Quỳ Châu: “Máu rừng” lại chảy

Hơn 3 tháng trước ở xã Châu Phong (Quỳ Châu) xảy ra vụ phá rừng có liên quan đến Phó Chủ tịch UBND xã. Vụ việc này đang “chờ” kết luận điều tra thì vùng rừng xã Châu Thuận lại bị phá tại nhiều điểm. Vấn nạn phá rừng ở huyện núi Quỳ Châu đang “nóng” trở lại?

Ngày 18/6, Báo Nghệ An nhận được nguồn thông tin cho biết, trên địa bàn xã Châu Thuận, huyện Quỳ Châu vừa xảy ra một số vụ việc chặt phá rừng với số diện tích rất lớn, có thể lên đến hàng chục nghìn mét vuông. Nguồn tin còn đưa ra nhận định: “Những vụ phá rừng ở Châu Thuận cũng có thể có liên quan đến cán bộ của xã…”.

Chòi lá dựng trong khu vực rừng được giao của hộ ông Cầm Bá Thơm.
Chòi lá dựng trong khu vực rừng được giao của hộ ông Cầm Bá Thơm.

Đến địa bàn xã Châu Thuận khi mặt trời chưa ló rạng, chúng tôi dừng xe tại bản Chiềng để đi bộ cắt rừng. Men theo các khe, suối nhỏ, luồn lách dưới tán rừng khoảng 30 phút thì đến được vị trí rừng bị “xẻ thịt”. Khoảnh rừng bị phá là mái của 2 quả đồi lớn sát kề nhau, rộng đến hàng chục nghìn mét vuông. Trên đó, những vạt cháy đen nham nhở, trơ trọi gốc nứa, mét và nhiều cây gỗ lớn, nhỏ bị chặt hạ, cưa cành, nhánh nằm chỏng chơ. Với những thân, gốc cây còn ứa nhựa, chứng tỏ tình trạng phá rừng xảy ra trong thời gian ngắn. Trong khu vực rừng bị phá có một chiếc lán nhỏ, còn có cả nồi niêu, dao, quần áo cũ… Chứng tỏ, những đối tượng phá rừng tổ chức ăn, nghỉ tại chỗ để thực hiện hành vi phá rừng. Tìm hiểu được biết, đây là vùng rừng Nhà nước giao cho hộ ông Cầm Bá Thơm, trú tại bản Chiềng, xã Châu Thuận vào năm 2003 để quản lý, bảo vệ theo NĐ163.

Đường dẫn vào khu vực rừng bị chặt phá tại bản Chiềng xã Châu Thuận.
Đường dẫn vào khu vực rừng bị chặt phá tại bản Chiềng xã Châu Thuận.

Trở ra, chúng tôi tiếp tục đến bản Men, là nơi tin báo cũng có tình trạng rừng bị phá. Bản Men cách trụ sở xã một quãng ngắn, chừng hơn 1 km. Và khu rừng bị phá ngay tại sườn núi sau lưng bản. Tiếp cận hiện trường, khoảnh rừng chặt phá cũng lớn tương tự như vùng rừng của hộ ông Cầm Bá Thơm. Điều đáng nói, vùng rừng này có một số cây gỗ có giá trị cao như lim xanh, đường kính khoảng 25 – 30 cm. Và có một số cây lim xanh đã bị hạ bởi những nhát cưa rất “ngọt”. Thân, gốc, cành hẵng còn tươi, chứng tỏ rừng mới bị phá hoại. Ở đây chúng tôi được thông tin, vùng rừng này Nhà nước mới tạm giao cho hộ ông Vi Văn Hòa, người bản Men.

Trên đường trở ra xã Châu Thuận, chúng tôi còn bắt gặp thêm những vạt rừng tự nhiên bị chặt phá. Núi rừng Châu Thuận xanh thẳm, bởi vậy, những khoảnh rừng bị phát hiện ra rất rõ, lỗ chỗ màu nâu của đất và các vệt đen của than và cây bị cháy…

PV điều tra thực tế tại khu vực rừng bị phá tại bản Men, xã Châu Thuận. Ảnh: Gỗ lim xanh bị chặt hạ.
PV điều tra thực tế tại khu vực rừng bị phá tại bản Men, xã Châu Thuận. Ảnh: Gỗ lim xanh bị chặt hạ.

