Quỳ Châu và hiện thực hóa khát vọng vươn lên

Trong tâm thức của nhiều người, khi nói đến Quỳ Châu là nói đến một vùng đất có bề dày truyền thống lịch sử với nền văn hóa đặc sắc. Quỳ Châu cũng chính là trung tâm chính trị, kinh tế, văn hóa của Phủ Quỳ xưa kia. Trên khu vực Tây Bắc Nghệ An, Quỳ Châu ngày nay đã cho thấy khát vọng lớn lao để không ngừng đổi thay làm mạnh giàu hơn một Mường Chiêng Ngam trong hiện tại.

Huyện Quỳ Châu bắt tay thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ huyện khóa XXV, nhiệm kỳ 2015-2020 với rất nhiều thử thách của một địa phương miền núi cao, điều kiện địa hình hiểm trở, khí hậu khắc nghiệt, hơn 90% dân số là đồng bào dân tộc thiểu số (trong đó đồng bào Thái chiếm tới 80%), đời sống của người dân còn nhiều khó khăn. Tuy nhiên bằng việc xác định rõ hướng đi, vận dụng đồng bộ nhiều giải pháp, chú trọng thế mạnh, huy động tốt sức mạnh của toàn bộ hệ thống chính trị và người dân, Quỳ Châu đã tạo lập những bước đi vững chắc trong phát triển kinh tế – xã hội, bảo đảm quốc phòng – an ninh, nỗ lực nâng cao đời sống của nhân dân hướng đến sự phát triển bền vững.

Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Đức Trung thăm, kiểm tra tại các xã Châu Tiến, Châu Hạnh (Quỳ Châu).
Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Đức Trung thăm, kiểm tra tại các xã Châu Tiến, Châu Hạnh (Quỳ Châu).

Ngay sau khi Nghị quyết Đại hội Đảng bộ huyện khóa XXV, nhiệm kỳ 2015 – 2020 được ban hành, toàn Đảng bộ, chính quyền và nhân dân Quỳ Châu bắt tay triển khai ngay vào thực tiễn một cách có hiệu quả. Nhờ vậy, tốc độ tăng trưởng bình quân giai đoạn 2016 – 2020 của huyện Quỳ Châu đạt 10,4% (mục tiêu Đại hội 10 – 11%). Thu nhập bình quân đầu người tăng từ 16,2 triệu đồng năm 2015 lên 40 triệu đồng năm 2020/mục tiêu Đại hội 40 triệu đồng (đạt 100%). Thu ngân sách tăng từ 24,1 tỷ đồng năm 2015 lên 40 tỷ đồng năm 2020/mục tiêu Đại hội 40 tỷ đồng (đạt 100 % mục tiêu Đại hội). Giá trị sản xuất của ngành nông, lâm, ngư nghiệp đạt 686 tỷ đồng/679,5 tỷ đồng, vượt mục tiêu đại hội đề ra…

Cơ cấu kinh tế chuyển dịch theo hướng giảm dần tỷ trọng nông nghiệp, tăng tỷ trọng trong lĩnh vực lâm nghiệp.  Sản lượng lương thực tăng từ 20.844 tấn năm 2015 lên 22.920 tấn năm 2020. Xây dựng thành công 28 mô hình kinh tế mới, trong đó có 2 mô hình kinh tế trọng điểm (chăn nuôi bò sữa tại xã Châu Bình và trồng cây ăn quả tại xã Châu Hạnh). Phát triển 28 trang trại, 181 gia trại và thành lập 14 hợp tác xã nông nghiệp. Trồng mới rừng tập trung và trồng sau khai thác hơn 8.631 ha, sản lượng khai thác gỗ nguyên liệu đạt 569.225m3. Tổng diện tích nuôi trồng thủy sản đến năm 2020 đạt 260 ha, tăng 67ha so với năm 2015.

Kiểm lâm hướng dẫn người dân xã Châu Thuận xử lý thảm thực vật dưới tán rừng tái sinh; Mô hình trồng cam ở xã Châu Bình; Rừng nguyên liệu ở Quỳ Châu.
Kiểm lâm hướng dẫn người dân xã Châu Thuận xử lý thảm thực vật dưới tán rừng tái sinh; Mô hình trồng cam ở xã Châu Bình; Rừng nguyên liệu ở Quỳ Châu.

