Vấn đề Triều Tiên lâm vào bế tắc?

(Baonghean.vn) - Mỹ đã đưa lại Triều Tiên vào danh sách đen “các quốc gia ủng hộ khủng bố”. Nhìn qua, chính quyền của ông Trump có vẻ có rất nhiều phương án đối phó với Triều Tiên song khi phân tích kỹ thì thực chất Mỹ lại có ít lựa chọn hơn những gì đang thể hiện.

Mỹ lại đưa Triều Tiên vào danh sách đen 

Đầu tuần, Tổng thống Mỹ Donald Trump đã công bố đưa Triều Tiên vào danh sách đen “các quốc gia ủng hộ khủng bố”. Quyết định này của Tổng thống Trump được đưa ra sau chuyến công du châu Á kéo dài 12 ngày trong đó có Hàn Quốc của người đứng đầu Nhà Trắng. Đây được xem là động thái tăng áp lực lên chính quyền Bình Nhưỡng vốn đã được Mỹ loại khỏi danh sách này vào năm 2008.

Theo ông Trump, quyết định trên nhằm mở đường cho “những lệnh trừng phạt mới” chống lại “Triều Tiên hoặc những người có liên hệ với nước này”. “Ngoài việc đe dọa thế giới bằng tên lửa hạt nhân, Triều Tiên còn liên tục ủng hộ các hành động khủng bố quốc tế trong đó bao gồm cả những vụ ám sát tại nước ngoài”, Tổng thống Trump phát biểu tại Washington hôm 20/11.

Ông Trump đặc biệt đề cập đến vụ giết ông Kim Jong-nam, người anh cùng cha khác mẹ với nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un bằng chất độc thần kinh hồi tháng 2 ở Malaysia. Triều Tiên bị nghi đứng sau vụ ám sát trên.

Tổng thống Donald Trump đã đưa Triều Tiên vào danh sách đen “các quốc gia ủng hộ khủng bố”. Ảnh: AFP
Tổng thống Donald Trump đã đưa Triều Tiên vào danh sách đen “các quốc gia ủng hộ khủng bố”. Ảnh: AFP

Tổng thống Mỹ cũng đã thảo luận về trường hợp của sinh viên người Mỹ Otto Warmbier, bị Bình Nhưỡng giam giữ và chết vào tháng 6/2017 sau khi được Bình Nhưỡng trả tự do về nước. Bộ Tài chính Mỹ sẽ thông báo các biện pháp cứng rắn mới ở mức độ cao nhất đối với Triều Tiên trong ngày 21/11.

Không chỉ Triều Tiên, các nước như Iran, Syria và Sudan cũng nằm trong danh sách “các quốc gia ủng hộ khủng bố”. Triều Tiên từng nằm trong danh sách này từ năm 1988 đến năm 2008 vì đã tham gia vào vị đánh bom máy bay của Hàn Quốc khiến 115 người thiệt mạng vào năm 1987.

Đến năm 2008, chính quyền Tổng thống George W.Bush đã đưa Triều Tiên ra khỏi danh sách đen nhằm thúc đẩy quá trình đàm phán hạt nhân. Tuy nhiên, sau đó, quá trình đàm phán hạt nhân này đã thất bại.

Mặc dù đã đưa ra những tuyên bố cứng rắn trên song Ngoại trưởng Mỹ Rex Tillerson khẳng định rằng nước Mỹ đã “luôn hy vọng vào ngoại giao” nhằm giải quyết cuộc khủng hoảng với Triều Tiên. “Nhìn chung” thì các biện pháp trừng phạt đã đưa ra “có một tác động đáng kể lên Bắc Hàn”, ông Tillerson trả lời với các phóng viên. Ông hy vọng rằng “thời kỳ tĩnh” đang có (tức thời gian Triều Tiên không bắn tên lửa hoặc thử hạt nhân kể từ ngày 15/9 đến nay) sẽ vẫn được duy trì.

Trừng phạt chỉ tiếp thêm sức mạnh cho Triều Tiên

Hãng tin Yonhap dẫn nguồn tin từ truyền thông Triều Tiên cho biết, ngày 21/11, nhà lãnh đạo Kim Jong-un đã đến thăm khu phức hợp sản xuất ô tô Sungri và nhấn mạnh vai trò của lĩnh vực sản xuất ô tô đối với việc thúc đẩy nền kinh tế đất nước. Chuyến thăm của ông Kim Jong -un diễn ra giữa những áp lực từ các lệnh trừng phạt của Liên Hợp quốc đang đè nặng lên Triều Tiên và mới đây nhất là tuyên bố của Tổng tống Trump.