Trả lời câu hỏi của chúng tôi về các vụ việc chặt phá rừng trên địa bàn xã Châu Thuận, Trạm trưởng Trạm Kiểm lâm địa bàn Châu Thắng (Hạt Kiểm lâm Quỳ Châu), ông Mai Huy Hoàng xác nhận tình trạng này đã xảy ra từ khoảng tháng 3/2019. Trạm Kiểm lâm địa bàn đã phối hợp các bên liên quan lập biên bản, xử phạt các đối tượng, nhưng đến nay (tháng 6/2019) họ vẫn tiếp tục chặt phá rừng. Đầu tháng 6/2019 từ nguồn tin dân báo, Trạm đã kiểm tra, phát hiện có 3 khu vực rừng bị các hộ Cầm Bá Thơm, Cầm Bá Đại và Vi Văn Hòa chặt phá với tổng diện tích gần 4 ha.

Cụ thể, ngày 20/3/2019, tổ công tác tuần tra, bảo vệ rừng đã phát hiện ông Cầm Bá Thơm (57 tuổi), trú tại bản Chiềng đang dùng dao phát dọn một số dây leo, bụi rậm dưới tán rừng tại Lô 37, Khoảnh 16, Tiểu khu 164, xã Châu Thuận, thuộc Thửa đất số 522, Tờ bản đồ số 01 (Bản đồ giao đất theo Nghị định số 163/1999/NĐ-CP ngày 16/11/1999 của Chính phủ). Kết luận sau kiểm tra việc ông Cầm Bá Thơm đã phát dọn dây leo, bụi rậm chưa gây thiệt hại về rừng, tổ công tác đã đình chỉ hành vi nói trên của ông Thơm và lập bản cam kết yêu cầu ông Thơm không được chặt hạ những cây gỗ trên diện tích đã phát dọn dây leo, bụi rậm. Ông Cầm Bá Thơm đã cam kết “giữ nguyên hiện trạng rừng bị phát dọn trái pháp luật” tại Biên bản ngày 20/3/2019.

PV gặp gỡ người dân bản Chiềng (ảnh trên) và cán bộ địa chính xã Châu Thuận tìm hiểu thông tin sự việc.
PV gặp gỡ người dân bản Chiềng (ảnh trên) và cán bộ địa chính xã Châu Thuận tìm hiểu thông tin sự việc.

Tuy nhiên, đến ngày  6/6/2019, tổ công tác lại phát hiện ông Cầm Bá Thơm tự ý vào chặt phá, đốt rừng tự nhiên trên diện tích đã phát dọn dây leo, bụi rậm trước đó. Tổ công tác đã dùng máy định vị để xác định vị trí và đo diện tích rừng bị chặt phá. Kết quả, vị trí khu vực rừng bị chặt phá đốt thuộc các lô 37, 38, 47, 48, 51, Khoảnh 16, Tiểu khu 164, xã Châu Thuận, huyện Quỳ Châu. Tổng diện tích rừng bị chặt phá, đốt là 14.390 m2; trữ lượng gỗ cả khu vực bị phá là 20,846 m3 (trong đó gỗ nhóm 5: 3,175 m3, gỗ nhóm 7: 6,399 m3 và gỗ nhóm 8: 11,272 m3).

Với hộ ông Cầm Bá Đại trú ở bản Chàng, xã Châu Thuận (đã phá 10.530 m2 rừng) từ ngày 28/4/2019 đã bị tổ công tác tuần tra, bảo vệ rừng phát hiện dùng dao phát dọn cây leo, bụi rậm tại vùng rừng được Nhà nước giao quản lý. Ông Đại đã cam kết sẽ không tiếp tục chặt phá rừng. Vậy nhưng ngày 6/6/2019, Trạm Kiểm lâm phát hiện ông Đại chặt phá rừng với diện tích đã chặt phá là 10.530 m2; trữ lượng gỗ tính chung cho cả khu vực bị phá là 18,961 m3.