Chương trình mục tiêu Quốc gia xây dựng Nông thôn mới được các cấp ủy, chính quyền tập trung lãnh đạo, chỉ đạo, nhân dân đồng tình, ủng hộ. Tổng nguồn vốn huy động thực hiện chương trình giai đoạn 2016 – 2020 đạt 128,5 tỷ đồng, trong đó nhân dân đóng góp 22,3 tỷ đồng.

Hoạt động công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp trên địa bàn tiếp tục tăng trưởng và có bước phát triển mạnh. Giá trị sản xuất lĩnh vực này đạt 386 tỷ đồng. Tốc độ tăng trưởng giá trị sản xuất bình quân 5 năm 2016-2020 đạt 22,8%.

Hệ thống kết cấu hạ tầng tiếp tục được tập trung đầu tư, đặc biệt là các công trình trọng điểm đều được triển khai thi công xây dựng. Đến nay Quỳ Châu đã hoàn thành đưa vào sử dụng 249 hạng mục công trình giao thông, với tổng vốn đầu tư 802,2 tỷ đồng.

Mạng lưới trường lớp học cơ bản ổn định và được sắp xếp hợp lý, tỷ lệ học sinh trong độ tuổi đến trường đạt 98%. Chất lượng giáo dục toàn diện được nâng lên (tỷ lệ học sinh giỏi tăng 15,3% so với đầu nhiệm kỳ, đặc biệt có 4 học sinh đạt học sinh giỏi cấp Quốc gia. Đến nay đã có 34/37 trường đạt chuẩn, tăng 4 trường so với năm 2015, nâng tỷ lệ đạt 91,9% vượt mục tiêu đại hội đề ra.

Phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” tiếp tục phát triển cả về bề rộng lẫn chiều sâu. 100% số xã, thị trấn có thiết chế văn hóa – thể thao, trong đó thiết chế đạt chuẩn là 27,3%. Thực hiện tốt các chương trình về y tế; 100% trạm y tế có bác sỹ (vượt mục tiêu Đại hội); tỷ lệ xã đạt bộ tiêu chí chuẩn Quốc gia về y tế đạt 100% (vượt mục tiêu Đại hội). Công tác quốc phòng, quân sự địa phương không ngừng được củng cố tăng cường. An ninh chính trị ổn định, trật tự an toàn xã hội cơ bản được đảm bảo.

Giờ học tại Trường PTDTBT THCS Châu Phong; Hội diễn các CLB bảo tồn văn hóa Thái huyện Quỳ Châu; Tư vấn dinh dưỡng cho bà mẹ nuôi con nhỏ tại Trạm Y tế xã Châu Thắng.
Giờ học tại Trường PTDTBT THCS Châu Phong; Hội diễn các CLB bảo tồn văn hóa Thái huyện Quỳ Châu; Tư vấn dinh dưỡng cho bà mẹ nuôi con nhỏ tại Trạm Y tế xã Châu Thắng.

Công tác xây dựng Đảng, xây dựng hệ thống chính trị có nhiều chuyển biến tích cực. Sau sắp xếp đã giảm 7 tổ chức cơ sở đảng (đến nay còn 37 tổ chức cơ sở đảng); giảm 5 đơn vị sự nghiệp. Sau sáp nhập giảm từ 146 khối bản xuống còn 84 khối bản. Công tác phát triển đảng viên được quan tâm, từ đầu nhiệm kỳ đến nay đã kết nạp được 629 đảng viên.

Đảng bộ Quỳ Châu xác định chỉ tiêu tăng trưởng kinh tế bình quân 5 năm 2021-2025 là từ 9 – 10%. Giá trị gia tăng bình quân đầu người đến 2025 đạt 60 triệu đồng/năm. Cơ cấu kinh tế đến năm 2025 chuyển dịch theo hướng: nông, lâm, ngư nghiệp chiếm 30,7%; công nghiệp – xây dựng chiếm 25,6%; dịch vụ chiếm 43,7%… Để thực hiện được các mục tiêu đó, Đảng bộ đề ra 3 trọng tâm đột phá cho sự  phát triển.

