EU 'tiến thoái lưỡng nan' với Thổ Nhĩ Kỳ

(Baonghean) - Cuộc gặp gỡ giữa các quan chức cấp cao của Liên minh châu Âu (EU) và Ngoại trưởng Mevlut Cavusoglu và Bộ trưởng Các vấn đề châu Âu Omer Celik của Thổ Nhĩ Kỳ hôm 25/7 vừa qua được xem là cơ hội để tháo gỡ những bất đồng đang ngày càng chồng chất giữa EU và Thổ Nhĩ Kỳ.

Nhưng không như kỳ vọng, cuộc gặp đã kết thúc mà không đạt được tiến triển nào khi quan điểm của hai bên không thể gặp nhau trong vấn đề mấu chốt là tiến trình gia nhập EU của Thổ Nhĩ Kỳ.

Đại diện Thổ Nhĩ Kỳ và EU trong cuộc họp báo sau khi kết thúc cuộc gặp tại Brussels, Bỉ. Ảnh: Anadolu
Đại diện Thổ Nhĩ Kỳ và EU trong cuộc họp báo sau khi kết thúc cuộc gặp tại Brussels, Bỉ. Ảnh: Anadolu

“Cuộc mặc cả” bất thành

Các cuộc thảo luận tại Brussels giữa EU và Thổ Nhĩ Kỳ đề cập đến nhiều nội dung quan trọng như khả năng gia nhập EU của Ankara, vấn đề nhập cư, miễn thị thực cho công dân Thổ Nhĩ Kỳ vào EU, vấn đề chống khủng bố, an ninh năng lượng và quan hệ thương mại giữa hai bên.

Thế nhưng, mong muốn giải quyết những vấn đề vẫn còn bất đồng giữa hai bên hiện nay như yêu cầu của Thổ Nhĩ Kỳ về việc miễn visa du lịch cho công dân nước này tới châu Âu, đánh giá sự tương thích của hệ thống hải quan Thổ Nhĩ Kỳ với EU… đã bị chặn đứng khi phía Thổ Nhĩ Kỳ gắn toàn bộ những thảo luận này với điều kiện tiên quyết là nước này gia nhập EU, coi đây là “xương sống” cho mối quan hệ song phương.

Ông Omer Celik, Bộ trưởng các vấn đề châu Âu của Thổ Nhĩ Kỳ nêu rõ: “Nếu không thảo luận về tiến trình Thổ Nhĩ Kỳ gia nhập EU, sẽ chẳng có cách nào để bàn về việc phát triển mối quan hệ giữa hai bên trong các lĩnh vực khác như năng lượng, thương mại hay chống chống khủng bố”.

Phía Thổ Nhĩ Kỳ cho thấy rõ họ không muốn để EU “đánh lạc hướng” vào những vấn đề hợp tác khác - mà chắc chắn không thể thiếu việc Thổ Nhĩ Kỳ kiểm soát biên giới và giữ lại người di cư không để họ tràn vào châu Âu - trong khi bỏ qua khúc mắc lớn nhất hiện nay là Thổ Nhĩ Kỳ gia nhập khối.

Trong khi đó, phía EU cũng từ chối thẳng thừng rằng tình thế hiện nay không thích hợp để mở lại những vòng đàm phán mới về việc Thổ Nhĩ Kỳ gia nhập EU. Lý do mà phía EU vẫn dựa trên các yếu tố về dân chủ và nhân quyền - vấn đề chứng kiến bất đồng sâu sắc giữa hai bên kể từ sau vụ đảo chính bất thành tại Thổ Nhĩ Kỳ hồi năm ngoái.

Ủy viên phụ trách mở rộng EU Johannes Hahn đã bày tỏ "mối quan ngại to lớn" về các vụ bắt giữ các nhà báo, nhà hoạt động châu Âu diễn ra mới đây tại Thổ Nhĩ Kỳ. Đó là chưa kể hơn 100.000 công chức làm việc trong khối cơ quan chính phủ và hơn 50.000 binh sĩ, cảnh sát, nhân viên tòa án, học giả và nhà báo đã bị Thổ Nhĩ Kỳ bắt giữ trong suốt một năm qua.

Về phần mình, Ngoại trưởng Thổ Nhĩ Kỳ Mevlut Cavusoglu kiên quyết bảo vệ hành động của chính phủ với lý do chống khủng bố.

Người dân Thổ Nhĩ Kỳ vẫy cờ ủng hộ khi Tổng thống Tayyip Erdogan phát biểu sau 1 năm cuộc đảo chính bất thành. Ảnh: AFP.
Người dân Thổ Nhĩ Kỳ vẫy cờ ủng hộ khi Tổng thống Tayyip Erdogan phát biểu sau 1 năm cuộc đảo chính bất thành. Ảnh: AFP.

