Quyết 'hậu thuẫn' Ukraine, Mỹ muốn căng với Nga?

(Baonghean) - Trong bối cảnh cuộc xung đột tại miền Đông Ukraine vẫn đang tiếp diễn, Bộ Ngoại giao Mỹ cuối tuần qua bất ngờ thông báo, nước này sẽ hỗ trợ Kiev tăng cường năng lực phòng thủ thông qua việc cung cấp các loại vũ khí sát thương.

Nếu được quốc hội thông qua và Tổng thống ký phê chuẩn, đây sẽ là bước đi đánh dấu sự thay đổi hoàn toàn lập trường của Mỹ đối với cuộc khủng hoảng Ukraine so với thời ông Barack Obama. Tổng thống Donald Trump đang tính toán gì? Bước đi này sẽ có những tác động ra sao đến tình hình khu vực cũng như mối quan hệ với Nga?

Tổng thống Mỹ Donald Trump gặp gỡ Tổng thống Ukraine Petro Poroshenko hồi tháng 6/2017 tại Nhà Trắng (Nguồn: AP)
Tổng thống Mỹ Donald Trump gặp gỡ Tổng thống Ukraine Petro Poroshenko hồi tháng 6/2017 tại Nhà Trắng (Nguồn: AP)

Công khai bán vũ khí sát thương

Thực tế, câu chuyện Mỹ hỗ trợ cung cấp trang thiết bị, huấn luyện cũng như hiện đại hóa các lượng quân sự và vũ trang cho Ukraine là không mới. Kể từ năm 2014 khi cuộc xung đột miền Đông Ukraine bắt đầu nổ ra, Mỹ cùng các nước NATO đã bắt đầu tiến hành công việc này.

Thế nhưng, mọi hỗ trợ vẫn chỉ dừng ở các thiết bị phi sát thương. Như Mỹ, nước này đến nay mới cung cấp cho Ukraine hệ thống radar, thiết bị bay không người lái, vũ khí bộ binh hạng nhẹ hay xe bọc thép Hammer. Tất nhiên, có hay không việc Mỹ “kín đáo” chuyển cho Ukraine các loại vũ khí phi sát thương, dư luận vẫn chỉ dừng ở những lời đồn đoán mà thôi.

Thế nhưng, nước Mỹ dưới thời Tổng thống Donald Trump dường như đã khác. Kể từ khi lên cầm quyền, Tổng thống Trump dù bày tỏ rất ít lập trường về vấn đề Ukraine, nhưng ông chưa từng chính thức loại bỏ khả năng cung cấp vũ khí cho Kiev.

Điều này trái ngược với lập trường của người tiền nhiệm Barack Obama, khi luôn bác bỏ mọi sự viện trợ sát thương cho Ukraine. Còn nhớ hồi tháng 8 năm nay, chính quyền Mỹ đã công khai thông tin về việc cung cấp cho Ukraine lô hàng viện trợ quân sự tiếp theo với nhiều loại vũ khí mới, bao gồm cả súng ngắn huấn luyện Glock G17 cũng như đề cập đến việc cung cấp cho Ukraine hệ thống tên lửa chống tăng Javelin tiên tiến.

Đến ngày 22/12 vừa qua, Bộ Ngoại giao Mỹ chính thức ra tuyên bố sẽ cung cấp vũ khí sát thương cho Ukraine bao gồm hệ thống Javelin với tổng giá trị hợp đồng ước tính 47 triệu USD. Trước đó hồi đầu tuần trước, Bộ Ngoại giao Mỹ cũng thông báo đã phê duyệt giấy phép xuất khẩu cho phép các nhà sản xuất tại Mỹ bán vũ khí nhỏ và vũ khí hạng nhẹ cho Ukraine.

Ukraine mừng rỡ - Nga tím mặt

Không khó dự đoán về phản ứng của các bên liên quan trực tiếp đến kế hoạch cung cấp vũ khí sát thương của Mỹ cho Ukraine lần này.

