Yếu tố nào có thể giúp Triều Tiên đối đầu liên quân Mỹ - Hàn?

Chuyên gia quân sự Franz-Stefan Gady cho rằng, năng lực tác chiến phi đối xứng và tinh thần chiến đấu là hai yếu tố quan trọng giúp Triều Tiên đối đầu với quân đội Mỹ và Hàn Quốc.

hai-vu-khi-co-the-giup-trieu-tien-dap-tra-lien-quan-my-han

Đặc nhiệm là một trong những lực lượng chủ lực của Triều Tiên. Ảnh: Reuters.

Hầu hết giới phân tích quân sự đều cho rằng chiến tranh Triều Tiên lần hai sẽ rất khó xảy ra, nhưng nếu bùng nổ, đó sẽ là xung đột cực kỳ ác liệt, kết thúc với việc Triều Tiên nhanh chóng thất bại trước liên quân Mỹ - Hàn Quốc.

Tuy nhiên, chuyên gia quân sự Franz-Stefan Gady cho rằng những đánh giá trên chỉ dựa vào tương quan sức mạnh quân sự thuần túy, không tính tới năng lực tác chiến phi đối xứng và tinh thần chiến đấu, hai vũ khí lợi hại giúp Bình Nhưỡng có thể đối phó với đối phương mạnh hơn về trang bị, theo Diplomat.

Năng lực tác chiến phi đối xứng

Để bù đắp cho những bất lợi về khí tài so với Mỹ và Hàn Quốc, chiến lược quân sự Triều Tiên tập trung vào chiến tranh du kích, tác chiến hỗn hợp và chiến thuật tấn công chớp nhoáng. Từ khi nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un lên nắm quyền, quân đội nước này ngày càng chú trọng vào chiến tranh tổng lực dựa trên năng lực tác chiến phi đối xứng, gồm cả việc triển khai vũ khí hủy diệt hàng loạt (WMD).

Triều Tiên khó lòng ngăn chặn một cuộc tấn công của liên quân Mỹ - Hàn bằng vũ khí thông thường, nên nhiều khả năng họ sẽ sử dụng vũ khí sinh hóa và hạt nhân để phòng thủ.

"Nhận thấy sự vượt trội đáng kể của quân đội Mỹ, ngay từ đầu thập niên 1980, Triều Tiên bắt đầu điều chỉnh chiến lược quân sự, kết hợp WMD với pháo binh, tên lửa đạn đạo và lực lượng đặc nhiệm", ông Bruce W. Bennett, chuyên gia quốc phòng tại Viện nghiên cứu RAND nhận định.

Một năng lực đáng lo ngại khác của Triều Tiên là chiến tranh mạng. Theo tình báo quân đội Hàn Quốc, Triều Tiên đã thành lập 6.800 đơn vị chuyên tác chiến mạng, đủ sức thực hiện nhiều vụ tấn công vào mạng lưới công nghệ thông tin của đối phương.

"Chúng ta phải chuẩn bị cho các vụ tấn công mạng bất ngờ từ Triều Tiên, đặc biệt là nhằm vào các cơ sở hạ tầng dân sự then chốt của Hàn Quốc như nhà máy điện hạt nhân", giáo sư Greg Austin thuộc Trung tâm An ninh mạng tại Đại học New South Wales cảnh báo.

Bình Nhưỡng có nhiều cách để kìm hãm năng lực chiến tranh của Washington và Seoul, như chia cắt mạng lưới giao thông vận tải, đặc biệt là sân bay và tàu bè vốn được dùng để cơ động các lực lượng tới khu vực.

Triều Tiên cũng có thể tấn công mạng lưới tín hiệu giao thông và nhiều cơ sở hạ tầng khác của Hàn Quốc, gây ra hoảng loạn và trì hoãn việc sơ tán cư dân, đồng thời giới hạn năng lực chuyển quân của Mỹ. Tuy nhiên, Bình Nhưỡng hiện được cho là chưa đủ sức vô hiệu hóa hay xâm nhập hệ thống chỉ huy và kiểm soát hạt nhân của Washington.

hai-vu-khi-co-the-giup-trieu-tien-dap-tra-lien-quan-my-han-1

Triều Tiên sở hữu năng lực tác chiến mạng đáng gờm. Ảnh: KCNA.

Lực lượng đặc nhiệm cũng có thể là quân bài giúp Triều Tiên ngăn chặn liên quân Mỹ - Hàn. Bình Nhưỡng hiện có khoảng 200.000 lính đặc nhiệm biên chế thành nhiều đơn vị như sư đoàn bộ binh hạng nhẹ, lực lượng tấn công đổ bộ và lữ đoàn bắn tỉa.