Cánh cửa “khép hờ”

Bất chấp những lo ngại sâu sắc về các vấn đề nhân quyền và nhà nước pháp quyền đang cản trở tiến trình đàm phán gia nhập Liên minh của Thổ Nhĩ Kỳ, song EU vẫn không thể “đóng sập cánh cửa” với Thổ Nhĩ Kỳ. Thay vào đó, EU vẫn để ngỏ cơ hội cho Thổ Nhĩ Kỳ bằng tuyên bố của Đại diện cấp cao của EU về chính sách an ninh và đối ngoại Federica Mogherini rằng "vẫn là ứng cử viên gia nhập EU". Bà Mogherini cảnh báo phía Thổ Nhĩ Kỳ cần có những bước đi cụ thể nếu muốn đạt được bất cứ tiến triển nào trong tư cách ứng cử viên lâu năm của EU, và các cuộc đối thoại sẽ được duy trì với những bước đi cụ thể phù hợp với luật pháp và các quyền tự do cơ bản.

Có thể thấy, EU đang ở trong tình thế khó khăn khi xử lý vấn đề gia nhập khối của Thổ Nhĩ Kỳ. Mối quan hệ giữa EU và Thổ Nhĩ Kỳ rơi vào tình trạng “xuống dốc không phanh” kể từ khi chính quyền của ông Erdogan đàn áp mạnh tay phe đối lập sau cuộc đảo chính bất thành hồi năm ngoái.

Chưa dừng lại ở đó, Thổ Nhĩ Kỳ còn tổ chức trưng cầu ý dân về việc sửa đổi Hiến pháp, “bật đèn xanh” cho việc củng cố quyền lực tập trung vào tay Tổng thống - bước đi bị châu Âu đánh giá là phi dân chủ. Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Tayyip Erdogan còn khoét sâu mâu thuẫn khi tuyên bố sẽ xem xét khả năng tổ chức trưng cầu ý dân về khôi phục án tử hình. Đây được coi là “giới hạn đỏ” mà Thổ Nhĩ Kỳ không thể vượt qua nếu muốn gia nhập châu Âu.

Dù liên tục bày tỏ sự quan ngại với cách củng cố quyền lực của ông Tayyip Erdogan, nhưng rõ ràng châu Âu chưa tìm ra lựa chọn nào phù hợp nhằm buộc Thổ Nhĩ Kỳ thay đổi. Hành động của châu Âu vẫn chỉ dừng lại ở mức ngăn cản các quan chức Thổ Nhĩ Kỳ tham dự một số sự kiện tại các nước châu Âu kể từ đầu năm đến nay, gần đây nhất là kế hoạch phát biểu trước cộng đồng người Thổ Nhĩ Kỳ tại Hamburg (Đức) của ông Erdogan nhân dịp tham dự Hội nghị thượng đỉnh G20.

Trong khi đó, Thổ Nhĩ Kỳ vẫn tỏ ra không khoan nhượng khi nhấn mạnh “thời đại của Thổ Nhĩ Kỳ phục tùng mọi yêu cầu của phương Tây đã chấm dứt”! Thủ tướng Thổ Nhĩ Kỳ Binali Yildirim cho biết nước này vẫn muốn gia nhập EU, song nhấn mạnh Ankara không chấp nhận lời kêu gọi dừng sửa đổi Hiến pháp của châu Âu. Có lẽ Thổ Nhĩ Kỳ hiểu rõ họ đang nắm giữ một “lá bài” cực kỳ có sức mạnh là khả năng giúp châu Âu giải quyết cuộc khủng hoảng di cư.

Theo các nhà phân tích, nỗ lực giải tỏa căng thẳng giữa châu Âu và Thổ Nhĩ Kỳ đang trở thành một “cuộc mặc cả” giữa hai bên với lợi thế đang nghiêng về Thổ Nhĩ Kỳ. Một khi các bên vẫn còn thiếu tin tưởng nhau như hiện nay, quá trình đàm phán “treo” hiện nay về việc Thổ Nhĩ Kỳ gia nhập EU sẽ rất khó đạt tiến triển, đồng nghĩa với sự đình trệ trong hợp tác ở các lĩnh vực khác. Khi đó, cả Thổ Nhĩ Kỳ và EU đều khó có thể đạt được những mục đích riêng cũng như không thể hướng tới mục tiêu chung.

Thúy Ngọc

TIN LIÊN QUAN

Tin mới