Với Ukraine, tất nhiên, Tổng thống Petro Poroshenko đã không giấu sự vui mừng và ngay lập tức lên tiếng hoan nghênh quyết định của Mỹ. Ông Poroshenko đồng thời khẳng định: “Vũ khí Mỹ trong tay binh sĩ Ukraine không được dùng cho mục đích tấn công mà là để phản kháng lực lượng xâm lược, bảo vệ binh sĩ và công dân Ukraine cũng như tự vệ một cách hữu hiệu”.

Ông cũng nhận định rằng, đây là “liều vắc xin” xuyên Đại Tây Dương giúp chống lại “virus gây hấn” là  Nga. Tuyên bố này hoàn toàn khớp với lý giải của Bộ Ngoại giao Mỹ rằng, sự hỗ trợ của phía nước này đối với Ukraine về bản chất là hoàn toàn mang tính chất phòng thủ, bởi Ukraine là một quốc gia có chủ quyền và có quyền tự vệ chính đáng.

Mỹ dự kiến hỗ trợ Hệ thống tên lửa chống tăng Javelin do Raytheon và Lockheed Martin hợp tác thiết kế, sản xuất cho phía Ukraine (Nguồn: Military Edge)
Mỹ dự kiến hỗ trợ Hệ thống tên lửa chống tăng Javelin do Raytheon và Lockheed Martin hợp tác thiết kế, sản xuất cho phía Ukraine (Nguồn: Military Edge)

Tuyên bố của cơ quan này cũng nêu rõ, quyết định này là một phần trong nỗ lực của Mỹ nhằm giúp Ukraine bảo vệ sự toàn vẹn lãnh thổ, đồng thời “ngăn chặn nguy cơ xảy ra thêm bất cứ hành động xâm phạm nào”.

Cái bắt tay triển vọng này có vẻ như đã được chuẩn bị từ trước, khi mới đây Bộ trưởng Ngoại giao Ukraine Pavel Klimkin đã nói rằng, chính quyền Kiev sẽ được tiếp nhận những vũ khí tiên tiến của Washington và đổi lại, quân đội nước này sẽ cung cấp kinh nghiệm quý báu để đối phó với Quân đội Nga cho các đối tác Mỹ. Đây vốn là thỏa thuận mà Kiev vẫn luôn đưa ra để thúc giục Mỹ có các gói viện trợ quân sự tiếp theo cho nước này.

Tất nhiên, phía Nga ngay lập tức đã có những chỉ trích với kế hoạch mới của Mỹ. Trong một tuyên bố mạnh mẽ, Thứ trưởng Ngoại giao Nga Sergei Ryabkov cáo buộc Mỹ “vượt qua giới hạn” và gây kích động các cuộc xung đột ở miền Đông Ukraine, trong đó có Donbass.

Và rằng, việc Mỹ cung cấp cho Ukraine “những khả năng phòng thủ cao” được coi là một quyết định nguy hiểm bởi nó sẽ khuyến khích Kiev sử dụng vũ lực tại miền Đông.

Cùng lúc, hãng thông tấn Nga TASS dẫn tuyên bố của Bộ Ngoại giao nước này cho rằng, quyết định của Mỹ một lần nữa làm hủy hoại thỏa thuận Minsk vốn được Ukraine, Nga, Đức và Pháp ký vào đầu năm 2015 nhằm chấm dứt xung đột tại miền Đông Ukraine.

Trước đó, Tổng thống Nga Vladimir Putin cũng từng cảnh báo, quyết định của Mỹ cung cấp vũ khí phòng thủ cho Ukraine sẽ làm trầm trọng thêm cuộc xung đột tại miền Đông nước này, đồng thời thúc đẩy phe đối lập tại đây mở rộng chiến dịch.

Nước cờ cao tay của ông Trump?

Tất nhiên, kế hoạch cung cấp vũ khí sát thương cho Ukraine của Mỹ cần phải vượt qua cửa quốc hội và được Tổng thống ký phê duyệt mới có thể triển khai trên thực tế. Nhưng trong khi hầu hết dư luận đang tập trung phân tích những tác động tiêu cực mà động thái của Mỹ gây ra, thì Tổng thống Donald Trump có lẽ đang có nhiều suy nghĩ khác.

