Gọng kiềm siết chặt quanh Donald Trump sau gần 6 tháng cầm quyền

(Baonghean.vn) - Sau gần 6 tháng điều hành nước Mỹ, Tổng thống Donald Trump dường như vẫn chưa nhận được sự ủng hộ mạnh mẽ từ công chúng, và ngay bản thân ông cũng không gặt hái được nhiều thành tựu như ông đã từng hứa.

Báo Nghệ An có cuộc trò chuyện với PGS. TS. Thiếu tướng Lê Văn Cương, Nguyên Viện trưởng Viện khoa học chiến lược Bộ Công an.

Thiếu tướng Lê Văn Cương tại trường quay Báo Nghệ An.
Thiếu tướng Lê Văn Cương tại trường quay Báo Nghệ An.

PV: Thiếu tướng có thể đánh giá thế nào về những việc Tổng thống Donald Trump đã làm cho nước Mỹ trong gần nửa năm vừa qua?

PGS. TS. Thiếu tướng Lê Văn Cương: Trên lĩnh vực kinh tế, Tổng thống Mỹ đã đưa ra những quyết định táo bạo như: cho khai thác khí đá phiến, than đá, dầu mỏ; sáng suốt trong việc kêu gọi những tập đoàn Mỹ đang ở nước ngoài, quay về đầu tư với khẩu hiệu “Nước Mỹ trước hết”.

Mặc dù những quyết sách của Donald Trump chỉ là nhất thời, chưa mang tính chiến lược, nhưng có thể nhận thấy, nền kinh tế Mỹ đang dần có những bước khởi sắc. Tỷ lệ thất nghiệp chỉ còn 4,8% - thấp nhất trong 15 năm qua.

Mới chỉ 6 tháng, nhưng tính khí thất thường và không lường trước được đã trở thành thương hiệu của ông Trump với đầy đủ hai mặt tác động của nó. Hàng loạt quyết định của Trump khiến người dân Mỹ bất bình, mất lòng tin, khoét sâu thêm những mâu thuẫn vốn có trong xã hội. Thêm vào đó, ngay chính nội bộ Đảng Cộng hòa cũng bị phân hóa sâu sắc và trầm trọng thêm.

Kết quả, trong nửa năm cầm quyền, tỷ lệ tín nhiệm của Tổng thống Trump chỉ còn dưới 50% - mức thấp nhất trong lịch sử nước Mỹ. Một hậu quả tất yếu!

PV: Sa thải giám đốc FBI James Comey như “một giọt nước tràn ly”, dấy lên nghi ngờ về mối liên hệ giữa nhóm vận động tranh cử của Donald Trump và chính phủ Nga. Tình thế của ông Trump hiện nay như thế nào, thưa Thiếu tướng?

PGS. TS. Thiếu tướng Lê Văn Cương: FBI đang điều tra bản chất mối liên hệ giữa những cá nhân liên quan tới chiến dịch tranh cử của ông Trump và chính phủ Nga, cũng như tìm hiểu xem có sự phối hợp nào giữa chiến dịch của Trump với nỗ lực của Nga. Do đó, quyết định đột ngột sa thải giám độc FBI James Comey đã khiến toàn nước Mỹ “bị sốc”, làm dấy lên nghi ngờ liệu có phải Tổng thống Trump đang muốn gây sức ép cho FBI về cuộc điều tra Nga. Từ sau vụ bê bối Watergate thời Tổng thống Richard Nixon, rất hiếm khi có tổng thống Mỹ nào sa thải giám đốc FBI, bởi hành động này có thể dẫn tới nhiều hệ lụy về chính trị, đặc biệt là phản ứng tiêu cực từ dư luận

Mặc dù Tổng thống Trump liên tục lên tiếng bác bỏ những mối quan hệ riêng tư của ông với Nga nói chung, và Tổng thống Putin nói riêng. Vấn đề là ông Trump liên tục cho người ta cảm giác có điều gì phải giấu diếm trong quan hệ với Nga, bởi không ai hiểu được vì sao Donald Trump luôn ca ngợi Vladimir Putin. Vì vậy sự việc này ngày càng đẩy lãnh đạo Nhà Trắng vào tình thế khó khăn.

