền thông, ông có "bản năng hoàn hảo" nói ra những thứ chắc chắn sẽ gây kinh ngạc, thu hút chú ý. 

Một trợ lý luôn cố gắng đưa ông tránh khỏi những chủ đề nguy hiểm nhưng Tổng thống Trump thường không quan tâm và vẫn tiếp tục với điều ông muốn.

Barker kể Tổng thống Trump chỉ mang theo một trợ lý khi tham gia cuộc phỏng vấn. Theo kinh nghiệm của Barker, trong các cuộc phỏng vấn kiểu này, những tổng thống khác thường có tới vài cố vấn cùng một người viết tốc ký ghi chép nội dung.

"Không giống các tổng thống khác, chúng tôi không cần cố gắng để khiến ông ấy quên đi những thứ đã chuẩn bị", Barker cho biết. "Tổng thống Trump vui vẻ trả lời tất cả câu hỏi từ chúng tôi, ngay cả khi chúng có thể làm lu mờ thông điệp ông muốn truyền tải".

"Với Tổng thống Trump, cuộc đối thoại diễn tiến rất nhanh. Ông ấy không thấy phiền nếu bạn cắt ngang. Nhưng ông ấy có xu hướng nhảy liên tục từ câu chuyện này sang câu chuyện khác, chuyển đề tài trước cả khi bạn kịp hiểu chuyện gì đang xảy ra", Barker nhớ lại.

Theo ông, dù đối mặt với không ít rắc rối trong 6 tháng đầu nhiệm kỳ, Tổng thống Trump dường như vẫn khá thoải mái, lạc quan tại cuộc gặp với các phóng viên New York Times.

"Ông ấy bảo lần sau vẫn sẽ tiếp chuyện chúng tôi, dù chúng tôi đến từ 'New York Times thất bại'", Barker nói, dẫn lại một lời chỉ trích mà ông Trump từng dành cho tờ báo Mỹ.

Theo VNE

TIN LIÊN QUAN

Tin mới