Mỹ sắp đưa tên lửa chống tăng cầm tay tới Ukraine

(Baonghean.vn) - Giới phân tích cho rằng việc Mỹ vận chuyển tên lửa chống tăng và vũ khí khác tới Ukraine có thể minh chứng cho một giai đoạn mới trong chiến lược của Washington nhằm đưa thế cân bằng vào thực địa, kể cả khi động thái này phương hại tới việc thực thi thỏa thuận hòa bình Minsk.

Tổng thống Ukraine Petro Poroshenko. Ảnh: AP
Tổng thống Ukraine Petro Poroshenko. Ảnh: AP

Tờ Wall Strett Journal ngày 1/8 cho biết Lầu Năm Góc và Bộ Ngoại giao Mỹ đã thống nhất kế hoạch cung cấp các vũ khí sát thương cho Ukraine, và hiện kế hoạch này đang đợi Nhà Trắng phê chuẩn. Các vũ khí này bao gồm các tên lửa chống tăng cầm tay Javelin, các vũ khí chống máy bay, và các vũ khí tối tân khác. 

Nhận định về động thái mới nhất trên, cựu quan chức tình báo cấp cao Israel Yakov Kedmi cho hay Nga chắc chắn sẽ đáp trả việc Mỹ chuyển giao vũ khí cho Ukraine, bởi điều này có khả năng là một nỗ lực đưa thế cân bằng vào cuộc xung đột.

Ông Kedmi nêu rõ: “Nếu việc này xảy ra thì chỉ có duy nhất một ý nghĩa: Đó là Mỹ đã chuyển sang một giai đoạn mới trong việc chuyển giao vũ khí cho Ukraine. Nga sẽ phải xem xét tiến hành biện pháp đáp trả tương ứng”.

Chuyên gia này giải thích các nghị sĩ Mỹ dường như tin rằng việc cung cấp các tên lửa chống tăng có thể mang lại cho quân đội Ukraine và các đồng minh của Mỹ năng lực đối phó với lực lượng xe bọc thép hạng nặng do các lực lượng ly khai sử dụng tại Donetsk và Lugansk.

Ông Kedmi cũng chỉ trích quyết định của Washington là một sai lầm chính trị rất nghiêm trọng bởi những hậu quả mà nó có thể mang lại. Ông cảnh báo: “Từ quan điểm chính trị, quyết định này hoàn toàn sai, bởi Mỹ có thể đối mặt với một phản ứng mạnh mẽ trong tương lai”.

Các lệnh trừng phạt mới của Mỹ chống Nga đe dọa tới thỏa thuận Minsk. Ảnh: AP
Các lệnh trừng phạt mới của Mỹ chống Nga đe dọa tới thỏa thuận Minsk. Ảnh: AP

Theo ông, kế hoạch này trước đó đã được chính phủ Mỹ phát triển song quyết định cuối cùng thuộc về Tổng thống Donald Trump.

Một chuyên gia khác đến từ đại học Illinois (Mỹ), Giáo sư Francis Boyle chuyên nghiên cứu về Luật Quốc tế cho hay hậu quả của việc chuyển những vũ khí trên tới Ukraine sẽ rất tồi tệ.

Ông nhấn mạnh: “Các vũ khí sát thương thì vẫn là vũ khí sát thương kể cả bạn có gọi chúng là phòng thủ hay tấn công. Trong bối cảnh tình hình hiện nay tại Ukraine thì việc phân biệt là vô nghĩa”. 

Ông Boyle cũng cảnh báo quyết định này có thể làm chệch hướng các nỗ lực của Tổng thống Trump và người đồng cấp Nga Putin trong việc hạ nhiệt khủng hoảng tại Ukraine.

Ông Boyle nhấn mạnh thỏa thuận Minsk vẫn là thỏa thuận quan trọng và không thể thay thế cả về mặt hợp pháp và ngoại giao, nhằm khôi phục hòa bình tại Ukraine kể từ khi chính quyền của cựu Tổng thống Ukraine Viktor Yanukovych bị lật đổ trong một vụ đảo chính do Mỹ hậu thuẫn hồi tháng 2/2014./. 

Lan Hạ

(Theo Sputnik)

TIN LIÊN QUAN

Tin mới