Hiện chưa rõ cuộc điều tra về cáo buộc chiến dịch của Trump dính líu tới Nga sẽ đi về đâu. Nhưng hành động sa thải giám đốc FBI James Comey sẽ dẫn đến những hậu quả chính trị khôn lường đối với ông Trump, nếu nó đe dọa làm chậm tốc độ cuộc điều tra về cái gọi là sự can thiệp bầu cử của Nga trong nội bộ FBI.

Ông James Comey, người vừa bị sa thải chức giám đốc FBI. Ảnh: AP
Ông James Comey, người vừa bị sa thải chức giám đốc FBI. Ảnh: AP

PV: Dư luận Mỹ đang lo ngại đến “số phận” của Tổng thống trong thời gian tới. Liệu Donald Trump có phải từ chức trước thời hạn không, lịch sử vụ Watergate có lặp lại không, thưa Thiếu tương?

PGS. TS. Thiếu tướng Lê Văn Cương: Nếu FBI và Thượng viện Mỹ có đầy đủ chứng cứ xác thực về sự liên quan của chiến dịch bầu cử với Nga thì rõ ràng, ông Trump đã vi phạm Hiến Pháp Mỹ. Song những sự kiện xảy ra trong lịch sử cho thấy, khả năng ông Trump sẽ bị luận tội là rất thấp với những gì đang diễn ra trong thời gian gần đây.

Vị thế của Tổng thống Trump ngày càng bị lung lay. Ồng Trump vẫn có thể “bị phế truất” nếu trong tương lai  tiếp tục đưa ra những quyết sách vội vàng, bất cập, tạo làn sóng dữ dội trong xã hội Mỹ. Khi đó, nếu Trump không đủ khả năng điều hành đất nước, Quốc hội Mỹ sẽ thể theo Điều 25 của Hiến pháp Mỹ, buộc Trump phải rời khỏi vị trí trước khi hết nhiệm kỳ.

Do đó, con đường chính trị của Donald Trump trong thời gian tới, phụ thuộc hoàn toàn vào thái độ và suy nghĩ của ông. Hi vọng, ông Trump đã rút ra được bài học kinh nghiệm trong 6 tháng vừa qua, có những bước chuyển mình, đưa nước Mỹ đi vào đúng “quỹ đạo”.

PV: Tại Hội nghị thượng đỉnh Hiệp ước quân sự Bắc Đại Tây Dương (NATO) tại Brussels, Bỉ, và Hội nghị thượng đỉnh các nước nền công nghiệp phát triển (G7) tại Italia,  dường như Mỹ đã làm cho các đồng minh châu Âu thất vọng, phải vậy không, thưa Thiếu tướng?

PGS. TS. Thiếu tướng Lê Văn Cương: Trong bài phát biểu đầu tiên khi tới thăm trụ sở NATO kể từ khi nhậm chức này, Tổng thống Trump đã trách móc nặng nề các thành viên NATO vì đóng góp quá ít ỏi cho tổ chức. Các nước thành viên cảm thấy "sửng sốt", bởi họ "đang tìm kiếm một cam kết siết chặt quan hệ đồng minh và họ không nhận được điều đó.

Không những thế, trong bài phát biểu, ông Trump cũng không hề đả động gì đến Điều 5 Hiến chương NATO. Donald Trump là tổng thống Mỹ đầu tiên, kể từ thời điểm NATO thành lập tới nay, không tái khẳng định cam kết phòng vệ tập thể, một nguyên tắc giúp kết nối quan hệ đồng minh trong khối được quy định trong Điều 5.

Tất cả đã khiến cho các nước đồng minh châu Âu thất vọng, và không tránh khỏi cảm giác lo ngại về mối quan hệ của liên minh với thành viên mạnh nhất. Thậm chí, các nước thành viên châu Âu đã đưa ra phương án xây dựng lực lượng quân sự riêng, như Thủ tướng Đức Angela Merkel tuyên bố “người châu Âu phải tự bảo vệ mình, không nhờ cậy được ai nữa”.