Trước hết, khả năng lớn thương vụ bán vũ khí này sẽ được Quốc hội Mỹ thông qua. Dư luận chắc hẳn đều biết rằng, Thượng viện Mỹ hồi năm 2015 từng phê chuẩn dự luật cho phép hỗ trợ Ukraine loại vũ khí này nhưng quyết định này đã vấp phải sự phản đối của chính quyền cựu tổng thống Barack Obama.

Nhưng người lãnh đạo nước Mỹ giờ đây đã khác. Trong khi đó, lưỡng viện Quốc hội hiện nay đều nằm trong tay phe Cộng hòa với nhiều quan điểm ủng hộ kế hoạch này.

Không chỉ vậy, rất nhiều nhân vật quan trong trong chính quyền Mỹ như Bộ trưởng Quốc phòng James Mattis, Ngoại trưởng Rex Tillerson hay Thượng nghị sĩ John McCain - Chủ tịch Ủy ban Quân vụ Thượng viện… đều là những người tích cực nhất trong vấn đề này, đã nhiều lần kêu gọi Tổng thống Trump cung cấp vũ khí cho Ukraine.

Lực lượng vũ trang của Donetsk.
Lực lượng vũ trang của Donetsk. Ảnh: Internet

Rõ ràng, đồng thuận với kế hoạch này cũng có nghĩa, Tổng thống Trump đang lấy được nhiều thiện cảm từ các quan điểm cứng rắn trong nội bộ chính trường Mỹ.

Không chỉ vậy, kế hoạch này nếu đi vào thực tế sẽ là bước tiếp phù hợp với chiến lược an ninh mới của Mỹ vừa công bố, trong đó coi Nga là một trong những thách thức an ninh hàng đầu cần phải đối phó. Dư luận đặt câu hỏi, có phải Tổng thống Trump thực sự muốn châm mồi lửa căng thẳng trong quan hệ với Nga, khi cố tình công khai kế hoạch cung cấp vũ khí sát thương cho Kiev?

Nhưng thực tế cho thấy, đa phần những thiết bị quân sự Mỹ đang viện trợ cho Ukraine đều là các thế hệ cũ, công năng ít và hầu như khó có thể sử dụng. Với gói viện trợ mới, hệ thống tên lửa chống tăng Javelin được đánh giá là hiện đại nhưng đồng nghĩa, chi phí dành cho hệ thống này sẽ chiếm gần hết tổng giá trị dự án.

Có nghĩa là, các vũ khí sát thương nếu được hỗ trợ sẽ chỉ là rất ít hoặc tiếp tục là các thế hệ cũ như các lần viện trợ trước đây. Vì thế, Tổng thống Trump nếu có ký thông qua kế hoạch này, sẽ vừa được tiếng là cứng rắn trong vấn đề Ukraine cũng như với Nga, nhưng mặt khác lại ngầm hiểu rõ rằng, các vũ khí này cũng sẽ không có tác dụng bao nhiêu.

Dù vậy, không thể phủ nhận tình hình tại Donbass vẫn tiếp tục xấu đi, khi các bên vẫn cáo buộc lẫn nhau làm leo thang xung đột, phái bộ giám sát đặc biệt của OSCE cũng nghi nhận số lượng vụ nổ súng tăng lên.

Một thỏa thuận ngừng bắn mới giữa Ukraine và các phiến quân thân Nga dù đã có hiệu lực từ nửa đêm 23/12, trước lễ Giáng sinh và năm mới nhưng cả hai bên đều đang vi phạm thỏa thuận này.

Vì thế, dù Tổng thống Mỹ có đang tính toán thế nào để phục vụ mục tiêu “Nước Mỹ trên hết”; thì vị thế và tiếng nói của nước Mỹ trong các hồ sơ nóng quốc tế như Ukraine cũng cần phải là một trọng tâm.

Bởi vậy hơn lúc nào hết, thái độ của Mỹ dưới thời Tổng thống Donald Trump trong vấn đề Ukraine có lẽ đang cần có sự đột phá, để vừa có thể khẳng định lại tiếng nói của một siêu cường, vừa cân bằng lợi ích chiến lược cũng như quan hệ đối với các nước.

Phương Hoa

TIN LIÊN QUAN

Tin mới