Hiện trường chặt phá rừng tại thửa đất của ông Cầm Bá Thơm bản Chiềng, xã Châu Thuận.
Hiện trường chặt phá rừng tại thửa đất của ông Cầm Bá Thơm bản Chiềng, xã Châu Thuận.

Với trường hợp Vi Văn Hòa, trú tại bản Men, bị phát hiện có hành vi phá rừng chiều 6/6/2019. Đối tượng này đã chặt phá 14.450 m2 rừng tự nhiên thuộc các lô 87, 92, 95, Khoảnh 14, Tiểu khu 164. Đáng nói, vùng rừng này Nhà nước mới chỉ tạm giao cho Vi Văn Hòa từ năm 2014 để quản lý, bảo vệ. Theo Trạm Kiểm lâm, trữ lượng gỗ tính chung cho cả khu vực bị Vi Văn Hòa phá là 36,048 m3.

Theo ông Cầm Bá Kinh – Chủ tịch UBND xã Châu Thuận, các hộ phá rừng vì mong muốn được trồng keo phát triển kinh tế. Ông Kinh cũng nói rằng, xã cũng đã thành lập ban chỉ đạo, thường xuyên tổ chức tuyên truyền, phổ biến pháp luật cho người dân 10 thôn, bản trên địa bàn; cũng đã xử lý một số vụ việc phá rừng của người dân, nhưng vẫn có hiện tượng người dân lợi dụng những ngày mưa để lén lút vào chặt phá rừng. Đồng thời giải thích rằng do lực lượng cán xã bộ mỏng, không thể kiểm soát hết được các địa bàn cũng như tình trạng chặt phá rừng… Và bày tỏ mong muốn cơ quan chức năng hoàn thiện hồ sơ để xử lý theo pháp luật, thể hiện tính răn đe. “Sự liều lĩnh của người dân nhiều khi tôi cũng rất sợ” – ông Kinh nói.

Xã Châu Thuận và các đơn vị, tổ chức nơi đây đã thực sự làm hết trách nhiệm chưa? E rằng chưa. Vì thực tế cho thấy, ngay từ trụ sở xã có thể thấy rõ vùng rừng bị đối tượng chặt phá. Tại sao việc phát hiện hành vi phá rừng quá chậm, để đối tượng phá lên đến trên 1,4 ha? Hoặc như trường hợp hộ ông Cầm Bá Thơm, liên tiếp có hành vi phá rừng, dù trong hộ ông này qua xác minh có con em sống chung trong nhà đang là cán bộ của xã…???.

Như đã nêu ở đầu bài, cách nay hơn 3 tháng, ở xã Châu Phong, huyện Quỳ Châu từng xảy ra vụ phá gần 4 ha rừng. Đáng nói, trong các đối tượng có hành vi phá rừng có Phó Chủ tịch UBND xã. Dù vụ việc đã được phát hiện, làm rõ và các đối tượng có hành vi vi phạm đều phải ký nhận vào biên bản, tuy nhiên sau đó đã nảy sinh những “tình tiết” mới dẫn đến thời điểm hiện tại cơ quan điều tra vẫn chưa ra được kết luận. Đã có dư luận đặt ra câu hỏi, phải chăng các cơ quan chức năng của huyện Quỳ Châu có vấn đề?. Thực hư ra sao thật khó trả lời, nhưng rõ ràng là nếu chậm trễ hoặc không xử lý nghiêm sai phạm thì sẽ tạo hệ lụy. Đó là sẽ gây ra hiệu ứng dây chuyền, hiển hiện qua các vụ phá rừng tại xã Châu Thuận!.

Khu vực rừng bị chặt phá tại bản Chàng, xã Châu Thuận (Quỳ Châu).
Khu vực rừng bị chặt phá tại bản Chàng, xã Châu Thuận (Quỳ Châu).