Lãnh đạo các nước thành viên NATO gặp nhau trước thềm Hội nghị Thượng đỉnh NATO, tại Brussels, Bỉ. Ảnh: Reuters
Lãnh đạo các nước thành viên NATO gặp nhau trước thềm Hội nghị Thượng đỉnh NATO,  tại Brussels, Bỉ. Ảnh: Reuters

PV: Hiệp ước P5+1 với Iran (thỏa thuận giữa Iran với Mỹ và năm cường quốc khác, theo đó Iran phải hạn chế chương trình hạt nhân, đổi lại phía Mỹ và các cường quốc sẽ gỡ bỏ các lệnh trừng phạt quốc tế) và bình thường hóa quan hệ ngoại giao với Cuba được xem là “di sản” ngoại giao to lớn mà người tiền nhiệm Obama để lại. Nhưng Tổng thống Donald Trump đã và đang từng bước phá bỏ nó?

PGS. TS. Thiếu tướng Lê Văn Cương: Tổng thống Donald Trump không ít lần kêu gọi tiến hành tái đàm phán hoặc thậm chí, xóa bỏ hiệp ước P5+1.  Theo ông, việc Iran đồng ý thi hành thỏa thuận hạt nhân mà cụ thể là giới hạn chương trình phát triển hạt nhân để đổi lại Washington gỡ bỏ lệnh trừng phạt, là điều quá dễ dãi với Tehran. 

Đặc biệt, trong chuyến công du nước ngoài đầu tiên, kể từ khi nhậm chức,  ngày 21/5, ông đã có bài diễn thuyết trước các nhà lãnh đạo từ 50 quốc gia Hồi giáo, Đáng chú ý nhất trong các tuyên bố của ông Trump khi mô tả Iran là khởi nguồn của chủ nghĩa khủng bố, hay nhân tố chính gây bất ổn tại Trung Đông. Theo đó, Trump đã kêu gọi các nước Arab dòng Hồi giáo Sunni, đoàn kết lại nhằm bao vây cấm vận, cô lập các nước dòng Hồi giáo Shiite (đứng đầu là Iran)

Chính những tuyên bố vội vã, sai lầm này của ông Trump đã dấy lên sự bất bình trong dư luận Mỹ, bởi lãnh đạo Nhà Trắng đã không cải thiện được xung đột tại Vùng Vịnh, mà còn khoét sâu thêm mâu thuẫn sắc tộc, tôn giáo vốn đã chất chứa lâu nay.

Một sắc lệnh siết chặt hạn chế đối với việc công dân Mỹ tới Cuba và việc các công ty Mỹ giao dịch với quân đội Cuba đang từng bước thể hiện tuyên bố của lãnh đạo Nhà Trăng - hủy bỏ “thỏa thuận tồi tệ và sai lầm” của người tiền nhiệm Barack Obama với Havana.

Cuba đã ngay lập tức lên tiếng chỉ trích động thái trên của Mỹ là một trở ngại đối với quan hệ giữa hai nước, cho rằng ông Trump được tư vấn tồi và đang sử dụng những “phương pháp cưỡng ép của quá khứ” vốn dĩ đã thất bại.

PV: Vậy quan hệ Việt – Mỹ dưới thời Tổng thống Donald Trump như thế nào, thưa Thiếu tướng?

PGS. TS. Thiếu tướng Lê Văn Cương: Việc Tổng thống Mỹ mời Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, là lãnh đạo thứ 3 của Châu Á (sau Thủ tướng Nhật Shinzo Abe, Tổng Bí thư - Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình) và là lãnh đạo đầu tiên của ASEAN thăm Mỹ, đã chứng tỏ chính quyền Donald Trump đánh giá cao vai trò, vị thế của Việt Nam tại khu vực Châu Á – Thái Bình Dương nói chung, và ASEAN nói riêng.

Nếu như các tổng thống tiền nhiệm trước đây sang thăm Việt Nam vào năm cuối cùng của nhiệm sở, thì Tổng thống Trump, ngay từ năm đầu tiên cầm quyền, tức tháng 11 tới đây, đồng ý sang Việt Nam dự Hội nghị cấp cao APEC. Vì thế có thể nói thái độ, cách thức tiếp cận của Donald Trump với Việt Nam là thái độ chân thành, cởi mở, xuất phát từ chính lợi ích của Hoa Kỳ, phù hợp lợi ích Việt Nam

Xin cảm ơn Thiếu tướng!

Mỹ Nga

(Thực hiện)

TIN LIÊN QUAN

Tin mới