“Những nỗ lực tuyệt vọng để ngăn chặn sự tiến bộ của Triều Tiên chỉ càng làm cho tinh thần bất khuất của giai cấp công nhân Triều Tiên thêm mạnh mẽ, tạo ra phép màu khiến cả thế giới phải giật mình”, ông Kim Jong-un cho biết.

Nhà lãnh đạo Triều Tiên cho biết, những chiếc xe tải 5 tấn mới được sản xuất tại khu phức hợp Dokchon, Nam Pyongan là minh chứng rõ nét cho thấy nước này có thể tự sản xuất xe tải, phục vụ phát triển nền kinh tế và tăng cường sức mạnh quốc gia.

Về những tuyên bố của Washington đưa nước này vào danh sách “các quốc gia ủng hộ khủng bố”, cho đến thời điểm hiện tại, Bình Nhưỡng chưa đưa ra bất kỳ phản ứng chính thức nào.

Thực tế, Mỹ rất ít lựa chọn với Triều Tiên

Đó là những nhận định mà nhà khoa học chính trị Cheong Seong Chang, một chuyên gia về Triều Tiên ở Viện Sejong của Seoul đưa ra sau khi phân tích những động thái của ông Trump với Triều Tiên thời gian qua.

Ông Kim Jong Un đã đến thăm khu phức hợp sản xuất ô tô Sungri ngày 21/11. Ảnh: Yonhap
Ông Kim Jong Un đã đến thăm khu phức hợp sản xuất ô tô Sungri ngày 21/11. Ảnh: Yonhap

Ông Trump từng nhắc nhở “tất cả mọi lựa chọn đều được đưa ra” với Triều Tiên, bao gồm cả hoạt động quân sự. Tất nhiên, đây là một cách tiếp cận hoàn toàn không thực tế. Quả thật, nếu ông Trump quyết định thì Mỹ có thể loại bỏ Kim Jong -un và gần như tất cả lãnh đạo quân sự của Triều Tiên ngay lập tức với những công nghệ mà Mỹ đang sở hữu. Tuy nhiên, Mỹ sẽ không thể kiểm soát tình hình sau đó như điều mà Mỹ đang phải đối mặt ở Iraq sau khi loại bỏ Saddam Hussein hay như ở Libya sau khi loại bỏ Muammar Gaddafi.

Tính đến nay, Triều Tiên đã thử nghiệm hạt nhân 6 lần. Ông Chang cho rằng Kim Jong -un sẽ tiếp tục thử tên lửa tầm xa và sẽ không dừng lại ở đó. Mỹ có thể sẽ cố bắn tên lửa của Triều Tiên một ngày nào đó nhưng họ không thể tiến xa hơn. Trên thực tế, Mỹ có ít lựa chọn, ông Chang nhận định.

Điều hiện tại Triều Tiên sợ nhất không phải là Mỹ mà là Trung Quốc. Cho đến nay, Trung Quốc đã phản đối việc ngừng cung cấp dầu thô cho Triều Tiên. Nhưng nếu Bắc Kinh quyết định, Bình Nhưỡng sẽ buộc phải thay đổi chính sách của họ.

Trong những tháng gần đây, đã có những thay đổi nhất định từ phía Trung Quốc khi nước này đồng ý hạn chế số lượng công dân Triều Tiên ở nước mình đồng thời cũng lần đầu tiên giảm xuất khẩu dầu sang cho đồng minh. Với Triều Tiên, dầu được xem là nguồn sống với quân đội khi nước này không có nhiều dầu dự trữ. Nếu Trung Quốc đóng cửa việc cung cấp dầu cho Triều Tiên thì quân đội sẽ bị ảnh hưởng nhiều nhất và lúc đó sẽ ảnh hưởng trực tiếp tới quyền lực của ông Kim Jong-un.

Tất nhiên, nhìn lại lịch sử, Bắc Kinh sẽ không thể từ bỏ Bình Nhưỡng nhưng sẽ có sự thay đổi chậm và dần dần. Và có lẽ trong lúc đó, mối quan hệ giữa Triều Tiên và Mỹ vẫn sẽ ở thế phức tạp, u ám.

Chu Thanh

(Theo Le Monde)

TIN LIÊN QUAN

Tin mới