Trong thời chiến, lực lượng được ví như các "quả đấm thép" này sẽ xâm nhập Hàn Quốc thông qua đường hầm hoặc đổ bộ từ tàu ngầm, xuồng đệm khí, vận tải cơ An-2 và trực thăng. Lính đặc nhiệm Triều Tiên có thể tiến hành chiến tranh hỗn hợp nhằm vào các đơn vị, căn cứ, cơ sở then chốt, quan chức cấp cao của đối phương.

Quân số thường trực hơn một triệu người thuộc nhiều quân binh chủng của Triều Tiên cũng là lực lượng không thể xem thường trong chiến tranh. 70% bộ binh Triều Tiên đang đồn trú gần khu giới tuyến phi quân sự (DMZ), chưa kể tới không quân và hải quân.

Tình báo Hàn Quốc cho rằng năng lực tác chiến thông thường của Triều Tiên đã có sự cải thiện, gồm cả việc tích hợp hệ thống chỉ huy kiểm soát chiến thuật để cải thiện khả năng C4I (chỉ huy, kiểm soát, liên lạc, ứng dụng máy tính và tình báo).

Bình Nhưỡng mới triển khai hệ thống pháo phản lực phóng loạt cỡ nòng 300 mm gần biên giới, cho phép họ tấn công đối phương vào mọi thời điểm. Kho vũ khí thông thường của Triều Tiên có thể duy trì chiến tranh tổng lực trong ba tháng mà không cần bổ sung.

Tinh thần chiến đấu

Ngoài năng lực tác chiến phi đối xứng, tinh thần chiến đấu của binh sĩ Triều Tiên là yếu tố không thể xem thường. Không quân Mỹ - Hàn có thể loại bỏ lượng lớn mục tiêu ở Triều Tiên, nhưng họ vẫn cần triển khai bộ binh để đảm bảo xóa sổ hoàn toàn các trận địa đối phương.

"Có khoảng 7.000 khẩu đội pháo có tầm bắn tới Seoul được bảo vệ kỹ càng. Không quân và pháo binh Mỹ - Hàn có thể mất tối thiểu hai tuần để vô hiệu hóa chúng, nhưng không thể bảo đảm hiệu quả như kế hoạch", đại tá James Crighton, cựu tham mưu trưởng Quân đoàn 8 của Mỹ tại Hàn Quốc, cho biết.

Thành công trong bất cứ cuộc chiến nào đều phụ thuộc rất lớn vào tinh thần chiến đấu của các bên. Nhiều khả năng bộ binh Mỹ và Hàn Quốc sẽ gặp phải một đối thủ bị tiêu hao sinh lực đáng kể nhưng vẫn có sĩ khí đáng gờm, chưa kể địa hình Triều Tiên rất thuận lợi cho việc phòng thủ.

hai-vu-khi-co-the-giup-trieu-tien-dap-tra-lien-quan-my-han-2

Tinh thần chiến đấu là yếu tố không thể thiếu của binh sĩ Triều Tiên. Ảnh: IBTimes.

Triều Tiên là quốc gia chú trọng vào quân đội, không có dấu hiệu nào cho thấy binh sĩ nước này sẽ mất tinh thần khi đối đầu với liên quân Mỹ - Hàn. Dư luận Triều Tiên hiện nay dường như cũng sẵn sàng cho chiến tranh, tin rằng họ có thể giành chiến thắng.

Trong trường hợp Mỹ và Hàn Quốc tấn công qua vĩ tuyến 38, binh sĩ Triều Tiên càng có động lực chiến đấu để bảo vệ đất nước, dù phải chống lại đối thủ có ưu thế vượt trội hoàn toàn.

Trên thực tế, trong Chiến tranh Triều Tiên 1950-1953,  lực lượng Mỹ do tướng Douglas McArthur chỉ huy dù có ưu thế quân sự rõ ràng cùng binh sĩ được huấn luyện tốt đã buộc phải rút lui trước đà tiến quân của lính Triều Tiên, phe không có bất kỳ sự yểm trợ đường không nào trong giai đoạn 1950-1951.

Chiến tranh là khó lường và rất khó để khẳng định Mỹ sẽ giành chiến thắng dễ dàng. Bởi vậy, Washington cần cân nhắc kỹ lưỡng năng lực quân sự và tinh thần chiến đấu của Bình Nhưỡng trước khi tính đến bất cứ phương án sử dụng vũ lực nào để giải quyết cuộc khủng hoảng trên bán đảo Triều Tiên, chuyên gia Gady nhận định.

Theo VNE

TIN LIÊN QUAN

Tin mới