Đó là đổi mới tư duy, sáng tạo; tập trung phát triển nguồn nhân lực, nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ từ huyện đến cơ sở năng động, sáng tạo đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ. Đẩy mạnh công tác tuyên truyền góp phần làm chuyển biến nhận thức cán bộ, đảng viên và nhân dân từng bước xóa bỏ tư tưởng trông chờ, ỷ lại để thúc đẩy Quỳ Châu phát triển bền vững.

Chú trọng phát triển các sản phẩm chủ lực, sản phẩm mũi nhọn. Đặc biệt là khai thác, sử dụng có hiệu quả đất rừng, chuyển đổi trồng keo nguyên liệu sang trồng keo lấy gỗ, trồng rừng gỗ lớn, trồng dược liệu… nhằm khai thác tiềm năng, thế mạnh của địa phương. Diện tích trồng rừng hàng năm được xác định từ 1.500 – 1.700 ha. Tỷ lệ che phủ rừng đến năm 2025 từ 75 -78%. Chuyển đổi 70% diện tích trồng keo nguyên liệu sang trồng keo lấy gỗ. Khôi phục và phát triển bền vững 958,9 ha rừng lùng, nứa tự nhiên. Bảo tồn và phát triển cây gỗ lớn bản địa, cây dược liệu dưới tán rừng, xây dựng các mô hình trồng cây dược liệu và dần hình thành các vùng trồng dược liệu đảm bảo cung cấp nguyên liệu cho nhà máy chiết xuất dược liệu trên địa bàn.

Lễ hội Hang Bua; Du khách trải nghiệm ở làng nghề dệt thổ cẩm bản Hoa Tiến; Làng nghề làm hương trầm ở Quỳ Châu.
Lễ hội Hang Bua; Du khách trải nghiệm ở làng nghề dệt thổ cẩm bản Hoa Tiến; Làng nghề làm hương trầm ở Quỳ Châu.

Phát huy nội lực, thu hút ngoại lực cho đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng kinh tế – xã hội, hạ tầng phục vụ du lịch, tập trung cho phát triển du lịch di tích danh thắng, du lịch sinh thái gắn với du lịch cộng đồng. Đầu tư tôn tạo, phục hồi và xây dựng cơ sở hạ tầng để phát huy các điểm du lịch như: Hang Bua, Thẳm Ồm, mộ Đốc binh Lang Văn Thiết, Bảo tàng văn hóa các dân tộc huyện, du lịch cộng đồng bản Hoa Tiến, Thác khe Bàn… Bảo tồn, khai thác và phát huy tốt các giá trị văn hóa dân tộc Thái. Tăng cường các hoạt động hỗ trợ và các chính sách thu hút đầu tư vào du lịch. Đẩy mạnh phát triển du lịch với bảo tồn, gìn giữ và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc. Làm tốt công tác đào tạo, bồi dưỡng nâng cao các kỹ năng và tính chuyên nghiệp trong hoạt động du lịch. Chú trọng loại hình du lịch cộng đồng, du lịch sinh thái. Đa dạng hóa các hình thức giới thiệu, quảng bá về du lịch. Kết hợp chặt chẽ phát triển văn hóa với phát triển du lịch.

Ngay sau khi Đại hội kết thúc, Đảng bộ huyện sẽ bắt tay vào triển khai các chương trình hành động, hiện thực hóa Nghị quyết Đại hội Đảng bộ huyện khóa XXVI vào thực tiễn. Đảng bộ và nhân dân toàn huyện quyết tâm thực hiện thành công các mục tiêu, nhiệm vụ đề ra, góp phần đưa Quỳ Châu phát triển bền vững, xây dựng vùng đất Mường Chiêng Ngam ngày một giàu đẹp, văn minh.

Cánh đồng lúa ở xã Châu Tiến, huyện Quỳ Châu.
Cánh đồng lúa ở xã Châu Tiến, huyện Quỳ Châu.